Giấc mơ và tỉnh thức
"ĐỪNG TỪ BỎ " – là câu thần chú của Sam – một sinh viên chuyên Văn, thích viết lách, đam mê dạy học, không quá tệ với tấm bằng Đại học trong tay và hơn hai năm nằm nhà hóng nắng, nghe gió thở than.
(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời")
***
Trời ạ! Làm cách nào để tưởng tượng được con người còn đang độ tuổi trẻ nhiệt thành tươi đẹp ấy đã âm thầm chết dần trong ngần ấy thời gian không dài nhưng cũng không ngắn đó mà chẳng ai phát hiện ra để đem chôn cất nhưng rất may vẫn còn tồn tại một cơ thể biết động đậy điều đó có nghĩa là nếu trái tim lại một lần nữa được đánh thức và bộ não tỉnh giấc thì sự sống mới sẽ bắt đầu sinh sôi tốt hơn từ chính thể xác khô cằn kia.
Tốt nghiệp ra trường với duy chỉ một tấm bằng làm từ giấy cứng và hành lý đựng vào chiếc balo đời đó là tất cả ước mơ, lý tưởng. Để rồi bầu trời trong xanh từ từ chuyển qua một màu nâu sậm nếu không muốn nói là đen đúa hoàn toàn. Cuộc sống mới của Sam bắt đầu với chiếc balo đời mục ruỗng. Mỗi ngày đều vật lộn với những cuộc tìm đường, những túi hồ sơ xin việc, những cuộc phỏng vấn chỉ để mong tìm được một công việc phù hợp chí ít có thể kiếm ra tiền tự nuôi sống bản thân. Nhưng sự đời không như mơ, công việc nào phải bài thơ kiệm lời. Quả thật cơm áo không đùa với khách thơ mà! Trong quá trình tiềm kiếm ấy Sam cứ mãi miết, mãi miết đi,... cô cũng không rõ bản thân mình cần gì và đang tìm gì trong bao la sâu thẳm này.
Hôm nay như thường lệ, một ngày mới bắt đầu với khoảng trời xanh dịu mát, vài đám mây đã thức giấc từ rất sớm đang bay lượn chơi đùa cùng nhau. Sam đeo chiếc balo vừa đủ cũ kĩ cùng năm tháng, nó được mang về từ Huế khi Sam đi thực tế cách đây năm năm, màu sắc của nó như màu cuộc sống Sam bây giờ hoàn toàn đen đúa nhưng rất may người làm ra chiếc balo ấy cũng đã khéo léo may thêm vào đó một trái tim màu xanh ngọc mát rượi. Trong đó chứa vài bộ hồ sơ xin việc, một chai nước lạnh Sam mang theo nhỡ trên đường đi khi khát có mà uống vì Sam đã không còn chi phí để ăn một bữa sáng đàng hoàng nữa. Sam chỉnh tề với chiếc áo sơ mi trắng, quần tây đen và một đôi guốc cao, thú thật lúc mang guốc vào di chuyển với Sam có vẻ mệt nhọc nhưng mà nhà tuyển dụng thì tuyển nào là ngoại hình, nào là chiều cao mà Sam là một con nhỏ lùn còi nên đành phải ngụy trang thêm đôi guốc để trong dáng mình có vẻ dễ coi hơn. Rời khỏi nhà lúc 6h30', và cứ thế Sam đi qua con đường quê dài ngoằn đã được traỉ nhựa láng bóng, phía trước là một con sông không quá rộng, phía sau là các khu nhà thấp le te trải dài san sát nhau, sau nữa là những cách đồng lúa vàng rực, phản phất hương thơm thoang thoảng của mùi lúa chín.
Băng qua đoạn đường quê nhỏ đó Sam ra con đường lớn, trái ngược hoàn toàn với khung cảnh yên bình lúc nảy, ở đây xe cộ ồn ào, tiếng còi in ỏi, Sam đứng ở trạm xe buýt đón chuyến xe thứ hai như mọi khi. Như thường lệ, Sam ngồi ở chiếc ghế thứ ba cạnh cửa sổ. Hôm nay ngoài trời có mưa nhẹ, qua khung cửa kính của chiếc xe Sam thấy cuộc đời con người như vội vã hơn và đang lướt qua một cách vùn vụt như chuyến xe đang chạy này. Đến đèn đỏ xe dừng lại, Sam thấy những con người đang tất bật ngược xuôi trên con đường mưu sinh là chú bán vé số đang đội mưa mời khách, là chị bán hàng rong đang vội vội vàng vàng quảy gánh hàng trên vai để trú mưa, là một bạn đang đứng phát tờ rơ nhưng bị một vị khách phủi tay gạt đi, có thể bạn ấy là sinh viên muốn kiếm thêm thu nhập để trang trải cho việc học, bỗng chạnh lòng như có một mối dây đồng cảm với bạn ấy vì Sam cũng từng như vậy.
