Quê hương
Tôi biết trào lưu "đô thị hoá" làng quê là không tránh khỏi, bởi bùng nổ thông tin của xu thế hội nhập toàn cầu hoá... Nhưng trong lòng vẫn tin, bình lặng mà tin để hy vọng chắc chắn rằng: cuốn trong trào lưu, xu thế đó, "văn hoá quê" biết tiếp thu có chọn lọc, gạn đục khơi trong để vững bước tiến lên.
***
Làng quê tôi - thôn Hải Yến, xã Hải Triều nằm dọc theo ven sông Luộc, tỉnh Hưng Yên, quê của Nhãn, của Sen. Những năm học đại học rồi ra trường, cuộc đời người lính Biên phòng gắn với biên cương vùng Đông bắc tổ quốc xa xôi với bao công việc bộn bề của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự nơi biên giới... vì thế mà thời chiến cũng như thời bình đều phải tự sống xa gia đình... Những lúc rảnh rỗi hiếm hoi, nỗi nhớ quê sao mà da diết... Sâu thẳm trong tim tôi luôn ngân lên hai tiếng trở về...
Trở về với con sông Luộc hiền hòa mềm mại như dải lụa đào, con sông đã tắm mát và chất chứa bao kỉ niệm của tuổi thơ tôi. Ơi con đê thân thương... Một chiều hè nóng nực, lũ bạn chăn trâu bò chúng tôi tụ tập múc nước và đạp chân tạo thành rãnh cầu trượt từ thân đê xuống bờ sông... Chả hiểu thế nào mà một lần trượt tôi vấp phải cái mảnh sành to tướng... Vết tích đến bây giờ vẫn còn chiếc sẹo to tướng như con Bọ Lẹt chuối ở mông... Ơi dòng sông mênh mông... Một chiều đầu Hè năm 1979, chia tay bạn Hoàng Bình tình nguyện đi bộ đội lên biên giới phía Bắc chống giặc Bành trướng, tôi cùng với Hoàng Bình, Chu Nam, Vũ Chúc, Bình Nguyễn và Dũng Chu rủ nhau xuống sông Luộc tắm... Hoàng Bình bảo "... Chúng mày ở lại cố mà học để thi đỗ đại học... Tao sẽ đánh thắng bọn Tầu... Hẹn ngày trở về, chúng mình sẽ lại xuống sông tắm... Thật vui!". Vậy mà từ ấy, Hoàng Bình đi... đi mãi không về... bạn đã dâng trọn tuổi xanh nơi biên cương xa xôi cho đất Mẹ mãi bình yên. Và cũng từ đấy đến giờ, 05 thằng bạn còn lại cũng chưa một lần cùng về quê tắm chung với dòng Luộc thân thương.
Đâu rồi bãi chân đê Cống Trụ quen thuộc, nơi diễn ra các trận bóng đá của lớp 8I: Tan buổi học sáng (tầm sau 11 giờ), hoặc sau buổi chiều lao động ở trường, đám bạn trai 8I chia thành 02 đội, đá với nhau nhưng rất máu lửa và kéo dài chẳng có quy định thời gian. Tôi nhớ mãi..., trận bóng buổi trưa hôm ấy, bên đội tôi đang thua to... Thế mà Dũng Chu bên đội thắng tuyên bố "Thôi không đá nữa...". Tôi nài nỉ, cố ép mà không được... Vì cái tính nóng nảy và hiếu thắng, tôi sừng sộ đấm thẳng vào mặt Dũng Chu (thằng bạn thân nhất của tôi), làm nó gãy một chiếc răng... máu chảy dòng dòng... Cũng may mà chiếc răng gãy ấy là chiếc răng duy nhất mọc chòi vẩu ra ngoài... Nhiều khi nghĩ lại tôi vừa ân hận, vừa buồn cười cho hành động thiếu kiềm chế của mình.
Đâu rồi các con đường ngày xưa ta đi học... Bạn bè ta quấn quýt đi về... Chia sẻ, luận bàn một áng thơ hay, một bài toán khó... Một nụ cười khúc khích vô tư... Một ánh mắt đen láy sâu thẳm hồn ai... Dặng nhãn, dặng xà cừ thân quen..., dặng phượng đầu hè nở hoa đỏ rực rỡ... Ngẩn ngơ ngắm hoa phượng, một cảm giác mới lạ, êm ái ùa về..., định tặng bạn thân một chùm mà phần vì ngượng, phần vì mải ôn thi đại học mà quên mất... Những dốc Cầu Địa, dốc Ông Còng... năm học lớp 9, tôi bày trò tinh nghịch khi rủ đám bạn trai thân đạp xe lên trước rồi đứng lại đầu dốc, làm cho đám bạn phía dưới dồn đống lại dắt xe ngược dốc trong sự bực dọc... Còn chúng tôi lại cười hỉ hả... Nhưng dại dột nhất có lẽ là năm học lớp 5... Một chiều đông muộn... đường về làng ngập đầy rơm dạ... Tôi đầu trò đám bạn trai dám đuổi theo sau kéo giữ xe đạp cô giáo Dung chủ nhiệm lớp... Cô quay lại thì chúng tôi cười, Cô lên xe thì chúng tôi giữ... làm Cô giận tím mặt. Mãi đến năm tốt nghiệp Đại học trở thành Sỹ quan quân đội, tôi mới gửi được lời xin lỗi tới cô Dung...
Cũng vẫn trên con đường đi học ấy, buổi sáng chiều xuân năm 1977, tôi tiễn anh trai trở vào Nam công tác. Chia tay ở bến xe thị xã, anh vỗ vai tôi ân cần bảo: Cả nhà chỉ còn mình em là có điều kiện tốt, vậy cố mà học cho nên người có ích. Trên đường về nhà tôi miên man nghĩ và lung nấu một quyết tâm phải thi đỗ đại học từ đấy.
Trở về với cây nhãn cổ thụ đầu nhà chắc đã gần trăm tuổi mà mùa nào cũng cho trái trĩu cành. Dưới gốc nhãn, ngày bé khi còn chưa đi học, tôi đã được bu tôi đọc cho nghe những câu Kiều... rằng "...Nuôi con những ước về sau, trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi...". Bu ơi! con nguyện mãi sống đúng như mong ước của Người.
Tháng 3, hoa nhãn nở đầy vườn. Đứng trên đê phóng tầm mắt về, cả làng là một màu vàng trắng điểm xuyết nâu nâu của hoa nhãn nở, trông như một mâm xôi khổng lồ. Đi trong từng con ngõ là đi trong mùi hương thơm hoa nhãn toả nhẹ ngây ngất lòng người. Một mùi hương riêng biệt và thuần khiết của quê tôi. Hoa nhãn rụng đầy ngõ, đầy sân, đầy gác nhõ, rải trên mặt đất như một bầu trời hàng vạn sao đêm. Trên ngọn cây nhãn cao nhất xóm, chú chích choè líu lô luyến láy, khi trầm khi bổng, lúc da diết gọi bạn như một nhạc trưởng tài ba. Dàn nhạc bên dưới muôn cung ngàn bậc của đủ thứ chim muông... Anh chào mào với cái đuôi đỏ rực, cái mào cong vút đầy quyền quý. Từng nhóm chim sẻ rả rích dưới hiên nhà. Từng đàn chim khuyên líu ríu với bộ áo cánh xanh mướt như nhung. Chị chim sâu hai chân mảnh khảnh như đôi tăm, nhảy lích tích luôn hồi. Nhưng có lẽ vui nhộn và náo nhiệt nhất là bầy ong mật. Từng con, từng con hối hả, cần cù, hăng say đến từng cánh hoa mà hút lấy những dòng mật tinh khiết chắt chiu từ tình đất, tình người Hải Yến quê tôi... báo hiệu một mùa nhãn bội thu.
Mùa Nhãn chín, vui tưng bừng. Khoái nhất là được bu bá sai trèo lên cây, chọn bẻ những chùm sai trĩu, căng mọng để bu bá thắp hương tổ tiên ông bà và làm quà biếu. Sau đó được tự hái lấy những quả nhãn chín mọng... Bóc miếng vỏ, hương nhãn thanh nhẹ bay lên mũi ngất ngây... chưa đưa đến miệng đã tứa nước miếng... Quả nhãn nước cùi trong như hổ phách, hạt nhỏ, nước ngọt mát và thơm lạ lùng... Nhãn lồng, nhãn đường phèn quả to, da láng, cùi dày, ròn thơm... Ăn một quả nhãn lồng đường phèn, vị nước ngọt và thơm ngào ngạt thấm từ đầu lưỡi đến chân răng rồi lan tỏa khắp cơ thể, người cảm thấy sảng khoái, phấn chấn lạ lùng. Đó là tinh hoa của đất trời chắt chiu, thu góp lại hiến dâng cho người trồng nhãn quê tôi. Vì thế dẫu có đi khắp chân trời góc bể và thưởng thức bao nhiêu thứ nhãn ở các miền quê khác, thậm chí cả nhãn Thái, nhãn Tầu... nhưng không có thứ nhãn nào có hương vị ngọt ngào như nhãn quê tôi. Bởi có thể vị ngọt thì có nhưng vị thơm thì không có thứ nhãn nào thơm dịu dàng và đằm thắm làm ngất ngây lòng người như nhãn quê tôi. Thật không quá khi ví nhãn quê tôi như một bông hoa đủ cả sắc hương – Một thiếu nữ xinh đẹp vẹn toàn. Hè năm 1986, biết nhãn nhà sai quả, tôi viết thư hẹn bu bá sẽ về ăn nhãn. Vậy mà biên giới xảy ra căng thẳng nên đến gần cuối tháng 7 âm lịch tôi mới được về quê... Bu vẫn đợi phần tôi mấy chùm nhãn... Nhãn cuối mùa đã vỡ nước, vậy mà đó là lần thưởng thức nhãn ngọt ngào, ngon nghẻ nhất đời tôi. Một kỉ niệm cũng không quên vào một đêm hè, chơi "ẩn tìm" tôi dấu mình trên cành nhãn... Cho tụi em cùng xóm đi tìm không thấy phải gọi tên...Gan không thưa để chúng sợ oà nên khóc...
Nhớ những trưa hè oi ả hay những đêm trăng thanh, gió mát, nằm trên chiếc võng đay mắc ở cây nhãn đầu nhà lặng nghe giọng bà, giọng mẹ, hay giọng chị ngọt ngào, êm dịu ru em bé vào giấc ngủ thần tiên... À ơi! Cái cò đi đón cơn mưa, tối tăm mù mịt ai đưa cò về... À ơi! Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ, kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Nghe mà lòng thấy tự hào và cảm thấy nhẹ nhõm, lao lao... Bởi những lời ru mộc mạc, giản dị nhưng chứa đầy triết lý nhân văn ấy là niềm tin, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bao thế hệ người dân thôn quê lớn lên trở thành những người tài giỏi dựng xây quê hương đất nước. Chả thế mà Nhà thơ Nguyễn Duy đã đúc kết "... Ta đi trọn kiếp con người, cũng không đi hết mấy lời mẹ ru... Mẹ ru cái lẽ ở đời, sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn..."
Nhớ lắm cơn mưa mùa Hạ... Trời đang nắng oi ả, bỗng mây đen kéo đến ùn ùn... sấm chớp nổ đùng đùng... Gió mát lạnh... Mưa ào ào đổ xuống... Lũ trẻ con chúng tôi gái như trai, tồng ngồng chạy ra sân tắm mưa..., đứng dưới mái nhà tranh cho mưa xối xả xuống đầu mát rượi..., bao rôm xẩy trên người, bỗng dưng lặn hết cho làn da dịu mát thật là dễ chịu... Bờ ao, ngoài ngõ, trong sân..., lũ cá rô đen sẫm mốc thếch, mình còn lấm bèo tấm cắn đuôi nhau đi trẩy hội thì phải...
Nhớ cái tuổi lên năm, lên sáu chúng tôi đã được các anh chị lớn cho chuồn chuồn cắn vào rốn... rồi đưa ra xa cầu ao để tự bơi vào, thế là biết bơi. Lên chín, lên mười, đám bạn trai cùng chăn trâu bò chúng tôi đã có thể bơi qua sông Luộc ngon lành.
Nhớ lắm những ngày xưa giáp hạt, mất mùa, đói kinh khủng... Cơm chủ yếu độn khoai, rau cho qua bữa...Là út nên tôi được chị cả hoặc anh trưởng thường xuyên nhường cho phần cơm trắng. Thịt là thứ xa xỉ vô cùng, cả tháng trời may ra được một bữa. Ấy là khi bu tôi mua thịt mỡ về để rán lấy mỡ ăn dần, phần bạc nhạc, da bì thì kho mặn nên để ăn dè; được miếng thịt kho béo ngậy, tôi phải trộn quệt đều vào cơm rồi ấn xuống đáy bát để ăn sau cùng. Ấy vậy mà các gia đình trong xóm vẫn thường xuyên biếu nhau khi thì bát canh, lúc thì bát cháo hoặc có khi chỉ là mấy củ khoai luộc. Có lẽ dịp Tết là sướng nhất, được ăn no mà lại có giò chả thịt, được mặc một bộ quần áo mới để đi chơi, được người lớn mừng tuổi dủng dỉnh mấy hào để mà mua truyện mua tranh, đánh đinh đánh đáo hay đánh bài tam cúc búng tai, vẽ râu, quỳ gối.
Nhớ lắm mùi hương lúa trỗ, mùi thơm tươi của rơm rạ, mùi bùn ruộng ngai ngái... mùi mồ hôi mặn mòi của bu bá lúc làm đồng về... Và... nhớ cả mùi phân trâu bò hăng hắc, nồng nồng...
Theo đà phát triển của đổi mới, dân quê tôi chả còn phải đói, và kéo theo nó là cuộc sống khấm khá, dễ chịu hẳn lên... Nhiều nhà tầng mọc lên, tiện nghi đầy đủ, xe máy, xe ô tô cũng có... đường xá trong thôn ngoài đồng cơ bản được bê tông hóa. Trẻ em được chăm lo dạy dỗ học hành đỗ đạt hơn trước nhiều lần. Nhiều nét đẹp văn hoá được khôi phục và gìn giữ qua hội làng, qua sinh hoạt gặp gỡ họ hàng dòng tộc, bạn bè hay đám cưới, đám hỏi... Nhưng cũng kéo theo nó mà làng quê cũng dần mất đi bao nhiêu vẻ đẹp vốn dĩ của nó... Lũ trẻ con rất nhiều đứa không biết bơi, bởi ao chuôm lấp cả đi rồi, và cũng nhiều đứa không rành các trò "ẩn tìm", "bịt mắt bắt dê" hay "rồng rắn"...Nhưng chơi điện tử hay chúi mũi vào đọc ""Đôkêmon" thì lại quá rành..., hỏi đến sử quê hương, sử đất nước cũng ít đứa biết... Đầu làng, cuối xóm tiếng nhạc Rốc, Ráp đinh tai... Đám thanh niên choai choai đầu nhuộm xanh, nhuộm đỏ đã biết cụng ly đôm đốp...Nhiều căn nhà cổ hàng trăm năm tuổi có dư đã bị phá đi để làm nhà mái bằng...Cứ đà này, làng quê rồi sẽ trở thành một khối bê tông...Làng quê bây giờ, bao người còn biết ăn trầu, mấy bà mẹ trẻ biết hát ru con? Thật buồn! Chạnh lòng nhớ vần thơ thảng thốt của Nguyễn Duy "...Bà ru mẹ, mẹ ru con, liệu mai sau các con còn nhớ chăng?..."
Tôi biết trào lưu "đô thị hoá" làng quê là không tránh khỏi, bởi bùng nổ thông tin của xu thế hội nhập toàn cầu hoá... Nhưng trong lòng vẫn tin, bình lặng mà tin để hy vọng chắc chắn rằng: cuốn trong trào lưu, xu thế đó, "văn hoá quê" biết tiếp thu có chọn lọc, gạn đục khơi trong để vững bước tiến lên. Đó là tình cảm thiêng liêng, là nghĩa vụ trách nhiệm của mỗi chúng ta cần phải làm. Để sao cho trong tâm hồn chúng ta khi nào cũng ngân lên tự hào hai tiếng "QUÊ HƯƠNG!"
Hạ Long, mùa Thu năm 1998! Biên giới Bình Liêu, mùa Hạ năm 2012!