Gửi bài:

Sài Gòn, vội mà không vội

Thì ra đâu đó trong bản nhạc vội vã của cái đất Sài Thành này vẫn còn tồn tại những nốt trầm như thế.

(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời")

***

"Bà chủ đâu rồi, hai bát phở gà ở đây sao lâu quá trời vậy?"

"Dạ anh chờ chút có liền! Thằng Hai, bưng cái này ra cho bàn số 6 nhanh, lẹ lẹ cái coi"

Sáng chủ nhật, quán phở khách đông nghìn nghịt, ra vào liên tiếp. Tiếng mụ chủ quát tháo ầm ĩ, tiếng khách thay nhau gọi í ới, tiếng dạ thưa nhao nhác của đám nhân viên làm cho cái tiết trời nóng bức của Sài Gòn đã ngột ngạt lại càng thêm khó chịu hơn. Một thằng bé trạc khoảng 11,12 tuổi, mặt lúc nào cũng cúi gằm, lầm lũi bưng bát phở nghi ngút khói ra cho khách. Bỗng "Choanggg"- có đứa con nít va vào làm nó ngã lăn ra đất, bát phở vỡ tan tành. Cả quán ăn đồng loạt nhìn về phía nó. Mấy người nhân viên trong quán chỉ liếc qua rồi chép miệng như thể muốn bảo nhau "khổ thân thằng bé, đợt này chắc lại no đòn". Và họ nói đúng thật, thằng bé đứng lên vừa kịp phủi lại cái áo lấm lem, cũng là lúc nó ăn trọn năm ngón tay in hằn trên má. " Đồ của nợ, tao nuôi mày tốn cơm tốn của để cho mày phá hoại à??"

Đáp lại cái tát như trời giáng và cặp mắt đỏ lừ như nảy lửa của mụ chủ, thằng bé không hề khóc, chỉ quay lưng dọn dẹp đống ngổn ngang trên sàn. Hình như nó đã quá quen với việc bị mắng, bị đánh. Mấy người khách thấy không có gì cũng quay lại cắm cúi ăn.Và hình như với những người bưng bê ở đây, việc này xảy ra như cơm bữa nên cũng chẳng ai thèm lên tiếng. Họ chỉ kịp liếc qua, chép miệng lắc đầu, rồi lại ai làm việc nấy. Có thể vì họ không quan tâm, nhưng cũng có thể họ sợ nếu vào ngăn cản rồi sẽ bị mụ chủ ghê gớm kia đuổi việc, lại mất đi nguồn sống hàng ngày.

sai-gon-voi-ma-khong-voi

8 giờ tối, quán không còn khách, ai nấy sửa soạn ra về sau một ngày cực nhọc. Cái nóng hâm hấp tỏa ra từ mặt đường, cộng thêm mấy cơn gió ngột ngạt thổi đến làm người ta chỉ mong nhanh chóng được về nhà tắm rửa, giũ bỏ cái sự nóng bức chết người. Mụ chủ quán chắc cũng bỏ lên lầu từ lâu. Duy chỉ có trên bục cửa sổ, trong quán ăn, vẫn còn một thằng bé ngồi đó, lặng thinh nhìn ra bầu trời đầy sao. Ánh đèn đường hắt qua khe cửa, ánh lên gương mặt tinh anh, lanh lợi nhưng đượm buồn của nó. Hầu như đêm nào, khi quán đóng cửa, nó đều ngồi đấy, ngồi hàng giờ đồng hồ, chỉ để ngắm khoảng trời chi chít ánh sao và suy nghĩ vẩn vơ. Nó nghĩ nhiều lắm. Nó nhớ bố, người bố quá cố tội nghiệp, suốt đời chỉ biết cố gắng làm việc để cho nó bằng bạn bằng bè, mà cuối cùng cũng không qua khỏi cơn bạo bệnh, để cho nó phải sống với người thím suốt ngày chỉ biết bắt nó kiếm tiền, không làm được thì đánh không thương tiếc. Có tiếng dép loẹt xoẹt từ trên lầu đi xuống cùng tiếng người nheo nhéo: " Thằng oắt này, mày ngồi đấy có hái được ra tiền không mà đêm nào mày cũng ngồi! Cút lên lầu đi, đồ của nợ, chỉ tổ ngứa mắt tao!"

Lại là mụ chủ, à không, là bà thím ghê gớm yêu tiền của nó. Nó đã quá quen với mấy lời nhì nhèo khó nghe, im lặng đứng dậy, nhưng thay vì lên lầu, nó lại mở cửa bước ra ngoài...

Ngoài đường đèn sáng trưng, khác hẳn cái bóng đêm bao phủ ở nhà làm nó thấy dễ chịu. Nó thích ra ngoài vào buổi tối, thích đứng hàng giờ trên thành cầu để ngắm nhìn đoàn xe tấp nập, thích dỏng tai lắng nghe tiếng ve kêu râm ran và tiếng chổi xao xác ở bên kia vỉa hè của bác lao công già. Người ta nói đúng, Sài Gòn bận lắm, Sài Gòn vội lắm. Bận đến nỗi con người chẳng bao giờ có thời gian để gặp mặt, chỉ lướt qua rồi cũng bỏ qua nhau. Vội đến nỗi chẳng có ai kịp dừng chân để ngắm nhìn cái thành phố lúc lên đèn lại lộng lẫy đến thế. Cái vội vã, bận bịu đến điên cuồng của Sài Gòn làm người ta chỉ biết hối hả chạy theo mà không kịp quay đầu nhìn lại, làm cho đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn như nó cũng bị cuốn vào vòng xoáy mưu sinh, làm cho nó phải chịu những trận đòn roi như cơm bữa dưới ánh nhìn dửng dưng của những người khách trong quán phở. Và chắc nó đã quen với cuộc sống như thế, vẫn làm theo, vẫn thực hiện, như một cỗ máy. Chỉ đến những lúc như thế này, mọi thứ đã ngủ say, thì mới là lúc nó được sống với khoảng không gian của chính mình, làm mọi thứ mình muốn làm.

Sài Gòn đêm nay đẹp lạ lùng, nhưng chắc chẳng có ai đủ rảnh rỗi để dạo bước thơ thẩn như nó. Ai nấy cũng đều cố gắng bước nhanh về nhà sau một ngày vội vã. "Chắc người ta mệt!", nó tự nhủ như đang tự an ủi cái sự cô đơn trống trải của mình. Người ta còn có nhà để về, còn nó thì....Gọi là "nhà", nhưng thực chất chỉ là cái nơi tạm chứa chấp nó, chỉ trực chờ nó lớn mà đuổi đi. Nghĩ đến cái "nhà" mà nó thấy chán ngán, chỉ muốn bước chân đi vô định mãi, mặc dù nó nghĩ lúc này chắc cũng không còn ai trên đường. Nhưng hình như nó nhầm rồi. Trên cái vỉa hè đối diện ngã năm, có một lão già mù vẫn còn ngồi hát xẩm trên manh chiếu rách. Từng tiếng gảy đàn bầu vang lên trong đêm tĩnh lặng nghe sắc ngọt, không lớn, nhưng cũng đủ để gây sự chú ý của người đi đường. Thế mà chẳng có ai đủ thì giờ dừng lại bố thí cho lão, dù chỉ vài đồng bạc lẻ. Dẫu vậy, đôi mắt tối tăm của lão vẫn nhìn vô định vào một khoảng không nào đấy, và vẫn ngồi yên lặng cất giọng hát, tuy không lớn nhưng đủ hòa vào không gian đêm khuya tĩnh mĩnh. Giọng hát của người đàn ông có tuổi đã đục đục, khàn khàn, mà vẫn nghe hao gầy, da diết.

Cách đó một đoạn nữa, lại có bà lão vẫn ngồi bán bắp luộc hàng đêm trên cái xe đẩy, tỉ mẩn lặng thinh ngồi xâu từng đường kim mũi chỉ may áo. Thi thoảng có người công nhân làm ca đêm nào vào mua thì bà lão lại đứng dậy, giở vung nồi gói từng bắp, rồi lại ngồi xuống khâu tiếp, như thể chẳng để ý gì đến màn đêm xung quanh. Nó đứng tần ngần hồi lâu, quan sát tất cả mọi hành động của bà lão, nghe hết tất cả những câu hát của lão xẩm mù. Hai con người trong màn đêm làm nó bỗng nhớ đến chiếc xe đạp chở đầy hoa của bác gái bán hoa cúc dạo trên phố, dù lạc giữa dòng xe cộ tấp nập vẫn chậm rãi lăn bánh đều đều; Lại nhớ đến gánh nước chè của bà Năm ở đầu ngõ, người ta vào ra tấp nập, có khi mấy chục người tụm lại ngồi nói chuyện đủ thứ chính trị kinh tế trên đời, ồn ào và náo nhiệt. Ấy vậy mà nó luôn thấy bà cứ nhìn ra khoảng không xa xăm nào đấy, như thể bà đang ở xứ tiên nào chứ không phải đang ở giữa trung tâm cái thành phố đông người này vậy.....

Tiếng chuông nhà thờ Đức Bà vang lên làm nó giật mình thoát khỏi dòng suy nghĩ. Thì ra đâu đó trong bản nhạc vội vã của cái đất Sài Thành này vẫn còn tồn tại những nốt trầm như thế. Sự mệt mỏi, chán nản lúc nãy trong nó dường như đã tan biến đi đâu mất. Bởi nó chợt nhận ra rằng, Sài Gòn tuy vội, tuy bận thật, nhưng con người ta vẫn có cách để tìm thấy những miền tĩnh lặng cho riêng mình./.

Võ Thiều Hoa

Ngày đăng: 12/12/2018
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
thời gian luôn là như vậy
 

Thời gian quá chậm đối với những người phải chờ đợi, quá nhanh đối với những người đang sợ hãi, quá dài đối với những người đang buồn rầu, quá ngắn đối với những người đang vui...


Hẹn gặp lại em - Septiny

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage