Gửi bài:

Ngày hè bên tô cháo lòng

Những giấc trưa hè oi ả, con rất mong cứ đến khoảng 2 giờ trưa là chiếc xe cháo lòng của bà Bảy lại cọt kẹt đẩy từ xóm đi lên trên đường.

(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời")

***

Ngày xưa con láo lắm, trưa ăn thật ít cơm, mẹ bảo sao không ăn, con vẫn khăng khăng "no quá mẹ ạ", nhưng có ai biết con âm mưu đến giờ trưa con đòi ăn cháo lòng bà Bảy nấu.

Nhà Bảy ở dưới xóm, cách đường khoảng 500 mét, Bà Bảy đẩy xe từ xóm lên và để xe cháo lòng tại sân nhà bà Chín kế nhà con, rồi sau 1 tiếng bà lại đẩy xe lên tận ấp 2 để bán tiếp. Con thương bà lắm, những hôm trời nắng, bà với chiếc nón lá mảnh khảnh, đôi mắt nheo nhíp vì nắng chói chang, mồ hôi bà tuôn ra nhưng trên gương mặt bà thì luôn tươi rói, con còn nhớ nụ cười của Bảy lúc tụi con xúm xít lại chơi trước sân nhà bà Chín. Thương bà nhất là những hôm trời mưa, chưa bán hết cháo lại vẫn tiếp tục mặc áo mưa đi bán, lúc về trời vẫn còn mưa và mưa còn có gió, con từ cửa sổ nhà mình nhìn ra, tự dưng con rưng rưng nước mắt...

ngay-he-ben-to-chao-long

Thân bà một mình vào đây sinh sống và buôn bán nghề nấu cháo lòng, quê bà cùng quê với mẹ con, cùng là miền Trung nhưng bà ở Quảng Ngãi, mẹ con ở Quảng Nam, con biết bà ăn không bao nhiêu nhưng bà phải cố làm để nuôi con nuôi cháu. Con luôn tự hào thay những người cháu của bà vì họ có một người bà thật anh hùng, con xin phép gọi là vậy, bao nắng mưa bà không quản, ở một ngôi nhà dựng tạm bà vẫn không sau nhưng khi nghe con cháu có việc thì bà lại rất sốt sắng. Đôi mắt bà còn sáng lắm nhưng nhìn thẳng vào sâu thì nó chứa đầy tâm trạng và rất nhiều nếp nhăn, không phải là nếp nhăn thuận theo tuổi già mà đâu đó con còn thấy nếp nhăn của sự tủi cực khi một mình thân già bà phải trải qua trong đất Nam này.

Ông bà con đã mất từ thời chinh chiến nên con rất muốn có một người bà, con rất mến bà không chỉ vì tô cháo mà bà nấu rất ngon - sau này ăn bất cứ nơi nơi đến tận bây giờ con chưa tìm thấy nơi nào, ở đâu bán cháo mà ngon như Bảy con nấu, mà là bà cũng rất mến con. Con nhớ, mùa hè là mùa mà cây hòn quân ra trái, biết con thích ăn nên bà đã hái nhà hàng xóm và khi đi bán trên đường nhà bà Chín thì trong túi Bảy là một mớ hòn quân tím rần, đỏ hỏn, ngon lành, thanh khát, chỉ là trái hòn quân thôi nhưng bọn trẻ chúng con cũng coi nhứ đó là một báu vật đó Bảy.
Năm tháng cứ tiếp tục như vậy, nhưng trong khỏang thời gian ngắn Bảy cứ bệnh lên bệnh xuống, con rất lo lắng, nhưng rồi gì đến cũng đến, Bảy trở bệnh, và con cứ ao ước Bảy lại khỏe và nấu lại món cháo lòng trưa hè tuổi thơ con.

Và mong ước con đã trở thành hiện thực, đợt đó con rất mừng là Bảy đã khỏe lại. Nhưng không lâu sau bệnh Bảy tái diễn lại, và điều con vô cùng sốc là những người con, những người cháu mà con từng nghe nói là Bảy dành hết tất cả tiền buôn bán với xe cháo nhỏ của mình nuôi họ, nhưng đến khi bệnh thì họ lại không có mặt chăm sóc Bảy, không chăm sóc đã đành họ cũng không gửi tiền cho bà có vài viên thuốc đề uống, bà tạm mượn mẹ con 150 ngàn để đi bệnh viện. Và đợt đó cũng là đợt bệnh Bảy cũng khá nặng, vì sợ có chuyện không may xảy ra tại nơi đất khách quê người, nên người nhà của bà, con nhớ không lầm là một người con của Bảy ở tận Quảng Ngãi phải vào Nam chăm bà và lo cho bà về quê cho tiện chăm sóc. Và thế là con tạm chia tay với tô cháo lòng thơm ngon nứt mũi ngày bé.

Một thời gian sau, con Bảy vào Nam có chút chuyện, và cũng tìm đến xóm nhỏ nơi mà Bảy ở, người con của Bảy đã hỏi thăm nhà mẹ con và đến nhà theo lời Bảy dặn là gửi trả mẹ con 150 ngàn và mẹ con thật sự thấy Bảy rất trách nhiệm, dù bệnh và khó khăn nhưng vẫn không quên ơn nghĩa mà những người giúp đỡ Bảy. Nhưng do vội quá, mẹ con chưa xin được số điện thoại liên lạc của người nhà Bảy, thế là mẹ con xuống xóm hỏi thăm tin tức của Bảy, và con mừng rơn khi mẹ con tìm ra được số điện thoại của Bảy. Con và mẹ cũng rất hay gọi cho Bảy, nhất là những dịp như hè hay Tết. Bảy vẫn nói chuyện vui vẻ, vẫn nhớ hết tất cả những người trong xóm mình, và mỗi lần gọi về cho Bảy con đều nhắn với Bảy câu này "Con nhớ và thèm tô cháo lòng của Bảy nấu quá, Bảy mau hết bệnh rồi vào đây bán tiếp nha Bảy", Bảy chỉ biết cười và nói "Ừm, hết bệnh Bảy sẽ vào một chuyến thăm mọi người trước khi Bảy yếu quá không đi tàu xe nổi".

Con trông chờ lời hứa của Bảy từ ngày này sang tháng nọ. Một phần con nhớ Bảy như nhớ một người bà của con và vì môt phần hương vị tô cháo lòng làm con nôn nao không biết khi nào con mới được ăn trở lại đây. Cũng như mọi lần, tết năm rồi 2017, mẹ con gọi về nhưng không phải bà bắt máy mà là tiếng của một người đàn ông, hỏi ra mới biết người đàn ông đó là con ruột của Bảy, và còn tin này con chẳng muốn nghe, nhưng cuối cùng buộc con phải nghe là ngày mồng 2 Tết Bảy đã theo ông bà về nơi chín suối rồi.

Con rất buồn và nhớ Bảy, nhớ thân hình gầy guộc, da đen nhẻm, mùi mồ hôi và mùi thuốc là Bảy phì phèo trong cơn mưa giá rét, nhớ ánh mắt Bảy nhìn con hay mấy đứa trẻ trong xóm mà Bảy nhớ cháu mình, giờ đây không còn nghe tiếng Bảy trò chuyện với mẹ con con, không còn ai để con đòi tô cháo lòng mà đã nuôi lớn thân hình cũng như tâm hồn con, món cháo lòng cho con no nê ngày hè, cho con có cảm giác con có một người bà và hơn hết Bảy cho con thấy tấm chân tình, hết mình và một mực yêu thương của Bảy dành cho những con người trong xóm, Bảy xem họ nhưng gia đình của Bảy.

Hè đến, nhìn sang gốc sân nhà bà Chín là con nhớ đến Bảy. Mặc dù Bảy không còn nhưng hương vị Bảy mang đến cho con cho mọi người ở nơi đây thì mãi mãi không gì phai hòa hay thay thế được. Một lần nữa con vẫn quyết định bình chọn cho món cháo lòng Bảy nấu là số một, ngon nhất từ thời thơ bé đến tận bây giờ. Và giờ con có thể tự hào khoe rằng, tuồi thơ con hạnh phúc biết bao khi con được lớn lên cùng với những con người mà con gọi đó là "anh hùng"!.

Ngọc Châu

Ngày đăng: 04/12/2018
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
Leo Buscaglia about risk
 

Cười thì sợ giống người điên.
Khóc thì bị kêu mềm yếu.
Đưa tay kết bạn thì rủi ro khi quan hệ.
Chia sẻ tâm tư thì như phơi bày trần trọi bản thân.
Đem ý tưởng, giấc mộng của mình trình cho đám đông mang rủi ro bị gọi là ngây thơ.
Yêu lỡ không được đền đáp.
Sống thì chịu rủi ro về cái chết.
Hy vọng mang rủi ro tuyệt vọng.
Cố gắng thì bị rủi ro vì thất bại.
Nhưng các rủi ro phải được chấp nhận và vượt qua vì cái nguy hiểm nhất cho đời người là không dám làm gì rủi ro.
Người không dám rủi điều gì là người không làm được điều gì, không có gì, và trở thành vô nghĩa.
Người ấy có thể tránh được những đau đớn và buồn bã, nhưng bạn đó sẽ không học gì, cảm nhận gì, thay đổi gì, phát triển gì hay yêu ai và sống thế nào.
Trói buộc vào nỗi sợ, người ấy biến thành nô lệ và từ bỏ tự do cho mình.
Chỉ những ai dám nhận rủi ro, người ấy mới thực sự tự do.

Leo Buscaglia

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage