Gửi bài:

Lũ đời

"Chiều nay mưa trên phố Huế
Kiếp gian hồ không bến đợi
Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài
Cho lòng nhớ ai..."

Không biết dẫu vô tình hay hữu ý mà nhà bà Ba cứ văng vẳng tiếng nàng ca nương da diết. Siêm ngồi đây, đôi môi mím chặt, tay tỳ trên mép cửa sổ. lặng người theo dư âm còn lại. Cha mạ ơi, răng mà đời giang hồ nó khổ! Đời nó nhẫn tâm! Và chị cũng đành não nùng đến là vậy.

Đêm tối lại buông màn. Chị khẽ nhìn lên vệt sáng mong manh trên tận nền trời. Sao mà lại quá xa xôi! Chị ước mình có thể với tới chúng bạn lấp lánh ấy. Chị muốn hòa vào lòng trời, rời xa cái cuộc sống chồng chất những lo toan, những nặng nề và cả sự tăm tối trong chính ngôi nhà của mình.

(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời")

***

Cái lành lạnh của mưa đêm đêm ôm lấy tấm thân bé nhỏ của người con gái tội nghiệp, và đưa chị vào miền thiên thai hoài niệm. Mười mấy năm trước, khi Siêm còn là cô gái quê không hơn không kém. Gia đình chị sống ở một miền duyên hải khô cằn, sỏi cát. Con gà con cóc chỉ biết kiếm ăn trên từng tảng đá chai sần. Còn gió mưa thì đã rửa trôi đi dáng vẻ yên bình trên từng khóm lúa, bờ ngô. Cô bé Siêm lọt thỏm giữa những bãi bể nương dâu. Căn nhà tranh thấp bé, tạm bợ trở thành nơi nương nấu cho năm con người. Ba chị ngày ngày bán từng bọc sữa đậu nành. Chiếc xe sữa của ông băng qua từng buổi chợ náo nhiệt. Vừa lên đôi mươi, Siêm làm thuê cho một xí nghiệp chăn nuôi gia cầm ở trong Nam. Cô bỏ quê ra đi vì sợ cái nghèo, cái khổ. Nhưng trốn chạy mãi liệu có được chăng, khi nơi đây, đất khách quê người, một mình cô, một cô gái bé nhỏ, đương đầu với sự đời đầy tréo ngoe, lắt léo.

lu-doi

Cánh chim trời lặng lẽ bay vào Nam tránh rét đánh thức Siêm dậy giữ giấc mộng xưa. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại trên trán, trên lưng và cả trên nét mặt thất thần của cô gái trẻ.

Vừa tờ mờ sáng, bà chủ nhà đã qua gõ cửa. Trong căn phòng nhỏ, những vệt sáng xuyên qua ô cửa sổ rọi lên đôi mắt lim dim. Chị gượng mình dậy đầy mệt mỏi.

- Có gì không cô Tám? Mới là rằm mà, cô thư thư cho con đến rằm con gom góp tiền trả cô được không cô?

- Ba tháng rồi đó cô nương, cô mau mau trả cho tôi đặng tôi còn sửa sang lại đường ống nước. Hổm rày nước khu này cứ chật vật, lại thêm điện tăng, gạo tăng, giống gì cũng tăng. Thư cho mày cả một mùa rồi còn gì con? – Bà Tám nhăn mặt

Siêm gật đầu trừ rồi vào phòng. Thế là hết một buổi sớm tinh khôi. Vừa mở mắt ra, chưa chi chị đã ăn lấy ca nước lạnh của miệng đời. Mà đời thì đâu phải là mơ, và chị cũng chẳng phải là công chúa ngủ trong rừng sâu thẳm. Khi ông mặt trời đường bệ bê mâm cổ đỏ hồng đằng đông, nàng công chúa bước ra cung điện, thả hồn vào muôn vạn sắc hương. Công chúa lướt trên từng lớp cánh hoa rơi, tay nâng niu vài giọt hương sắc nồng nàn. Nhưng tiếc thay khi cánh hồng phai màu dần đi lại nhẫn tâm kéo Siêm nhanh chóng khoác lên bộ áo công nhân tươm tất đến xí nghiệp. Mặt đường nhựa nóng rát da nằm im dưới bánh. Siêm ăn tạm vài ba ngàn đồng xôi, vội vội vàng vàng hơn cả đèn đỏ.

Xí nghiệp nơi Siêm làm là một xí nghiệp chăn nuôi tầm trung. Với chút kiến thức phổ thông, chút đỉnh tiền cầm theo, chị xin vào được đây đã là một diễm phúc lớn. Ngày ngày chị quấn quít với lũ gà công nghiệp. Chúng tâm tình với nhau bằng thứ ngôn ngữ đầy kì hoặc. Cô gái công nhân cũng cố gắng hòa nhịp với lũ bạn lông vàng. "Chíp...chíp chiu chíp" dần hình thành nên những bản hợp âm vui tay. Mà cũng chả có gì vui, toàn là những tạp âm đan hòa vào nhau trong phút ngẫu hứng thế thôi. Nhưng biết làm sao được, ở đây chỉ có lũ gà xem cô gái tên Siêm này là bạn. Người ta chê chị thất học, lặn lội vào tận trong Nam này kiếm kế sinh nhai. Người ta ỷ quyền bản xứ mà bỉu môi cô gái tội nghiệp này. Chị thèm bữa cơm gia đình với ba má, với chị và thằng em nhỏ. Chị thấy mình thật nghèo, thật thật nghèo, nghèo rớt mùng tơi, nghèo đến độ chẳng có gì, cả một gia đình để đi về sớm hôm cũng không. Chị chỉ có lũ bạn vô thức lông vàng này. Chị cố lắng nghe câu chuyện giữa chúng như nhà phiên dịch thực tài. Câu chuyện cứ kéo dài luyên thuyên bất tận, và đôi mắt huyền vẫn dõi theo đôi mỏ nhỏ xinh.

Lúc nào cũng vậy, đời quay Siêm như chong chóng mà phận nghèo nào cho phép chị ngơi tay, chóng mặt.

Một buổi chiều lại kéo mây. Siêm ba chân bốn cẳng trở về nhà. Đường tan ca giờ này đông lắm. Kẻ mua người bán hai bên đường cứ đua nhau léo nhéo. Xe máy nối đuôi nhau, nườm nượp, nườm nượp từng đoàn. Chiếc cánh én của Siêm cũng bon chen vào trong ấy, giống như cách chủ nhân nó lăn xả vào cuộc đời. Ánh nắng yếu ớt như đang dần dần khuất sau dãy nhà cao tầng cuối phố chào đón nét rã rời trên khuôn mặt kẻ lang thang. Siêm vừa đợi chờ lấy ngọn đỏ xanh, lòng lại lại vừa nao nao chút tình thân mật.

"Ta hỏi đời, đời có thương ta
Nếu cánh hoa tàn khi đương sắc
Như hạt cát vùi sâu lòng muối mặn
Ta hỏi đời, khi nào có thương ta
Ta hỏi đời, đời chẳng hiểu lòng ta
Khi tiếng đêm xẻ nữa vành trăng đợi
Đôi mươi qua chẳng chờ chẳng đợi
Ta hỏi đời, bao giờ mới yêu ta"

Nhớ hồi còn ngoài Huế, năm lên tám, chị phải chạy đua với lũ bạn nhà bên giành lấy suất vé cuối cùng đi coi chầu văn. Hồi ấy còn ngây thơ, người đầy bê bết sình lầy cũng là trò vui hơn cả. Vài năm sau, lúc Siêm mười hai, chị đã phải chạy đôn chạy đáo kiếm tìm nơi bán nước ngọt để vượt qua nạn đói dày vò. Chu choa mà nó khổ! Kiếm được hột gạo đã hiếm, kiếm được miếng nước ngọt nấu nước uống cầm hơi còn khó hơn hái sao trên trời. Thương làm sao hết cảnh tai bay vạ gởi! Người ta chỉ biết bấm bụng mà ngủ lấy ngủ để mong quên đi ám ảnh áo cơm. Chuyện cũ đã qua, kể hoài cũng chẳng hết được. Siêm nay đã hăm sáu, sáu năm qua đã cho ra lò con Siêm đầy cằn cỏi và bản lĩnh trước đường đời còn lắm chông gai.

Không biết ma xui quỷ khiến gì mà Siêm cứ trằn trọc cả đêm. Chuyện lũ vịt đương lớn coi như xong; chuyện tiền nong thì cứ đăng đăng đê đê ra đấy biết khi nào mới thoát cảnh ăn quán ngủ đường. Bất giác, Siêm lúi cúi lục lại đống sách vàng nâu cũ kĩ. Nhớ lại cảnh xưa kia, nhà Siêm khi ấy làm gì có tiền cho cô đi học năng khiếu tại trường. Bà Hai - mẹ Siêm cũng bận bịu ở ngoài chợ, với sạp hóa phẩm nhỏ hẹp. Cứ mỗi chiều về, ông Hai – chở chị trên chiếc xe đạp cà tàn, trên ghi-đông thì lủng lẳng ly đá me dang dở. Khoảng trời thanh xuân rực rỡ của Siêm trôi lửng lờ trong trí nhớ của cô nàng xuân sắc. Nhưng rồi một ngày bão giông chợt đến với miền quê nhỏ. Lũ lại tràn về, quét đi cuộc sống của những người dân lành. Người ta tỏa ra đi tìm chỗ ẩn nấu. Từng ấy con người chui kín mít lên ngôi chùa hoang trên mô đất phía sau trường làng. Ông Hai một mình vừa tay xách bao nhiêu là đồ đạc trên chõng hàng của má, vừa phải cõng Siêm vượt qua gió dập mưa vùi. Và có ai đâu ngờ đó là lần cuối cùng, Siêm còn được nắm tay ba.

Cũng đã tám năm trôi qua từ cái ngày định mệnh ấy nhưng sau kí ức của Siêm vẫn luôn hiện lên như in. Nắng đang chói chang bỗng vụt tắt. Mưa tạt ngang. Giông xé toạt cả bụi chuối sau hè. Cả bầu trời đất mây đen vần vũ. Đôi chân trần choạng vạng giữa lòng nước xiết. Ba Siêm chống chọi từng cơn giông mạnh. Người chiến sĩ thuở Gạc Ma vùng lên giữa muôn trùng nước chảy. Khúc củi ven đường cũng hóa thành vũ khí hạng cao, đặt chắc vào đôi tay thô ráp. Ông gắng gượng nắm lấy gốc cây bên lề. Gió mỗi lúc mỗi mạnh. Rồi tay ông trượt dài trên dãy đất bên bờ. Ông chới với giữa dòng thủy lưu. Hắn, tên độc ác ấy gián cho ông một cú đau đớn đến điến cả người. Mảnh cây cũng rã rời theo chủ, lật nhào ông xuồng sóng dữ. Ông trở thành "con cá" trên tay gã ấy. Mặt sông loang tràn dần dòng nước đỏ thẩm kéo lấy tấm thân gầy gò của kẻ phàm phu. Trận giông hồi nãy đã cắt lìa đi đôi tay ba Siêm. Tiếng thét đớn đau vang lên xé toạt bộ giáp kinh hoàng. Phải chăng gã Sa Tăng vì thế mà hoảng hồn, chúng trao trả ông về với quê hương yên bình trong những cơn thoi tóp sau cuối! Bà Hai hay tin, vội vội vàng vàng buông ngay nồi cá đang kho, lao ngay ra bờ sông. Nhưng liệu còn kịp chăng...Đôi tay gầy run lẩy bẩy như ra hiệu cho vợ. Ông Hai gắng gượng lấy chút sức tàn cuối cùng, bứt đứt cái nút quần, lấy ra tờ hai trăm nghìn với dòng nước rưng rưng. Tiếng chồng nhỏ dần bên tai mình, bà thất thần với nỗi mất mác khủng khiếp. Chuyến đò sang sông nay đã cập bến bờ kia đưa một chiến binh về với từng tấc đất Tổ quốc.

Bữa cơm chiều hôm ấy, buổi cơm mừng anh hai Hưng có việc mới ở xưởng giày trên thị xã, phút chốc lại trở thành tiếc nấc nghẹn của bao nhiêu con người. Lũ cuốn đi tình yêu cả đời của Siêm, cả nửa trăng non còn chưa tròn vành đậm nét.

Siêm bồi hồi lật sang trang thứ hai...

"Mưa đâu
Lặng lẽ rơi
Cả khoảng trời
Hơi đất nồng cay mắt
Có người tấp nập
Vặn vẹo khúc sông
Có kẻ đợi mong
Dáng anh chồng đãi vàng trong cát
Sóng hòa lời hát
Hỏi gió và mưa
Đã thôi chưa
Những ngày đầy giông bão"

Siêm lặng người cho những gì đã qua. Siêm ghét lũ, Siêm hận giông như chính nỗi ám ảnh về cái nghèo trong chị bấy lâu. Trong dòng nước bây giờ chắc đã thấm đẫm dòng nhớ mang tên ba của chị.

Những trang nhật kí đầu tiên khép vào trong dòng nhung nhớ. Nếu bây giờ Siêm còn ở quê chắc hẳn chị sẽ càng đớn đau hơn. Nhìn về dòng sông kia, về con lũ dữ dội và tàn ác, chị lại muốn xông ra đòi lại cái bình yên cho mình và cho cả những người dân cơ cực khác nữa. Ông trời nhiều khi chơi ác, chỉ vì trót sinh ra nơi đất cát mặn miền Trung mà số phận con người cứ luôn lênh đênh, dập vùi trên từng dòng nước xiết. Công bằng nằm ở đâu? Nằm ở đồng tiền! Nếu có tiền họ đã có thể dựng xây một nơi đi về vững chắc chớ đâu phải vất vơ vất vưởng, ăn nhờ ở đậu tại các khu lao động nghèo như vầy.

Dòng lũ ấy đã xuôi vào miền Nam. Siêm trôi vô định trong dòng nước ấy. Nó quấn lấy cô gái nghèo bằng sợi dây vô tình gay gắt. Nó cứa vào da thịt Siêm, xiết chặt vào tâm hồn Siêm. Thơ đã tắt, mộng cũng dần tàn, hoài niệm chỉ còn là dĩ vãng. Siêm đâu thể ôm mãi nổi ưu tư để rồi chết lịm trong chính cơn ác mộng của bản thân. Siêm không thể quên được dáng lưng cong cong gù gù từ từ mịt mù của ba; nhưng ở nơi nào đó xa xăm, ông Hai cũng chẳng vui vẻ gì khi đời chị cứ cong vòng như khúc sông hồi trước. Siêm đâu thể trở lại quê nhà khi trong tay không đồng tiền dính túi. Ở đây, người ta khinh, người ta làm khó làm dễ nhưng có cái ăn; còn về quê, gia đình chị lại thêm một lần nặng gánh. Bà Hai ngày nào cũng trông ngóng cô con gái út nhưng nào biết đâu nó đã ra đi biệt tăm. Siêm cũng ân hận vì quyết định này lắm. Nhưng biết làm sao được,cái này là ý trời rồi, cô không phải trời nên đành phó mặc cho biến thiên nhân thế.

Đêm. Lại đêm nữa rôi. Cái giá rét buông màn đến buốt cả chân. Cây bút của ông Hai từng tặng chị vẫn đơ ra ở đấy chẳng chút thu mình. Đêm nay, ông có đang về bên Siêm. Chị nhen nhóm suy tư: "ba chắc sẽ lạnh như cái lạnh của con răng ba? Con thèm đá me lắm rồi ba ơi?" Nhưng chắc dẫu chị có giá có rét thì cái ấm ấp ba ôm sẽ xua cả đi. Gió khẽ tạt ngang, lắc lư cái lá ngoài hiên, rồi dụi nhẹ lại ngủ sâu trên từng chồi biếc. Siêm giật mình tần ngần trước ánh trăng mờ mịt đêm nay. Gió mỗi lúc một mạnh, đánh liên hồi vào lồng ngực cô, bó chặt lấy cái bắp chuối gầy guộc. Siêm thu dọn sách vở cất vào túi, lặng lẽ trải manh chiếu mỏng ra sàn. Đêm nay sao dài quá, đã qua ba giờ đồng hồ rồi mà vẫn còn tối là vậy. Chắc có lẽ do bầu trời trong Siêm đang đen đúa quá đỗi. Trời Huế bây giờ chắc đang ngợp đầy ánh sao đêm. Và má chị, cùng các anh đang ngủ say giấc sau buổi chợ chiều vắng vẻ. Ánh trăng đêm lặng im trên nền trời cao mãi. Chốc chốc lại có ánh sáng nào chiếu tỏa vào khung cửa sổ cài then – nơi bóng hồng cô đơn đang chơi vơi lạc lõng đau đáu nỗi hoài mong "mong cho mạ trổ đòng đòng, đường về quê mẹ trải hồng cánh sen".

Joyce Bánh Mật

Ngày đăng: 09/12/2018
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
Henry Ford - studying and soul quote
 

Bất kỳ ai dừng học tập đều già, dù anh ta ở tuổi hai mươi hay tám mươi. Bất kỳ ai đang học tập đều trẻ. Điều vĩ đại nhất trong cuộc sống là giữ tâm hồn bạn trẻ trung

by Henry Ford

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage