Gửi bài:

Một chuyến đi

Ngồi trên xe từ sân bay về nhà, cô chẳng biết nói gì trong câu chuyện phiếm về cuộc sống của 2 người đàn ông (anh tài xế và cậu nhóc cùng cơ quan), mà chỉ đần ra nghe. Cô thích cái cách cậu nhóc nói chuyện với anh tài, cách cậu chia sẻ về cuộc sống, cách hỏi han tự nhiên và chững chạc, và cả ánh mắt cậu nhìn cô mỗi khi thấy cô tỏ ra ngớ ngẩn. Cô bâng quơ quay ra nhìn cửa sổ, bên ngoài xe cộ tấp nập, đúng ngày cuối tuần có khác. Cô đã xa nhà 3 tuần rồi.

Ừ, tất nhiên cô nhớ nhà, nhớ cơm mẹ nấu, nhớ con Phin giẻ lau nhưng sao cô cũng nhớ nơi cô đã đi suốt 2 tuần kia quá.

***

mot-chuyen-di

Cô nhớ những con đường sỏi, đường đất xe côn leo mòn bánh, những con đường nhựa mới vì núi lở mà bị nứt thành nhiều đoạn như quái thú cào, mỗi đoạn nứt rộng và sâu chừng một phần ba mét, đan vào nhau chằng chịt, đoạn nào nứt ra là nước từ khe suối lại len lỏi vào, nom chẳng còn ra dáng đường nhựa, đi gập ghềnh như xe tăng vượt đường bom dội. Nếu không phải ngồi sau cậu em xế chắc tay lái thì cô cũng được thử cảm giác xe bốc đầu mấy lần. Không biết bao giờ con đường mới được sửa lại, nhưng hình như còn phải sửa tượng đài và xây quảng trường trước đã.

Cô nhớ một chiều từ xã biên giới về trung tâm huyện với cậu đồng nghiệp ở tỉnh, trời tối dần. Cậu ấy bảo đáng lẽ không nên về muộn vì đi qua đường rừng nguy hiểm, đã có người bị giết rồi cướp xe ở đoạn này. Nghe xong mà cô sởn da gà, chỉ ngồi im đằng sau nhìn cậu ta đuổi theo bóng nắng trên đường, cô thầm cầu khấn trời phật cho đoàn về yên ổn. Tính cô thích khám phá, thi thoảng ra vẻ bạo dạn thế thôi nhưng dễ giật mình và hèn lắm. Gan thỏ đế mà.

Cô nhớ nhất buổi tối trong bản, lúc ấy là 10h đêm, cô đứng ngoài hiên chờ cậu em "xế" phỏng vấn lượt cuối. Cô nhìn ra xa, những căn nhà đất lợp lá đơn sơ yên ắng, không tiếng chó sủa, không cả tiếng gà, lợn, trời không nhiều sao mà vẫn sáng cả một khu ở bản không điện này. Cô vẫn còn nhớ thời tiết lúc ấy mát mẻ, màu trời xanh ghi, phản chiếu xuống bản một màu lạnh lẽo như màu nước phim kinh dị trên ti vi. Khoảnh khắc ấy đẹp lắm mà buồn. Sao cách nhau có vài chục km từ trung tâm xã vào bản mà cuộc sống khác quá, không đường, không điện, không nước, không cả gạo, ở đây thiếu thốn đủ thứ. Cô đã gặp những em bé mặc áo thì không mặc quần, em có quần thì không có áo, và chẳng em nào đi dép. Cô đang ở nơi mà người dân còn chẳng đủ ăn đủ mặc, cán bộ y tế bản phải vào tận nhà động viên họ đi khám, uống thuốc khi ốm đau thì họ nào biết đến căn bệnh HIV là gì. Cô thấy buồn, nỗi buồn khiến cô bất lực.

Cô nhớ cậu em điều tra viên ở huyện kiêm xế xịn, dù mới biết nhau mấy ngày nhưng cô rất quý cậu vì sống tình cảm. Cũng bởi tình cảm quá nên cậu em nhạy cảm, dễ xúc động và hay bị mọi người trêu. Từ lúc mới quen, 2 chị em đã rong ruổi từ 6h sáng đến 6h tối, có hôm 11h mới về được đến phòng nghỉ. Nhờ có cậu em nên dù lần đầu đến huyện, cô đã có cảm giác thân quen lắm. Ngã cùng ngã, tím cùng tím, cãi nhau cũng có. Quý nhất cậu em những khi đang đi lại dừng cho chị già chụp ảnh, khi rong ruổi trên đường tối vắng hoe duy nhất ánh đèn xe le lói soi đường 1 bên là núi 1 bên là ruộng cứ động viên c hị đừng sợ ma ngồi lên balo đằng sau. Đến lúc về trạm an toàn mới thổ lộ hóa ra cậu em cũng sợ chết khiếp. Cứ thế, chị em thân nhau, kể lể tâm sự.

Và cô nhớ ánh mắt đen láy của các em nhỏ dân tộc, những bộ váy sặc sỡ của người Mông, nhớ màu xanh của rừng mây phủ sáng sớm, nhớ anh chị em đồng nghiệp thân thiện, nhiệt tình và những câu chuyện thiên cơ bất khả lộ chỉ có ở vùng biên giới và ... trên mâm rượu.

Đang thả hồn thơ thẩn, bất chợt cô thấy có gì chạm nhẹ vào má, ấm áp, là tay cậu. Cô giật mình quay ra phía cậu nhóc và bắt gặp ánh mắt đầy tâm trạng đang nhìn cô, vừa chân thành lại có nét buồn, "nghĩ gì mà đần ra thế?" cậu hỏi trống không. Cô chẳng biết nên sắp xếp lại ký ức thế nào nên chẳng nói gì, cậu nhóc và cô cứ nhìn nhau một lúc, trước khi cô quay ra phía cửa sổ ngắm phố phường để tiếp tục thả hồn thoát xác, còn cậu nhóc trở lại tiếp chuyện anh tài xế.

Chẳng mấy chốc xe dừng ở con ngõ quen thuộc, mùi măng, ngan thơm nức mũi làm cô tỉnh cả người.

Cô đã về nhà.

Ngày đăng: 15/01/2016
Người đăng: Phuong Le Mai
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

  • Tản mạn về sự học ngày nay Tản mạn về sự học ngày nay Nghịch lý của sự học ngày nay đang là một nỗi lo lớn trong toàn xã hội.  *** Trong khi hằng năm có hàng ngàn cử nhân tốt nghiệp Đại học...
Nấm Linh Chi khô Điện Biên
A guy who saves
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage