Gửi bài:

Xóm Gò

Thằng Lượm nghe xong mừng rỡ, một mạch chạy về tận nhà, vậy là từ nay về sau nó sẽ trở thành ông chủ. Nó sẽ kinh doanh, không còn phải cứ chân lấm tay bùn dưới cánh đồng đầy vất vả. Ước mơ của nó đã sớm trở thành hiện thực. Nó đã thuyết phục được ba má, nếu mua đất giá trên đó cao quá thì chuyển sang kinh doanh. Nó thừa biết, ước mơ này sẽ thành công vì đất ruộng nơi cụm dân cư giá khá cao, ba má sẽ không mua mà dành số tiền tập trung vào việc mua bán.

***

Từ ngày các cụm dân cư mọc lên liên tục, nhà sát, người đông, tiếng nói, tiếng cười, cuộc sống nhộn nhịp vui lên hẳn. Con đường đổ nhựa quá láng êm, xe qua bon bon không còn khó bởi bề mặt gồ ghề trông xấu xí. Hệ thống nước sạch cũng được đưa vào sử dụng, khác với trước, phải đi gánh từng thùng nước ở cái giếng làng. Gia đình nào có điều kiện hơn nữa thì khoan riêng cho mình một cái giếng bơm để sử dụng trong nhà. Chỉ cần lấy hai tay cầm cần bơm liên tục, tự động nước chảy ra rồi lấy thùng hứng. Tuy nước còn nhiều mùi phèn chua, nhưng dù sao cũng đỡ phải vất vả đưa vai đi gánh từ giếng trở về rất xa, tốn quá nhiều thời gian mà chỉ có được hai thùng nước. Bây giờ đã phát triển đổi mới rất nhiều, dần dần cái giếng bơm cũng ít ai sử dụng, thay vào đó là hệ thống nước máy, vừa sạch, vừa hiện đại, quá thuận tiện cho nhu cầu sử dụng sinh hoạt hàng ngày của từng hộ dân.

Từ lúc về khu dân cư sống cho đến bây tận giờ. Thằng Lượm nó yêu đời lên phải biết, không còn thấy cái cảnh sống trong một xóm mà có tên gọi là Xóm Gò, bao quanh bởi ruộng đồng vắng vẻ, nhà cửa thưa thớt, điện phát ra từ chiếc bình acquy, ngọn đèn leo lét yếu xìu, chỉ để đủ thắp sáng trong cái nhà sàn nhỏ, xung quanh bốn bề lặng lẽ như tờ. Đêm đêm tiếng ếch nhái kêu nghe buồn não ruột. Những năm mùa nước nổi tràn về, cái xóm nơi này nó càng buồn hơn, không gian bao trùm một màu nước trắng xóa, phải di chuyển bằng xuồng ba lá để vào bờ mỗi khi có việc. Nhà ai nấy ở, hàng xóm ít khi qua lại như những mùa khô. Mỗi đêm tiếng radio lại vang lên để giảm bớt cái u tịch đầy hoang vắng của một xóm nhỏ chỉ toàn nước lũ. Lâu lâu có tiếng tạch tạch của chiếc xuồng máy vừa chạy ngang, tạo thành làn sóng xô những cây cột nhà nghe ào ạt. Cuộc sống rất bất tiện lẫn khó khăn mỗi khi nước lớn, nước ròng về. Nhưng bù lại nơi này rất thuận tiện cho việc kiếm cá mưu sinh. Cứ mỗi sáng mai, mình minh vừa mới dậy, mấy chiếc xuồng nhỏ di chuyển trong sương mờ, cái dớn vừa đặt xuống, đến khi chiều trở lại, trong khoang xuồng đầy ắp cá, niềm vui hớn hở, chiếc xuồng lướt nhanh trở về nhà, bỏ lại cánh đồng mênh mông nước, những cơn sóng nhỏ đưa từng đám lục bình trôi xa.

Thằng Lượm chỉ vui trong thời gian ấy. Còn lại phải làm bạn nó chiếc radio với những chương trình cải lương đang phát sóng. Nhiều khi buồn quá nó hát liền mấy câu vọng cổ, giọng hát thật lớn, vang xa xa, để lấp đi cái nỗi im ắng đang trùm xuống không gian nơi này. Khi buồn quá thì rủ mấy thằng hàng xóm bơi xuồng vào bờ để đi lên xóm trên chơi, nhất là các lần đoàn ca nhạc hoặc hội chợ về trong sân banh của xã. Cứ thế qua hết mùa nước thì cuộc sống trở lại như ban đầu.

xom-go

Ngày thằng Lượm về khu dân cư ở, mừng như trúng số độc đắc. Nó chạy qua đám rau muống khoe với chị út Mén.

- Chị Út ơi... chị Út

Cái dáng bé nhỏ của chị út Mén đang lom khom hái rau muống, chiếc nón che khuất cái gương mặt trái xoan của chị.

- Cái gì mày hớn ha hớn hở vậy Lượm. Có chuyện gì.

Thằng Lượm thở dồn dập, nó lấy tay vịn ngực, mặt nhăn trả lời.

- Chị biết cái chuyện này chưa. Nhà em sắp về khu dân cư ở rồi đó.

- Tao tưởng đâu mày sắp lấy vợ chớ, hóa ra là cái chuyện về cụm dân cư. Tao biết rồi

- Chị Út biết sao không thấy vui gì hết vậy.

- Có gì đâu mà vui, ở đâu cũng được mà, miễn có đất thì mình sống thôi.

- Không dám đâu, cái chốn khỉ ho cò gáy này nó buồn muốn đứt ruột, về khu dân cư nó đông đúc hơn, vui hơn. Chị thấy đó có mấy cái nhà thôi, ngoài đồng, ngoài xá, vậy thì buồn chịu gì nổi.

- Mày cứ nói theo cái kiểu đó. Từ nhỏ đến lớn mày sinh ra và sống tại đây. Rồi có chết đâu, vẫn sống phà phà đó thôi.

- Chị già xưa quá, nếu khu dân cư không tốt hơn, thì nhà nước người ta tạo điều kiện để về đó ở làm gì.

- Không phải là tốt hay xấu, nhưng ở thì ở đâu cũng được. Huống gì mình đã ở đây từ rất lâu, giờ đi thấy trong bụng nó buồn buồn, lưu luyến làm sao ấy. Dù biết về khu dân cư ở sẽ vui hơn, thuận tiện hơn, đầy đủ hơn.

- Gì mà lưu luyến, hay là chị sợ lên trên đó rồi không còn rau muống để hái.

- Mày cứ chọc chị. Tao nói thiệt mờ.

- Cứ nơi nào phát triển, đổi mới thì mình đi. Cuộc sống là đi lên kia mờ.

- Lên trên đó rồi, còn đất thổ cư ở đây, nhà mày tính bán hay để đó sau này về ở.

- Ba má em sẽ bán đất ruộng, rồi lên đó mua lại để làm cho gần, riêng đất thổ cư là gò sẽ khó bán lắm, nhưng treo bảng để đó, ai mua thì cũng bán luôn.

- Mày còn chê không chịu ở thì ai mà mua. Riêng nhà chị giữ nguyên đó không bán dù chỉ là một tấc.

- Vậy là ở trên đó, rồi làm lúa dưới này hả chị.

- Ừ nhà chị tính vậy.

- Sao không lên đó mua làm cho gần.

- Ba má chị chê đất trên đó đắt. Với lại là đất của bà Nội để lại, nên không nỡ bán đi.

- Ba má chị cứ giữ cái quan niệm đó thì làm sao sống cho kịp với thời đại, thế kỷ 21 rồi mờ. Bán đi rồi làm chuyện khác, chớ đâu phải bán đi để ở không ăn xài đâu mà sợ. Nhà em thì bán hết, nếu lên đó mà mắc quá, chắc nhà em không mua, dùng tiền đó làm việc khác.

- Bộ nhà mày tính, nghỉ làm ruộng luôn hay sao.

- Dạ.

- Trời ơi, nhà nông là gốc quanh năm cấy cày, mà không làm ruộng thì làm cái gì bây giờ.

- Buôn bán.

- Trời đất. Thiệt vậy luôn hả Lượm

- Thiệt mờ. Ba má em tính mấy ngày nay rồi. Làm ruộng cực quá

- Chị nói thiệt nha Lượm. Dân nhà quê mà không vườn tược, ao chuồng, chăn nuôi, lúa đồng, thì rất dở. Mày không thấy sao, ở dưới mình bao nhiêu mùa thất bát, hết đạo ôn, vàng lùn xoắn lá, rầy nâu, lúa đủ thứ bệnh, mà họ vẫn làm, không buông bỏ, dù biết là lỗ. Mày hiểu vì sao không.

- Sao.

- Vì xứ mình làm ruộng là cái gốc đã có từ thời ông cha khai hoang lập nghiệp. Nên không thể nào bỏ được.

- Nói như chị út Mén thì người ta mở doanh nghiệp ra làm ăn để làm gì. Gặp em là em đã bán từ rất lâu để kinh doanh như họ, thời buổi kinh tế thị trường mờ.

- Tao chỉ nói vậy. Còn tính như thế nào là việc của nhà mày. Thật sự mà nói, ở đây từ xưa tới giờ đã quen thuộc, giờ đi chỗ khác thấy nó cứ buồn buồn làm sao. Không muốn đi chút nào, sống đâu quen đó, quen rồi thì lại không nỡ xa rời.

- Chị út Mén thấy đó. Điện đài thì không kéo ra được tận đây, bốn bên chỉ ruộng với lúa, mỗi năm mùa nước nổi về mình phải sống cùng với nước, đủ thứ cái khổ. Khác xa với cái xóm trong kia, họ có đầy đủ không thiếu thứ gì.

- Mày nói vậy cũng đâu có được, nơi mình ở chỉ lác đác vài cái nhà, lại nằm ngoài ruộng, mỗi năm mùa nước về thì hơi khó khăn 1 tí, nhưng vẫn sống được đó thôi. Còn xóm trong kia họ nằm trong bờ bê, nên họ đầy đủ hơn mình là phải rồi.

- Thế thì đi khỏi cái nơi quỷ này là điều tốt, không có gì phải buồn cả.

- Ừ thì tốt. Thôi tao về đây. Nói chuyện với mày nãy giờ không cắt được bao nhiêu rau cả. Mai không có giao cho mấy chị bán bún riêu với mấy bà nuôi heo xóm trên, chắc tao bị la quá. Thôi tao về đây, chiều rồi.

Thằng Lượm đứng nhìn cái dáng đi của chị út Mén ngang qua cái ao bông súng, rồi mất hút sau hàng cây ô môi đang trổ bông hồng hồng, trái dài thọc đen mun đang đung đưa theo gió. Nó lắc đầu trách rằng cái gia đình của chị út Mén đều lạc hậu quá đỗi, không chịu thay đổi tư duy để phát triển cùng xã hội. Nếu là nó thì sẽ tính theo chiều hướng đầy sự tiến bộ. Không phải cứ tối ngày bán lưng cho trời, bán mặt cho đất hết mùa này đến mùa khác, mà năng suất thì không được bao nhiêu. Nó trở vô nhà, xúc tô cơm, chan nước canh chua, bỏ vài lát cá lóc kho tiêu đi ra cây me chua, nơi có giàn bầu mà ngồi ăn trong niềm vui sướng dâng trào, nghĩ tới cái cảnh sắp tới sẽ được ở nhà mới, một nơi đông đúc, hiện đại như thế. Nó nở nụ cười trong cái nắng chiều nhè nhẹ đang trải đều lên cánh đồng lúa còn xanh non.

Ba má nó đi nói chuyện mua bán đất ở xóm trên chưa trở về. Cái nôn nóng lẫn hồi hộp luôn xuất hiện trên cái gương mặt rám nắng của nó. Đôi mắt cứ nhìn về phía bờ đê xa, nơi có hàng dừa thẳng hàng ngoài lùm cây to. Nó cầm tô cơm đi tới đi lui, xung quanh cái nhà sàn hết đứng rồi lại ngồi. Thấy thấp thoáng cái dáng của ba má nó đang đi tới cái chòi vịt che tấm bạt xanh. Nó bỏ tô cơm chưa ăn hết, vội vàng chạy ra hỏi dồn dập.

- Sao rồi ba má, họ chịu mua chưa, giá bao nhiêu, khi nào mình giao đất.

Ba nó phì phèo điếu thuốc, đôi chân vẫn cứ đi, tay chỉ về phía nhà.

- Về nhà đi rồi tao nói cho nghe.

Má nó vừa đi vừa nói:

- Sao mày không ở nhà ăn cơm trước đi mà chạy ra đây. Xong xuôi hết rồi. Họ đã đồng ý mua, người ta đưa trước 1 số tiền, số còn lại khi nào giao đất họ đưa đủ luôn.

Thằng Lượm nghe xong mừng rỡ, một mạch chạy về tận nhà, vậy là từ nay về sau nó sẽ trở thành ông chủ. Nó sẽ kinh doanh, không còn phải cứ chân lấm tay bùn dưới cánh đồng đầy vất vả. Ước mơ của nó đã sớm trở thành hiện thực. Nó đã thuyết phục được ba má, nếu mua đất giá trên đó cao quá thì chuyển sang kinh doanh. Nó thừa biết, ước mơ này sẽ thành công vì đất ruộng nơi cụm dân cư giá khá cao, ba má sẽ không mua mà dành số tiền tập trung vào việc mua bán.

Nó ngồi xuống cái bàn dưới giàn bầu mà cười 1 mình, đợi ba má về bàn tính việc dọn nhà để về khu dân cư sống. Nhìn đi, nhìn lại chưa bao giờ thấy chán cái nơi nào như nơi này. Buồn hỉu buồn hiu, chỉ làm bạn với gió mát trăng thanh, những cánh cò lả lơi bay trên cánh đồng lúa, đàn trâu nối nhau về trong cái chiều nắng vàng hanh. Buổi sáng thì đỡ hơn nhiều, có người nông dân đi ngang thăm ruộng nói chuyện cũng bớt thấy buồn, nhưng chiều về và màn đêm xuống lại là cái nỗi hiu quạnh nó trùm lên căn nhà nhỏ. Nó chép miệng, tự nói một mình " thế mà từ xưa sống được cái cảnh này cho tới bây giờ, quả đúng là thiên tài". Nghĩ tới cái nơi người ta sống, nhìn lại nơi mình thấy tủi vô cùng, nên việc đi khỏi mảnh đất này mà không hề lưu luyến cũng là điều quá dễ hiểu đối với nó.

Cả đêm cái nhà nó lục đục dọn đồ để mai dời lên nhà mới nơi cụm dân cư sống. Sáng đó cái nhà trống trơn, chỉ còn những vật dụng linh tinh còn sót lại. Xe đã đến chuyển đồ đi, vậy là từ nay về sau nó không còn dính dáng gì tới cái mảnh đất nơi này nữa, cả nhà nó rời đi, bỏ lại cái căn nhà có cây me chua đã gắn liền với họ mấy chục năm dài.

Từ ngày về khu dân cư ở, thằng Lượm nó yêu đời quá xá, cái mặt lúc nào cũng cười nói cả ngày. Cả nhà không còn ai làm ruộng nữa, họ chính thức lột bỏ cái vỏ nông dân, tất cả số tiền bán đất ruộng giao cho thằng Lượm kinh doanh. Hai ông bà chỉ có việc ngồi ở nhà mà hưởng thụ cuộc sống, trước kia vất vả bao nhiêu thì bây giờ hưởng lại bấy nhiêu. Đôi khi cũng thấy buồn chán vì bản chất người nhà quê mà ăn không ngồi rồi cũng thấy khó chịu. Từ đó công việc kinh doanh của thằng Lượm cũng gặp vô số khó khăn, càng ngày càng thua lỗ, nó đành phải đóng cửa tiệm, trả mặt bằng lại cho người ta, thế là cái ước mơ kinh doanh của nó cũng lụi tàn kể từ đó. Gia đình nó rơi vào khó khăn chưa từng thấy, ngay cả nhà hết gạo mà chẳng có tiền để mua, đành phải vay mượn hàng xóm, nhưng đâu phải ai cũng rộng lượng mà cho mượn suốt. Công việc làm ăn thất bại, khiến con người nó đầy áp lực lẫn mỏi mệt, đôi khi cần một chút tĩnh lặng của không gian cũng chẳng có. Đường xá thì còi xe inh ỏi, xung quanh nói chuyện ầm ầm, bao nhiêu thứ khó chịu cứ nhét vào đầu nó. Giờ này nó chỉ muốn quay trở lại sống một cuộc sống bình dị nơi cái xóm gò. Nơi đó, chưa có một ngày nào nó đói, tuy cái còn ít nhà cửa, cuộc sống còn khó khăn vì chưa đổi mới, nhưng mỗi khi có chuyện gì, họ đều chung tay giúp đỡ để vượt qua tất cả. Nhiều đêm nằm gác tay lên trán suy nghĩ, hai hàng nước mắt của nó chảy dài. Phải chi ngày đó nó đừng đua đòi theo cái lối sống hiện đại, cứ an phận làm người nông dân bình thường, đừng đem tất cả đất ruộng đi bán, thì có lẽ bây giờ mọi chuyện đã không xảy ra như thế này. Nhìn ba má tiều tụy âu lo về kinh tế gia đình, nó càng thêm buồn. Ngày ấy ở trong cái xóm gò, tuy nhỏ nhưng sao nó bình yên đến lạ thường. Còn giờ sống trong cái lối hiện đại rộng lớn, nhưng sao nó chật vật đến khó thở. Nó thèm được về như những tháng ngày chưa từng đi.

Hôm nay nó trở lại thăm cái xóm gò, từ lúc đi tới giờ nó chưa bao giờ về, nhìn cái căn nhà sàn vẫn còn ở nguyên vẹn, lòng nó chợt nhói lên cái nét buồn. Còn cái gì nữa, ngoài cái đất thổ cư có cái nhà sàn đang rao bán. Nó từng sống ở đây, tuổi thơ gia đình êm ấm hạnh phúc là đây. Nhớ hôm nào nó chê nơi này, muốn đi khỏi càng sớm, càng tốt, thế mà bây giờ trở lại thấy thương nơi này vô cùng. Cây me chua bên hông nhà đã có từ bao giờ. Từ lúc nó mới chín tuổi, còn ở truồng tắm mưa với đám bạn, cây me chua đã cao quá đầu. Nay đã cao hơn cả cái mái nhà tôn, đã trải qua bao nhiêu gian khó, hết mùa nước nổi đến gió mưa giông bão, cây me chua vẫn đứng sừng sững, rễ bám chặt cái mảnh đất này để mà sống. Giấc ngủ thời thơ ấu của nó đã khắc dấu. Buổi trưa hè cọt kẹt tiếng cánh võng đong đưa dưới gốc cây me chua, cái gió của xóm gò, đưa những lá me khô rơi xuống lả tả, như quạt ru nó ngủ say sưa, thổi vào hồn mùi vị quê thật mát lạnh. Trong giấc mơ có tiếng cười yên ả, cánh cò bay thẳng tắp, những cây lúa vẫy chào, màu xanh ngút ngàn nhuộm vào tâm hồn của nó thắm biếc. Lớn lên tí tay chân lấm lem bùn, mang mùi hơi thở của người nông dân, cái gốc làm nông đã có từ bao nhiêu thế hệ. Thế mà giờ nó lại chê cái nghề nông, không muốn sớm hôm phải vất vả bên ruộng đồng, chỉ muốn làm một công việc khác, nhổ cái gốc nhà nông. Chán cuộc sống nơi này và quyết định ra đi.

Nó rơi nước mắt khi nhìn lại cái căn nhà của mình, tuy tồi tàn đơn sơ, nhưng chưa bao giờ lo nghĩ, vắt chân chạy đua trên ngã bon chen đường đời. Nó hối hận, khi quyết định bán sạch đất ruộng để làm một công việc mới. Một cái sai lầm quá nghiêm trọng, đến khi làm ăn thất bại mới nhận ra thì đất ruộng đã không còn. Nó buồn bã, gỡ cái tấm bảng bán đất thổ cư đang treo lơ lửng trên cành me chua, nó quyết định sẽ không bán đi cái đất có căn nhà này nữa. Sau này mà lập gia đình, nó sẽ về sống tại đây như những tháng ngày chưa từng đi. Nó dựa đầu vào cây me chua mà khóc trong sự tiếc nuối khôn nguôi. Ngày xưa nghèo nhưng sống bình an giản dị, vô tư nhưng rất hạnh phúc, tình làng nghĩa xóm cũng thắm thiết như ruột thịt trong nhà. Còn bây giờ lên khu dân cư, nhà cửa đông đúc, nhưng mạnh ai nấy sống, cuộc sống rất tấp nập khiến con người phải mỏi mệt để đuổi theo, ngay lúc đó họ chỉ ước " muốn có được một cuộc sống bình yên, không bon chen với dòng đời". Nó đi xung quanh cái nhà, nhìn hết nơi này đến nơi khác, đâu đâu cũng có cái bóng dáng một thời của nó, đôi chân nó cứ như bị hút dính chặt dưới đất, không nỡ lòng nào bước đi thêm một bước nào nữa. Kỷ niệm tràn về trong tâm trí, xung quanh cứ tái hiện lại cái khung cảnh của thuở nào gia đình còn đây. Nó nghĩ thầm trong bụng " rồi tôi sẽ trở lại sống mãi với nơi này". Nó quay lưng ra đi, bỏ lại căn nhà sàn cũ kỹ đầy nét điêu tàn. Những chiếc lá me khô rơi trong chiều gió lộng xuống đầy đầu. Nó vừa đi, vừa nhìn những cánh cò trắng nối nhau bay về tổ, thầm nghĩ: rồi nó cũng như cánh cò ấy, cũng sẽ trở về trong thiêng liêng tiếng gọi tha thiết hai từ quê hương.

Nó bước đi, cái nắng ấm chiều quê cũng dần dần sắp tắt phía bờ đê xa.

Quang Nguyễn

Ngày đăng: 14/11/2020
Người đăng: Nguyễn Quang
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
Henry Ford - worry quote
 

Một người sợ tương lai, sợ thất bại thì đã tự giới hạn năng lực của mình.

by Henry Ford

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage