Ma và người
"Bỗng ngỡ ngàng thấy người đáng sợ hơn ma. Chẳng biết được ai là bạn, là thù, ai yêu mình, ai ghét mình, trong khi ma đã tách bạch ở một giới tuyến tối tăm khác. Nói tới ma, biết ngay là giặc. Còn người thì lẫn lộn trắng đen, khó nắm bắt. Ma muôn đời đơn điệu vài chiêu dọa người, người lại nghĩ trăm phương nghìn cách hại nhau. Vậy mới sợ.."
***
Hồi tôi sống với ngoại, lúc sáu, bảy tuổi gì đó, tôi bắt đầu biết sợ... ma. Sợ vì tin rằng có ma trên đời. Để ý thì thấy, lần nào ngoại tôi vấp chân, bà cũng từ tốn nhìn quanh, giọng nửa trách móc, nửa tôn kính: “Mô Phật, ai mà giỡn kỳ, đẩy bà già này làm chi?”. Không ai trả lời, chỉ có gió rợn sau nhà. Đám giỗ, ngoại bày năm mâm cúng, lúc nâng ba cây nhang nghi ngút khói ngang trán, ngoại lâm râm vái có kinh có kệ có dò có dọc như thể người nào đó đang ngồi chình ình trước mặt. Tàn nhang cong queo, ngoại mừng húm nói bữa nay có ông bà về. Nhưng ngoài tôi ra, trước sân chỉ rụng xuống một vài lá vú sữa rập rờn. Tôi tin có những người nào đó tồn tại quanh mình, trong một thế giới vô hình, dù ngoại không hề dọa ma. Vì vậy, suốt những năm sống với ngoại trong khu vườn gần đồn Chẹt, tôi chẳng bao giờ lẻn ra vườn bởi ghê cái ao trước đây có ông lính cộng hòa say rượu té chết, một mình không dám ra sông vì ngoại kể hồi chiến tranh, sông trôi xơ xác những xác người. Cũng không leo trèo hái trái trên những cây me cổ thụ, loại cây mà ma khoái ở (thì nghe nói vậy). Nửa đêm thoi thóp nghe chim cú kêu bên hè (khốn khổ, vì vườn xưa, nhiều cây cao nên chim cú thích ở, đêm nào cũng kêu xa kêu gần). Quãng đó tôi sống tốt dễ sợ, đến nỗi không dám... ăn vụng vì nghĩ mình làm bất cứ chuyện xấu xa nào cũng có kẻ nhìn thấy, ớn muốn chết.
Ma đem lại cho tôi rất nhiều cảm xúc mãnh liệt (tình yêu cũng gần giống vậy). Trong sợ hãi có một chút thích thú. Muốn quay đi nhưng cũng rất tò mò, hiếu kỳ. Sợ, nhưng thích xem phim kinh dị, tới đoạn rùng rợn lại che mặt. Người sợ ma nhất luôn có bộ sưu tập nhiều chuyện ma nhất. Và trí tưởng tượng được sử dụng hết cỡ. Những cây tre cọ vào nhau trong đêm giông, tiếng cú kêu, tay chuối khô vật vờ bay trong đêm, vài con bướm lớn màu xám lặng lẽ đậu im lìm trên vách, một góc nhà hơi tối và lạnh lẽo... đều là mối dây liên hệ với... ma. Ngay cả chạy trên đường, tiếng bước chân mình mà tưởng chân ma rượt, báo hại càng chạy càng thấy nó đuổi sát bên mình. Buộc phải sợ, thế giới đó quá bí hiểm, chưa ai được mon men ra biên giới giữa hai cõi hỏi thăm, người đi về cõi đó cũng không trở lại để... kể.
Phải sợ, vì người ngoài sáng, ma trong tối. Ma lượn lờ quanh mà mình chẳng thấy, đến lúc chợp mắt, ma lại hiện ra trong những giấc chiêm bao. Tôi, cũng như nhiều người chưa thấy ma bao giờ, nhưng nghe kể chuyện đã thấy ám ảnh, hãi hùng. Người đời thêu dệt hàng ngàn câu chuyện ma khác nhau, nhưng đối tượng chính thì giống hệt, thường là những người phụ nữ xinh đẹp mặc toàn đồ đen hay trắng (có lẽ thế giới đó không chuộng mốt, chưa nghe ma mặc áo chim cò, áo yếm hoặc váy ngắn), tóc đen dài, và khi muốn làm con người sợ hãi, ma khoe cái lưỡi dài, đỏ lòm. Ma hay vật vờ than khóc trên những cây cổ thụ, hay mời người ăn bánh (nhưng khi tỉnh ra thì thấy bánh là bùn). Rất nhiều truyện kể ma đứng bên đường quá giang xe những người đàn ông, rồi biến mất bằng nhiều cách, hoặc đi vào ngôi cổ miếu nào đó, hoặc lặng lẽ tan đi mặc cho anh nọ vẫn nói huyên thuyên đằng trước.
Những câu chuyện ma bắt đầu làm cho tôi thích thú, đơn giản vì tôi hết sợ. Tôi không tin tuyệt đối vào sự huyền bí, nếu có thì ma đâu sao không vặn cổ bọn người xấu đang nhởn nhơ giữa đời kia. Hiểu ra điều đó, tôi tiếc vì mất đi một lý do để mình sống... tử tế. Nghịch lý, là khi tôi tỉnh táo, thấu đáo được một điều gì đó thì đời bỗng buồn hơn.
Bỗng ngỡ ngàng thấy người đáng sợ hơn ma. Chẳng biết được ai là bạn, là thù, ai yêu mình, ai ghét mình, trong khi ma đã tách bạch ở một giới tuyến tối tăm khác. Nói tới ma, biết ngay là giặc. Còn người thì lẫn lộn trắng đen, khó nắm bắt. Ma muôn đời đơn điệu vài chiêu dọa người, người lại nghĩ trăm phương nghìn cách hại nhau. Vậy mới sợ.
Phát hiện ra điều này, tôi buồn suốt một khúc thời gian, ganh tị với kẻ sợ ma rón rén trông buồn cười mà hạnh phúc. Tháng Giêng rồi, tôi đi H. chơi. Nghe nói nhà trọ xây trên nền nghĩa địa cũ, cả đêm hai đứa con gái cùng phòng mở đèn sáng rực, nghe gió rít qua khe cửa sổ, trằn trọc chờ... ma. Báo hại tôi ngủ không được. Trăn trở nghe bụng cồn cào, tôi mò ra quầy bar, mua ly sữa nóng. Anh chàng trực quầy cao lớn đang ép nước trái cây. Lúc anh ngẩng lên, tôi giật mình trước nét mặt đẹp, rất nam tính nhưng lạnh tanh, thật ngầu. Lúc ấy tôi bị bội thực những nụ cười giao đãi nên thấy thích anh chàng này, đứng nấn ná nói một vài câu chuyện bâng quơ. Tôi kể mình vừa thấy ma. Anh cười. Tôi nói em thấy ma thiệt. Anh lại cười. Tôi nói bạn em cũng thấy ma, nó đang sợ phát khóc trong phòng. Mắt anh ta nhìn tôi có vẻ tần ngần, cuối cùng anh hỏi, con ma ra làm sao. Tôi ngập ngừng, ra bộ vẫn còn hãi hùng lắm, nói chị đó mặc đồ nâu đen, tóc dài, cài nơ đen. Anh ta im lặng, nhìn chăm chăm vào cái máy ép đang kêu rột rẹt. Anh bỗng ngẩng lên: “Em à, con nhỏ đó hiền lắm...”.
Tôi đứng day ly sữa trong tay, cảm động muốn chết. Chẳng ai nói về ma, về nỗi sợ hãi thường trực trong lòng bằng cái giọng ấm áp, bao dung, bình thản, chân thành như vậy. Như thể anh đang nói về một đứa em nhỏ, một người bạn thân, một đồng loại...
Thật đơn giản, lâu nay người ta cứ nghĩ ai đó là kẻ thù trong khi họ cũng có thể làm bạn. Tôi lại tin có ma ở trên đời, nhưng không phải để sợ hãi...
Nguyễn Ngọc Tư