Nghề giáo
Ngày ấy...
- Con gái của mẹ lớn lên thích làm nghề gì nào? Mẹ âu yếm tôi và hỏi.
Tôi nhớ mình không chút chần chừ mà trả lời mẹ ngay: Con thích trở thành cô giáo Yến.
Vâng, "Cô giáo Yến"chính là cô giáo đầu tiên của tôi. Khi ấy, suy nghĩ của tôi hãy còn non dại lắm! Với bọn trẻ tụi tôi, Cô giáo Yến là một người vô cùng vĩ đại. Chính vì vậy, không những tôi mà cả các bạn cùng lớp khác cũng có cùng một giấc mơ, sau này cũng trở thành một cô giáo giống như cô Yến. Cô là người dạy cho chúng tôi "những nét vẽ" đầu tiên vào "trang giấy trắng" hãy còn thơm mùi sữa. Rồi cô dạy cho chúng tôi phải biết yêu quý ông bà, cha mẹ và những người thân trong gia đình. Mỗi ngày trôi qua, chúng tôi lại thêm yêu nhiều thứ: yêu ngôi nhà, yêu luống rau, yêu con chó giữ nhà, yêu con trâu cày ruộng, yêu con cá lội dưới nước cả con chim bay trên trời, yêu bầu trời quê hương, đất nước, yêu cả những người xa lạ... Chính cô đã dạy và truyền cảm hứng cho chúng tôi biết yêu tất cả những gì mà chúng tôi biết. Không những thế, cô còn mang niềm vui đến cho chúng tôi qua những câu ca, lời thơ, giọng kể cùng những trò chơi đầy thú vị.
Ngày ấy, tôi cứ hay hỏi mẹ: " Mẹ ơi, thế giới là gì hả mẹ?". Mẹ vẫn hay cười và trả lời tôi: " Thế giới này rộng lắm con à! Thế giới này là những gì con đã biết và cả những điều con chưa biết đấy." Và có lần tôi đã khoe với mẹ rằng: "Con đã biết thế giới này là gì rồi. Thế giới này là cô giáo của con. Vì cô biết tất cả..." Khi ấy, mẹ chỉ xoa đầu tôi và cười dịu dàng: "Con gái mẹ yêu quá!" Và đấy là "phát minh" lạ lùng nhất của tôi, khi mà tôi vừa được cô dạy cho những chữ cái đầu tiên...
Những ngày cuối cấp một... Tôi cứ mơ hoài về một giấc mơ. Tôi muốn trở thành một cô giáo. Làm cô giáo thật thích. Tôi yêu những con điểm 10 đỏ tươi trên trang tập viết mà cô cho. Tôi đã có lúc đóng vai là một cô giáo và cho biết bao con điểm 10 vào vở mình. Cô giáo rất đẹp vì cô thường mặc những chiếc áo dài thướt tha.Và cũng như "cô giáo Yến", các cô ở tiểu học cũng không ngừng mang đến cho chúng tôi vô vàng điều mới lạ. "Thế giới" trong tôi ngày càng rộng lớn và muôn màu muôn vẻ...
Rồi thời gian lại trôi đi, tôi lại bước đến một ngưỡng cửa mới. Đã học xong cấp hai và đang chuẩn bị bước vào những ngày tháng của những tà áo trắng. Lên cấp hai, tôi nhận ra "thế giới của mình" không chỉ có cô giáo mà còn có cả thầy giáo. Thầy cũng ân cần, chu đáo như các cô. Ngày tháng trôi qua, các thầy các cô không ngừng hy sinh bản thân mình để ươm trồng, vun xới, chăm sóc cho những mầm non tương lai của đất nước. Lớn hơn, tôi học được nhiều thứ hơn. Và cái ước mơ ngày thơ cũng lớn dần theo tôi. Nó không dừng lại ở giấc mơ thành "cô giáo Yến" hay sẽ là các cô giáo tiểu học mà giờ đây, khi các thầy cô đã dạy cho chúng tôi về cách làm người, rằng đừng bao giờ chỉ nhìn lên thôi mà hãy học cách nhìn xuống, tôi đã có ước mơ mới. Tôi đã nhìn xuống, và tôi biết rằng tôi hãy còn rất may mắn và hạnh phúc hơn các bạn khuyết tật. Tôi thấy thương họ vô cùng và vì vậy tôi đã ước mơ trở thành một cô giáo dạy trẻ khuyết tật...
Lên cấp ba, tôi tiếp tục được nhận sự dạy bảo của nhiều "thế giới mới". Ước mơ của tôi ngày càng chắc chắn và quyết tâm hơn. Dẫu có lúc, gia đình và người thân đã có những can thiệp cho nghề nghiệp tương lai của tôi, tôi cố chiều lòng họ đầu tư học khối A để thi vào trường luật, nhưng ước mơ và đam mê thật sự của tôi vẫn là trở thành một giáo viên. Ngày ngày, được tiếp xúc với các thầy cô, được nghe thầy cô chỉ dạy những kiến thức mới, và đặc biệt là được tiếp thu những kinh nghiệm, bài học cuộc sống mà chắc chắn không sách vở nào ghi lại, tôi càng thêm vững tin vào sự lựa chọn của mình... Rồi khi tôi chứng kiến cảnh học trò thiếu tôn trọng với thầy cô, cảnh thầy cô phải nặng lòng vì đứa học trò ngỗ nghịch, cảnh thầy phải đau đáu vì gia cảnh cơ hàn nhưng vẫn phải gánh nặng lo toan cho bài giảng ngày mai, có bao cô giáo thì từ bỏ tuổi trẻ để lên tận vùng xâu vùng xa để xóa cái mù chữ,..., tôi nhận ra thầy cô đã hy sinh rất nhiều cho học trò của mình. Và, những hy sinh thầm lặng ấy thật đáng trân trọng làm sao!
Cuối cùng, thuở áo trắng cũng qua. Tôi làm hồ sơ thi vào hai trường đại học: một theo nguyện vọng của gia đình và một theo ước mơ của tôi. Tôi được bước ra đời, tôi đã đi làm thêm và tôi thật sự thấy vất vả. Tôi đã suy nghĩ và chợt nhớ những lời khuyên của thầy chủ nhiệm lớp12. Thầy đã khuyên tôi hãy chọn nghề mà mình có năng lực và đam mê thật sự chứ đừng chọn nghề mà mình hay gia đình mình thích. Khi đó tôi chỉ đồng ý với thầy chứ chưa thật sự hiểu được lời khuyên đó. Và khi đã chịu chút vất vả của cuộc sống lúc chập chững vào đời, tôi mới thật sự hiểu được lời khuyên đó. Tôi đã có quyết định sau cùng: tôi sẽ theo nghề giáo.
Tôi đỗ nguyện vọng 2 ngành giáo dục Mầm non ở trường Đại học Phú Yên và giờ tôi đã là một cô sinh viên năm 3 của trường. Sau gần ba năm ở giảng đường đại học, tôi nhận ra quyết định ba năm trước của mình là hoàn toàn đúng đắn. Những nghiên cứu và kiến thức chuyên ngành càng khiến tôi yêu nghề hơn. Và đặc biệt, tôi vô cùng tự hào khi mình sắp trở thành một thành viên trong đại gia đình nhà giáo. Thỉnh thoảng gặp lại các bạn cũ, các bạn cứ xuýt xoa, rối rít nói về ngành y, ngành dược "nhất y, nhì dược". Còn tôi thì các bạn lại bảo: "học mầm non chi cho cực vậy?", "mai mốt làm cô nuôi dạy hổ à?", hay "sao không học làm giáo viên cấp hai hay cấp ba gì đó?"... Thay vì cứ cố giấu ước mơ của mình như thời cấp ba thì giờ tôi đã đủ tự tin và có đủ căn cứ để có quyền tự hào về nghề của mình.
Và đúng thế, nhà giáo dục học thế giới Cômemxki đã nói: "Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học". Và rõ ràng, sản phẩm của nghề dạy học không phải là một cái bánh ngon, hay một bức tranh đẹp, hay một phương pháp chữa bệnh mới hay là một thứ khác mà nó bao gồm tất cả. Sản phẩm của nghề giáo là cả một thế hệ đầy tri thức, kỹ năng và bản lĩnh để gầy dựng tương lai. Một nhà giáo sẽ vừa là một người thân, vừa là một nhà hùng biện, vừa là một đạo diễn, một nghệ sĩ, một y sĩ và vừa là nhà khoa học. Nhà giáo cần phải đa tài vì họ chính là ngọn đèn soi sáng dẫn lối cho chúng ta trên đường đời. Hồ chủ tịch vĩ đại đã từng nói: "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn / Phần nhiều do giáo dục mà nên." Rõ ràng, bên cạnh việc cung cấp vốn kiến thức của nhân loại thì các nhà giáo còn là những người uốn nắn nhân cách hoàn thiện nhất cho chúng ta. Và ta không thể phủ nhận một điều "trồng người" là không hề đơn giản và nó có "lợi ích trăm năm". Và hiển nhiên: "nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý", Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói.
Tôi hy vọng rằng mọi người sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về nghề nhà giáo. Những khó khăn, vất vả và hy sinh của nghề giáo sẽ được mọi người thấu hiểu và trân trọng hơn như chính bản chất "cao quý" của nó vậy. Vì đâu đó, rõ ràng ta vẫn thấy những thực trạng đáng buồn về nghề giáo chúng ta...