Âm thanh từ chiếc máy hát nhạc của bác tài bật lên
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi
...
Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày
...
Đó là bài "Cát bụi" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ôi! Sao mà giờ phút này đây, nghe những ca từ đó lại tê tái cả cõi lòng, thấy có gì như quặng thắt nơi tim. Và rồi phút chốc Sam phát hiện một nửa hồn của mình đang tìm kiếm mình sinh ra ở thế gian này vì lẽ gì và nửa kia đang đấu tranh vật lộn với sự sinh tồn khốn khó trong cái xã hội này.
Xe ngừng lại, đếm trạm xuống của Sam, vậy là hôm nay lại là một ngày vật vã nữa đây, Sam thầm nghĩ vậy. Hôm nay có bốn công ty, một công ty được bạn bè giới thiệu, hai công ty Sam tìm thấy trên trang tuyển dụng và một công ty Sam đọc được trên báo. Vậy là cứ thế mà làm, Sam đi đến từng công ty đã được lên lịch sẵn. Sau những hồi hộp, đợi chờ, hy vọng, cuối cùng câu trả lời nhận được là "chúng tôi sẽ thông báo kết quả cho bạn sau".
Đôi chân dường như không còn cảm giác sức lực nữa, nhích thêm một bước cũng thấy khó khăn vì cái nắng chói chang của mặt trời thiêu đốt mệt nhoài, Sam ngồi bệch xuống ven đường gương mặt phờ phạt nhìn dòng người qua lại, một chiếc lá vừa chao qua trước mặt rơi một cách thật khẽ xuống mặt đường đầy bụi, trong nó có vẻ úa vàng chắc vì thế mà không bám trụ vào thân cây được, nó giống số phận con người nhỉ. Nhặt chiếc lá lên Sam khẽ mỉm cười. Sam cứ lang thang bất định như vậy mà đi, cuối cùng không biết bản thân đã đi qua bao nhiêu con đường, đến bao nhiêu nơi chỉ biết là trời đã tối, Sam lại ở trong góc phòng quen thuộc của căn nhà mình. Cô chẳng buồn ăn, cứ thế ngã người lên giường, khẽ một hơi thở dài, bỗng chuông điện thoại reo vang, bắt máy Sam nghe giọng trầm ấm của một người phụ nữ ở đầu dây bên kia thì ra cô đã được nhận vào làm, đó là cuộc gọi thông báo đậu phỏng vấn, cuối cùng cũng đã tìm được một công việc văn phòng ở một công ty quy mô có danh tiếng. Vui mừng, Sam nhảy chân sáo trong phòng mình.
Mỗi sáng đều ăn mặc đẹp, trang điểm thật xinh vào rồi đến nơi làm việc, Sam nghe thấy tiếng mọi người xì sầm có vẻ vừa ngợi khen, vừa ganh tỵ thì phải.
Bà tư bán chuối chiên bảo với bà bảy đang đứng mua đồ:
- Con Sam nó như vậy mà giỏi quá được làm việc ở một nơi sang trọng như thế ai như con nhà mình làm cái công việc lương ba cộc ba đồng ở một chỗ không có tiếng tăm gì.
Bà bảy đáp lời:
- Ước gì con mình cũng được như vậy bà hé.
Nghe những điều đó Sam hãnh diện vô cùng, cô lấy làm kiêu hãnh ra mặt vì thế cô quyết tâm làm việc chăm chỉ hơn, dù có mệt mỏi cũng ép bản thân như một con robot cứ thế mà làm không ngừng nghỉ, hằng ngày chạy đua với mấy con số thống kê đến nỗi đầu óc quay cuồng. Sam không thích công việc đó một tẹo nào ngoài việc trả lương cao và là nơi biết bao người mơ ước, và cô ấy nghĩ nếu mình nghĩ việc ở đây chắc gì đã tìm được một việc khác tốt hơn, mọi người sẽ không còn ngưỡng mộ mình nữa, họ sẽ nói là mình bị thần kinh vì xin nghĩ ở một nơi làm tốt như thế, nghĩ đến đó Sam lại tiếp tục lao đầu vào làm việc, chạy đua với những con số. Nhưng cô ngày một mệt mỏi hơn, lúc nào cũng cảm thấy bực dọc không vui.
Về đến nhà Sam liền hỏi cơm đâu, hôm nay mẹ cô ấy quên không nấu cơm hay đã đi ra ngoài rồi. Cô ấy gọi mẹ ơi mà không thấy ai trả lời thế là cô ấy cáu gắt, quẳng đồ đạc lung tung, mặt mày cao có đi thẳng vào phòng. Hơn nửa năm làm công việc đó dường như Sam cũng thay đổi rất nhiều đến nỗi cả cô cũng không còn nhận ra chính mình. Lúc trước Sam rất hiền tính chưa bao giờ nổi giận hay cáu gắt, hơn nữa hai mẹ con Sam còn thường xuyên nấu cơm, học làm bánh cùng nhau, thế nhưng từ lúc đi làm ở đó đến nay cô rất ít khi ăn cơm với mẹ mình, ngồi vào bàn ăn thì mang theo cả đống giấy tờ để xem, bàn ăn trở thành bàn làm việc, cả một câu hỏi thăm nhau cũng không có mẹ con gần nhau ở không gian địa lý nhưng tâm tình thì ngàn vạn dặm cách xa. Bà Đông – mẹ của Sam cũng không trách mắng gì cả, chỉ lặng lẽ thu dọn bát đĩa, rồi khẽ khàng vào phòng con gái những lúc Sam ngủ quên để đắp chăn cho cô ấy, bà đứng lặng đó ngắm nhìn cô, một nụ cười hiền dịu khẽ hiện lên và một giọt nước từ mắt bà cũng vừa rơi xuống nóng hổi rồi bà trở về phòng mình với nét mặt xanh xao. Những điều đó Sam điều không biết.
Nhưng hôm nay bà Đông đi đâu rồi, Sam cứ cau có liên tục vì quần áo chưa ai xếp để vào tủ, bộ đồ đi làm của cô cũng chưa được ủi thẳng thớm.
Cạch...cạch...cạch tiếng gõ cửa nhà Sam, vừa bước ra thì thấy cậu bé hàng xóm hớt ha, hớt hải bảo: "mẹ chị đi chợ ngất xỉu ở đó, người ta đưa mẹ chị vào bệnh viện rồi nhưng cả ngày hôm nay gọi chị đều không bắt máy, còn đây là sắp vải mẹ chị mua nhưng chưa kịp lấy, người bán hàng gởi lại cho chị." Nước mắt chảy dài hai bên má làm nhòe tầm nhìn của Sam, cô đứng chết lặng vài giây rồi vội vàng lao nhanh đến bệnh viện. Khắp người mẹ cô đều gắn các thiết bị trợ bệnh, nào là bình oxy, nào là dây truyền nước biển. Bác sĩ không cho vào phòng cấp cứu. Sam đứng bên ngoài cửa kính nhìn vào, tim cô đập như muốn nhảy cả ra ngoài, tay chân lạnh cóng không di chuyển nỗi, qua ánh mắt nhòa lệ cô bỗng thấy mẹ mình đã ốm đi rất nhiều, đôi mắt hốc sâu, da nhăn nhúm cô ôm mặt khóc nức nở.
Hồi sau có một vị bác sĩ bước ra khỏi phòng, Sam vội chạy ngay đến vị bác sĩ, chưa đợi Sam nói gì ông bác sĩ kia liền hỏi: "Đây có phải là người nhà của bệnh nhân không?".
- Dạ phải, dạ phải - Sam vội đáp lời. Mẹ tôi sao rồi bác sĩ, bà ấy thế nào rồi, bác sĩ...bác sĩ nói cho tôi biết đi?
Một tràng câu hỏi từ Sam nhưng đổi lại là một gương mặt đượm buồn của vị bác sĩ kia và câu: "Bà ấy bị ung thư do không được phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh tình đã qua giai đoạn cuối. Xin lỗi chúng tôi đã cố gắng hết sức. Người nhà có thể vào gặp mặt lần cuối."
Sam quỳ sụp xuống, trống rỗng tê dại hoàn toàn với câu nói đó.... cô bỗng thèm được nghe mẹ nói, được ăn cơm cùng mẹ, được cùng mẹ làm bánh, xem tivi... tất cả những hình ảnh về mẹ cùng lúc ùa về như sợi dây thắt chặt lấy tim cô.
Reng...reng...reng tiếng báo thức vang liên hồi, giật mình tỉnh giấc nước mắt vẫn còn đầm đìa trên gối, cô lao vội đến phòng của mẹ không thấy bà đâu, cô vội chạy xuống bếp nhìn thấy mẹ đang nấu bữa sáng, chạy đến phía sau mẹ, Sam ôm chầm lấy mẹ mình. Cô thở phào nhẹ nhõm như người vừa tìm lại được điều gì quý giá. Gió bắc ùa vào căn nhà bé nhỏ, cơn gió sớm xuân se lạnh ấy hôm nay ấm áp và thoang thoảng vị bình yên đến lạ thường.
Xuân Phong