Khi ta già đi
Hai tuần lui tới bệnh viện, tận mắt chứng kiến những bệnh nhân cao tuổi ở Khoa tim mạch, tiếp xúc, nói chuyện với những bệnh nhân già, chợt nghĩ, đến một ngày ta già đi, ta sẽ tự nhủ mình rằng:
Khi ta già đi, ta sẽ không lo nghĩ mấy cái chuyện bao đồng của con cháu 3 đời như cha mẹ ta thường lo lắng. Bởi con cháu đứa nào cũng có cuộc sống riêng của nó, ta cần sự tĩnh lặng để thư thái, nghỉ ngơi và cứ để mọi thứ thuận theo quy luật tự nhiên của cuộc sống.
Khi ta già đi, ta sẽ không nhắc nhở con cháu về một điều gì đó quá cũ, rót vào tai chúng mãi một câu chuyện xa xưa, hay dặn dò chúng những điều hết sức lạc hậu. Cho dù nói nhiều hay ít thì con cháu nó vẫn cho rằng, đó chỉ là lý lẽ vớ vẩn của người già.
Khi ta già đi, ta học cách buông tay, ta chẳng cần phải nghĩ ngợi những người trẻ mỗi ngày nó lướt qua đời ta một cách nhẹ nhàng như thế nào, ta chỉ mong mình đủ sức để tự nấu một món ăn thật nhừ, đủ sức để tự tắm rửa hàng ngày, ta cũng không câu nệ mọi ngóc ngách trong nhà đều phải tinh tươm sạch sẽ, mà chỉ chú ý đến sức khỏe của bản thân mình, nhằm giảm bớt áp lực cho con cháu khi phải chăm sóc ta.
Khi ta già đi, ta cũng mong trời thương, nằm xuống, nhắm mắt một phát là đi ngay. Bởi ta đã nhìn thấy nhiều cảnh đau lòng xảy ra khi con cái chăm sóc cha mẹ già. Có nhiều chuyện bấy lâu nay ta cứ nghĩ nó chỉ có trong văn học thời hiện thực phê phán, nhưng không, nó vẫn được diễn ra trong cuộc sống thường nhật. Mà nghĩ đi rồi cũng nghĩ lại, thực ra thì con cái ai cũng tốt và có hiếu với cha mẹ cả thôi, nhưng khi bố mẹ trở thành gánh nặng hàng ngày, nhiều ngày thì tình cảm sẽ mai một dần đến mức không còn thấy thương yêu nữa, chỉ còn thấy chịu đựng, thấy khổ sở, nhất là con rể hoặc dâu và cháu, những người không trực hệ, không được ông bà trực tiếp đẻ ra.
Và khi ta già đi, ta muốn chẳng nợ nần gì nhau trong cuộc đời này, chỉ cần được an yên, bởi ta nhĩ bất cứ ai, cho dù một thời trẻ hoài bão, ngang dọc, vội vã, và rồi cũng đến lúc già, chỉ cần hai chữ an yên mà thôi.
LÊ QUÝ HOÀNG