Thơm như mùi...tre ngâm
(truyenngan.com.vn) “Mẹ ơi! Con yêu mẹ lắm nhưng trái tim con đã theo Tuấn mất rồi. Cuộc sống con đã không còn ý nghĩa nữa từ sau cái ngày Tuấn bỏ con lại mà ra đi. Con đã không thể tìm thấy anh ấy mẹ ơi..."
***
Lần đầu tiên, Lan biết đến mùi tre ngâm chính là lúc Tuấn đưa cô về ra mắt cả nhà vào cái đêm trăng sáng vằng vặc trên khắp con đường làng ngoằn ngoèo. Khi đó, cô mới vừa tốt nghiệp đại học và gần như chưa biết gì về quê, về những ngôi nhà nhỏ ven sông. Đôi dày cao gót dưới chân Lan quen đi đường nhựa nên cứ lún sâu xuống con đường đất sét tạo thành những lỗ con con sau mỗi bước chân cô. Dáng điệu Lan nghiêng ngã liêu xiêu trên triền đê làm Tuấn cười thương quá chừng thương.
Không giống Lan, mặc dù là con trai một và duy nhất, nhưng Tuấn lại sinh ra, lớn lên ở miền quê nơi con sông chuyển mình đổ ra biển. Mãnh đất dưới chân vì thế quánh đặc mùi phèn chua nước lợ. Chắt chiu cả một đời với bao ngày cố bám ruộng, bám sông, ông bà Năm Nhứt dành tất cả cho Tuấn ăn học. Rồi Tuấn gặp Lan, cô gái thị thành duyên dáng làm say mê lòng cậu và hơn bao giờ hết cậu muốn cưới Lan làm vợ.
Ngôi nhà nhỏ bên sông đang yên ắng chợt bừng sáng khi Tuấn cất tiếng gọi giòn “Ba má ơi! Con về rồi nề”. Bà Năm đẩy vội cửa bước ra ôm chầm lấy con. Cái ôm ngắn hơn thường lệ có lẽ một phần vì sự xuất hiện của Lan. Bà Năm níu tay Lan dắt vào nhà sau lời giới thiệu ngập ngừng của thằng con trai “Vô đây đi con, cứ tự nhiên, đừng sợ chi hết, nhà chỉ có bác với bác trai thôi, ổng hiền queo, cứ vô tự nhiên nghe!”
Cái màn ra mắt này thật làm cho những cô gái mới yêu lần đầu như Lan phải lo thót tim từ mấy ngày trước. Lan khép nép ngồi ghé vào mép chiếc giường tre nằm phía bên kia bàn. Vài câu thăm hỏi nhẹ nhàng của bà Năm dần giúp Lan chừng bình tỉnh trở lại. Ban đầu, Tuấn dự định sẽ đưa Lan về vào buổi sáng cho tiện đi lại. Nhưng sau một hồi suy tính, cả hai quyết định sẽ về vào buổi tối. Lý do đơn giản chỉ nhằm tránh đi bớt cái nhìn tò mò của bà con lối xóm. Cũng sẵn tiện, Lan có nhỏ bạn thời đại học nhà gần đây nên có thể nhân đó ghé thăm bạn rồi tá túc nhờ qua đêm. Vì thế mà giờ đây, Lan có mặt trong nhà Tuấn để lí nhí trả lời những câu hỏi nhẹ nhàng của bà mẹ chồng tương lai rồi dáo dác đưa mắt nhìn khắp nhà đầy vẻ tò mò.
Nhà Tuấn không rộng lắm nhưng được xây bằng gạnh kiên cố, mái ngói mát rượi, mọi thứ trong nhà khá sạch sẽ và ngăn nắp. Tất cả chừng khác hẳn với tưởng tượng của Lan về những ngôi nhà tranh xiêu ọp, bề bộn ven sông mà Lan thường gặp trong truyện ngắn, thơ ca, sách vở. Một cơn gió thoảng từ sông đưa vào mang theo mùi ngai ngái nồng nồng của thứ gì đó lạ lắm mà hình như sau rất lâu Lan mới đủ bình tỉnh để nhận ra. Cái mùi chưa từng gặp trong sách vở, chưa nghe Tuấn nói qua bao giờ.
Lan khẽ nhíu mày, có lẽ cô cố lắm mới kiềm được bàn tay đưa lên che mũi. Ông Năm Nhứt chừng hiểu những biến đổi kín đáo trên mặt cô gái trẻ thị thành nên phá lên cười sảng khoái “Thúi lắm phải không?” Không đợi Lan kịp trả lời hay ngúc đầu đồng ý, ông nói tiếp bằng thứ giọng miền quê chân chất “Cứ bịt mũi lại mà thở, mùi tre ngâm hắn rứa đó con nợ, ai chưa quen thì biểu hắn thúi, sống riết với hắn như bác ri thì lại thấy thơm, không có mùi nớ là không ngủ được.”
Nghe ông Năm nói, như một đứa trẻ, Lan đưa hai ngón tay lên bịt chặt mũi lại, rồi thầm nghĩ “Mùi này mà bảo là thơm sao, chắc mình chết vì cái mùi này mất”. Chưa được một phút, mặt cô đã đỏ bừng bừng, Lan buông hai tay, há hốc cả miệng ra hít lấy hít để luồng khí mà trong đầu bảo “thúi đến chết mất” ấy. Thì ra, mũi đã bịt rồi còn thở làm sao được chứ. Cả nhà Tuấn được dịp cười hả hê “Ba biểu bịt mũi ý là cứ tự nhiên lấy tay che mũi cho dễ chịu chứ không phải bịt kín như rứa, em làm rứa có mà chết ngột”. Lan bị một phen tẽn tò lò mà đến mãi sau này cô vẫn không quên được, còn bà Năm Nhứt cứ nhắc hoài “Coi con lúc nớ tội nghiệp quá chừng chừng”.
Vài ba lần nữa về thăm nhà Tuấn, cái mùi tre ngâm dần quên với Lan. Cô thôi đưa tay lên che mũi như lần đầu mà vô tư cùng Tuấn ra mé sông lật tung mấy bó tre lên để bắt cá.
Cái thứ tre đúng hay đáo để. Cứ đón xuống rồi pha ra làm ngay thể nào cũng chóng bị mọt ăn. Vậy mà chỉ cần đêm ngâm xuống nước cho bốc mùi thúi thì chẳng có thứ mọt nào dám đụng đến nó. Thậm chí, có nhiều bó tre bị ngâm dưới nước cả năm trời cũng không hề hấn gì. Những bó tre được ngâm dưới nước nhiều ngày lại trở thành nơi trú ngụ của cá, cua, tôm. Đặc biệt, thứ cá bống thích đám tre ngâm vô cùng. Chúng chui rúc từng bầy trong mấy thanh tre nồng nặc ấy để làm mồi cho đám trẻ con trong xóm. Thời còn ở nhà, Tuấn luôn là chuyên gia đi đầu trong vụ bắt cá bống này.
Xoắn quần đến ngang gối để lộ bắp chân trắng nõn, Lan tòn ten xách cái rổ tre theo Tuấn ra sông. Chỉ ba mươi phút sau, mớ tre đã được trở đều còn lũ cá bống loi ngoi trong chiếc rổ như cố tìm đường thoát thân. Thêm ba mươi phút nữa để hai người phụ nữ loay hoay là có ngay món cá bống chiên giòn thơm lựng.
Cuộc sống thanh bình giản dị mà khiến con người ta yêu quá. Lan thèm được theo Tuấn về quê mỗi cuối tuần, lễ hội bất chấp bao lời khuyên can của mẹ cô “Con gái như vậy là không được nghe con! chưa cưới chưa hỏi gì cả mà cứ theo về nhà người ta hoài như thế thì bà con làng xóm họ cười cho”. Lan mặc kệ, mấy cái đó cô đã được mẹ dạy đến thuộc làu từ thuở còn cắp xách đến trường nhưng cô yêu ngôi nhà nhỏ ven sông, yêu món cá bống chiên giòn, yêu những đợt gió từ sông tràn vào nhà mang theo mùi tre ngâm đặc quánh hơn tất cả những dị nghị, đàm tiếu bâng quơ từ đâu đó.
Cho đến một ngày, Tuấn lặng lẽ để Lan lại một mình trên phố mà ra đi không lời tiễn biệt. Căn phòng trọ nhỏ xíu nằm cuối con hẽm Trần Phú vẫn còn nguyên vẹn với tất cả đồ đạc chỉ trừ vài bộ quần áo và chiếc laptop của Tuấn là bị lấy đi. Bao nhiêu cuộc gọi của Lan vào số máy Tuấn đều chỉ được đáp lại bằng câu trả lời buồn tẻ của tổng đài. Bao nhiêu dòng mail của Lan đến Tuấn đều không có hồi âm. Lan gần như biến thành một con ngốc chạy khắp nơi chỉ để tìm Tuấn dù có phải nghe lời chia tay cuối cùng. Nhưng tất cả đều vô vọng. Lan bới tung căn phòng trọ nhỏ cố tìm kiếm một chút manh mối nào đó mà Tuấn vô tình để lại. Một cuốn nhật ký viết tay có lẽ là trong lúc vội Tuấn đã bỏ quên. Những trang nhật ký chưa từng thiếu hình bóng của Lan cho đến những trang cuối cùng:
Ngày 4 tháng 3 năm 2006
Hôm nay, mẹ em đã gọi điện hẹn gặp tôi. Gần một năm trời quen em, đây là lần đầu tiên tôi gặp mặt bác ấy. Bác ấy thật cao sang và quý phái. Trong lần gặp đầu tiên, bác ấy đã thẳng thừng bảo tôi hãy xa em đi. Bác ấy bảo vừa nghe em nói tôi là con trai một nên cứ ngỡ chắc hẳn tôi giàu có, sung túc lắm, nhưng bây giờ thì bác đã biết nhà tôi nghèo, quê mùa và bác không muốn con gái vàng ngọc của bác phải chịu khổ. Có lẽ vì thế mà em luôn cố tình che dấu chuyện của tôi và em trước gia đình em cũng nên. Tôi phải làm gì đây? Tôi yêu em và nghèo đâu phải tội lỗi.
Ngày 12 tháng 3 năm 2006
Sau lần gặp mẹ em, tôi luôn tự hứa mình sẽ cố gắng chăm chỉ làm việc để có thể mang lại cuộc sống tốt đẹp nhất cho em sau này. Tôi đã cố làm ngày đêm và hôm nay bản thiết kế của tôi đã được xếp khen thưởng. Xếp hứa sẽ đề bạc tôi lên thành trưởng nhóm trong cuộc họp xắp tới. Em đã rất mừng vì thành tích này của tôi. Với sự cố gắng của mình tôi tin mẹ em sẽ không phản đối chúng tôi nữa.
Ngày 15 tháng 3 năm 2006
Mẹ em đã đập tan tất cả những hy vọng mới nhen nhóm lên trong tôi. Bác ấy bảo tôi có cố gắng đến đâu đi chăng nữa thì tôi vẫn không thể xứng với con gái của bác ấy. Tôi không có xe hơi, nhà rộng để đón em. Xa rồi cái thời một túp lều tranh hai quả tim vàng… Đã gần nữa tháng nay mẹ em luôn tìm mọi cách để chúng tôi không gặp nhau. Còn em, em vẫn là cô bé vô tư. Tôi phải làm gì đây.
Ngày 22 tháng 3 năm 2006
Lần thứ 3 liên tiếp hồ sơ của tôi bị từ chối. Nhưng cuối cùng cũng có người nói cho tôi biết lý do vì sao. Chẳng lẽ chỉ vì tôi yêu em mà thành tội hay sao chứ. Xếp cũ của tôi và tất cả những người đã từ chối hồ sơ của tôi lẽ nào đều là những người chịu sự chi phối của mẹ em? Ba em là một quan chức cấp cao của thành phố này mà, bà ấy hẳn có thể làm được như thế lắm chứ!
Ngày 7 tháng 4 năm 2006
Hôm nay tôi đã trông thấy em đi với người ta. Tôi không ghen mà chỉ nghe lòng đau buốt. Tôi biết em chỉ là nạn nhân ngây thơ của mẹ em nhưng có lẽ em thuộc về nơi đó. Em thuộc về nơi cao sang với xe hơi loại xịn, với những bữa tiệc sang trọng trong nhà hàng cao cấp. Còn tôi chỉ là một tên kỹ sư quèn mới ra trường, không nghề ngỗng ổn định, không nhà cửa, xe hơi. Bố mẹ tôi là những người nông dân nghèo chỉ biết có vị mặn của sông, vị bỏng rát của nắng. Làm sao tôi có thể.
Lan òa khóc. Những gì Tuấn để lại cho Lan sau cuộc tình gần tròn một năm qua chỉ có bấy nhiêu thôi sao. Thì ra, lâu nay mẹ cô không muốn cô đi lại với Tuấn là vì lý do này đây. Còn cả những bữa tiệc, những buổi gặp mặt với Dũng- con trai ông phó chủ tịch tỉnh mấy dạo gần đây cũng là sự xắp đặt của mẹ cả ư. Tuấn đã buồn, đã khổ biết bao vậy mà cô không hề hay biết. Có lẽ giờ này Tuấn đang ở quê, đang cố lật tung mấy bó tre ngâm để bắt cá bống cũng nên. Lan phóng thẳng về quê Tuấn trên con xe Vios mới cứng mà ba cô mua cho con gái cưng chưa tròn tháng.
Tiếp cô chỉ có bà Năm Nhứt mà vẻ mặt chừng khó hiểu “Có chi không con, thẳng Tuấn mới đi lại bữa hôm qua. Hai đứa cãi nhau à?” Lan thả phịch người xuống bên bậc thềm chi chít những cật tre ngâm mới vót.
Một tháng sau, người ta nhìn thấy con xe Vios của Lan nằm lặng lẽ bên bờ sông Hàn. Tất cả dép, điện thoại, túi xách của Lan vẫn còn nguyên trong xe. Một bức thư tuyệt mệnh cô dành gởi riêng cho mẹ:
“Mẹ ơi! Con yêu mẹ lắm nhưng trái tim con đã theo Tuấn mất rồi. Cuộc sống con đã không còn ý nghĩa nữa từ sau cái ngày Tuấn bỏ con lại mà ra đi. Con đã không thể tìm thấy anh ấy mẹ ơi
Con xin lỗi mẹ!
Con gái bất hiếu không thể báo đáp công ơn nuôi dưỡng của ba mẹ!
Vĩnh biệt mẹ
Lê Thị Hồng Lan”
Sáu năm sau, ngôi nhà nhỏ bên sông rộn rã tiếng cười nói của trẻ thơ cùng hai người đàn bà một già một trẻ. Bố Tuấn đã vĩnh viễn nằm xuống chỉ sau hai năm kể từ khi thằng con trai duy nhất bỏ nhà ra đi không liên lạc. Thi thoảng Bà Năm Nhứt vẫn nhắc chuyện mấy năm trước “Cái bữa con về đây, má thấy con thảm quá chừng chừng. Chưng thì không dép mà trầy trụa tùm lum, máu với đất lấm lem lấm luốc. Con kêu con đã có bầu với thằng Tuấn. Ba mẹ con biết được ép con phải bỏ cái thai rồi lấy chồng khác ngay lập tức. Con cứ rứa khóc bù lu bù loa xin ba má cho ở lại đây sinh con với chờ thằng Tuấn luôn thể. Tội, ba bây lúc nớ thương bây muốn đứt ruột. Rứa mà nhanh, chừ ổng đã thành tro bụi còn thằng Chó Con chuẩn bị vô lớp một rồi đó nợ.”
Lan nhìn bà mẹ chồng mà nước mắt chỉ chực trào ra. Đồng lương giáo viên ít ỏi cũng chỉ đủ cho mẹ con Lan với bà Năm Nhứt sống thanh đạm qua ngày. Lâu lâu, chừng nhớ quá cái mùi tre ngâm mà mẹ chồng nàng dâu đi quanh xóm xin mấy cây tre mang về thả xuống mé sông ngâm lấy mùi ngửi cho đỡ nhớ. Lan vẫn tin rằng rồi Tuấn sẽ về lật tung mấy bó tre ngâm ít ỏi ấy lên để bắt cá, để Lan tòn ten xách rổ chạy theo, để thằng Chó Con vô tư gọi ba và bà mẹ già nhìn đám con cháu mom mem cười.
Một thoáng, mùi tre ngâm theo làn gió sông ùa vào thơm ngọt ngào.