Làm thế nào để bắt đầu công việc viết lách?
Bạn làm nghề gì cũng vậy thôi, "Vạn sự khởi đầu nan" và nghề nào cũng vậy, nếu muốn thành công, bạn phải dành trọn tâm huyết với nghề ấy.
***
Nhiều người bảo tôi rằng, cái thứ công việc tôi đang làm (đôi khi tôi hơi dung túng ngôn từ với những gì tôi thấy thoải mái), nó chẳng liên quan tẹo nào đến những cái status thỉnh thoảng tôi hay đăng. Thỉnh thoảng tôi hay chia sẻ vài đoạn tôi thấy thú thú trong những mẩu chuyện còn rất khiêm tốn về vốn hiểu biết và ngôn từ của người mới chập chững bước vào nghề cầm bút như tôi. Bạn làm nghề gì cũng vậy thôi, "Vạn sự khởi đầu nan" và nghề nào cũng vậy, nếu muốn thành công, bạn phải dành trọn tâm huyết với nghề ấy. Tôi cũng không biết khái niệm thành công của mỗi người là gì, còn với tôi, được làm những công việc mình yêu thích, sống trọn vẹn với nó, đó là thành công với tôi. Và tất nhiên, nó phải cần thiết, hoặc có ích cho những người cần đọc nó, thích đọc nó và muốn đọc nó... Văn tôi rất dài và tôi không tài nào dừng lại ở những status ngắn cho được, trừ khi, tôi đăng hình ảnh và câm lặng không nói năng gì cả, thỉnh thoảng tôi vẫn thường làm như thế!
Facebook tôi không có nhiều người bạn và các bạn cứ thử tưởng tượng xem, xã hôi bây giờ hay có thói, người giàu chơi với người giàu, người nghèo chơi với người nghèo, giỏi chơi với giỏi, kém chơi với kém. Người ta hay nói câu đại loại như là đi với ong thì sẽ tìm được hoa đẹp... Tôi chơi vô đối, ai hợp thì chơi và không hợp thì thôi.
Chắc phải nói qua một chút về công việc của tôi để giải thích câu đầu đề của mẩu truyện ngắn này, tôi viết ra với mục đích chia sẻ kiến thức hạn hẹp tôi có về nghề viết văn, cho vài người bạn cần có một định hướng hoặc cũng được gọi là hướng dẫn để các bạn vào nghề. Nói thế cũng hơi quá, nhưng người biết hơn dạy người chưa biết cũng là chuyện bình thường mà. Tôi đâu có tự nhận tôi là nhà văn hay là người viết chuyên nghiệp. Tôi vừa mới viết và tôi cũng không phải viết vì cái danh hiệu "nhà văn" hay "người cầm bút chuyên nghiệp". Tôi viết vì muốn viết, phải viết, cần viết, nên viết. Như ông Pauxtopxki nói "Nghề văn là sứ mệnh". Thì đại loại tôi không phải nhà văn, như tôi cầm bút, nên tôi sửa lại một tí câu nói của ông "Cứ cầm bút nên thì hãy nhớ đến sứ mệnh của mình, là truyền đạt những cái hay, cái đẹp cho đời. Họa sĩ giúp ta nhìn bằng chất liệu là màu sắc, nghề cầm bút thì chất liệu giúp ta nhìn là ngôn từ" ... Nếu có gì không phải, mong ông và những thế hệ đi trước bỏ qua cho ạ! Nhưng ông cũng dặn là "Không được sợ, không được hổ thẹn... Văn không phải viết bằng mực, mà bằng máu từ trái tim".
Có nhiều nhà văn tôi biết, đặc biệt là ông, lúc mới ra đời, "Bông hồng vàng và bình minh mưa" đâu được đón nhận như bây giờ. Nhiều nhà phê bình phê phán ông. Cả "Một mình với mùa thu" cũng vậy. Ông không sợ, cứ viết đấy thôi.
Hay Aziz Nesin- một người con của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đi tù hai lần vì nghề cầm bút. Rồi cuối cùng, ông đã dành một giải cành cọ vàng để cống hiến cho ngân khố quốc gia, sau đó người ta bỏ ông vô tù vì một bài viết mà ông không viết nhưng không biết giải thích thế nào để người ta biết là ông không không viết... Mỗi câu truyện sẽ có hơi hướng thời đại riêng của nó.
Nếu có nghề nào trên đời này, đòi hỏi vô vàn kỹ năng thì đó chính là nghề viết. Không phải chúng ta muốn viết là viết được, ngồi một chỗ tưởng tượng là viết, như ông Pauxtopxki từng nói "Tưởng tượng mà không dựa trên thực tế thì nó cũng chết". Có rất nhiều vấn đề về nghề viết mà ông nói trong hai cuốn sách trên, sau những trải nghiệm vô vàn của ông dành cho nghề viết. Hai tác phẩm đó được coi là chân dung văn học, phê bình văn học và như người đọc cũng như nhiều người nhận xét, chưa từng có người nào viết về nghề đó. "Nghề văn là phải dấn thân". Nếu không dấn thân, bạn sẽ không viết được.
Nghề văn phải đi sâu vào âm hưởng của từ và chính âm hưởng của từ sẽ lôi kéo câu văn đi chứ không phải viết được một câu lại ngước lên trời và nghĩ như ông nói về trạng thái lao động nghề văn được mô tả rõ nét qua hình tượng đại thi hào Puskin. Văn xuôi phải có vần điệu, tiết tấu... Khi đạt được điều đó, thì văn xuôi chính là thơ.
Vậy văn xuôi khác thơ ở chỗ nào? Tôi không bàn về vấn đề này vì hiểu biết trong tôi còn rất hạn hẹp. Thơ là những cái hào nhoáng bên ngoài, như ông có kể về những bài thơ ông được đăng và sau khi nhận ra điều đó, ông thay viết thơ bằng viết văn.
Không phải ai muốn viết cũng viết được, không phải ai có vốn sống phong phú cũng có thể viết được, nhưng tất nhiên, nếu họ muốn viết thì một ngày nào đó họ cũng sẽ viết được và cũng không phải ai cũng cứ ngồi xuống là có thể viết được (đó là những người siêu đẳng), còn bài viết này chia sẻ cho những người mới cầm bút viết. Điều quan trọng nhất đối với người mới cầm bút và nó đúng với cả tôi, là không được tách rời giữa việc viết với đời sống thực sự. Nhờ sự tiếp xúc, cọ sát thường xuyên mà ý tưởng mới căng tròn, và một lúc nào đó thích hợp, ta vui sướng viết ra ý tưởng đó. Khi nó còn là ý tưởng, còn đang thai nghén thì đừng bắt nó phải trào đời non, nó sẽ chết yểu. Một tác phẩm ra đời, chính là một đứa con sau bao lâu thai nghén mà người ta thai nghén cũng không biết, ra đời. Còn nếu mới viết, muốn viết thì viết những thứ đơn giản thôi. Muốn biết nhiều từ thì phải đọc nhiều sách, đọc mọi thế loại, không được chê bất kỳ thể loại nào. Đọc không phải đọc xong là xong, mà đọc phải ngấm. Đọc một lần sẽ không ngấm được, phải đọc nhiều lần mới ngấm được. Có một câu nói của Pauxtopxki, sau mười năm tôi mới hiểu ra "Khi đó tôi để cuốn sách lên trên cuộc đời chứ không phải cuộc đời lên trên cuốn sách". Để cho ai yêu thích công việc viết lách khỏi tốn mười năm như tôi bởi có thể mười năm đó còn làm được ối việc, thì tôi sẵn sàng chia sẻ với bạn đọc rằng, nếu bạn lúc nào cũng nghĩ đến một cuốn sách bạn ấp ủ muốn viết nó ra, tức là nó trên cả cuộc đời bạn, thì chắc chắn, bạn sẽ không viết được. Bạn chỉ viết được khi để cuộc đời lên trên cuốn sách, hãy sống, cảm nhận, trải nghiệm, khi đủ vốn sống rồi sẽ viết được, thế thôi! Nói thì đơn giản, thế mà mất mười năm tôi mới hiểu điều đơn giản đó và ông phải mất mười năm mới nghiệm ra điều đó.
Hai cuốn sách trên của ông nói rất nhiều về công việc viết lách. Phải viết như thế nào để người đọc không được dừng lại. Tức là văn phải liền mạch (hay chính là sự cuốn hút).
Viết hay không đủ mà viết phải sâu sắc nữa. Văn phải có cốt truyện nếu là viết truyện ngắn và bài này có lẽ chưa bàn về vấn đề đó (tôi còn chưa có một truyện ngắn nào ra hồn cả).
Trong cuốn "Bông hồng vàng và bình minh mưa", ông đề cập khá nhiều tới việc quan sát. Có thời kỳ, ông mất cả tháng trời bỏ viết để quan sát và sau đó ông nhận ra, đúng là quãng thời gian đó không uổng phí tẹo nào cả. Một người họa sĩ đã dạy ông chân lý đó.
Nhà văn không phải chỉ nhìn thấy những người khác nhìn thấy mà phải nhìn thấy cả những người khác không nhìn thấy cũng giống như họa sĩ vậy, có điều, họa sĩ dùng màu để vẽ. Đó là sự khác biệt. Và đó chỉ là một phần đỏi hỏi của nghề viết. Ngoài ra còn phải hiểu biết về hội họa, thi ca, kiến thức xa hội...
Trong tác phẩm Sherlock homes tác giả Conan Doyle còn cần vô vàn kiến thức chuyên môn về y thuật, việc móc lối các mắt xích nhờ sự phân tích chuyên sâu của nhiều kiến thức tổng hợp... Đặc biệt, xuyên suốt tác phẩm chính là một trí tưởng tượng phi thường. Tôi đã từng khổ sở vì trí tưởng tượng của tôi, nhưng nó không là gì với ông. Trí tưởng tượng rất quan trọng cho việc viết, nhưng đừng tách rời thực tế.
Như người ta thường nghĩ, viết truyện ngắn thì phải có ý nghĩa, có giá trị, nhưng trong chuyện "Hạt cát", ông Pauxtopxki chẳng cần cốt truyện, chỉ là cuộc đối thoại ngắn giữa một cô gái và một ông già. Các nhân vật trong chuyện rất quan trọng. Đôi khi nhân vật phụ lấn át nhân vật chính và cứ kéo tác phẩm đi trước sự kinh ngạc của nhà văn. Ở một truyện ngắn nào đó ông ấy cũng nói vậy. Tình tiết rất quan trọng.
Nếu như cốt truyện sẽ làm bộ khung cho câu chuyện sống thì tình tiết chính như là gia vị cho món ăn trở lên ngon hơn, vừa vặn khẩu vị hơn. Đó là theo cách hiểu đại khái của tôi. Có hẳn một truyện ngắn nói về tình tiết mà ông kể.
Tạm thời thì tới đây thôi đã. Quá giờ làm việc của tôi rồi và tới đây ngôn từ cũng không còn nữa. Lúc nào có ý tưởng hay hay tôi sẽ lại chia sẻ tiếp.
Hà Nội, ngày 17.04.2019
Writer by Hoa Lê