Gửi bài:

Cổng lá dừa

Trai gái làng tôi từ trước tới giờ đi lấy vợ lấy chồng ở các nơi khác rất nhiều. Có các bà các cô đi lấy chồng xa ít dịp về thăm quê hương được. Các bác các anh mà lấy được vợ xa quê tức là rể của nơi khác. Đám cưới từ lúc còn cổng lá dừa cho tới bây giờ không còn chiếc cổng kết rất cầu kỳ nữa đã thay đổi khá nhiều. Cổng lá dừa đi vào kí ức nhưng mùa cưới đến làng nao nức.

(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời - Lần 2")

***

Trong đám cưới vui nhất là bọn trẻ con. Chúng được đi xem đám cưới. Nếu là người nhà mình thì được ăn cỗ, diện quần áo mới, chụp ảnh. Đám cưới, trẻ con còn có cái thú lăng xăng chạy trong đám cưới nếu mình còn nhỏ. Lớn hơn một chút mình tiếp nước, bày kẹo bánh, hoặc khi chưa có thiếp mời còn có phong tục sẽ rất trân trọng được đi khắp làng đưa miếng trầu mời từng nhà.

Gái làng Nưa đi lấy chồng xa khá nhiều. Con gái đất này có tiếng là đảm đang và sốc vác. Lấy lên miền ngược cũng có, lấy tỉnh ngoài cũng có, ra phố cũng có. Cô nào mà lấy chồng xa danh để lại với làng có lẽ là cái tiếng. Cô ấy bây giờ làm ăn thế nào, về làng trông còn đẹp không, đám cưới cô ấy dạo đấy ra sao. Người làng có thể kể cụ thể được. Mỗi người một tiếng, góp lại làm nên một chân dung cụ thể rất đa dạng. Ngược lại với hình ảnh xe đưa đón rước của những cô gái làng lấy chồng xa, trai làng tôi đi lấy vợ xa xứ đều ít nhiều gặp phải các cảnh huống trớ trêu chứ mấy ai được vẹn toàn chằn chặn. Các cô dâu vùng khác đến đất làng tôi có người đã phải bỏ về quê cũ. Đất quê vất vả, công việc nặng nhọc, cuộc sống ngày một khó khăn, những khác biệt về phong tục tập quán, họ không ở được. Người mất vợ, người phải vào ở tận quê vợ.

cong-la-dua

Năm nay, xuân tới, làng nao nức. Làng Nưa lâu lắm mới có sự hân hoan như thế. Nhà ông Nhanh chuẩn bị cưới cho anh con trai trưởng. Cậu con trai được đặt bao kì vọng. Anh là con đầu lòng của ông Nhanh và bà Chắc, cháu đích tôn của họ Vũ. Khoan học giỏi từ nhỏ. Không như đám bạn ham bắt cua, ốc nên học kém. Khoan được cha mẹ kèm cặp, cưng nựng, chú ý từ nhỏ. Biết con ham học, có nết gọn gàng, sạch sẽ, ông bà Nhanh tạo mọi điều kiện để cậu con trai có điều kiện học tập tốt nhất. Từ các cấp học dưới cho tới lên đại học, Khoan luôn bộc lộ những tố chất khiến thầy cô mến thương, bố mẹ tự hào.

Tốt nghiệp cấp ba, Khoan thi vào khoa công nghệ thông tin của trường Đại học Bách Khoa. Đỗ đại học với điểm số cao, năm học nào ở trường Khoan cũng có giấy khen về thành tích học tập và hoạt động tập thể. Ông bà Nhanh mừng mà lại lo. Mừng vì con trưởng thành, tự lập, có ý chí. Cùng đó là lo lắng khôn nguôi mỗi khi phải chuẩn bị vay mượn, bán lợn gà, ngô thóc để gửi thêm tiền cho con hoặc mãi mà hai kì nghỉ hè không thấy nó về.

Trong thời gian học đại học, Khoan có đưa bạn bè về nhà chơi. Qua ý tứ của Khoan và đám bạn, ông bà biết con đang để ý tới bạn này bạn kia. Hồi phổ thông, cậu chàng cũng rất thân với cái Me (tên đi học là Tuyết) cách đấy mấy nhà. Me không thi đại học mà đi làm ở hiệu cắt tóc của người quen. Con trai ông bà lại tiếp tục đi học tận thủ đô. Cảm mến ban đầu của tụi nhỏ nhanh chóng tan đi như cơn mưa mùa hạ vào ngày đất khô nứt nẻ nhất. Thấy tuổi đời con còn trẻ và muốn con gây dựng được sự nghiệp, ông bà chỉ khuyên và động viên con cần tập trung tư tưởng, tránh phân tán quá nhiều. Những cô gái mến con mình cũng xinh xắn và dễ thương cả. Ông bà Nhanh đều quý và xem như con cháu trong nhà. Bọn trẻ về quê rất thích. Đồi quê lộng gió, mùa sắn, chúng kéo nhau lên đồi giúp gia đình thu hoạch, sắn luộc và nước chè vườn nhà là thứ không bao giờ thiếu đối với chúng nó. Người làng bao đời gắn bó với đồng ruộng và đồi bãi đều chân chất thật thà và tốt tính. Họ vui khi thấy bọn trẻ về, chúng tươi sáng, háo hức và ngoan.

Hè vừa rồi Khoan ra trường. Mặc dù có nhiều sự lựa chọn công việc, Khoan vẫn quyết định cùng nhóm bạn thành lập công ty tư nhân về công nghệ thông tin. Ông bà Nhanh, Chắc thuộc thế hệ cũ, ông bà rất muốn con được nhận vào một cơ quan nhà nước nào đấy, vừa chắc chắn lại có cơ sở. Con quyết tâm thành lập công ty, ông bà không hưởng ứng lắm nhưng vẫn động viên con bằng việc rút số tiền tiết kiệm dưỡng già còn lại trong ngân hàng đưa cho Khoan. Công ty chưa thành lập được bao lâu, lần này Khoan lại về thông báo cưới vợ. Bà Chắc hỏi "Sao cưới gấp thế con". Khoan không giấu bố mẹ mà nói thật "Cô ấy đã có bầu".

Tin Khoan cưới vợ nhanh chóng lan truyền tới mọi người trong họ. Người ngoài họ, tuy không có quan hệ máu mủ ruột rà nhưng đều là người làng cả, ai nấy đều mừng mừng tủi tủi cho ông bà Nhanh Chắc. Hơi bất ngờ, song dù sao cậu con trai trưởng của họ Vũ cũng đã đi làm. Vả lại, tình cảm của cậu với cô gái vùng biển kéo dài hơn một năm rồi còn gì. Ngày Khoan quyết định giới thiệu với bố mẹ và mọi người The là bạn gái cũng vào đợt mùa cưới ở làng đang rộ. Cô là một người bạn trong đám bạn mà Khoan vẫn đưa về chơi mấy đợt hè trước. The quê Hải Phòng. Cô tốt nghiệp ngành y và đang làm ở một viện huyết học truyền máu. Đôi trẻ dắt nhau đi tới các đám cưới làng. Gặp hai người, mọi người đều niềm nở. Cùng ôn lại chuyện cũ, mấy ông tếu táo lại nói ngày xưa các ông ấy lấy bà này, bà kia như thế nào, mấy bà lại cười với nhau nói ngày xưa không thì ông không tán được tôi, gớm cái anh ngoài thị xã cứ ngồi uống nước ở nhà con Biêng mãi... Nhiều anh tuổi đời còn trẻ trung thì nói hồi bọn anh ấy tán vợ và yêu như thế nào, mấy chị vợ im re, không biết họ giấu gì không biết. Hồi đám cưới làng còn tết cổng lá dừa, đám đàn ông là bận bịu. Đám cưới nhộn hay không cũng do họ nhất là ở tiết mục nhảy baxilo trong tiếng nhạc xập xình rất bốc.

Đám cưới cổng lá dừa sử dụng nhiều bộ phận của cây dừa để trang trí. Ngoài chiếc cổng kết lá điển hình, đám cưới nào hồi đấy cũng có một lọ hoa dừa. Hoa dừa màu trắng ngà, cả chùm hoa dừa, mỗi bông như hạt cườm ta xâu vòng. Hoa dừa là hoa đám cưới ngày đó ở làng Nưa. Bây giờ, người làng Nưa không tết cổng lá dừa trong đám cưới nữa. Dừa cũng bị chặt gần hết rồi. Hoa cưới thì rất đa dạng. Mọi người đặt sẵn ngoài hàng. Các loại váy cưới cô dâu và quần áo chú rể cũng có nhiều mẫu mã khác nhau. Trang điểm cũng không như kiểu cũ. Mấy năm nay, các nơi đang rộ lên hình thức rước dâu như đi bằng xe đạp, xe đạp điện, trâu kéo, các loại xe hơi... Đám cưới làng Nưa vẫn giữ hình thức tổ chức ở nhà trai và nhà gái là chủ yếu. Người làng Nưa vẫn chưa có thói quen làm đám cưới tại nhà hàng hoặc khách sạn.

Lần này, đám cưới Khoan. Nhà cô dâu cách làng Nưa hơn 300 cây số. Gia đình ông Nhanh quyết định giản tiện việc đi lại đến mức tối đa. Ngoài lần nhà trai tới thăm nhà cô dâu, chỉ có lần gặp mặt thứ hai không thể bỏ qua là lễ nạp tài rồi tiếp đến lễ cưới và rước dâu luôn. Do cả Khoan và The đều lập nghiệp tại thành phố, vì thế sau lễ rước dâu hay đám cưới chính thức, họ còn tổ chức đám cưới ở một nhà hàng trên phố cho tất cả anh em bạn bè gặp mặt nhân ngày vui của họ. Tuy nhiên, lễ đón dâu từ nhà ông bà Nhanh Chắc ở làng Nưa ra đến Hải Phòng cho tới khi cô dâu về tới họ trai vẫn được người thân kẻ sơ làng Nưa nhộn nhịp sôi nổi. Được nghe mọi người kể về tục kết lá dừa làm cổng vào dịp cưới hỏi lại thêm một số phong tục hay ở quê như mẹ chồng che nón, cô dâu bưng trầu. Là người thoát ly nhưng yêu văn hóa cổ truyền của dân tộc, Khoan bàn bạc với bố mẹ phục hồi một số tập tục cũ đã bị mai một thời gian qua. Khó nhất là để hoàn thành chiếc cổng lá dừa. Dừa ở quê mặc dù chưa bị chặt hết nhưng cũng không phải là sẵn. Những người biết tết lá dừa thành chiếc cổng cầu kỳ lâu không làm công việc ấy cũng cần có thời gian suy ngẫm và nhớ lại các bước và kiểu đan, tết.

Nhờ bà Nanh xóm trên, Khoan tới gặp chú Dết. Chú Dết năm nay cũng đã trên sáu mươi. Chú bảo vẫn có thể làm được nhưng chú chỉ tết các kiểu dáng như xưa cũ không biết bây giờ làm theo như vậy có hợp với sở thích của người trẻ tuổi không. Tìm hiều từ trước, Khoan mở các hình ảnh trên mạng trong đó có các điển hình về cổng lá dừa đám cưới được phổ biến hiện nay để chú tham khảo cộng với nhờ trí nhớ của chú về cổng lá dừa ngày cưới làng Nưa. Rất nhanh, chú đã định hình lại cách làm mặc dù có quên nhớ một vài khâu và dựa trên sự giúp đỡ của Khoan về vẽ tay và ghi chép.

Lâu lắm rồi, làng Nưa mới lại xuất hiện chiếc cổng cưới lá dừa. Chiếc cổng lạ và đẹp, người có tuổi xuýt xoa như gặp lại thưở trẻ trung, bọn trẻ con đều ngỡ ngàng lạ lẫm. Đám cưới cổng lá dừa. Trước đám cưới, Khoan giao cho mấy đứa em, đứa cháu họ tới từng nhà theo danh sách ghi sẵn mời dự bằng miếng trầu têm sẵn. Trong ngày cưới, cô dâu được mẹ chồng che nón lúc vào nhà lễ bái tổ tiên. Cơi trầu tiễn đưa khách lúc ra về làm ai cũng hoan hỉ vì đi đám cưới về lại có quà kỉ niệm.

Đám cưới Khoan mọi người xì xào "đông khách", "vui", "hiện đại", "văn hóa". Mấy o mấy thím cứ tấm tắc "cỗ ngon, nhiều món", "xe ô tô thì sang trọng, kí kết hợp đồng đâu vào đấy, rất yên tâm". Họ Vũ mừng ra mặt. Cháu đích tôn công ty riêng, giỏi giang lại sắp cho ông bà Nhanh Chắc đứa cháu nội. Cô này về làm dâu làng Nưa đúng là "phúc nhà to như cái đình"!

Tống Thị Thanh

Ngày đăng: 23/04/2019
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Gia vị người Thái Tây Bắc
Leo Buscaglia about risk
 

Cười thì sợ giống người điên.
Khóc thì bị kêu mềm yếu.
Đưa tay kết bạn thì rủi ro khi quan hệ.
Chia sẻ tâm tư thì như phơi bày trần trọi bản thân.
Đem ý tưởng, giấc mộng của mình trình cho đám đông mang rủi ro bị gọi là ngây thơ.
Yêu lỡ không được đền đáp.
Sống thì chịu rủi ro về cái chết.
Hy vọng mang rủi ro tuyệt vọng.
Cố gắng thì bị rủi ro vì thất bại.
Nhưng các rủi ro phải được chấp nhận và vượt qua vì cái nguy hiểm nhất cho đời người là không dám làm gì rủi ro.
Người không dám rủi điều gì là người không làm được điều gì, không có gì, và trở thành vô nghĩa.
Người ấy có thể tránh được những đau đớn và buồn bã, nhưng bạn đó sẽ không học gì, cảm nhận gì, thay đổi gì, phát triển gì hay yêu ai và sống thế nào.
Trói buộc vào nỗi sợ, người ấy biến thành nô lệ và từ bỏ tự do cho mình.
Chỉ những ai dám nhận rủi ro, người ấy mới thực sự tự do.

Leo Buscaglia

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage