Gửi bài:

Giọt nước

"Đêm qua đi dưới vầng trăng to lớn trong sạch, và về sáng, băng đầu mùa đã kết. Những cảnh vật đều trở lên xám... ướt đầm cây cỏ, những cành thông từ trong rừng tối ló ra tựa như những đường thêu lóng lánh..."

(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời - Lần 2")

***

Dẫu có cố gắng thế nào, tôi cũng không sao thuộc lòng được đoạn văn đẹp đẽ đó của Privin. Tôi nhìn thật kỹ những giọt nước mưa còn đọng lại trên lá của những cây thông trước mặt. Rồi tôi hít một hơi thật sâu, thật chậm để cảm nhận hương thơm của đất đai trên Thiền Viện, quyện vào hương thơm trong sạch của những chiếc lá sau đêm mưa lộ rõ cả đường gân guốc xanh xao. Những bông hoa ở đâu đó cũng đang ngào ngạt tỏa hương... Nhưng, tất cả, chúng đều ướt sũng bởi sương và nước mưa rả rích suốt đêm qua...

giot-nuoc

Tôi lại trở lại Tây Thiên, trở lại Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, một phần của mảnh đất quê hương tôi. Mảnh đất mà sau rất nhiều năm gắn bó, rồi thì xa cách, tôi mới bắt đầu cảm nhận được tình yêu ít ỏi tôi dành cho nó. Tình yêu đó cứ lớn dần, qua mỗi người tôi gặp, khi họ hỏi nơi tôi sinh ra: "Vĩnh Tường"! Nhưng đây là lần thứ ba tôi đặt chân tới Thiền Viện, lần thứ tư trong đời, tôi đặt chân tới Tây Thiên.

Lần đầu tiên, là tôi đi du lịch, bằng xe máy thì phải, đi cùng ai không nhớ. Lâu rồi, tôi chỉ nhớ hồi đó bãi gửi xe ở Tây Thiên toàn bằng đất đỏ. Trời mưa, đi vãn cảnh chùa chiền, Tây Thiên lại là khu nổi tiếng thành ra khá bẩn. Tôi chỉ nhớ trước khi ra bãi gửi xe bằng đất đỏ, có một khu bán đồ lưu niệm, rau cỏ... Su su là món rau đặc sản ở đây. Thế mà đến đặc sản, tôi chỉ chỉ biết độc có món rau đó, nhờ trải nghiệm ghé thăm và bạn bè xa gần thỉnh thoảng hỏi.

Bẵng đi một thời gian rất lâu, đủ để bắt đầu một câu chuyện tôi đang viết dở, về sự giúp đỡ của một nhà tài trợ mà tôi cứ ngỡ ở rất xa tôi. Thế mà anh lại ở gần tôi quá, đến nỗi mà khi biết sự thật, tôi đã rất bất ngờ, không tả nổi... Tôi đã thấy khó chấp nhận sự thật trong một khoảng thời gian rất dài. Bây giờ tôi đã trở về trạng thái bình thường, ở tâm trạng, tính cách và công việc. Và có thể một ngày không xa nữa, trong chuyến đi xa của tôi, cũng sẽ có cuộc gặp dành cho nhà tài trợ, sau rất nhiều cách xa...

Dù có thế nào, sự thật có phũ phàng, cay đắng ra sao... Anh mãi mãi là một người anh trai kết nghĩa tốt nhất trên đời này mà tôi có. Người con trai không bao giờ rời bỏ tôi, không giống những người anh, những người bạn thân khác.

Lần thứ ba trở lại Tây Thiên, tôi không còn lạ lẫm với Thiền Viện, với thói quen sinh hoạt của các Thầy, Cô trong Thiền Viện. Tôi cũng không đến mức thấy cần phải xúc động quá, giống như lần đầu được Thầy Cô, bạn bè đồng tu chăm sóc. Đâu đó ở ngoài kia, tình người thật đẹp!

Dẫu là lần trở lại thứ ba, nhưng việc dậy sớm ngủ sớm vẫn khiến tôi thật khó thích nghi. Ngủ sớm thì còn đỡ chứ dậy sớm quả thực rất khó với tôi. Chẳng phải tôi quen dậy muộn khi sống ở Hà Nội, hay sống một thời gian ngắn ở đâu đó ngoài phạm vi ranh giới Việt Nam, mà tại vì do hay thức khuya, nên tôi lúc nào cũng cảm giác thèm ngủ, nghiện ngủ, muốn ngủ... Ngủ không biết chán! Cảm giác như là khi người ta lên cơn nghiện cần phải có thuốc phiện vậy?!

Dù không muốn và buồn ngủ khủng khiếp, nhưng tôi vẫn dậy theo nhịp điệu thời khóa biểu mà các bạn trong Đoàn Thanh Thiếu Niên đã ấn định. Các bạn ấy tốt kinh khủng, trong mắt tôi, ở lần đầu tiên tôi gặp trong khóa tu năm ngày dịp tết Dương Lịch vừa rồi. Lúc này, các bạn không phải bớt tốt hơn, mà tôi đã quen với lòng tốt các bạn rồi. Nên, tôi sẽ chú ý đến những thứ tôi chưa có dịp khám phá trong mỗi chuyến ghé qua với thời gian ít ỏi.

Người bạn đi cùng tôi, là một cô bạn gái có đôi mắt biết cười. Em có khuôn mặt khá phục hậu. Em tốt với tôi tới mức, nhiều lúc cứ khiến tôi phải ái ngại. Ở Hà Nội, cứ đi đâu mà có em, em đều qua nhà đón tôi, đèo tôi, và đôi khi còn chu đáo với tôi thái quá, có khi còn hơn cả là chị em thân thiết. Chị gái ruột của tôi, ít khi quan tâm tôi những điều nhỏ nhặt như vậy lắm!

Mắt nhắm mắt mở, tôi vẫn cố mở ra mà cơn buồn ngủ cứ kéo cả hai hàng mi tôi sập xuống tựa như thể cơn giông kéo tới bất ngờ và to tới mức như muốn kéo cả bầu trời đổ xuống. Giá như không dậy cũng được, hoặc ngủ chỗ nào không ai biết, tôi sẽ đổ ngay cả nửa người tôi xuống... ngủ tiếp... Lần nào lên đây, cứ nghĩ đến sự ngủ, tôi đều ước giá như tôi tìm được một chỗ ngủ, tôi sẽ mặc kệ những giờ giảng pháp, tôi cũng chẳng quan tâm chuyện ăn uống vì tôi có thể nhịn vài ngày cũng không sao, nhưng đừng ai bảo tôi dậy trong khi cơn buồn ngủ cứ bủa vây quanh tôi. Khủng khiếp lắm!

Nếu đây là Hà Nội, thậm chí là trong tuần làm việc, tôi sẵn sàng ngủ tiếp, ngủ tiếp... đến 7 giờ 30 tôi sẽ vội mở mắt ra, vùng dậy thật mạnh mẽ và dứt khoát, đánh răng, rửa mặt sau đó bay ngay đến chỗ làm. Đương nhiên có những hôm tôi đi muộn rồi. Chỗ tôi thoải mái cũng chỉ một phần thôi bởi tôi rất ý thức được giờ giấc làm việc và trách nhiệm công việc. Có điều, do công việc giảng dạy hay phải đi lại, từ quận này đến quận khác (Trong ngày tôi cũng đi hai, ba nơi), nên đôi khi tôi bị nhầm lịch dạy từ chi nhánh này sang chi nhánh khác, thành ra đến muộn. Nhưng tình trạng này diễn ra không nhiều, không thường xuyên và rất hi hữu. Đa phần tôi rất đúng giờ. Có chi nhánh bắt đầu làm việc lúc 8 giờ 30 nhưng tôi vẫn giữ thói quen đi đúng giờ, rồi tới đó chờ 30 phút mới thấy mọi người tới. Trong thời gian chờ đợi lại lau chùi, dọn dẹp... Thực kỳ lạ! Nếu viết văn là công việc tôi yêu thích thủa nhỏ, và nghiên cứu là công việc tôi yêu thích hồi làm ở Alphanam, thì dọn dẹp lại làm tôi rất thư giãn, thoải mái sau những giờ giảng dạy mệt mỏi, những giờ soạn tài liệu, giáo trình căng thẳng hay thậm chí là những giây phút phải chạy quá nhiều cơ quan một lúc để làm thủ tục này nọ... Nhưng quan trọng nhất vẫn là tôi ưa sạch sẽ và cực kỳ không thể thích nghi được với môi trường bẩn.

giot-nuoc-1

Lên Tây Thiên thích thật! Lên Thiền Viện, mọi thứ tôi đều thích, ngoại trừ việc dậy sớm, và đôi khi phải chờ đợi khi đi nhà vệ sinh, đôi lúc học pháp mà Thầy giảng như ru ngủ. Tôi cảm thấy hổ thẹn với các bạn đang say mê học, và cảm thấy có lỗi với lời dạy dỗ của Thầy. Nhưng, tôi rất buồn ngủ. Mí mắt tôi sụp xuống...

Tại vì không được ngủ đủ thời gian giống như ở Hà Nội, nên tôi viện lý do đó là nguyên nhân cơn buồn ngủ của tôi kéo dài. Không phải một, hai tiếng sau đó đâu nhá! Có những hôm ngủ chiều rồi, mà nó vẫn kéo dài tới tối. Nếu cho tôi ngủ thêm chừng một hai tiếng, thì đương nhiên là tôi sẽ có một ngày tỉnh táo kéo dài, tới chừng nào cơn buồn ngủ nó lại tìm tới hoặc tới giờ tôi được phép nhắm mắt vào để nghỉ ngơi...

Đa phần thì bọn chúng tôi (những đứa con gái mà tôi biết), đều rất thích ngủ ở Giảng đường. Ngủ ở đó sướng thật! Tôi không biết tả về cái sướng của mỗi người thế nào cả, bởi vì bản thân tôi cũng không diễn tả được cái sướng của tôi. Tôi chỉ biết rằng, nhắm mắt vào, tôi sẽ có một giấc ngủ thật sâu, thật ngon lành cho tới khi mở mắt ra. Tại cả vì ngon lành quá, thành ra cơn buồn ngủ cứ kéo dài mãi chả chịu buông tha...

Sau thời gian vệ sinh cá nhân khoảng chừng muộn nhất là nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi sẽ được các Thầy Cô đưa vào một giấc ngủ mà không phải ngủ, thậm chí còn phải tỉnh thức hơn cả khi mở mắt ra, khi tỉnh táo cực độ. Đó là giây phút ngồi thiền.

Ngồi thiền, đã từng là cực hình với tôi khi lần đầu tiên lên Tây Thiên. Đối với một đứa con gái đi lại quá ư là nhiều. Thậm chí một ngày làm việc, có hôm tôi đo được trong định vị xe, chừng gần 100km chỉ loanh quanh nội ngoại thành Hà Nội- Một đoạn đường bằng cả đi lẫn về quê tôi.

Ngồi một chỗ rất là khó chịu đối với tôi. Đã thế là còn chỉ ngồi đếm hơi thở. Quan san thì còn đỡ. Nhưng tại vì bồn chồn quá, tôi không quan sát mà cứ nhắm mắt vào đếm. Tiện thể đang lúc buồn ngủ, tôi nhắm vào cho đỡ mọi chứ còn từ khi ngồi thiền, tôi chưa từng biết đến ngủ gật. Câu này có vẻ hơi chém gió thì phải? Tôi không tự tin lắm rằng tôi có ngủ gật hay không? Nhưng tôi sẽ cố gắng để ngủ không bị gật kẻo các Thầy Cô phát hiện ra, và khá hổ thẹn với các bạn đang rất tinh tấn tu tập.

Ấn tượng ban đầu về thiền của tôi thật khủng khiếp. Nó cứ kéo dài đến những ngày sau đó khi trở lại Hà Nội. Tôi không dám ngồi thiền. Có thể hiểu những tù nhân cộng sản trước đây bị đánh đập, tra tấn vào thể xác như thế nào, thì thiền cũng tra tấn tôi bằng tinh thần như thế ấy. Tôi chẳng hiểu mẹ gì về thiền cả. Mà có, thì tôi cũng sợ lắm!

Nỗi sợ đó cứ ám ảnh tôi khi ai đó nhắc tới thiền. Cứ nằm yên trong thân xác tôi, như chỉ để ngăn cản tôi không đến gần nó.

Rồi một ngày nọ, tôi tải được ebook của một cuốn sách của nhà văn mà tôi yêu thích – Pauxtopxki. Tựa đề cuốn sách chả liên quan đến thứ gì ông viết trong sách – Một mình với mùa thu.

Nếu ai đã từng đọc Bông hồng vàng và Bình minh mưa hay yêu thích cuốn sách đó, thì sẽ yêu thích ngay lập tức cuốn sách này cho mà xem. Cuốn sách nói về nghề viết văn cùng những cay đắng, cùng cực mà những nhà văn sẽ phải trải qua để trở thành những cái tên bất tử. Ông hay nói về Puskin, Gongo, Victor Huygo, Prisvin, Mopatxang... Trong các nhà văn trên có Puskin, Gongo hay Prisvin là những cây đại thủ bất tử của đất nước Nga xinh đẹp. Mopatxang trong chuyện Bụi Quý mà ai yêu thích cũng sẽ xúc động bùi ngùi khi đọc tới cái kết của câu chuyện kể về anh thợ hót rác thành Paris tên Giăng – Samet. Một câu chuyện cảm động về tình yêu thầm lặng giữ con người với con người, với công việc âm thầm lặng lẽ dù bị xã hội khinh rẻ. Thực chất thì, thông qua câu chuyện đó, tác giả muốn nói tới sự hy sinh âm thầm, lặng lẽ của những nhà văn.

"Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn vô tình ta bắt gặp. Mỗi ý nghĩ vui đùa sâu sắc hay thầm lặng từ con tim..."

Có những đoạn văn xuôi trong sách tôi thuộc lòng. Tôi hầu như chẳng giỏi cảm thụ văn học, đọc xong một chuyện nào đó tôi chỉ có thể tóm tắt nó kể về gì? Còn những gì Pauxtopxki viết trong sách, cứ đi cùng tôi cùng thời gian và năm tháng. Tôi cứ cảm nhận, thấm nhuần dần dần từng câu nói của ông.

"Sau đó thì tôi bỏ viết. Tôi đi khắp nước Nga..."

Tôi không nhớ trong câu chuyện nào nữa cả. Nhưng tôi nhớ như in lý do vì sao khi đó ông bỏ viết. Đôi khi tôi còn nhắc lại với ai đó về bối cảnh, sự hiểu của tôi sau đúng mười năm ngộ ra và đúng bằng quãng thời gian ông ngộ ra. Tới đây, tôi thấy thực tình cờ.

"Lúc đó, tôi đặt cuốn sách lên trên cuộc đời chứ không phải cuộc đời lên trên cuốn sách".

Và có câu nào đó tôi còn nhớ, ở một trang nào đó trong sách.

"Một ngày nào đó tôi sẽ viết, cho bạn bè tôi, mỗi ngày họ một thưa vắng dần dần..."

Văn ông không chỉ sâu sắc, mà còn vô cùng lấp lánh, gợi hình tượng vô cùng sống động, trong từng câu ông viết ra.

"Tôi ở trong một ngôi nhà nhỏ dựng trên vùng cồn cát. Cả một vùng ven biển Riga ngập trong tuyết. Từ những ngọn thông vòi vọi, tuyết không ngừng bay xuống như những món tóc dài và tan ra thành bụi.

Tuyết bay xuống vì gió và vì trên ngọn thông có những con sóc nhảy. Khi trời thật yên lặng, có thể nghe rõ tiếng sóc nhấm bóc vỏ quả thông".

...

Nếu cứ dẫn chứng, thì dù có viết suốt cả cuộc đời tôi, cũng không viết hết về ông được. Cũng giông như ông hay nói trong "Một mình với mùa thu". "Nếu viết về ông, thì dùng cả cuộc đời tôi cũng không thể viết được". Ông hay nói câu đó hoặc đại loại thế, khi nói về các nhà văn, nhà thơ vĩ đại mà ông không tài nào nói cho đầy đủ về họ được...

Và từ những câu văn như thế, tôi đã đi vào thiền.

Trong lúc ngồi thiền, thời gian đầu, tôi sẽ đếm. Lúc nào đếm chán quá, tôi sẽ lắng nghe những âm thanh bên ngoài cuộc sống. Tôi không vọng tưởng. Tôi chỉ cảm nhận. Tôi nghe rất rõ tiếng mưa lúc bốn, năm giờ sáng, từng giọt lộp cộp đập vào mái tôn. Mưa rất nhỏ hạt. Nhưng khi có mái tôn làm vật cản không cho nó rơi xuống đất, âm thanh tiếng mưa va chạm vào mái tôn phát ra, khiến người ta dễ hình dung rằng ngoài trời đang mưa to.

Rồi thì tiếng gió. Ở trong Giảng đường đóng kín cửa rất ấm. Nhưng tiếng gió không to bên ngoài vọng vào, làm từng thớ thịt trong người tôi lạnh dần. Ngấm vào cả tim gan, khối óc tôi như những áng văn xuôi sống mãi đời đời của ông Pauxtopxki. Tôi không khi nào cảm giác được, ông đang bảo tôi làm gì? Tôi chỉ cảm giác được khi đọc sách ông, như thể ông đang nói chuyện với tôi. Nghề văn không phải là muốn mà được, mà không muốn mà được. Nghề văn là sứ mệnh. Sứ mệnh của nhà văn là phải truyền đạt lại tất cả những gì cần phải nói, nói to, nói rõ, nói đầy đủ những gì mà nhà văn nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận thấy...

Thật may vì thời gian làm kỹ thuật ở Alphanam, tôi có tích lũy được chút kinh nghiệm về màu sắc, về cách phối màu, nguyên tắc phối màu... Mặc dù thời gian làm cho kiến thức tôi rơi vãi đi nhiều lắm, nhưng thỉnh thoảng nhìn màu sắc, tôi vẫn nhìn rất rõ được ánh màu. Ví dụ muốn tạo màu vàng từ những màu cơ bản- như ánh nắng chẳng hạn, cần có màu vàng gốc, màu đỏ, và nếu màu vàng chanh thì cần một chút màu có ánh xanh green...

Đấy! Tôi bảo rồi mà! Kiến thức của chúng ta khi không động đến, nó sẽ rơi vãi. Nhưng khi dùng đến, bỗng nhiên nó sẽ sống lại. Cứ cầm vào sách ông. Tôi lại thấy ông sống lại. Sống mãi đời đời. Ông nói chuyện với tôi, với thế giới loài người không biết chán. Tôi không thấy đáng tiếc khi ông không dành giải Noben văn học năm mà thiếu chút nữa, nếu không có Sông Đông Êm Đềm, thì giải thưởng đó đã thuộc về ông.

Dù không có giải thưởng gianh giá đó, ông vẫn có giải thưởng xứng đáng dành cho cuộc đời ông. Ông đã làm tất thảy mọi việc cần làm khi sống trên đời. Đó là truyền đạt đầy đủ, sáng rõ, mọi hiểu biết của ông cho những đời sau, đời sau nhờ việc lăn xả đi hết nơi này chốn nọ, trên khắp đất nước Nga. Có những cuốn sách ông viết mà giờ không tái bản. Có cuốn không dịch ra tiếng việt như rừng Kara –Bugaz... Nhưng, những nó luôn sống trong lòng những người yêu mến ông mà chưa cả một lần được chạm vào bìa cuốn sách. Những cuốn sách thật thơm tho, dù cho năm tháng có làm những trang giấy trong đó hoen ố màu thời gian...

Từ những kinh nghiệm lượm lặt được qua trang sách ông, tôi bắt đầu để ý hơn đến thực tại. Tôi quan sát. Tôi cảm nhận. Tôi lắng nghe... Một Tây Thiên rất khác. Một Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên bỗng sáng rõ hơn dưới cả lớp sương mù dày đặc sáng nào cũng bao phủ chung quanh. Tôi nhìn mặt những con người sáng rõ hơn. Tôi thấy những đôi tay của các Thầy Cô gân guốc hơn. Nụ cười của các bạn tôi an lạc hơn. Đôi mắt nhìn đời trong veo hơn dù rằng ở cả nơi bụi bặm như Hà Nội. Có những hôm tôi ra đường không bịt khẩu trang, chỉ để ngửi hương thơm của cây cỏ, kệ bụi có lùa vào trong cơ thể. Tôi kệ, vì có mùi hương của những con đường ngập hoa, ngào ngạt hơn. Tôi còn có thể nghe rõ tiếng chim hơn. Tôi nghe rõ âm thanh hơn... Tôi nhìn mọi thứ rõ hơn ở thực tại. Sống thật trân trọng giây phút thực tại. Ghi nhớ tất cả những gì cần nhớ... Tôi không muốn bỏ qua gì? Tôi chỉ muốn sống trọn vẹn ở thực tại, giống như lời Thầy lúc nào cũng văng vẳng bên tai- Thiền là trở về thực tại.

Tôi yêu rồi!

Một giọt nước hay gọi là giọt sương cũng được, mà tôi nhìn thấy, ở cành cây yếu ớt cách tôi không xa, lúc tôi ra hành lang phía sau giảng đường quan sát, sau giờ thiền, đã giúp tôi nhận ra, tôi không chỉ yêu Tây Thiên- quê tôi. Tôi không chỉ yêu Thiền Viện, yêu Thầy Cô, yêu bạn bè, yêu Thiền, mà tôi còn yêu từng lá cây, ngọn cỏ... trên đó!

Tây Thiên ơi đi xa rồi vẫn nhớ!

Tiếng Thầy Cô, như sóng biển vỗ bờ!

Hà Nội, ngày 20 tháng 03 năm 2019

Hoa Lê

Ngày đăng: 24/04/2019
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
no matter how hard
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage