Gửi bài:

Cúi xuống vùng non xanh mát

Nhưng tuổi hai mươi gặp gì cũng hăng hái đeo mang, thấy gì cũng hớn hở vơ lấy vào mình, lỉnh kỉnh những phấn son, tô vẽ và xiêm áo, tuổi hai mươi ấy giờ nằm lại ở đâu?

***

cui-xuong-vung-non-xanh-mat 

Cạnh quán cà phê Văn Nghệ có ông trải chiếu ở vỉa hè bán đồ cổ, hay mở cái băng nhạc Trịnh Công Sơn Hát cho quê hương Việt Nam 1 thu âm năm 1969. Nghe lần đầu, thề có mấy lá bàng rơi bữa đó, tôi muốn chạy qua ôm ông đồ cổ một cái, vì ông đem những bài hát này ra con đường vốn chỉ rùng rùng nhạc vũ trường, nhạc trẻ kiểu "yêu thì nói hông yêu cũng nói"... Giữa bụi đời mù mịt, giữa xe cộ ngược xuôi, cô Ly của bốn mươi năm trước cất tiếng hát trong veo, "Cúi xuống. Cho bóng đổ dài. Cho xót xa mặt trời. Cho da thơm trên người nay cũng phôi pha...", nghe mát rượi lòng, nghe khoẻ dễ sợ.

Nhạc "nghe khoẻ", là chữ của thằng nhỏ ở tiệm bán băng đĩa quen. Một lần tôi ghé qua, nó khoe "em có nhạc này nghe khoẻ lắm, bảo đảm chị thích", rồi nó đem ra mấy cái đĩa nhạc thu âm hồi năm một ngàn chín trăm mấy mươi gì đó. Gương mặt của Thái Thanh, Hà Thanh... trên bìa đĩa coi trẻ măng, trong sáng, hơi quê quê, dễ thương kinh khủng. Nghe chúng lần đầu, tôi đã nghĩ, tình cờ thằng nhỏ tặng mình quà quý.

Nhưng thằng nhỏ không tình cờ chút nào khi miêu tả cảm giác về một bài hát bằng chữ "khoẻ", mà không phải là "hay", là "xúc động", là "sởn tóc gáy". Khoẻ, vì dễ chịu, khoan khoái, thoải mái. Vút khỏi tiếng đệm guitar bập bùng, là chơi vơi tiếng hát non trong, mộc mạc, chân phương, đôi lúc vụng về, run rẩy. Ca sĩ không dùng bất cứ phương tiện nào kỹ thuật nào để nương dựa, lấp liếm hay che đậy, cứ hồn nhiên như vậy cất cao tiếng hát từ đáy lòng, thanh thoát.

Những ca sĩ ấy sau này khi đạt đến đỉnh cao của tài năng, họ rực rỡ, họ nổi tiếng, họ thu nhiều bản nhạc gần như hoàn hảo, nhưng sự giản dị năm xưa mãi mãi ở lại với... năm xưa. Tôi ngã lòng vì sự giản dị đó. Kiểu giản dị mà mười năm trước chưa chắc tôi đã thích, bỗng dưng bước chân qua tuổi ba mươi, bỗng dưng thấy... khoẻ khi đứng trước những tấm ảnh trắng đen, những bức tranh lụa, những trang viết của Thạch Lam, những minh hoạ nguệch ngoạc mấy nét chì, những bản nhạc thu âm năm xửa năm xưa, hay những bản demo trên mạng...

Ông già bạn tôi có lần nói, viết sao cho càng giản dị thì văn chương càng đẹp. Tôi cười nói, "câu này của chú mười một chữ, mà hai mươi hai năm nữa chưa chắc cháu làm được".

Ông cười cười, "sai bét, cháu đã làm được rồi, mấy cái truyện đầu tay đó". Nhưng những trang viết giản dị, ngây ngô có phần khờ khạo đó tôi càng sống càng trải đời càng rời xa chúng. Giờ mà viết được vậy, coi bộ khó hơn lên trời.

Ngó qua ngó lại, tôi thấy cải lương cũng vậy. Hồi trước, tôi mê cải lương, mê ngẩn ngơ những bản vọng cổ xa xưa thu trên đĩa nhựa. Nghệ sĩ giọng nào ra giọng nấy, chữ nào tròn chữ nấy, ngón đờn dù tài hoa lả lướt đến đâu vẫn giữ sự trong trẻo, hồn hậu, vẫn tôn giọng ca lên hàng đầu. Thứ vọng cổ này nếu ngồi kế cassette thưởng thức chưa đã, phải dỏng tai nghe ké bên hàng xóm, hay ngồi ngoài vườn nghe trong nhà vẳng ra, chỉ tiếng ca và tiếng ca, gió đàn qua đánh lại, mùi ác liệt. Cải lương giờ đã qua thời hoàng kim, người ta biện ra nhiều lý do, nhưng nó làm rơi mất một đứa hâm mộ như tôi chỉ vì một bữa kia Vũ Linh nắm tay Tài Linh chạy lên đồi cỏ non. Xét theo tính hợp lý, tôi chấp nhận được chuyện ca vọng cổ lúc yêu nhau, đánh nhau, bắn giết nhau, miễn là xảy ra trên sân khấu, trên sàn diễn, nhưng giữa đường tự nhiên có hai người vừa ôm khít rịt mắt nhìn đắm đuối vừa ca khơi khơi chắc tôi phải nghĩ tới bệnh tâm thần. Tô Ánh Nguyệt năm xưa đau nỗi đau xa con chỉ cần nghẹn ngào bước từng bước run lẩy bẩy, nắm tiền trong tay bay bời bời; Tô Ánh Nguyệt bây giờ vừa gào thét vừa bứt xé hàng khuy áo khoe da thịt, mệt gì đâu.

Chia sẻ ý nghĩa này với ba đứa bạn, một đứa cười "vậy mới là tìm tòi, sáng tạo", đứa kia hỏi vặn "bộ khùng sao mà đi coi cải lương", đứa còn lại nói "thấy ghê thiệt nhưng thời này nó... phức tạp vậy". Ừa, đúng là thời này phức tạp thiệt, bữa trước muốn mua cái áo "nhìn thấy khoẻ", màu sắc nhã nhặn, hoa văn đơn giản, kín đáo mà phải lục tung cả cửa hàng trong con mắt căm hờn của chị chủ. Sách, băng đĩa thì nhất thiết phải siêng năng lục lọi, lâu lâu mới rinh được một cuốn văn đẹp kiểu Thạch Lam, lâu lâu mới chộp được một vài đĩa "nhạc nghe khoẻ", sao chép lại từ những nguyên bản của mấy chục năm trước nên chất lượng cũng được chăng hay chớ.

Có lần hỏi thằng nhỏ mấy cái đĩa nhạc cổ lỗ sĩ này bán chạy không, nó nói "người ta mua nhiều lắm, nhưng chị là trẻ nhất". Lại hỏi tiếp, "bộ thấy tôi mệt mỏi già nua lắm sao mà nghĩ nhạc này hợp với tôi". Thằng nhỏ cười, "tại em thấy chị không đeo vòng vàng gì hết". Câu trả lời này làm tôi nhớ mấy giai thoại thiền, kiểu như hai ông đi bên bờ sông, một ông hỏi đại niết bàn là gì, sư trả lời, "mau". Hỏi "mau gì", ông sư trả lời, "xem nước". Hiểu chết liền.

Bữa qua ngồi quán chiều vắng ngắt, ông đồ cổ lại mở cái đĩa hát cổ, cô Ly đổ giọng ca mát rượi ra hè phố, "Cúi xuống. Vùng non xanh mát. Và cao tiếng hát cho cơn ưu phiền tan..." bỗng thấy tâm hồn mỏi mệt của mình đang được sự giản dị nào đó cứu chuộc. Cảm giác gan bàn chân tôi vừa chạm vào mặt đất, hình như tôi vừa tháo giày ra bỏ bên đường.

Nhưng tuổi hai mươi gặp gì cũng hăng hái đeo mang, thấy gì cũng hớn hở vơ lấy vào mình, lỉnh kỉnh những phấn son, tô vẽ và xiêm áo, tuổi hai mươi ấy giờ nằm lại ở đâu?

Nguyễn Ngọc Tư

Ngày đăng: 03/04/2015
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

  • Mở ngăn kí ức Mở ngăn kí ức Đời mới hai mươi Đời mới ra đời Thì cứ vui – Q.B., "Ngày hai mươi" *** Em, Anh mượn một câu của Laurence Tardieu trong cuốn Không Gì Là Mãi...
Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
Antoine de Saint Exupery quote
 

Chúng ta bất công biết bao với những nỗ lực của chính mình vì chỉ biết đánh giá chúng theo kết quả

Antoine de Saint Exupery

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage