Bàn chân thầm lặng
Trời mưa to quá! Mưa rả rích, đôi lúc là cồn cào, dữ dội như cơn tức giận của ông trời dành cho nhân loại, cho những ai chưa biết phải yêu thiên nhiên bằng hành động như thế nào? Đôi khi, cơn nóng giận của ông trời hạ xuống, nhưng còn chưa nguôi ngoai. Tiếng mưa đập vào mái ngói kêu lộp bộp, lộp bộp... Âm thanh lúc to, lúc nhỏ. Tiếng mưa đập xuống những chiếc lá non tơ, của chuối, của hồng xiêm, của ổi, của mít, của cau, của bưởi, của xoài... mà mùa xuân đi qua để lại. Tiếng mưa đập xuống sân gạch, rơi lõm tõm, do tốc độ rơi của nước mưa, và vị trí mà nó cọ xát, nên sau khi rơi xuống rồi, nó không tan ra, mà bắn lên một đoạn ngăn ngắn, xòe tung xung quanh tâm của hạt mưa phía dưới, rồi hòa tan vào mặt sân sũng nước...
***
Ông đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng để ra đồng. Trên tay ông cầm một hai tấm lưới, lờ, nơm, vó... Ông cũng đã đeo giỏ do chính tay ông đan. Chiếc giỏ thật đặc biệt. Nó hình tròn tròn, bầu bầu được đan từ hai đầu ốp lại vào nhau. Phía trên của giỏ có một ô hình vuông nho nhỏ, để ông có thể bỏ những gì ông kiếm được vào đó. Phía trên ô nhỏ có một hình vuông kích thước đúng bằng diện tích ô đó, để ngăn những con vật bị bắt vào, không tài nào thoát ra được. Cầu trời, tha tội cho ông con! Vì nhà con nghèo, nên ông phải vất vả kiếm ăn bằng cách đó...
Ông vận trên người bộ quần áo cộc, sờn màu, cũ rích mà chỉ nhìn qua thôi, người ta cũng có thể hình dung ra tuổi đời của bộ quần áo đó. Trong nhà ông không có gì cả, chỉ có một chiếc ti vi đen trắng mà thỉnh thoảng phải mang đi sửa do bị mất hình, nhiễu sóng. Một chiếc đài thỉnh thoảng cũng hỏng, chạy băng cát séc hồi xưa mà phải bán mấy tạ thóc đi mới mua được. Vợ của ông, cứ thỉnh thoảng lại phàn nàn vì chuyện đó. Hai chiếc xe đạp không phanh, không gác đờ bu, gác đờ xen... cho hai cô con gái đi học trường xa...
Trong nhà có tất thảy những sáu miệng ăn, cả ông và ai cũng ăn không ít. Trong nhà có ba đứa con đi học, và tiền học phí tốn kém không ít... Được cái, những đứa con của ông, ngoan ngoãn vô cùng. Cũng bởi vì trước đây, cuộc đời ông thất học, nên ông sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời mình, cho những đứa con được cắp sách tới trường...
Ông cất những bước đi nhẹ nhàng, thanh thoát rời khỏi nhà. Trên người ông, còn một chút hơi ấm của thuốc lào ngấm vào mà nước mưa chưa kịp làm tan ra, trôi sạch vào bầu không khí sau mấy tiếng mưa tầm tã. Sau mưa, cảnh sắc, không khí, mọi thứ trên đời, như hoàn toàn được thay mới, chỉ có duy cuộc đời ông, mà mãi mãi vẫn vậy thôi, tựa như không bao giờ cái nghèo vơi đi, mà ngày càng nặng hơn.
Ông đi thẳng ra con sông Chìm, chạy từ bờ sông nổi phía trên khi vừa ra tới đồng và kết thúc là khu đầm rộng mọc đầy sen của cánh đồng hàng xóm. Ông không đi hết ra đó. Ở đó ông không được phép đánh bắt con tôm, con cua, con cá. Không ai cấm ông cả nhưng bản thân ông tự hiểu, mình không được phép vi phạm sang địa bàn của cánh đồng khác. Cánh đồng nhà ông, cũng không phải là địa bàn đánh bắt của ông, nhưng người ta vẫn luôn nghĩ vậy. Ông chưa từng vắng mặt, trong một cơn mưa nào trong đời.
Hồi ông còn nhỏ, bố ông cũng hay và còn thích thú làm công việc này. Bố ông, chẳng dạy gì ông cả. Ông không được học hành đến nơi, đến chốn, không phải do nhà không có điều kiện. Ngày xưa nhà ông là địa chủ. Sau cải cách, ruộng đất bị tịch thu hết. Rồi từ đó, cái nghèo cứ vận lấy cuộc đời ông.
Nhưng thời ông đi học, không mất tiền học phí, chả tốn kém gì. Vì mải chơi đánh đáo, say mê tới mức đến giờ đi thi học sinh giỏi rồi, ông vẫn chơi không chịu đi thi. Rồi thì bố ông cũng chẳng thiết tha gì với chuyện học của ông.
"Mày không thích học, thì tao cho mày nghỉ, thích làm gì thì làm".
Hẳn là bố ông nghĩ thế!
Ông, đi kiếm cá cùng bố ông.
Ngày xưa, ở miền quê cách ngoại thành Hà Nội chừng vài chục cây số này, cá nhiều vô kể. Có rất nhiều chỗ để đánh bắt cá. Mỗi lần đi đánh bắt cá cùng bố, hai bố con ông có thể đánh bắt được cả tạ, gánh ra chợ bán. Mà cá hồi xưa bán rẻ mạt, nhưng vẫn có tiền. Có tiền sẽ có thể làm được những việc mình muốn, như mua một món ăn mình thích chẳng hạn... Mẹ ông, hay đi bán cá...
Sau thời kỳ huy hoàng của việc đánh cá trong gia đình ông, có nhiều sự thay đổi đã diễn ra. Ruộng đất được chia, được bồi đắp khá nhiều. Đến thời ông chuyên tâm với việc kiếm cá sau khi bố ông đã qua đời, thì ngoài đồng chỉ còn vài con sông nho nhỏ. Con sông chìm, với bán kính hơn một mét, độ sâu vừa phải lại là con sông lớn nhất, sâu nhất chảy trong cánh đồng làng ông.
Cá đánh mãi rồi cũng phải hết.
Càng ngày việc đánh bắt cá càng trở lên khó khăn. Các con ông càng lớn, học phí càng cao. Phải làm thế nào đây?
Nhà ông có sáu người, có sáu miệng ăn thì được nhà nước phân phát cho hơn sáu sào ruộng. Lúc các con ông còn nhỏ, thì hơn sáu sào ruộng đó cũng đủ lo cho chúng ngày ba bữa, học phí đi học. Nhưng, rồi sáu sào đó không thấm vào đâu cả.
Ông có rất nhiều tài năng đan lát. Ông rất tốt, hay giúp đỡ mọi người. Đó là lý do vì sao mà cái ngày ông qua đời của mấy năm sau đó mà không ai rõ nguyên do, chỉ có thể là do làm việc quá lao lực mà ra, khắp bàn dân thiên hạ, đều đến tiễn đưa ông, như tiễn đưa người ân nhân đã từng giúp đỡ mình. Tuy được sinh ra trong một gia đình nghèo khó, vất vả, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ lắm rồi, các con ông, rất tự hào khi có một người bố như ông. Chỉ là, chúng không nói được với ông.
Ông đánh bắt dọc con sông, ra tới thửa ruộng chỗ ngã ba cống (giao của hai con sông vì có một con sông tới đó thì hòa vào dòng sông chìm nên nó thành ngã ba), thì ngừng lại. Chỗ đó có một cái cống tương đối dài. Khi trời mưa, cá hay bơi xuôi dòng nước. Do đánh bắt nhiều, hiểu được đặc tính sinh học của cá, ông hay dùng nờ đánh ngược dòng nước chảy xiết. Cá nếu bơi theo dòng nước, sẽ bị mắc kẹt trong nờ.
Ông dùng tiếp một tấm lưới khác, có mắt xích tương đối vừa phải, đứng trên bờ, dùng cái cần câu do ông tự vót, thả lưới dọc con sông phía gần ngã ba mà ra vị trí đó ông mới bắt gặp. Xong ông lại dùng chũm, bỏ ít cám rang thơm thơm vào trong giữa chũm, dùng một cái cần to và dài, thả từ từ chũm xuống chỗ ngã ba sông.
Ông không ngồi chờ. Cuộc sống không dạy ông ngồi chờ. Ông tiếp tục lượn lờ những con mương cạn ở phía trên, phía đối diện con sông chạy cắt ngang con sông Chìm để xem có con nhái, con cua nào không. Gà, vịt, ngan, lợn nhà ông đều cần thức ăn chứ không riêng gì người. Cho chúng ăn ngon, chúng sẽ nhanh lớn, nhanh cho thịt, nhanh thu được tiền... Đó mới là điều quan trọng hơn cả.
Ông đi chân đất, bàn chân đi trên cỏ thì có vẻ êm êm, nhưng đôi chỗ có mầm cỏ nhọn, sắc, cứng nhú lên làm cho lòng bàn chân ông đau. Không ai biết ông đau. Không ai biết ông lạnh. Ông cũng không có cảm giác lạnh hay đau. Ông chỉ biết, cần phải tập trung cao độ, để xem có con nhái nào lấp trong cỏ không, con cua nào ngoi ra uống nước mưa không? Và biết đâu, sẽ gặp con cá be bé nào cũng nên?
Ông đi hết một đoạn con mương, mất chừng khoảng mười lăm phút, thì quay lại. Ông nhất nờ, có cá. Nhưng cá không to. Chỉ có vài con tép, con tôm, con cua mắc kẹt. Vài con rô đồng khỏe mạnh đối lập hoàn toàn với dáng người mảnh khảnh của chúng. Rồi thêm mấy con giếc be bé.
Ông thu lượm chúng vào giỏ, rồi lại đặt chúng xuống vị trí cũ.
Ông đi cất vó và nhấc nước. Cũng không có gì khác biệt. Vẫn là những con nho nhỏ, bé bé đó. Nhưng không sao cả. Chúng không đáng của đồng tiền, thì chúng cho nhà ông có thức ăn. Nhà ông nghèo, nhưng hầu như ngày nào cũng có cá ăn. Ăn đến phát ngán. Có hôm, hai cô con gái ngồi xuống mâm cơm, nhìn thấy cá mà chảy cả nước mắt. Hai cô con gái ông, sợ ăn cá mà không biết phải làm thế nào để bảo ông biết, để ông không cho chúng ăn cá. Hai cô con gái ông, không biết rằng, trên đời này, còn có nhiều người không có cái ăn giống hai cô. Hai cô có được đi đâu ra khỏi lũy tre làng mà biết. Và có cái ăn như thế là tốt lắm rồi! Vì lúc nào cũng mải nghĩ đến món ăn mới, thành ra hai cô quên mất cả sự vất vả trong từng bước đi của ông, cho đến khi về nhà.
Nếu đánh bắt được ít, nghĩa là hôm ấy cá không đi nhiều. Ông sẽ không mất thời gian. Ông sẽ về nhà. Ông thích ăn cá. Dù ngày nào cũng ăn nhưng mà ông vẫn thích. Ông thích ăn thịt những con cá tươi ngon vừa đánh bắt về được cho vào nồi kho ngay. Mùi cá thơm phưng phức, ăn với cơm nguội thì ngon thôi rồi. Ông không biết rằng, việc đánh bắt, việc ăn những con cá do mình đánh bắt, là mang tội sát sinh. Đến một lúc nào đó, ông sẽ phải trả giả vì những việc ông đã làm.
Nhưng, ông không thể làm khác đi được. Ông còn phải gánh vác một ngôi nhà sáu miệng ăn. Ông không thể để các con ông thất học được. Nếu chúng không được đến trường, tương lai chúng cũng giống ông bấy giờ. Mà, cả cuộc đời ông đã phải sống trong ân hận, nuối tiếc rồi. Kể cả là chúng không học được, thì ông vẫn cho chúng đến trường. Ông không tiếc tiền, một đồng nào cả cho chuyện học hành của chúng. Nhưng, ông tiếc, dù chỉ một đồng mua gì đó cho bản thân ông. Bộ quần áo cộc ông mặc vào những hôm trời mưa như thế, đã mấy năm rồi. Mấy năm ấy, ông đã khoác chúng trên người, dầm mưa bao lâu không nhớ nổi. Có nhiều chỗ sờn rách, có nhiều chỗ khâu vá đường chỉ chằng chịt. Nhưng, ông không bận tâm.
Nếu trên đời này, có thể có nhiều người bố tốt hơn ông khi có thể lo cho con cái một cuộc sống ấm lo, đủ đầy, thì trên đời này, cũng không có một người bố nào như ông, dành cả đời hy sinh âm thầm, lặng lẽ qua những bước chân, để cho những đứa con ông có tương lai tươi sáng. Ông đã nhắm mắt lại, khi không còn sức để tiếp tục hy sinh nữa. Ông đã an nghỉ rồi, vào cái thời điểm mà gánh nặng gia đình nặng hơn bao giờ hết. Ông không dám dặn dò ai. Chỉ quằn quại đau đớn vài tiếng đồng hồ, rồi từ biệt thế giới tận cùng của nỗi đau khổ, vất vả, sang một thế giới, để trả nợ nốt kiếp làm người.
Nhiều năm sau đó, các con ông đã trưởng thành hết cả rồi. Chúng luôn ngoan ngoãn, nghe lời. Chúng làm được những điều ông mong muốn, khi còn sống...
Có một cơn mưa đi ngang qua thời gian, rơi xuống lòng Hà Nội, vào một buổi sáng những ngày đầu tháng Tư. Cơn mưa rả rích, rơi mãi không thôi. Rồi nhớ ông – nỗi nhớ người cha ấy, lại hiện về trong miền ký ức tuổi thơ tôi.
Hà Nội, ngày 04.04.2019
Hoa Lê