Sài Gòn nghèo
Phải vì chúng ta đang ở Sài Gòn, đều đang gắng hết sức mình đến tuyệt vọng để được nhận diện bản thân?
***
Tôi ghét những sáng nắng cháy chạy qua ngã tư Gò Vấp, đường Nguyễn Kiệm quá dài, tôi thường lạc đường hàng giờ liền giữa những đường Sài Gòn lắm người xe chạy rối bời. Và những chiều sớm còn nắng quái, về trên những đường bụi mù chang chang, mở cửa căn phòng xa lạ trong sự mệt nhoài cả tâm trí lẫn thể xác.
Còn may, có những mùa cuối năm, Sài Gòn trời đẹp như trong phim tình yêu, một mình cà phê giữa phố mà tưởng mình đang quay lại thời hồi hộp chờ một tình yêu nào từ nơi nào đó, một người con trai thân thiện, tới gõ cửa, cầm theo mấy bông hồng.
Gần hai mươi năm qua, mỗi lần tôi đến Sài Gòn đều có một người con trai nào đó chờ ở đích đến. Và mỗi lần đi khỏi Sài Gòn, tôi lại chia tay với một người nào đó, vĩnh viễn. Đến mức tôi luôn sợ hãi mỗi khi đứng ở cổng ga hàng không Tân Sơn Nhất, tự nhủ không biết mình đang chia tay với những ngày tháng thương yêu nào không trở lại?
Nên không rõ vì sao, cô đơn ở Sài Gòn luôn là sự cô đơn sợ hãi nhất. Những chuyến đi dọc đường nắng cháy, những đêm triền miên ngồi nhìn xuống thành phố dưới thấp không ngủ, những bình minh năm giờ ngồi đón gió sớm từ sông Sài Gòn, hay mở cửa kính cho những giọt mưa cuối cùng của đêm còn sót lại ngoài kia, rơi nốt xuống cành mai tứ quý còi cọc ngoài hành lang nhà mình.
Ở tuổi hai mươi, những con đường dài kéo dài từ quận Nhất qua quận Ba vẫn làm tôi yêu nhất, nhớ nhất, với những vòng xe đạp trìu mến. Giờ tôi đã ba mươi bảy tuổi, cầm bản đồ Sài Gòn trên tay nhưng vẫn luôn lạc đường hàng ngày, và chẳng còn tin vào tình yêu hay phép lạ nữa. Mỗi sáng chạy xe qua những khu giáo xứ, qua khu nghĩa địa vô danh, qua những nhà trẻ nhiễm HIV, tới những nhóm tình nguyện, quay lại bàn viết với cái máy tính cọc cạch hay dở chứng, type những thứ người khác muốn, mà bản thân tôi chẳng thấy nó có ý nghĩa gì với mình. Không hiểu vì sao cứ mỗi khi ngồi giữa Sài Gòn, khi đêm xuống, là tôi lại thấy hoang mang về cuộc đời mình!
Phải chăng cảm giác chống chếnh đó chỉ có khi người ta ở giữa Sài Gòn và nghèo?
Và người ta đã đến Sài Gòn nhiều lần mà chẳng tìm thấy thứ người ta muốn?
Sao cứ mỗi khi đến Sài Gòn, tôi lại nhớ tha thiết cô điếm già mỗi đêm về ngủ trong phòng tôi len lén. Tôi nhớ ông già cởi trần lê cái ghế thấp ra đầu ngõ ngồi nhìn xe cộ vun vút qua trước mắt. Tôi nhớ cậu bé gõ hủ tiếu cần mẫn hàng đêm đi qua dưới nhà. Tôi nhớ cô bé mồ côi, con của một gái bán hoa thời trước giải phóng, bán bò bía ở Hồ Con Rùa, cưới một ông chồng cũng mồ côi, con của một người xì ke, nhưng cả hai vợ chồng không ai xì ke cũng không ai bán hoa làm gái, họ sống bằng cái xe nhỏ, nay trật tự đuổi, mai công an dẹp.
Tôi nhớ những gốc cây rìa công viên, một gốc cây nuôi sống biết bao nhiêu con người bằng vài cái xe nước nhỏ, một tủ bánh tráng trộn lèo tèo thấp bé kê ra mỗi cuối buổi chiều tan tầm.
Tôi nhớ cái vườn hoa Chí Linh giờ đã thành sân vườn của một cái cao ốc, một thứ dàn xếp khéo léo được thiết kế chắc chắn bởi một cái đầu óc đàn ông bá đạo, bởi không nhìn thấy chút nhân văn và trắc ẩn nào của phụ nữ ở đó.
Anh xe ôm đầu ngõ rất dễ thương, đi đâu anh cũng cắm cúi chạy thật nhanh để còn về đón con tan học. Nhưng trả trước tiền cho anh, thêm vài chục cho anh uống nước, bỗng nhiên anh xe ôm lầm lì sẽ trở thành người bố sung sướng, suốt đường khoe những giấy khen con mình đạt được, điểm chín môn Anh văn hôm qua nó kể... Tôi tin cái niềm vui sướng của anh y chang như của tôi, mỗi khi được ai trả tiền thù lao nhiều hơn một tí, tôi nghĩ đến các con của mình!
Niềm vui sướng của một người nghèo, giữa một thành phố nhiều người giàu, sao cứ buồn buồn.
Sáng nay tôi lại lạc đường, giữa cái nắng chang chang của ngã tư Gò Vấp. Ngay cạnh chỗ người đàn ông đen đúa ngồi sau cái tủ kính bán đồ vặt bên đường cố sức phun những chùm bọt bong bóng nhiều màu ra ngã tư, như một cách để khách hàng chú ý đến.
Những cái bóng bay túa ra phù phiếm và vô tích sự ấy sao lại khiến một người hay quên đường và quen chạy xe long đong giữa nắng cháy phải cay mắt! Phải vì chúng ta đang ở Sài Gòn, đều đang gắng hết sức mình đến tuyệt vọng để được nhận diện bản thân?
Trang Hạ