Thầy
Hồi bé nghĩ "thầy" đơn giản lắm, miễn ai dạy mình ở trường thì là thầy. Lớn lên, học ở nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người khái niệm kia rộng ra nhưng cũng hẹp lại. Giờ, có những người ngoài phạm vi trường học cũng sẵn sàng gọi thầy, có người dạy mình trong lớp cả năm, gọi thầy nhưng trong dạ mãi mãi chỉ là... ông Thợ.
***
Có khá nhiều người dạy nhưng cuối cùng cũng chỉ vì tiền, hoặc vì danh lợi. Từng nghe kể thầy này dạy ở lớp cực tệ nhưng khi học thêm thì rất tuyệt vời ông mặt trời...vì dạy thêm sẽ có tiền, còn ở trường thì ăn lương nhà nước. Từng nghe kể cô nọ sẵn sàng ném vào mặt học sinh hai chữ " mất dạy" vì không học thêm mình. Ừ thì ai cũng cần tiền và thầy cô cũng vậy nhưng làm thế thì có chấp nhận được không?
Bữa nọ tình cờ nghe ông thầy nói với đứa bạn cùng lớp: "Tại tui thấy anh học được nên mới giữ anh lại, chứ anh mà như thằng X tui đuổi lâu rồi" Nghe xong bước xuống căn tin không muốn đặt chân vào lớp nữa. Thì ra trong mắt nhiều thầy cô giá trị của một học sinh chỉ gói gọn trong điểm số. Kẻ giỏi giang mọi sai lầm sẽ được lờ đi hoặc ít nhiều tẩy xóa bằng cái viết xóa nhiệm màu mang tên điểm số... Cái viết xóa này chắc chỉ có thầy cô ( và 1 số phụ huynh) dùng thôi. Còn mấy đứa điểm đùng cứ lẹt đẹt thì sai lầm dù nhỏ nhặt thì cũng to đùng trong mắt thầy cô. Khi điểm cao tiếng nói của bạn ít nhiều được chú ý, thấp thì ôi thôi bạn im lặng họ cũng lấy đó là cái cớ mắng nhiếc, mạt sát huống hồ là tiếng nói.
Từng tiếp xúc khá lâu với một người dùng mọi thủ đoạn để học sinh mình điểm cao, nguyên nhân là tiếng tăm, là sự so đo giữa những giáo viên cùng khối. Đôi lần bị nạt nộ cũng muốn hỏi thầy sự cố gắng của em và hạng của thầy trong cái tờ giấy photo có giá trị một tuần cái nào đáng được tôn trọng hơn. Nhưng thôi... cứ nhủ lòng ổng muốn tốt cho mình... nhưng thiệt ra tận tâm can ổng thành ông thợ mất rồi... và trách bản thân sao học ngu thế!
Nói đến thầy cô thì chắc phải nhắc đến 20/11. Hồi bé đến ngày này mẹ lại đi chợ mua quà rồi gói kỷ càng cho thằng này đi tặng, đến năm cấp 3 thì không còn nữa vì xa quá. Năm ngoái vào nhập ngay lúc 20/11 ông nằm kế bên giường bảo vợ nhét 500 ngàn vào bao thư cho bà chủ nhiệm là được rồi, không thì mắc công bả làm khó con mình. Lúc đó không đủ bao dung chỉ cười nhạt rồi nghĩ cầm tiền trên tay chắc bà cô kia cũng sướng vì nó nói xấu gì đi chăng nữa thì mình cũng có tiền. Giờ thì thấy xót cho thầy cô, nếu nghe được có buồn không khi cái nghề cao cả kia giờ chỉ là những bị đem ra bôi bôi trét trét những thứ vật chất hữu hình.
Khá khá lần buồn chuyện thầy cô, nhưng rồi lấy những người thầy thật sự để nhủ lòng thầy cô cũng đẹp phết. Cấp 1 có cô luôn giúp đỡ thằng này vì lúc đó gia đình còn khó khăn, có người sẵn sàng tâm sự với học sinh giờ chơi, có giáo viên nói chuyện vui như mấy đứa cùng lớp chẳng ề hà chuyện tiền nông. ..Hồi cấp 2 có cô nọ nhắc khéo trong lớp để mình cố gắng nhiều hơn, có cô địa an ủi sau một vụ thi cử không may mắn dù cô chẳng liên quan gì, có thầy toán nhìn mình xót xa lúc cầm chai nhỏ mắt do bị đục dịch kính, lúc đi học Sài Gòn vẫn hỏi thăm thằng em giờ anh mày ra sao... Còn cấp 3 có cô quản nhiệm viết thư bảo chuyện học hành , có thầy quản nhiệm đưa ra những lời khuyên trong mọi biến cố, có cô anh văn năm 11 tận tình kinh khủng, có cô văn, cô sinh năm 12 luôn hết sức giúp đỡ thằng này,... Nhớ lại những điều đó để nhắc nhở bản thân thầy cô có người này người khác sống sao cho xứng đáng những gì họ giúp mình...
Trước đây tôi từng mong mỏi lời xin lỗi từ những người Thợ... nhưng giờ thì đã khác, cố gắng khắc sâu hình ảnh những người thầy. Mỗi người gặp thầy cô cũng là một cái duyên, cái nợ... Nếu duyên thì cứ duy trì, còn nợ thì... hết thì xem như chưa có gì, gặp nhau ngoài đường thì cúi chào lịch sự thế là đủ rồi