Gửi bài:

Bác sĩ bệnh viện

Cho đến thời điểm này tôi vẫn là bác sỹ dân tộc Dao duy nhất của viện, tôi đã trải qua nhiều ca mổ phức tạp nhưng dấu ấn về ca mổ đầu tiên và cái chết của một người mẹ vẫn luôn ám ảnh tôi...

***

bac-si-benh-vien

Tôi là một bác sĩ nữ người Dao vừa tốt nghiệp ở Đại học Y Hà Nội được phân công về đây mới được gần một năm. Bệnh viện tôi làm việc là bệnh viện tuyến huyện thuộc một tỉnh miền núi. Cả viện có tất cả 62 cán bộ và y bác sỹ, hầu hết là người địa phương, chỉ có 16 người là người tỉnh khác đến công tác, trong đó có tôi. Về chuyên môn thì đa phần các bác sỹ ở đây được đạo tạo theo hệ tại chức, chỉ có 5 bác sỹ được đạo tạo đại học chính quy trong đó có tôi. Giám đốc bệnh viện Trần Thà là một bác sỹ ngoại khoa người địa phương, năm nay anh đã 58 tuổi, anh là người luôn có sự đố kỵ về bằng cấp và trình độ chuyên môn với lớp trẻ. Nhất là anh thường có ý coi thường những cán bộ là người dân tộc như tôi. Bởi lẽ đó khi gặp những ca bệnh hiểm nghèo, anh thường phân công cho chúng tôi thực hiện cấp cứu, điều trị trực tiếp cốt gây khó dễ cho tôi và cũng để tránh những sai sót và giữ an toàn cho bản thân vì cũng chỉ còn 2 năm nữa là anh ta được nghỉ hưu.

Sáng ấy đúng ca trực cấp cứu của tôi thì có bệnh nhân bị tai nạn giao thông được đưa đến. Tôi và các y tá phòng cấp cứu khẩn trương làm các thủ tục nhập viện và cấp cứu cho bệnh nhận. Bệnh nhân là một phụ nữ 27 tuổi, chị đang có thai chỉ còn hai tuần nữa là sinh. Vụ tai nạn khiến chị bị dập nát chân trái, thai bị động, dẫn đến băng huyết, mất nhiều máu. Tuy bị rất nặng nhưng chị lại rất tỉnh táo. Tiên lượng cho thấy tình trạng của bệnh nhân rất nguy kịch có thể chết bất cứ lúc nào! Dường như cũng đoán được mức độ nghiêm trọng của mình bệnh nhân nhìn tôi khẩn khoản nói:

- Tôi bị nặng lắm phải không bác sỹ? Tôi thì không cần, chỉ mong bác sỹ hãy cố gắng cứu lấy con tôi! Chồng tôi anh ấy là bộ đội hiện đang ở mãi trên biên giới cơ. Vì anh ấy, mong bác sỹ hãy cứu con tôi!

- Chị yên tâm, mọi việc có chúng tôi, chị hãy bình tĩnh hít thở sâu vào. Chị sẽ không sao cả! – Tôi nói để động viên và lấy tinh thần cho chị.

Tôi nhanh chóng thực hiện cầm máu và cùng kíp trực làm tất cả các thao tác cấp cứu cần thiết. Sau khi họp hội chẩn, giám đốc Trần Thà quyết định mổ khẩn cấp để cứu thai nhi. Hội đồng hội chẩn cũng xác định ca mổ này chỉ nhằm cứu thai nhi chứ người mẹ rất khó cứu được. Và tôi được chỉ định thực hiện ca mổ. Phải nói đây là ca mổ đầu tiên của tôi từ khi đến viện nhận công tác. Trước đó tôi thường chỉ là phụ mổ. Thực tình khi nghe quyết định của giám đốc tôi cảm thấy rất bất ngờ và có cả sự bối rối lo sợ nữa. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu là tìm cách toái thác nhiệm vụ, nhưng ngay lúc đó tôi trấn tĩnh lại được và giữ im lặng. Cả phòng họp khi đó như trầm xuống, mọi ánh mắt đổ dồn về phía tôi. Có nhiều ánh mắt cũng tỏ ra bối rối, lo lắng như tôi, nhưng riêng với Trần Thà anh ta nhìn tôi với ánh mắt nửa như khiêu khích, nửa như thách thức. Tôi Biết đây là thử thách đầu tiên mà vị giám đốc này đưa ra cho tôi. Bởi lâu nay Trần Thà thường rất đố kỵ về trình độ chuyên môn với các bác sỹ khác trong viện nhất là với những người trẻ như tôi. Bởi anh là một bác sỹ năng lực chuyên môn còn nhiều hạn chế, lại hay dấu dốt. Trong nhiều tình huống xử lý chuyên môn của anh ở bệnh viện bị nhiều bác sỹ phản bác do gây những hậu quả không tốt. Khiến Trần Thà luôn tỏ ra khó chịu với những ai chống đối lại anh ta. Tôi biết anh ta đang đặt tôi vào tình thế không thể từ chối, một mũi tên trúng hai đích. Thứ nhất nếu tôi thành công trong ca mổ này thì anh ta sẽ nói đó là anh ta tạo điều kiện thuận lợi cho bác sỹ trẻ thể hiện tay nghề chuyên môn, và đó là anh ta "tin tưởng" vào lớp trẻ như tôi, không có sự phân biệt gì cả. Còn nếu thất bại thì anh ta sẽ loại bỏ được tôi, một trong những người mà anh cho là tiềm ẩn sự cạnh tranh trong chuyên môn đối với anh trong bệnh viện này. Bởi tuy mới về viện nhưng tay nghề chuyên môn của tôi khá vững, tính tôi thẳng thắn nên đã nhiều lần tỏ thái độ về các pháp đồ điều trị của anh ta do không phù hợp đối với bệnh nhân, nên anh luôn tìm cớ trù úm đối với tôi. Như vậy nếu thành công hay thất bại trong ca này anh ta chả làm sao. Còn về phía tôi thì duy nhất chỉ có một cách là phải thực hiện thành công ca mổ này phần vì danh dự, phần cũng vì trách nhiệm. Vì chỉ có thế tôi mới khẳng định được vị trí của mình.

Bỗng một cánh tay giơ lên xin phát biểu, mọi người nhận ra đó là bác sỹ Quý, Trần Thà gật đầu cho phép bác sỹ Quý phát biểu:

- Tôi thấy mọi khi những ca như thế này thường là bác sỹ Hoàng Vũ, theo tôi đây là ca nặng, nên để bác sỹ Vũ mổ thì tốt hơn.

- Trước khi đi đến quyết định này tôi đã suy nghĩ kỹ, bởi nếu chúng ta cứ để một mình bác sỹ Vũ mổ như vậy thì làm sao có thể đào tạo được những người kế cận, vả lại như mọi người thấy bác sỹ Bàn Man tay nghề chuyên môn cũng rất cứng, vậy có lý do gì mà ta phải thay đổi quyết định này chứ? Tôi tin tưởng bác sỹ Bàn Man sẽ làm tốt? Vậy ý kiến bác sỹ Bàn Man thế nào?

Suy nghĩ trong vài phút, lòng tự trọng khiến tôi im lặng không có ý kiến gì.

Trần Thà thấy không còn ý kiến gì khác liền kết thúc phiên hội chẩn:

- Vậy yêu cầu kíp mổ thực hiện khẩn trương theo y lệnh !

Theo chỉ định chúng tôi bắt tay vào việc. Tuy bị áp lực tâm lý khá căng thẳng, bù lại bác sỹ Hoàng Vũ phó giám đốc sẽ là người trợ mổ trực tiếp cùng tôi.. Anh có tay nghề vững và được anh chị em hết sức tin tưởng. Như vậy sinh mệnh chuyên môn của tôi đều phụ thuộc vào ca mổ này. Đây không khác gì một ca sát hạch.

Chúng tôi bắt đầu gây tê để mổ, bệnh nhân mất nhiều máu, mất cảm giác, thuốc tê dường như không mấy tác dụng, chị nhìn tôi với ánh mắt biết ơn, chị vẫn rất tỉnh táo, được tôi động viên nên chị cũng bớt căng thẳng chị bảo tôi:

- Bác sỹ hãy cứu con tôi, tôi hy vọng con tôi sẽ mạnh khỏe, còn về phần tôi, tôi chấp nhận mọi rủi ro.

Nhìn khuôn mặt nhợt nhạt cùng đôi mắt ầng ẫng nước của chị tôi thật sự lo lắng. Nếu thành công không nói làm gì, còn nếu thất bại thì tôi sẽ đau khổ và day dứt vô cùng. Tôi sẽ ăn nói với chồng chị ra sao? Một người lính ngoài biên cương, giờ này hẳn anh cũng chưa hề biết gì về tin dữ của vợ con mình nơi quê nhà. Tôi hít sâu một hơi để lấy lại tinh thần cho chính mình, Hoàng Vũ nhìn nét mặt tôi anh nói nhỏ đủ cho tôi nghe rõ cốt để trấn an cho tôi:

- Hãy bình tĩnh. Có anh bên cạnh em không phải lo gì cả. Tập trung cao độ vào tay dao, sao cho đường mổ chính xác nhớ chưa ?

Tôi gật đầu với Vũ và ra lệnh cho kíp mổ bắt đầu. Mọi thao tác của tôi lúc này đây cần phải thật sự chính xác và cần có sự phối hợp nhịp nhàng của kíp mổ. Điều quan trong lúc này là làm sao giữ cho huyết áp của bệnh nhân không tụt quá mức cho phép. Trong đầu tôi khi này chập chờn ánh mắt ẫng nước của sản phụ và những lời nói của chị "hãy cứu lấy con tôi"! Không khí phòng mổ căng thẳng, tôi nghe rõ từng tiếng lách cách của các dụng cụ y tế, cùng hơi thở nhè nhẹ của những người xung quanh.

Dưới ánh đèn huỳnh quang nhạt màu, chị nằm yên lặng trên bàn mổ, máu ở vết thương vẫn rỉ ra thấm đẫm trên lớp băng gạc. Con dao phẫu thuật trong tay tôi nhanh chóng được đưa xuống bụng dưới, lớp da, lớp mỡ, lớp cơ, niêm mạc... Người mẹ co giật, quằn quại, khuôn mặt biến dạng vì đau đớn. Thuốc tê dường như không mấy tác dụng. Tôi không thể chịu nổi khi chứng kiến những giọt nước mắt của chị rơi xuống lã chã. 10 phút... rồi 25 phút... đôi tay tôi khéo léo thực hiện các thao tác với dao mổ, bên phải tôi Vũ rất bình tĩnh, anh nhắc tôi từng thao tác...Sau hơn một giờ tập trung cao độ, cả kíp mổ thở phào khi cháu bé cất tiếng khóc oa, oa chào đời ! Tôi bọc cháu trong tã đặt sát bên phải mặt sản phụ. Điều kỳ diệu là chị còn khá tỉnh táo và nở nụ cười mãn nguyện khi nghe tiếng con trai khóc, chị cố rơ tay ôm lấy cái hình hài bé nhỏ của con. Hai hàng nước mắt chị trào ra ràn rụa, rồi chị nấc lên và trút hơi thở cuối cùng! Ca mổ đã hoàn tất, cháu bé đã được cứu sống. Nhưng người mẹ thì đã ra đi khi chỉ kịp nhìn mặt con một lần duy nhất!

Ngay đêm hôm đó chồng của chị từ đơn vị về thẳng bệnh viện, anh đau đơn khi đón nhận tin dữ, đứng trước mặt anh tôi cũng không kìm nổi xúc động, tôi đưa anh đến gặp con và nói với anh:

- Xin lỗi anh ! Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể nhưng chúng tôi không thể cứu được chị ! Chị là người mẹ rất tuyệt vời. Trong lúc lâm chung chị chỉ mong cứu được con trai cho anh! Như vậy đủ biết chị yêu thương anh nhường nào! Thành thật xin lỗi anh và chia buồn sâu sắc với anh.

Anh ôm con vào lòng nghẹn ngào không nói lên lời !

Tôi không ngờ ca mổ đầu tiên tôi thực hiện trong cuộc đời mình lại để lại trong tôi một nỗi ám ảnh lớn đến vậy. Đứng về mặt chuyên môn thì đây là một ca mổ thành công vì mục đích ca mổ là để cứu thai nhi. Nhưng cái chết của người mẹ cứ ám ảnh tôi suốt một thời gian dài. Nhiều đêm tôi mơ thấy chị, tôi nhìn thấy đôi mắt ầng ẫng nước của chị, chị khóc nhưng sau đó chị lại cười và cảm ơn tôi đã cứu sống con chị !

Sau ca mổ ấy uy tín của tôi một bác sỹ dân tộc Dao được đề cao, và sự mặc cảm của Trần Thà đối với tôi đã được cải thiện đáng kể. Hơn một năm sau Trần Thà về hưu, bác sỹ Hoàng Vũ được bổ nhiệm giám đốc bệnh viện và tôi được trên tín nhiệm cử giữ chức phó giám đốc bệnh viện. Cho đến thời điểm này tôi vẫn là bác sỹ dân tộc Dao duy nhất của viện, tôi đã trải qua nhiều ca mổ phức tạp nhưng dấu ấn về ca mổ đầu tiên và cái chết của một người mẹ vẫn luôn ám ảnh tôi, nhắc nhở tôi phải cố gắng học hỏi nâng cao tay nghề chuyên môn để làm sao có thể hạn chế những cái chết cho người bệnh! Tôi cũng luôn nghĩ nếu không có những khó khăn thử thách trước mắt thì hẳn cũng không thể có những thành công trong tương lai.

Chiều đầu hạ 13/5/2020

Bùi Nhật Lai

 

 

Ngày đăng: 13/08/2020
Người đăng: Lai Bui Nhat
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên
sunshine
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage