Gửi bài:

Quán quê

Sớm. Ngó qua hàng bánh cuốn của vợ chồng cô bé nhà chếch bên đã thấy hai vợ chồng đang dọn hàng quán chuẩn bị đón khách. Quán quê mái lá lúp súp, núp dưới tán sấu non tơ, cả không gian vọng vang tiếng ve ngân. Đồng quê đang mùa gặt, ngôi quán lá sơ sài ven lộ khách bỗng đông hơn ngày thường. Khách quen gọi là "Quán Lá" để phân biệt với những hàng quán khác gần đó.

***

quan-que

Sáng nào cũng thế, ông lão hàng xóm người gầy, cao lênh khênh, tấm lưng hơi còng với mái tóc hoa dâm thường là người ghé quán đầu tiên. Ông ghé quán không phải là để ăn mở hàng mà cái chính ông ghé quán để hút nhờ điếu thuốc lào, xin chén nước chè mới pha, sau đó ông đi làm, chừng 8 giờ hoặc hơn một chút ông mới quay lại quán kiếm chút gì đó ăn, có khi là quả trứng vịt lộn kèm ly rượu trắng, có khi là 5 nghìn bánh cuốn.

Quán Lá khách đa phần là người quen, lại là chỗ xóm giềng nên cô chủ đã quen với khẩu vị và cách ăn uống của từng người. Chẳng những thế cô còn biết được thu nhập của mỗi người ra sao nữa, nên thực đơn bán cho khách cũng rất linh hoạt, đáp ứng được yêu cầu của mọi người mà không hề ca thán ăn nhiều hay ít...ta chỉ thấy những tiếng mời chào tíu tít cùng nụ cười tươi rói trên môi cô chủ. Sớm nào cũng thế nên cả chủ và khách đều rất hài lòng. Có lẽ những người bán hàng giờ đây đều thấm nhuần câu nói "khách hàng là thượng đế" nên ai cũng đon đả, vồn vã và chu đáo nhiệt tình với khách như vậy!... Mấy tay thợ xẻ ngày kiếm đôi trăm nghìn thường đến quán làm đôi trứng vịt lộn kèm tô bún 15 nghìn vị chi cũng chỉ hết 25 nghìn bữa sáng. Mấy gã lái xe lẳng lơ thường làm tô phở gà 20 nghìn, rồi ra ngồi uống nước, mắt liếc trộm cô chủ với ánh nhìn và nụ cười tinh quái... Mấy bà, mấy chị dắt cháu đi ăn cũng chỉ gọi đĩa bánh cuốn 10 nghìn...Đúng là vừa ngon, bổ, rẻ lại vừa tiện nữa.

Chuyện ra quán ăn sáng đối với người dân quê giờ cũng rất phổ biến, bởi ai cũng muốn tiện lợi, đỡ phải nấu nướng kích rích ở nhà vả lại nếu tính chi ly thì cũng chả rẻ hơn việc ra quán, vừa được "oai" với mọi người, vừa được tiếng "gia đình có điều kiện", lại vừa được giao lưu trò chuyện với mọi người. Những ông già, bà cả không phải đi làm thường lui tới quán muộn hơn, sau khi ăn uống, họ thong thả pha chè, hút thuốc (chè miễn phí) rồi trò chuyện với nhau về tin tức thời sự trong và ngoài nước. Thôi thì đủ thứ chuyện nào là quốc hội vừa thông qua những bộ luật gì? Tình hình tây, tàu dạo này ra sao?...phải nói mấy ông nắm tình hình thời sự đâu ra đấy. Mọi người chớ chê dân quê nhận thức kém nữa nha ! Hết chuyện quốc gia, quốc tế lại đến chuyện trong làng, ngoài xóm, nào là con bà A vừa bị bắt đi cai nghiện tuần qua...chết vì cái tội chiều con quá, con ông C vừa đi Hàn Quốc về mua cho bố chiếc tivi 55 inh to vật về xem Word cup, làng mình giờ giàu nhất nhà ấy...rồi chuyện giá thịt lợn hơi tăng cao nhà lão T lại trúng to cú này... và tôi chợt nhớ tới mấy câu thơ của Trần Nhuận Minh rất giống cảnh Quán Lá làng tôi:

...Chẳng ai bàn chuyện ruộng nương

Chỉ bàn xem ở trung ương thế nào?

Nước này, nước nọ ra sao?

Nước nào là địch, nước nào là ta?... (Làng tôi thành quán hết rồi!)

Cứ thế con cà, con kê chừng 10 giờ họ mới lục tục ra về lo cơm nước cho con cái ở nhà. Quán Lá làng tôi giờ trở thành "trung tâm văn hóa" của làng, họ muốn tìm gặp nhau cũng hẹn ra Quán Lá, muốn trò chuyện tán gẫu cũng ra Quán Lá, ăn nhậu xem bóng đá cũng ra Quán Lá...vay nóng tiền đi đám xá cũng ra Quán Lá!

Chủ quán là cô gái trẻ, người nhỏ nhắn, làn da trắng hồng tuổi hai lăm, tính tình sởi lởi, nói năng nhẹ nhàng. Vợ chồng mới ra lập nghiệp được dăm năm. Mới đầu ai cũng bảo hàng quán đông thế mở ra bán cho ai? Dân làng mấy ai có tiền mà ăn cơ chứ? Ấy vậy mà nhờ vào cái duyên bán hàng của mình cùng lời mời chào khéo léo của cô chủ, khách cứ đông dần lên. Mới đầu là những người thân trong xóm đến ăn thấy bánh cuốn ngon, nước dùng pha chế khéo, nhất là giá lại "rất mềm" cứ thế tiếng lành đồn xa... khách qua đường thấy quán giữa đồng thoáng đãng tiện ghé qua, vài lần ăn thấy ngon miệng thế là thành khách quen. Nhìn cô chủ tay thoăn thoắt xoay đảo liên hồi bên bếp lửa mới thấy được sự nỗ lực và khéo léo của người phụ nữ trong công việc bếp núc. Bán hàng ăn, cốt phải nhanh tránh để khách phải chờ lâu, do vậy ngoài việc nhanh tay còn phải biết ứng xử khéo léo bằng những câu chào hỏi xã giao, thậm chí là những câu chuyện đưa đà dùng"câu giờ"để khách không sốt ruột sẵn sàng ngồi chờ...có lẽ vì thế mà bán hàng cũng được coi như một môn nghệ thuật. Quán Lá chỉ đông từ khoảng 6 giờ đến tầm 8 giờ sáng. Gần đây thấy có nhiều xe con của những quý bà váy đầm, kính mát dáng tỉnh thành, cũng thường tìm đến Quán Lá. Doanh thu của quán nhờ thế cũng gia tăng đáng kể. Mọi người bảo nhau con bé "có duyên" bán hàng, thế mới có khách, chứ không ít người dựng hàng quán khang trang, tiện nghi đầy đủ mà chẳng được bao lâu đã phải đóng cửa.

Quán Lá đơn sơ, mộc mạc mà khách vẫn cứ đông. Sớm nay sang ngồi bên Quán Lá chờ hoài ông lão cao kều ra ăn sáng cùng mà không thấy. Hỏi ra mới hay ông được con gái ở Hải Phòng về đón ra Đồ Sơn nghỉ mát, hết tuần mới về. Quán Lá vắng ông như vắng đi một người tri kỷ. Tôi tự hỏi liệu ở Đồ Sơn ông có thấy vui hơn khi ngồi trong quán quê mình không nhỉ?

Bùi Nhật Lai

 

Ngày đăng: 19/07/2018
Người đăng: Lai Bui Nhat
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên
lòng dạ đàn ông
 

Nhìn bóng dáng mất hút trong bóng đêm không một chút vương vấn của cậu ấy ngay sau đó, lần đầu tiên tôi biết thế nào là lòng dạ sắt đá của đàn ông. Lúc tốt đẹp thì mềm mại ân cần như nước, một khi đã quyết tâm ra đi, người ta sẽ đi một cách vô cùng đường hoàng mà dứt khoát.

Trích Có duyên nhất định sẽ có phận - Tào Đình

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage