Gửi bài:

Cô đơn cũng không khóc

"Chợt nhớ những ngày mà tuổi trẻ là thứ tiên dược thần kì. Niềm kiêu hãnh bước qua mặt trời trên mỗi chuyến đi..."

***

K bảo với tôi hãy ở lại.  

Năm đó tôi 18 tuổi, kiên quyết kéo chiếc va li đầy từ điển, nồi cơm điện, áo dạ bông chần, tiến vào phòng cách li không một chút do dự chần chừ. Sân bay Nội Bài, sảnh quốc tế, người la liệt, túi xách hành lí la liệt. Tôi đi thẳng mình, sự dũng cảm ánh lên trong đáy mắt. K ở lại phía sau, yên lặng, bàn tay từ từ tuột khỏi tay tôi.

K dặn "Hãy cẩn thận. Cô đơn cũng không được khóc!". Tôi gật đầu, mỉm cười. Những lời yêu thương đột nhiên không nói được. Cứ tắc nghẹn nơi lồng ngực. Thành một nỗi buồn lấn cấn kéo dài đến suốt nhiều năm tháng sau này.

30 phút sau, trong phòng chờ. Trước mắt mình, tôi thực sự nhìn rõ một vùng trời từ nay khuyết mất bóng hình K. Máy bay chuẩn bị cất cánh. Trái tim chao đảo.

Cô đơn cũng không khóc

***

Paris. Mùa thu.

Căn hộ áp mái hình chữ nhật 12 mét vuông, có một ô cửa sổ nhỏ vừa lọt thân hình bốn mươi bốn kí, một mét sáu mươi của tôi. 8h sáng bắt đầu vào học. Nhà ở tận vùng ngoại vi số 5, ngồi RER mất gần một giờ đồng hồ, đổi tàu 2 lần nữa thì đến trường.

Buổi trưa hâm nóng hộp cơm mang theo, ngồi ở giữa một rừng lá vàng, nghĩ giờ này chắc K vừa ngủ dậy. Hà Nội còn nóng lắm. Ở đây đã phải mặc áo len nhẹ, quàng khăn, đi ủng. Không có lấy một chút bụi nào.

Đi học thật vất vả. Vì không thể ghi bài kịp lời thầy giảng, cuối buổi học nào cũng phải mượn bài bạn để chép lại cho đủ. 7h tối, đeo tạp dề, bắt đầu giờ phục vụ ở nhà hàng Việt Nam. Nghe người phụ nữ gốc Hoa nói tiếng Việt giọng dè bỉu, chê bai. Tất cả những hành trình này, mỗi lần K hỏi tôi đều bảo "Paris rất vui. Đi học rất thích. Đi làm rất tốt." Những lời yêu thương vẫn tắc nghẹn trong lòng.

K lại dặn. Cô độc cũng không được khóc.

Tôi không khóc. Thật lòng. Mùa đông đầu tiên tuyết trắng xóa Paris chỉ sau một đêm tháng Mười Một. 6h sáng, mà trời vẫn tối om, hóa ra tuyết đã phủ kín cái ô cửa kính duy nhất trong nhà. Tôi lót một cái xô ngay bên dưới, khe khẽ mở chốt. Tuyết đổ phịch xuống, rơi vãi xung quanh, lấp lánh. Những ngón tay rón rén chạm vào thứ bông xốp lạnh. Giật mình nhớ đến hơi ấm từ bàn tay K. Nước mắt rịn ra. Muốn nói một lời yêu thương quá đỗi. Gọi điện cho K, ở đầu dây bên kia, giọng K ấm áp. "Ấy đang nghẹt mũi đấy à?"

Không được. Cô đơn cũng không được khóc phải không...

Cô đơn cũng không khóc

***

Lyon. Mùa Xuân.

Cái chồi non bé tí ở bệ cửa nhà Ella rất đẹp. Nó được phủ một lớp nhung tơ ở bên ngoài, thuần khiết và ấp ôm nhiều hi vọng. Tôi nghĩ thế.

Ella nói ở Lyon lúc mùa xuân, kể cả những dòng sông cũng hát. Ừ, có thể lắm, hai con sông ấy ôm lấy thung lũng này miệt mài. Đứng trên Passarelle Paul Couturier mà cứ ngỡ là đang ở Hà Nội, một ngày đẹp trời vòi vĩnh K dắt đi xem con rùa ở đền Ngọc Sơn, quả quyết đó là một khúc gỗ mục xấu xí bị đánh véc ni.

Lang thang trong kí túc xá INSA giờ nghỉ trưa thể nào cũng gặp học sinh Việt Nam nói giọng Hà Nội ngồi đầy các dãy bàn ăn. Ra đến Guillotiere thì tôi va vào Nguyên. Thời khắc ấy cứ bỡ ngỡ trong lòng. Nhắm mắt mở mắt, đột nhiên nhìn thấy nhau mới nhận thức rõ, 9 năm đã trôi qua như nắm cát dù có cố giữ chặt cũng luồn qua kẽ tay mà rơi hết cả. Nguyên cao lớn, vững chãi, không còn là cậu nhóc tóc đinh mỗi ngày đều để kẹo trong học bàn tôi nữa.

Chúng tôi cứ nhìn nhau. Mối tình đầu của mình. Vào một sớm mùa xuân, đột nhiên xuất hiện. Diệu kì cũng được mà định mệnh cũng được. Nguyên tiến gần đến, đỡ lấy đống túi xách đi chợ nặng trĩu trên tay tôi. Mối tình đầu của mình. Đã trưởng thành. Đã là một người đàn ông thực thụ. Dù nụ cười răng khểnh kia vẫn không hề thay đổi. Mối tình đầu của mình. Trong veo.

Cô đơn cũng không khóc

***

Hà Nội. Tết.

Mưa phùn lất phất. Đêm 28, tôi đi bộ cùng K nhiều vòng trong phố cổ. K mua cho tôi một xiên thịt nướng thơm lừng. Thỉnh thoảng dừng lại ở góc đường, ánh đèn vàng âm ấm, K sửa lại khăn cho tôi.

"Paris về nên chê Hà Nội không đủ lạnh hả?". Tôi ôm chầm lấy K. Giữa phố. Đầu dụi vào ngực K hít hà. Những lời yêu thương vẫn tắc nghẹn nơi lồng ngực. Cho đến nhiều năm tháng sau này vẫn không tài nào hiểu được. Lí do gì mà chẳng bao giờ nói một lời ngọt ngào với nhau trọn vẹn. Không yêu. Không nhớ. Không thương. Và cũng không khi nào hỏi nhau tại sao lại vậy.

Có lẽ khi đối diện với những thứ chênh chao không rõ tương lai. Chúng tôi đã sợ hãi không dám tạo nên kỉ niệm cho nhau. Bằng lời.

Sáng Mùng Một. Hà Nội vắng hoe. Tôi ngồi ở trước cổng nhà cắn hạt dưa tí tách. K cứ gom lại một đống thì tôi lại tung rải khắp khoảng sân trước mặt. Phải làm thế để biết là đang Tết. K chẳng phàn nàn gì, lại miệt mài cắn thả đầy lòng bàn tay tôi. Tôi vươn vai uể oải. "Rồi mọi người cũng sẽ bỏ Hà Nội mà đi hết!".

K mỉm cười lặng lẽ. Nụ cười buồn đến nỗi tôi thấy mình cần phải ngả đầu lên vai K. "Cơ mà chỉ có ấy là ở lại thôi K nhỉ!". Lời nói buông rơi rồi mới biết mình dại dột. Yêu thương vốn dĩ mắc kẹt trong lồng ngực nay càng không thể tìm lối thoát ra.

Về Hà Nội, thỉnh thoảng đi gội đầu với mẹ. Buổi trưa đi chợ chọn một ít rau mồng tơi, nấu canh tôm. Buổi chiều, ngồi vắt vẻo ở ban công cạnh chậu ngọc lan với bát chè hạt sen âm ấm. Hà Nội mới thật là nhà. Không phải lo lắng gì, không gì phải sợ hãi. Hà Nội không vội vã. Hà Nội hiền. Đi bộ loanh quanh lần nào cũng ngỡ mình đi lạc, tìm cớ ngồi phịch xuống chiếc ghế gỗ con con, xin một cốc nước chè âm ấm.

Đôi khi cứ tự hỏi, thế này mà cũng bỏ đi được hay sao?

Cô đơn cũng không khóc

***

Helsinki. Giáng Sinh.

Nguyên đi chương trình trao đổi một năm ở Phần Lan. Ngày 23 tháng Mười Một đã gửi thư bảo đảm đến nhà tôi một cặp vé khứ hồi Paris - Helsinki đi kèm một tấm bưu thiếp nhỏ viết ngắn gọn "Em sang đây với anh! Anh nhớ em! P.S : Mang nhiều quần áo ấm nhé!".

Thế là đi. Gói ghém mấy cái áo bông to xù, mặc vào cứ lặc lè như gấu. Ngồi máy bay 3 giờ đồng hồ thì hạ cánh ở sân bay Vantaa, Nguyên đã đứng đợi sẵn với vòng tay mở rộng. Tôi chạy ù đến, cảm thấy ấm áp và gần gũi vô cùng.

Helsinki dễ khiến người ta muốn tự tử. Tôi bảo với Nguyên như thế. Tuyết dày phủ khắp nơi. Trong thành phố thì lẹp nhẹp ẩm ướt đến nỗi có cảm tưởng cứ phải đi lội sình. Ngồi xe bus từ trung tâm về nhà Nguyên mất tầm 20 phút, và đó là 20 phút thật diệu kì. Trên xe lúc nào cũng chỉ có bốn hoặc năm người ngồi rải rác, yên lặng và cô độc. Những con đường đi qua hầu như không có lấy một bóng người, nhà nào cũng là nhà gỗ sơn trắng, co cụm ba bốn cái rồi lại tách xa nhau ra nhiều quãng. Và Nguyên chưa bao giờ quên nắm chặt lấy tay tôi.

Ngày lễ Giáng Sinh, chúng tôi bắt tàu đến Rovaniemi, quê hương của ông già Noel. Nguyên bảo vì không muốn tôi tự tử nên nhất định phải đưa tôi đến ngôi làng diệu kì này. Những ngôi nhà gỗ với cây thông rực rỡ, bánh quy gừng hay món tráng miệng đầy bột quế. Buổi sáng tỉnh dậy đã thấy Nguyên chống cằm nhìn tôi trìu mến, khe khẽ vuốt mấy lọn tóc mai lòe xòe trước trán. "Anh nhớ em quá!".

Tôi quàng tay qua người Nguyên. Vẫn chưa thể tin rằng mình đã gặp lại mối tình đầu bé dại. Kiểu tình yêu mà trẻ con tin tưởng rằng sau này mình nhất định sẽ lấy cậu ta. Kiểu tình yêu mà em thú bông xinh đẹp nhất ở nhà sẽ được âu yếm gọi bằng tên của cậu ấy. Kiểu tình yêu mà đi thăm quan thì nhất định phải nắm tay nhau khi xếp hàng. Ừ, tôi vẫn chưa thể nào tin được.

Log in vào gmail từ một ngôi làng Bắc Âu phủ trắng xóa, tôi nhận được email của K.

"Ấy ơi, Giáng sinh hạnh phúc nhé! Hà Nội cũng se se lạnh rồi...!"

Cô đơn cũng không khóc

***

Praha. Mùa hạ.

Năm đầu tiên, tôi phải thi lại 2 môn. Lịch sử hiến pháp Pháp và Lịch sử Châu Âu. Đi học bao nhiêu năm, hai chữ thi lại khiến lòng tự ái bị tổn thương ghê gớm. Nghỉ hè, nhất định không về, vùi đầu vào học.

Thi xong nhận luôn công việc lên núi cùng với Ella thu hoạch trái cây suốt 2 tuần. Đứng ở trên đỉnh đồi, gió phần phật thổi băng qua cánh đồng đầy những ụ rơm khổng lồ trông như ổ bánh cuộn phết mật. Buổi sáng dậy từ 5h30, ăn sáng với ngũ cốc và sữa tươi, uể oải vươn vai ngái ngủ chui ra khỏi lều mà giật mình vì lạnh. Đến trưa, mặt trời đã rực rỡ ngay trên đỉnh đầu, mồ hồi túa ra như tắm. Ngày đầu tiên trong đời thu hoạch phúc bồn tử. Cảm giác mình cứ như là nông dân thực thụ. Đến lúc nghỉ, ra bồn rửa tay, nước lan đến đâu vết xước lộ ra đến đấy, chi chít ngang dọc, đau thì ít mà tủi thân thì nhiều.

Thế là đột nhiên nước mắt trào ra, gọi điện cho Nguyên khóc ngon lành. Nguyên cứ luôn miệng "Anh thương, anh thương" trên điện thoại.

Mùa hè năm đầu tiên, tôi không về Hà Nội. Tháng 8, K theo mẹ đi thăm chị gái ở Cộng hòa Séc, nghỉ lại ở Praha 2 tuần. K nhắn tin bảo K sẽ ghé Paris thăm tôi. Tôi một mực gạt đi. Để tôi sang Praha vì cũng chưa được đến đó bao giờ. Chúng tôi gặp nhau trên cầu Charles. K cầm tay tôi, nhìn thấy đám vết xước đã lành, dịu dàng hỏi.

- Tay ấy làm sao thế này?

- Tớ đi hái trái cây trên núi...vui lắm!

- Thế có đau lắm không?

Nhìn ánh mắt K đầy thương cảm, Tôi cứng cỏi gồng mình. "Có tí vết xước thôi ấy mà! Tớ có sao đâu!"

Lúc chia tay nhau ở sân bay, K đeo vào cổ tôi một viên đá pha lê màu ngọc bích hình ngôi sao bé xíu. K dặn dò "...Đừng khóc nhé!". Ừ sẽ không bao giờ khóc. Đứng trước K, tôi luôn là một cô gái 20 tuổi dũng cảm. Lòng kiêu hãnh trong tim chỉ cần nhìn thấy K là vươn thẳng lưng mạnh mẽ.

Cô đơn cũng không khóc

***

Aix-en-Provence. Tháng Sáu.

Người ta bảo nếu đã một lần trong đời được đặt chân đến nước Pháp với người mình yêu, hãy đừng quên những cánh đồng hoa oải hương tháng sáu.

Tôi thích đi tàu vòng quanh nước Pháp, Nguyên cũng vậy. Những chuyến đi không quá dài, trầm mặc băng qua rừng, qua đồi, qua cánh đồng...mỗi lần đều mang theo biết bao niềm lưu luyến bé nhỏ. Cứ nghĩ đến là lại khát khao đi, bỏ quên tất cả, mà đi. Trong hạnh phúc.

Thành thật mà nói, tôi không thích hoa oải hương vì bản thân không thể hiểu được sự vô vị từ chúng. Nhưng đứng trước một cánh đồng tím ngắt, ngả rạp vào nhau dưới ánh nắng vàng mượt mà như mật, bàn tay nằm trọn trong tay Nguyên. Khoảnh khắc ấy, suốt cuộc đời sẽ vĩnh viễn ghi tạc lại, chú thích ngắn gọn trong năm từ "Tuổi thanh xuân tươi đẹp". Vậy là đủ.

Nguyên mùa hè ấy đã hỏi tôi về K bằng một thái độ rất từ tốn và ân cần. Nhưng tôi muốn Nguyên đừng hỏi. Dù rằng đó là sự ích kỷ hết sức vô lý, nhưng tôi muốn Nguyên đừng hỏi. Bởi vì trong lòng mình, tất cả những gì dành cho K cũng đã được ghi tạc lại cùng Hà Nội, cũng được chú thích rằng "Tuổi thanh xuân mãi mãi".

***

Hà Nội. 2010.

Tôi về Hà Nội cùng Nguyên, lần đầu tiên. Tháng Hai, Hà Nội mưa phùn lạnh tê tái. Buổi tối hẹn gặp K ở một quán vỉa hè ăn chân gà nướng, uống vodka Hà Nội. Tôi đi với Nguyên. K đi cùng bạn gái mình. 4 người ngồi sát vào nhau trong đêm, hít hà, suýt xoa. Tôi chống cằm, mỉm cười nhìn K ủ tay cô bạn gái trong tay mình, thi thoảng lại thổi nhè nhẹ cho ấm. K ngẩng đầu lên nhìn tôi pha chút ngại ngùng. Chúng tôi không nói gì nhiều, không nói gì quá sâu sắc, quá to tát. Đến tầm 11 giờ thì chào tạm biệt nhau, đi ngược về hai hướng.

Nguyên ôm vai tôi hỏi. "Em có buồn không đấy?".

Ừ, tôi có buồn không nhỉ? Có thể buồn không khi bấy nhiêu thời gian đã đi qua như một trận mưa rào mùa hạ. Có thể nào buồn không khi bản thân mình là người đã quyết định không ngoảnh đầu lại một lần nào, tiến vào phòng cách ly sân bay một ngày xưa cũ ấy? Có thể buồn không nhỉ khi đứng trước người đàn ông mà mình đã có nhiều tình cảm, sự kiêu hãnh luôn dẫn lối cho trái tim?

Tôi nắm chặt lấy tay Nguyên. "Không, em không buồn anh ạ!"

Nhưng mà. Tôi biết mình đã luôn hối tiếc một điều duy nhất.

Những ngày tháng ấy. Khi tuổi trẻ là thứ tiên dược thần kì. Nhẽ ra tôi nên một lần nói với K.

"Đôi lúc cô đơn...hãy để em được khóc!"

Cô đơn cũng không khóc

Phan Ý Yên

Ngày đăng: 29/09/2012
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Gia vị người Thái Tây Bắc
cô đơn trên mạng
 

Có thể quan trọng nhất không phải là muốn cùng ai lên giường, mà là muốn sáng mai cùng ai dậy và pha trà cho nhau

Cô đơn trên mạng (Janusz Leon Wiśniewski)

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage