Mở ngăn kí ức
Đời mới hai mươi
Đời mới ra đời
Thì cứ vui
– Q.B., "Ngày hai mươi"
***
Em,
Anh mượn một câu của Laurence Tardieu trong cuốn Không Gì Là Mãi Mãi để nói về mối tình chúng ta, mối tình hai chúng ta từng có, với nhau.
"Ngày ấy chúng tôi mới ngoài hai mươi tuổi, chưa biết nhiều về cuộc đời. Nhưng đêm ấy đã cho chúng tôi hiểu giữa tình yêu và sự vĩnh cửu có những điểm chung nào."
Ký ức thì vĩnh cửu, em ạ. Ngay cả khi thân xác chúng ta tan biến, ký ức vẫn không tan, em có tin không?
Ký ức vĩnh cửu nhờ những thứ neo giữ, như hôm nay, anh nhìn thấy những chiếc hộp nhạc và nhớ lại tất cả. Tính ngược từ ngày tình yêu năm nay, đã hơn hai mươi năm rồi mà ký ức hiện về rõ mồn một như một đoạn phim được lưu trữ cẩn thận, phải, hơn hai mươi năm rồi mà hình ảnh vẫn sáng tươi như những giọt sương dưới ánh nắng mới.
Chiếc hộp nhạc của ngày ấy...
Chiếc hộp nhạc đơn sơ vỏ gỗ có khóa, chỉ chơi được một giai điệu ngắn. Không phải loại sang như Reuge nên không đắt tiền; có điều vẫn khó kiếm và tất nhiên, với chúng ta nó có ý nghĩa vượt lên trên mọi tiêu chuẩn đánh giá. Với túi tiền chúng ta ngày ấy, một phẩm vật lưu niệm, một thứ đồ chơi như hộp nhạc (dù là loại rẻ nhất) cũng đã vượt quá mơ ước. Chúng ta đã phải dành dụm rất lâu để có nó, em nhớ không?
Gần đây anh ghé vào một tiệm bán đồ lưu niệm và bồi hồi dạo quanh các kệ bày hộp nhạc Reuge. Em có biết rằng hộp nhạc có mặt rất lâu trước khi Thomas Edison phát minh ra máy quay đĩa? Em có biết rằng chính Charles Reuge, đúng, nhà chế tạo đồng hồ Thụy Sĩ ấy, đã làm cho music box, món hàng tưởng chỉ để trưng bày như đồ chơi này, trở nên sáng giá, thành một nơi lưu giữ ký ức, kỷ niệm, thời-gian-đã-mất, lưu giữ cả một pho sử tình yêu cho hàng vạn đôi lứa trên mặt đất này không? Anh lại lan man rồi, ta hãy trở về với chiếc hộp nhạc của chúng ta.
Hộp bằng gỗ sồi, nắp bật có bản lề, có chiếc khóa xinh xinh dễ rơi dễ mất mà em đã buộc một chiếc nơ đỏ vào cho an toàn. Nhạc vang lên được nhờ tác động lực vào trụ xoay; ở đó, một giai điệu đã được cơ học hóa thành hệ thống các lỗ nhỏ trên ống trụ, mỗi lỗ như thế có một sợi thép mảnh như tơ xỏ qua và cắt gọn như chiếc kẹp. Giai điệu do chiếc "luợc" chải qua ống trụ, chạm vào các sợi thép mảnh kia, sẽ vang lên như một dàn nhạc chuông nhỏ, trong vắt như pha lê. Ding ding ding.
Giai điệu của ngày ấy, em còn nhớ không?
Bài hát của Vera Matson, em đã chép lời vào cuốn sổ nào, em nhớ không? Cuốn sổ đóng lấy, những dòng nhạc nhỏ li ti, bọc giấy kính và em đã viết, duy nhất, lời một bài hát thay cho lời đề tặng.
Love me tender love me sweet
Never let me go
You have made my life complete,
And I love you so.
Ngày chúng ta ngoài hai mươi tuổi, đầy lòng tin vào cuộc đời, và tưởng rằng chỉ cần những lời yêu thương cũng đủ nuôi tình yêu sống mãi. Chiếc hộp nhạc ngày ấy vang lên Love Me Tender, khi em đã rời xa, anh còn gìn giữ. Bởi anh đinh ninh rằng kỷ vật còn đó, thì tình yêu chưa mất, và em sẽ quay trở lại một ngày nào đó.
Thực ra tình yêu không mất, em ạ. Chỉ chúng ta mất nhau, tình chúng ta thì còn mãi cùng với kỷ vật, chiếc hộp gỗ ding ding ding giữ hộ đôi ta những mảnh tình vỡ. Ding ding ding.
Love me tender, love me dear,
Tell me you are mine
I'll be yours through all the years,
Till the end of time.
Người ta nói rằng chơi hộp nhạc là thú chơi cô đơn, đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và cả sức mạnh nội tâm để chịu đựng những cơn sóng cảm xúc khi ký ức hiện về nữa. Hồi chúng ta còn trẻ, anh đã nói với em điều ấy và em đã cười, em thấy vui, em không thấy cô đơn gì cả. Vì em có anh.
Khi em hiểu được nỗi cô đơn và cả nỗi nhớ quay quắt khi nghe hộp nhạc tấu lên ding ding ding, thì em đã xa và hẳn không còn chơi hộp nhạc nữa rồi.
Anh đang phân vân, không biết có nên sắm một hộp nhạc mới với những giai điệu vui hơn, để kỷ niệm tình đầu của chúng ta không...
Em sẽ là của anh qua tháng năm
Đến tận khi thời gian tắt nghỉ.
– Valentine 2011
Quốc Bảo