Lạc mất thiên đường
Tôi đã ở đây
trên ruộng cải đã tàn
chờ những ồn ào đi mất
tôi nghe Lanna hát
chẳng vui cũng chẳng buồn...
* * *
Năm giờ sáng khi tôi thức dậy thì đã đến đèo Bảo Lộc. Đoạn đường này là đoạn đường xấu nhất trong tuyến xe đi Đà Lạt nhưng cũng đoạn đường tôi thích ngắm nhất suốt cuộc hành trình.
Bao giờ cũng vậy, tôi luôn có cảm giác thèm muốn xin bác tài cho tôi xuống xe ở một đoạn nào đấy, đoạn đất trời được phủ một màu xanh lam nhàn nhạt trong sương mù giăng giăng giữa những luốn ruộng bậc thang ngoằn ngèo rồi hun hút những con đường đất nhỏ dẫn vào đâu đó sâu trong các rảnh đồi. Thỉnh thoảng, tôi đã nhiều lần tự hỏi liệu đó có phải là con đường dẫn đến thiên đường không? Và... Thiên đường thật sự có tồn tại hay không? Nếu có, thì thiên đường là gì?
Xe đến Đà Lạt lúc tám giờ hơn. Tôi bước xuống xe, ngay lập tức tôi co rúm lại vì không thể kiềm nổi cái lạnh đột ngột xộc vào người như gửi lời chào người khách mới đến.
Tôi uể oải bước vào một quán ven đường, gọi một ly cà phê sữa. Thiết nghĩ rằng cà phê sẽ giúp tôi nhanh chóng tỉnh táo trở lại sau chuyến xe hơn tám giờ đồng hồ.
Tôi đã định không thuê khách sạn ngay nhưng cái cảm giác lạnh khô của thời tiết mùa hè ở đây khiến tôi vô cùng khó chịu, trời thì vẫn nắng đấy nhưng lạnh thì vẫn lạnh.
Tôi vác balo cuốc bộ chừng hai cây số thì đến nơi, đứng tần ngần một hồi lâu tôi quyết định bước lên những bậc thang dẫn lên một con hẻm nhỏ. Lần nào khi đến Đà Lạt tôi cũng thuê phòng ở đây.
Đó là một ngôi nhà bình thường được gia chủ ngăn phòng ra và cho thuê lại với giá rẻ mạt năm trăm nghìn đồng một tuần nhưng nếu vào dịp lễ tết thì sẽ là một trăm nghìn đồng một ngày. Điều khiến tôi quay lại đây nhiều lần mỗi khi có dịp đó là cái vòm hoa của căn phòng phía sau nhà, vòm hoa giấy với hai màu đỏ trắng xen lẫn được đan thành vòm quanh cửa sổ, bên dưới là một mảnh sân con, trong góc sân, có một cây ổi đào. Lần nào tôi đến, nó cũng có một vài quả chín, một vài quả vẫn còn nằm lắc lư trên cành, một vài quả nằm lăn dưới những bụi cỏ và hoa cúc dại mọc chen chúc nhau chẳng biết rốt cuộc mảnh vườn này đã được trồng hoa và bị cỏ xâm chiếm hay hoa đã bắt đầu lấn áp mảnh đất của cỏ.
Tôi thích cái khung cảnh ấy, khi mọi thứ đều dường như đang rất lộn xộn nhưng nó lặng lẽ đến kỳ lạ. Nó đơn giản như một điều quá đỗi bình thường nhưng chẳng hiểu sao tôi chẳng thể cố tìm ở đâu ra được một cái khung cảnh như thế. Nó như một bức tranh được vẽ và chỉ nằm yên một chỗ đó, chẳng ai đem rao bán nó, chẳng ai biết đến nó và nó vẫn âm thầm tồn tại trong cái chỗ vốn dĩ đã thuộc về. Phải chăng vì nó quá đỗi bình thường?
Tôi lang thang ngày đầu tiên trên xứ Đà Lạt. Tôi mặc một chiếc len màu nâu nhạt giữ ấm cho chiếc maxi dài mỏng manh màu trắng bên trong, tôi lang thang khắp các ngõ ngách của các ngọn đồi cùng chiếc máy ảnh trên tay, đi tìm nơi gọi là thiên đường.
Tôi cố tình nhiều lần hỏi bâng quơ nhiều người...
"Chỗ nào với bà là đẹp nhất? Là thiên đường của ông? Nơi nào là thiên đường của chị? Em có thiên đường không? Anh nghĩ gì về thiên đường? Cô đã từng đến đó chưa? Nó ra sao? Tuyệt vời chứ?"
"Tuyệt! Nó tuyệt lắm!" - Mọi người đều kết luận như thế.
"Khi anh còn ở bên tôi, dù đi đâu, làm gì, ở bất kỳ nơi nào, khi có anh, với tôi nó là thiên đường..." - Cô đã trả lời tôi như vậy.
"Thiên đường của tôi là khi còn ngồi ở giảng đường cùng lũ bạn, chọc ghẹo nhau, bày trò phá phách thầy cô, cùng bị quở phạt, cùng nhau đứng gục mặt trước buổi chào cờ đầu tuần vì tội cùng nhau quay cóp, ăn vụng... Và đủ trò hư hỏng..." - Anh thở dài - "...đó là thiên đường mà tôi từng có, một chuỗi ngày không phải bận rộn mệt mỏi ở văn phòng... sống vô tư như một đứa trẻ" - Anh chỉ trả lời như vậy rồi bước chậm rãi xuống những bậc thang dẫn xuống con dốc thoai thoải.
Bà chìa ra một cuốn album
"Tôi vẫn hay tìm lại thiên đường của mình trong đó... Những ngày tuổi xuân đã qua, hồi ta còn trẻ... Xem này, ta đẹp chưa này, ta đã từng là hoa khôi của thị trấn đấy..." - bà cứ luyên thuyên về cái "thiên đường sắc đẹp" của bà...
Tôi chỉ lắng nghe và gật gù, khi đã xong, tôi lặng lẽ bỏ đi.
Tối đêm thứ hai, tôi ngược ra chợ Đà Lạt, trời đã quá nửa khuya và dòng người cũng đã giãn, các hàng quán đã đóng cửa gần hết chỉ riêng vài đôi chỗ lề đường vẫn còn chỏng chơ ở đấy, có một người đàn bà đang phe phẩy quạt than, mùi khoai lang nướng dần thoảng ra trong một đêm lành lạnh khiến người ta lan man nhớ và muốn tấp vào gọi một phần để nhâm nhi cho thoả cảm giác gì đó lạ lẫm, dường như là hương vị của tuổi thơ, của một vòm trời đã bị thất lạc đâu đó trong ký ức.
Tôi nhâm nhi chút sữa đậu nành nóng và suýt xoa thổi củ khoai lang vừa được chị ta đưa rồi chợt nghĩ về ông cụ đã chạy xe chở tôi về trên một đoạn đường xa lúc chiều nay, khi được hỏi về thiên đường, ông đã im lặng. Bất giác, tôi đã hiểu, thiên đường với mỗi người dường như là mỗi khác. Như một hộp màu sáp, màu căn bản thì chỉ có xanh đỏ vàng, vậy mà lại làm nên cả khối màu sắc khi chúng được trộn lại với nhau.
Ngày thứ ba, tôi lại tiếp tục khám phá các ngõ ngách của Đà Lạt. Tôi đi qua một dãy nhà đã được xây rất lâu theo kiểu Pháp, đẹp tuyệt! Tôi luôn bị mê hoặc bởi những thứ xa xăm cũ kỹ.
Tôi giơ máy ảnh "tạch" một cái, khi màn hình được mở lên, tôi ngạc nhiên nhận ra tôi đã chụp được một tấm ảnh đẹp. Trong ảnh, bên khung cửa tầng ba của một trong những dãy nhà. Cô gái đang vuốt ve con mèo tam thể... Tôi giơ máy ảnh và chụp thêm tấm nữa, lần này, cô gái trong ảnh đang nhìn vào ống kính, cô cười.
Cả hai tấm ảnh trông thật hay, tự nhiên đến hết mức có thể. Chúng đẹp một cách huyễn hoặc, tôi vẫn luôn có cảm giác cô ấy như một nàng công chúa đang sống trong một toà lâu dài ở một thiên đường nào đó... của riêng cô.
Rồi tôi lại ra đi. Lại giơ máy ảnh nhiều lần và lại tìm được nhiều tấm ảnh đẹp. Có một con chó trông rất ngơ ngơ. Nó nhìn tôi qua những thanh sắt hàng rào, một cái nhìn rỗng tuếch, "tách" tôi đã bắt được nó và nó quay đi, thong dong, như chẳng quan tâm người nhiếp ảnh vừa rồi đã tự ý chụp nó và không thèm xin phép.
Khi tôi xem lại tấm ảnh, tôi đã nhìn thật lâu. Đâu đó trong sự rỗng tuếch của đôi mắt con vật ấy, tôi thấy chính mình... đâu đó, một tôi rất xa, rất lạ lẫm.
Có lẽ, thiên đường là một cái gì đó có tồn tại nhưng nó không có thật. Giống như mỗi con người, trong một lúc nào đấy chúng ta đã từng tồn tại rồi lại biến mất, chỉ một lúc nào đó thôi chúng ta đã từng là có thật, thật giống như thiên đường vậy.
Tôi đã ngắm khung cảnh phía sau của căn phòng nơi tôi trọ hằng giờ vào cái hôm cuối cùng ở Đà Lạt.
Tôi bắt đầu cảm thấy nhớ Sài Gòn.
Đã có lúc tôi nghĩ tôi sẽ tìm ra thiên đường ở đây và sẽ sống trong đấy mãi mãi vì sự mệt mỏi nơi phố thị đã khiến con người tôi không còn chút sức lực nào để tiếp tục... Vậy rồi, khi bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm ấy, tôi mới biết hoá ra mình đã tìm được thiên đường rồi. Phải, đó chính là nơi đã khiến tôi mệt mỏi nhưng khi tôi bắt đầu rời bỏ nó tôi mới nhận ra nó là thiên đường vì tôi đang khao khát để quay lại, để tiếp tục...
Sẽ chẳng có ai biết mình đang ở thiên đường nếu họ không chấp nhận hiện thực họ đang ở thiên đường.
Giống như khung cảnh trước mặt tôi giờ đây là mảnh vườn có một cây ổi đào ở góc sân với vài ba quả ổi chín năm lăn trên nền cỏ xen chúc giữa những bụi cúc dại. Những trái ổi đã bắt đầu phân huỷ, chúng bắt đầu bốc mùi thối và khiến cho bức tranh trở nên chân thật hơn...
Chẳng bao giờ có thiên đường cả bởi vì thiên đường chính là con người. Đột nhiên một ngày, chúng ta được sinh ra, tồn tại rồi biến mất, để lại cả một thiên đường.
18.03.2014
Yone Đỗ Trân