Gửi bài:

Người chịu tội

Từ hồi bé, tôi đã thấy người ta gọi bác là "ông Tính hâm" và gọi các con bác là "con nhà Tính hâm". Cứ mỗi khi thấy bác vác cày, kéo trâu ra đồng hoặc gánh cỏ đi ngang qua là người ta lại nhếch mép, hích vai nhau:

    - Kìa, lão Tính hâm kìa.

    - Ừ, mấy đứa con nhà ấy y hệt bố, đứa nào đứa đấy đen như con cua.

    - Bực lão này thật, mấy hôm trước tôi thấy lão nhổ cây sấu non tôi mới trồng trước cửa mà không làm gì được.

    - Thôi, chấp làm quái gì lão hâm ấy, càng ngày càng hâm nặng.

    Cũng đã có lần ngồi cùng đám trẻ chăn trâu, thấy bác gánh cỏ ngang qua, tôi cùng bọn trẻ réo lên:

    - Ông Tính hâm ơi! Ông Tính hâm!

Và chỉ thấy bác mỉm cười, vẫn cắm cúi gánh cỏ đi. Bác là một người đàn ông cao ráo, vóc dáng khỏe mạnh, da đen cháy. Trông bác gánh cả một gánh lúa lớn cứ nhẹ nhàng như không, đẩy cả một xe bò đầy đất rất khéo léo.

Suốt năm ra đồng bác chỉ toàn cởi trần, mặc cái quần cộc nhem nhuốc, mùa đông thì bác có thêm cái áo rét đã rách bươm và một cái mũ lông cũng rách. Tôi thấy đến tận bây giờ người làng tôi vẫn còn nói câu này:

    - Khỏe nhất cái làng này chắc chỉ có lão Tính hâm, quanh năm cởi trần dãi nắng dãi mưa mà đố ai thấy lão ấy ốm bao giờ.

Lúc bé, tôi vẫn thắc mắc tại sao bác ấy hâm mà lại có thể ra đồng làm việc bình thường, thậm chí là chăm chỉ hơn nhiều người, không quên ngày tháng thời vụ, làm không thiếu việc gì của nhà nông.

Ừ, thì đúng là bác Tính là người hâm thật. Hồi tôi mới biết về bác, tôi nhớ là bác hay đi nhổ những cây non người ta mới trồng, rút trộm những thanh tre làm hàng rào quanh vườn nhà người ta, hái hoa quả nhà người khác nếu có cành chĩa ra đường...

Ngày ấy, bác Tính chỉ biết làm ruộng thôi. Nhưng bây giờ thì khác...

    ***

Bác Tính làng tôi cứ như nhân vật lão Quềnh trong truyện "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của Nguyễn Khắc Trường. Cũng là môt con người khốn khổ, lầm lũi như một chiếc bóng, hiền lành vô hại, cũng chỉ tồn tại chứ không sống trọn vẹn, cũng hâm, và xung quanh cái sự hâm ấy cũng nhiều giai thoại. Đến bây giờ tôi vẫn chưa biết tại sao bác lại trở nên như vậy.

Từ lúc lớn lên tôi chưa lần nào tìm hiểu về những gì đã xảy ra với bác. Hồi bé thì tôi được nghe người ta thêu dệt nhiều lắm. Nào là lão Tính hâm hâm là do bị ma ám một hôm ra đồng đánh dậm buổi tối. Nào là lên chùa lấy trộm đồ cúng, bẻ cây cối nên bị thần phạt. Nào là vào đền Gióng ăn nói bậy bạ, đại tiểu tiện bừa bãi, lại trèo lên cả mấy bức tượng thờ ở ven đường dẫn vào đền, bố mẹ không mang đồ lễ lên cúng bái nên bác mới bị thánh "bẻ chân". Rồi có người hiền lành thì chỉ bảo đơn giản là bác bị ốm mặng một trận nên sinh ra lẩn thẩn như vậy.

Tôi hỏi bác dâu tôi, bác là người làng này gốc, chắc rằng mọi chuyện bác đều rõ, bác mắng:

    - Người ta hâm thì hâm thật, những không phải là chỗ cho lũ trẻ ranh chúng mày trêu chọc. Từ rày, phải gọi là bác Tính, tao mà nghe thấy mày gọi là "ông Tính hâm" nữa thì tao bảo cho.

Rồi bác tôi bảo là những người như bác Tính là những người chịu tội thay cho những người khác, không được châm chọc, phải tôn trọng họ.

Bác lại kể, ngày xưa hồi còn đi học, bác Tính là người đẹp trai, học giỏi nhất làng này, ít người bằng được. Bác không nói tại sao bác Tính lại bị như vậy. Tôi cũng không hỏi nữa. Và bao năm trôi qua, cũng chưa khi nào tôi đi tìm một câu trả lời chính xác cho việc ấy, nhưng từ sau lần ấy tôi không bao giờ trêu chọc những người điên mà tôi gặp trên đường, những con người kém may mắn hơn tôi và nhiều người khác. Bây giờ và sau này vẫn sẽ như vậy.

    ***

Là người dở hơi, nhưng bác Tính có vợ con hẳn hỏi. Vợ và các con bác là những người rất bình thường và cũng hiền lành, chân chất.

Hai người con lớn hơn tuổi tôi, đứa con gái út kém tôi một tuổi. Hồi bé, tôi ghét con nhỏ này lắm. Nó gầy gò leo kheo, đen đúa nhem nhuốc như que tăm mốc. Đã vậy, nó cũng đánh nhau, nghịch ngợm, chửi tục không kém gì lũ con trai chúng tôi. Tôi lúc đó tự nhủ sẽ chẳng bao giờ thèm chơi với con nhà có bố dở hơi.

Anh con trai lớn càng lớn càng đẹp trai, chị gái thứ hai cũng ưa nhìn. Hai người học xong rồi lần lượt đi làm, lập gia đình.

Chỉ có Mai, cô con gái út, là học hành dở dang. Em học hết cấp 2 thì tham gia vào đội tuyển bi sắt của Đoàn thể thao Hà Nội, thỉnh thoáng mới thấy em về làng.Và mỗi lần về làng là lại thấy em có chút gì đó thay đổi. Em ăn mặc đẹp hơn, dáng đi đĩnh đạc hơn, da em trắng ra và đầu tóc chải chuốt gọn gàng. Em không còn dáng vẻ của con bé nhà quê đen đủi, quắt queo, tăm tối theo bố ra đồng, vừa đi vừa gặm một mẩu khoai sống như ngày nào.

Và cũng thật hay cho người nhà quê! Khi em còn bé và ở làng thì người ta nhắc đến em với sự khinh miệt, rằng là con nhà trông như ma ốm đói, rằng là con lão dở hơi, rằng là "Bẩn như hủi vậy! Đi mà ở với con nhà Tính hâm nhé!", rằng là....Đủ hết!

Vậy mà gần đây, khi những tia sáng đầu tiên đến với em và khiến em thay đổi thì người ta lại vẫn hích vai nhau, hất hàm, thì thầm với nhau khi thấy em về làng trong một bộ quần áo mới, lạ mắt.

    - Ai như con nhà Tính hâm kia phải không?

    - Chính nó đấy chứ ai. Dạo này đi bi sắt có khác nhỉ, ít lâu mà diện thế.

    - Mỗi lần về là thấy diện quần áo "mốt". Còn này rồi cũng sớm hỏng thôi.

    - Chứ sao nữa. Báu gì cái thứ con gái quê học hết cấp Hai ấy!

    - Chẳng biết có phải là đi bi sắt bi siếc gì đó không!

Điều kì lạ là mẹ tôi đôi khi nhìn thấy Mai cũng hay có những cách thể hiện không mấy thiện cảm. Tôi thì chỉ thấy mừng cho Mai. Cuộc sống đã thay đổi và em cũng đã không phải đứng ngoài sự thay đổi ấy. Những nét vật vả, tủi cực đã dần được xóa mờ đi ở đứa con gái con một nhà nghèo khổ nhất làng, một thời quanh năm đói rách.

***

Năm nay tôi hai mươi tuổi và Mai mười chín. Đã lâu tôi không nhìn thấy em về làng. Tôi biết đến bác Tính và em từ khoảng những năm tôi ba hoặc bốn tuổi gì đó nhưng tôi nhớ là tôi chưa bao giờ nói chuyện với Mai, dù chỉ là một câu chào nhau thông thường nữa.

Tôi không hiểu tại sao lại như vậy. Tôi chưa thấy bác Tính mở miệng nói chuyện với ai bao giờ, trừ những lần bác quát con trâu khi dắt nó ra đồng. Có lần đi ngang qua ngõ nhà bác, thấy bác vẫn cởi trần, mặc quần cộc nhem nhuốc đang xúc tép ở con mương nhỏ trước cửa, tôi hỏi:

- Bác Tính ạ. Bác nấu cơm tối chưa ạ?

- Ừ, chưa.

Tôi về đất này mười tám năm và đó là lần đầu tiên tôi mở miệng hỏi bác.

Ừ, thì bác là một cái bóng giữa cuộc đời này, một tạo vật không hoàn hảo được sinh ra để làm chỗ cho người ta chế giễu, để những người thân của bác phải tủi hổ... nhưng tôi dám nói bác không phải là một người thừa thãi của cuộc sống này.

Bác cũng chỉ biết lầm lũi làm ruộng, chịu khó như chính con trâu mà bác vẫn dắt ra đồng, chỉ biết rút hàng rào nhà người khác về làm củi đun, chỉ biết đi xúc trộm sỏi nhà người ta mang về nhà mình nhưng cũng nhờ có bác mà Mai và hai anh chị mới sống được như bây giờ. Tôi luôn cầu mong một tương lai tốt đẹp sẽ đến với họ, một cuộc sống mà người cha khốn khổ của họ sẽ không bao giờ biết đến.

    ***

Làng tôi thay đổi và bác Tính cũng không chỉ biết đánh trâu ra đồng nữa. Và cũng như nhiều người nói, bệnh của bác càng ngày càng nặng.

Làng tôi bây giờ nhà cao tầng mọc lên san sát. Đền Gióng đã từ lâu là một điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách thấp phương tứ xứ nên con đường qua làng được mở rộng gấp đôi, khang trang sạch sẽ hơn.

Người Hà Nội về mấy làng quanh đây mua đất rất nhiều. Biệt thự, nhà nghỉ mọc lên nhan nhản.Sân golf cũng đã xuất hiện. Dân các làng giàu lên nhờ bán đất, bán ruộng và được đền bù. Đường làng đều được đổ bê-tông. Nhà nào cũng có ít nhất một chiếc xe máy, hiếm người nào không có điện thoại di động.

Đã qua lâu lắm rồi cái cảnh mặc áo vá, ăn cơm chỉ có rau với lạc rang và tối tối tụ tập đến xem nhờ ti vi ở một nhà nào đó. Thanh niên làng phóng khoáng như những cơn gió, tối nào cũng phóng xe máy xuống thị trấn hoặc tụ tập ở một quán bia nào đó trong làng. Đường làng lúc nào cũng sang trưng như đêm trăng. Ruộng đất, thứ tài sản lớn nhất của người nhà nông, đang dần bị thu hẹp lại. Người dân phần nhiều chuyển sang buôn ngược bán xuôi. Đông ruộng bây giờ cũng đã có máy cày làm việc thay trâu bò.

Nhiều khi về làng, tôi ước mong được nhìn thấy hình ảnh một người nông dân thuần chất dắt trâu ra đồng nhưng không mấy khi thấy. Những lần hiếm hoi tôi được nhìn thấy hình ảnh đẹp như thơ văn ấy là những lần tôi tình cờ nhìn thấy bác Tính dắt trâu ra đồng. Bao năm trôi qua, trông bác vẫn vậy.Tôi chắc bác vẫn không biết đến ốm đau gì.

Hồ nước ở đầu đường dẫn vào làng tôi ngày trước rộng lắm, nhưng bây giờ đang bị lấn dần bởi nhà dân, công thêm những thứ gạch đá, vôi vữa thừa thãi từ những công trình đổ xuống. Nước trong hồ bây giờ nông choèn choèn, bẩn thỉu.

Không biết từ khi nào, bác Tính có thói quen buổi trưa ra hồ nước đó, móc gạch đá từ dưới hồ rồi ném lên mặt đường. Có khi bác chất đầy một đống trên bờ. Rồi có những ngày bác ở đó cả ngày, hết moi đất đá ném lên bờ lại nhảy xuống tắm dưới lòng hồ giờ bằng một nửa ngày trước.

Tôi nghe vợ bác kể, lắm hôm bác bỏ đi khỏi nhà cả ngày khiến vợ con nhớn nhác đi tìm. Tối mịt bác mới về, mang theo một ôm quần áo cũ rách, những bộ ấm chén sứt mẻ, những thanh gỗ thừa bác nhặt từ bãi rác. Những thứ mà ngày xưa chưa chắc đã bị coi là đồ bỏ đi.

Về sau, không thể cản được, vợ con bác đành để mặc cho bác đi như vậy.Có những khi người làng gặp bác đi rất xa, cách nhà cả chục cây số để nhặt nhạnh ven đường những thứ đồ cũ bỏ đi kiểu như vậy.Và lần nào thì đến tối bác cũng về nhà, chưa bao giờ đi lạc.Bây giờ bác không còn đi nhổ cây non và bẻ cành cây nhà người ta như trước nữa.

Nhìn bác mang từ đâu về một ít gạch vỡ giữa trời nắng, chân đi đất trên đường nhựa bỏng rát, đầu không mũ và vẫn cởi trần mặc quần cộc, tôi tự hỏi không biết bác sẽ còn đi như thế đến bao giờ nữa.

Hình như thời tiết không thể làm hại được bác. Có hôm người làng đi chợ sớm, thấy bác nằm ngủ ở ven đường, tưởng bác cảm chết, lại gần gọi thì bác lại vục dậy bỏ đi.Bác là người dở hơi và mọi thứ xấu xa, độc hại xuất hiện ở làng tôi từ khi có cuộc sống mới không thể xâm chiếm bác.

Một đám thanh niên làng đầu xanh đầu đỏ phóng xe máy qua, rú lên như một lũ quỷ sứ. Nhiều năm trước, đám thanh niên ấy là bạn học của tôi.Một vỏ chai nước ngọt bằng nhựa bị ném xuống đường.Bác Tính đặt ôm gạch xuống rồi nhặt chiếc vỏ chai, giắt vào cạp quần rồi lại lung túng nhặt nắm gạch lên đi về. Mẹ tôi nhìn theo cái bóng đen thẫm của bác rồi khẽ nói:

    - Xem ông Tính hâm kìa, đúng là bị trời đày.

Có lẽ bác tôi nói đúng, bác Tính là người chịu tội thay cho những người khác.

    ***

Tôi gặp lại Mai. Em không còn tham gia đội tuyển bi sắt nữa mà đã vào làm ở Khu Công Nghiệp Nội Bài. Em bây giờ càng khác trước. Tóc để dài ngang vai và được ép cẩn thận. Sự đủ đầy toát lên từ bộ đồ đắt tiền em đang mặc, đôi bốt hạng sang, dáng đi mạnh mẽ kiêu hãnh của một cô người mẫu. Nhưng tôi cũng chỉ nhìn em chứ không hỏi gì. Liệu đến bao giờ tôi mới nói chuyện với em được nhỉ? Tôi không biết nữa. Hình như em có sự đủ đầy mà không có sự yên bình.

Đi từ đầu làng vào em luôn đeo khẩu trang. Đôi mắt em chẳng bộc lộ một thứ cảm xúc gì cả. Em cứ im lặng đi từ ngoài bến xe bus vào đến nhà. Người ta lại xì xào:

    - Có phải đứa út nhà Tính hâm kia không?

    - Con này càng ngày càng thấy ăn chơi. Hôm nọ còn có thằng mang xe máy đến tận cổng đón đi nhé.

    - Hình như nó toàn mặc đồ xin hàng hiệu đấy! Bây giờ thì nàng kiêu lắm.Về làng mặt cứ vênh lên nhé.

    - Có tiền rồi có khác nhỉ. Đố ai dám bảo nó là con nhà Tính hâm ngày trước nhé.

    - Lúc nào nó về cũng thấy nó bịt bùng kín như thế kia. Chắc không muốn ai nhận ra mình là con nhà Tính hâm. Hê hê!

    - Trông nó sang lắm, chả biết liệu có phải làm trong khu công nghiệp không nữa. Hay là lại...! Ôi, cái thứ gái quê học chưa xong cấp hai, đi ra ngoài thì làm được cái gì mà lắm tiền thế nhỉ? 

Anh chẳng biết những gì người ta nói sẽ có mấy phần là sự thật, nhưng có điều này anh biết chắc chắn, Mai ạ: Em có quyền cười vào mọi thứ tương tự như vậy!

Nguyễn Việt Hải

Ngày đăng: 27/09/2012
Người đăng: Quản Phương Thanh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Tuổi trẻ giống cơn mưa
 

Tuổi trẻ giống như một cơn mưa, cho dù bị cảm, vẫn muốn quay lại để được ướt mưa thêm một lần nữa

Trích "You are apple of my eyes"

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage