Gửi bài:

Tản mạn Tết Việt xưa và nay

Tết Việt có tự bao giờ nhỉ?

***

Chỉ biết rằng sự tích Bánh Chưng Bánh Giầy có từ thuở Vua Hùng Vương thứ 6. Và cũng từ đó dân Việt đã biết học theo Hoàng tử Lang Liêu (Vua Hùng Vương thứ 7) làm bánh chưng, bánh giầy để dâng cúng tổ tiên vào mỗi độ Tết đến Xuân về. Thời kỳ này, phong kiến phương Bắc chưa xâm lược nước Việt ta.

Vậy có thể nói Tết Việt là do người Việt và cho người Việt, nó không phải hoàn toàn bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo nhiều tài liệu của Trung Quốc thì Tết Nguyên Đán của người TQ được có cách đây trên 4 nghìn năm... Từ thời vua Thuấn, với việc ngày đầu Tết làm tế lễ trời đất và các vị thần linh...

Tết Việt là dịp để con cháu thờ cúng ông bà tổ tiên là chính. Sau này khi Phật giáo phát triển ở Việt Nam thì người Việt nào theo Phật có khấn thêm A di đà Phật (tức là Lễ Phật) vào dịp Tết, lễ, giỗ... Dịp Tết, lễ, giỗ... người Việt cũng làm lễ cúng ông Công ông Táo (Thổ công) và các thần linh như Thổ địa, Thổ kỳ...Rồi có các tục như mừng tuổi tiền lẻ cho con trẻ, đốt pháo...Các tục lệ này được bắt nguồn và du nhập vào Việt Nam từ TQ, nhưng đã được Việt hóa hoàn toàn.

tet-xua-va-tet-nay-1

Trong "Bình Ngô Đại cáo", Nguyễn Trãi khẳng định " Như nước Đại Việt ta từ trước. Vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Núi sông bờ cõi đã chia. Phong tục Bắc Nam cũng khác...". Đặc biệt điều này càng được khẳng định rõ nét nhất khi Phong tục thờ cúng Vua Hùng Vương (tổ tiên của người Việt) được UNESCO của Liên hợp quốc công nhận là " Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại..." vào ngày 06/12/2012.

Như vậy có thể khẳng định dù trải qua bao biến cố đau thương (gần 1000 năm độ hộ của Phong kiến phương Bắc, gần 100 năm đô hộ của đế quốc Pháp...) thì dù rất muốn nhưng kẻ xâm lược chỉ tạm chiếm được đất đai chứ không thể nô dịch được trái tim của người Việt. Trái tim ấy chính là bản sắc Văn hóa Việt (trong đó có phong tục thờ cúng tổ tiên) có sức sống mãnh liệt và bất diệt; vừa biết gìn giữ Gốc (bản sắc riêng biệt) vừa biết dung nạp có chọn lọc rồi thuần hóa Việt "văn hóa" của kẻ xâm lược...

Tết xưa, trong kí ức tuổi thơ tôi, đó là khoảng thời gian mong đợi rồi vô cùng sung sướng... Trước tết, được bu sắm cho 1 bộ quần áo mới... Được cha chú dẫn ra cánh đồng làng chạp mộ để mời tổ tiên ông bà về nhà ăn tết... Cha mẹ cùng anh cả quyét dọn nhà cửa và lau rửa sạch sẽ ban thờ tổ tiên... Đêm 30 tết ngủ quay quắt bên cha trong ổ rơm trông nồi bánh chưng... Được cha gọi dậy chia cho mấy anh chị em 1 chiếc bánh bé xíu bằng bàn tay... Rồi cha cẩn thận kính cẩn dâng 2 cặp bánh chưng lên ban thờ... Rồi Giao thừa tới... lẹt đẹt... lẹt đẹt... đùng, tiếng pháo mừng vui đón chào năm mới. Sáng mùng 1 tết được cha mừng tuổi mỗi đứa 1 hoặc 2 hào có lẻ... chẳng hẹn trước, lũ trẻ cả xóm cùng đổ ra ngã ba đường xóm khoe áo mới, đánh đinh đánh đáo, chơi tam cúc vẽ râu... vui lắm... Rồi theo cha mẹ anh chị đi chúc tết cô dì chú bác và hàng xóm... cả làng đi bộ chúc tết, chào chúc tết nhau cười vui râm ran cả xóm làng...

Tết của thập niên 60, 70 rồi 80, đất nước phải gồng mình tất cả cho tiền tuyến đánh Mỹ, sau đó là chống chiến tranh xâm lược biên giới nên vật chất đón tết vô cùng khó khăn... người dân phải vật lộn, dành dụm chia nhau từng tấc vải, từng con cá, miếng thịt... Và cũng chỉ dịp tết đến mới được ăn cơm no và có giò chả thịt (những thứ ấy là đồ xa xỉ có khi cả tháng cả năm mới được ăn một đôi lần).

Tết Việt nay, Đất nước chuyển mình hội nhập phát triển mãnh mẽ, kinh tế no đủ đầy hơn Tết xưa gấp bội. Và có nằm mơ thì những ai sống ở thập niên 60... 80 cũng không dám nghĩ dám mơ được như thế. Cuộc sống nhanh, xoay chuyển mạnh mẽ chóng cả mặt...Làng quê tôi nhiều nhà tầng mọc lên, tiện nghi đầy đủ, xe máy, xe ô tô có nhiều rồi...Trẻ em được chăm lo dạy dỗ học hành đỗ đạt hơn trước nhiều lần. Nhiều nét đẹp văn hoá được khôi phục và gìn giữ qua hội làng, qua sinh hoạt gặp gỡ họ hàng dòng tộc, bạn bè hay đám cưới, đám hỏi... Nhưng cũng kéo theo nó mà làng quê cũng dần mất đi bao nhiêu vẻ đẹp vốn dĩ của nó... Lũ trẻ con rất nhiều đứa không biết bơi, bởi ao chuôm lấp cả đi rồi, và cũng nhiều đứa không rành các trò "ẩn tìm", "bịt mắt bắt dê" hay "rồng rắn"... Nhưng chơi điện tử hay chúi mũi vào đọc ""Đôkêmon" thì lại quá rành..., Nhiều căn nhà cổ hàng trăm năm tuổi có dư đã bị phá đi để làm nhà mái bằng... Tiền mừng tuổi Tết (giờ gọi thêm là lì xì) trẻ con nhận được nhiều (có đứa nhận được rất nhiều)... Và nhiều trẻ và cả bố mẹ chúng "đánh giá... Phân loại" người mừng tuổi theo thang điểm tỉ lệ tiền ít, tiền nhiều...Rồi nhiều kẻ mong Tết đến để có cơ hội đi đút lót, chạy chọt lọ kia. Và cũng nhiều kẻ mong Tết đến để mở " túi... 9 gang" nhận tiền hối lộ... Nhưng vẫn còn đó, nguyên vẹn đó trái tim người Việt hướng về cội nguồn tiên tổ ông bà quê hương bản quán... Dù làm ăn xa khắp xứ Việt, rồi cả xứ người đều quyết tâm thu xếp "về quê ăn Tết" . Vậy nên mấy ngày tết nhiều phố sá vắng hoe, còn ở quê lại nhộn nhịp đông vui của "Tết đoàn viên sum họp"... Những ai đó, vì những lý do đặc biệt không thể về quê ăn tết thì chắc rằng vào thời khắc giao thừa cũng tay run run dâng mấy nén nhang hướng về quê nhà vọng bái tổ tiên ông bà mà ánh mắt rưng rưng chẳng nói lên lời...

Mấy năm rồi, dù thế giới đầy biến động của xung đột sắc tộc, dân tộc, chiến tranh kinh tế thương mại... Thì đất Việt ta vẫn ổn định và phát triển. Đảng đã chỉnh đốn, củng cố lại niềm tin của nhân dân tạo nên sự đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu lớn trên mọi lĩnh vực. Chúng ta những con dân của đất Việt ngàn năm văn hiến tin tưởng quyết tâm đoàn kết theo Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa Việt, Tết Việt, hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ để nhất định đưa đất nước phát triển vững mạnh lên một tầm cao mới như lời chúc tết của Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng:

"Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng lợi tin vui khắp nước nhà

Cả nước hân hoan mừng Xuân mới

Khải hoàn ta viết tiếp bài ca."

Ngày đăng: 02/03/2019
Người đăng: đỗ ngọc minh thạch
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Thế giới không công bằng
 

Thế giới vốn không công bằng. Bạn biết điều này chứ? Dù bạn có nhận thấy sự bất công trong xã hội hay không thì cũng đừng hy vọng làm thay đổi được nó. Việc cần làm là hãy thích nghi với nó.

BillGates

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage