Gửi bài:

Chờ chi mà chờ hoài rứa...

(truyenngan.com.vn - Tham gia viết bài cho tuyển tập truyện ngắn "Ai cũng có một chuyện tình để nhớ")

"Em không xứng với anh Sáu xí xi mô hết, em "nhớp nhúa, dơ bẩn" lắm anh Sáu nợ. Anh Sáu đẹp quá chừng đẹp, chân chất mà sáng trưng. Em thiệt không xứng với anh Sáu. Em ước..."

***

Một tay chống hông, một tay cần mẫn lần dò dọc theo bờ rào phủ đầy dây leo, Bảy Hẹn lại tìm ra cổng đứng nhìn mãi miết về phương Nam. Cái dáng điệu sao quen quá, mòn mỏi quá. Cái dáng điệu chờ đợi suốt ba mươi năm trời không thay đổi.

cho-chi-ma-cho-hoi-rua

Chuyện bắt đầu từ đâu, chẳng ai rõ. Chỉ biết ba mươi năm trước, cô dọn về đây sống vật vờ như người mới tỉnh sau cơn say bí tỉ. Cô hiền lành, siêng năng, ít nói và chỉ có một để chiều chiều lại ra ngõ đứng nhìn chơ vơ.

Ban đầu cũng có dăm người chừng tò mò lắm, lạ lắm chực muốn ghé ngang hỏi han biết đâu lại có chuyện cho cả xóm nghèo đàm tiếu chơi. Ai dè, mới nghĩ thế đã bị cái thằng cha Sáu Kèo chặn ngay đầu ngõ "Người ta có chuyện buồn, mình không chia sẽ được cho họ thì thôi, ai lại đi chọc vô nỗi đâu của người ta rứa, coi răng được". Coi bộ cũng tức cười quá, có phải chuyện của ổng đâu mà ổng lo rứa không biết. Nói thì nói vậy thôi chứ tính ra thằng cha Sáu Kèo nói đúng quá đi chứ. Con người cục mịch, thô lố như thằng chả mà còn biết thương, biết lo cho người đang lâm vào cảnh khó nói, vô lẽ nào mình lại làm không được cái việc nhân nghĩa ở đời ấy. Vậy là, chẳng ai còn nghĩ đến chuyện tọc mạch để biết Bảy Hẹn đợi cái gì mà đợi mãi đợi miết thế kia.

Thực ra thì họ quên đi cái bí mật của Bảy Hẹn dễ dàng như vậy là vì họ đã có chuyện khác để đàm tiếu, để giải khuây. Bởi cái xóm nghèo với những con người quen đời bám biển đến chai sạm này còn có chuyện gì thú vị hơn chuyện gã Sáu Kèo biết yêu cơ chứ.

Gã yêu ai?

Cả làng đâu vỏn vẹn năm xóm nhà xiêu ọp. Con gái chưa chồng đếm đi đếm lại cũng chưa hết mấy đầu ngón tay mà con nào thằng chả cũng chê. Con Hồng xóm trên đẹp người, duyên dáng, có học chút chút nhưng Sáu Kèo lại bảo "con nhỏ ăn hàng có coi". Con Thắm xóm trong đẹp nét cũng đẹp người tuy nhiên "một chữ bẻ đôi không biết thì vài bữa mần răng mà dạy con"...Tóm lại, chả ai mà Sáu Kèo không tìm ra khuyết điểm. Âu cũng là cách để thằng chả biện hộ hay tự đề cao bản thân vậy chứ cho dù có khen con nhỏ đẹp quá trời đất, ưa con nhỏ chết đi được thì chắc cũng chẳng có ai thèm để ý đến gã.

Sáu Kèo từ nhỏ đã sớm chịu cảnh côi cút, mồ côi cả cha lẫn mẹ chỉ sau một đợt biển động. Vậy là gia đình bốn người chỉ còn lại Sáu Kèo mới lên bảy cùng người bà đã ngoài sáu mươi. Hai bà cháu chắt chiu nuôi nhau bữa rau bữa cháo qua ngày. Nhưng cũng chỉ được chưa đầy hai năm sau, nội thằng Sáu theo về với tổ tiên, ông bà để lại thằng cháu một mình leo lắt trên đời với lòng thương hại của bà con láng giềng. Sáu Kèo lớn lên giữa sự bao bọc của cả làng mà nó bảo "Tui là con của cả làng, còn sống ngày mô tui quyết sống cho ra hồn để trả nợ cả làng cái ơn nuôi dưỡng, đến chết tui cũng chết trên làng ni làm ma để bảo vệ cho làng ni". Nghe thằng chả nói ai cũng tức cười mà ứa nước mắt. Tình làng nghĩa xóm trên mãnh đất cát cháy sém này sao cứ tươi roi rói, thương quá trời thương.

Cũng vì thế mà Sáu Kèo trở thành người của cả làng. Bất kể ghe lưới mô mới vừa cập bờ đã thấy Sáu Kèo chờ phụ gỡ lưới, khiêng ghe. Trong xóm có ai đau, Sáu Kèo biết trước, thằng chả tất tả đi mua thuốc, kiếm lá xông, nấu bát cháo hành rắc lá tía tô lên trên bưng sang. Mái hiên nào dột đã có Sáu Kèo. Heo xổng chuồng, có Sáu Kèo. Nhà mô đám, kị thể nào thằng chả cũng có mặt từ sớm tất bật vặt lông con gà, đi mượn bộ bàn, cái chén quanh xóm. Không đám ma nào trong làng mà không có vai Sáu Kèo khiêng tiễn đến cùng. Lúc rãnh, thằng chả đi dọc xóm nghe người ta nói tiếu rồi chen vào đôi câu chọc mọi người cười chơi. Vì thế, cả làng đã quen với sự xuất hiện của thằng Sáu như con chung. Nhà nào nấu món gì ngon cũng chờ kêu Sáu Kèo. Còn thường ngày, Sáu Kèo đụng đâu ăn đấy, nhằm đâu ngủ đấy. Đôi hôm, hắn ra biển, nằm ềnh xuống cát ngủ ngon lành chẳng cần gối ghiếc, chăn màn gì xấc.

cho-chi-ma-cho-hoai-rua

Thế nhưng, từ dạo cô Bảy về đây sống, Sáu Kèo trông khác hẳn. Thằng chả thích lảng vảng quanh nhà cô hơn là đi dọc xóm nghe người ta nói tếu. Chuyện làng trên xóm dưới, Sáu Kèo gần như không thèm bàn luận nữa, nhưng hễ ai đụng đến cái tên Bảy Hẹn là thằng Kèo lại giật nãy lên như phải lửa. Ban đầu, mọi người cứ nghĩ "chắc tại thằng Sáu thấy cảnh ngộ "người ta" cũng đơn chiếc, côi cút như hắn nên hắn đặc biệt đồng cảm mới rứa". Ai dè, thằng Mười Mai chơi ác, chuốc Sáu Kèo say mèm rồi ép hắn khai ra cho bèn được. Hắn khai tất, hắn bảo "Bảy Hẹn đẹp nghiêng nước nghiêng trời, đẹp bằng năm bằng mươi con nhỏ Hồng, nhỏ Thắm gộp lại". Hắn hứa là sẽ quyết chí kiếm đủ tiền để cưới Bảy Hẹn về làm vợ mới thỏa chí.

Ngày hôm sau, khắp làng trên xóm dưới, trẻ con túm tụm thành đàn năm bảy đứa kéo đi dọc xóm đọc cái chi mà:

Nghe vẻ vè ve

Nghe vè anh Sáu

Yêu cô Bảy Hẹn

Lâu ni anh thẹn

Chẳng dám nói ra

Thiệt tình hôm qua

Anh ra ngoài biển

Bắt tay lên miệng

Bảy ơi Bảy à

Em đẹp như hoa

Cho anh say đắm

Anh yêu em lắm

Làm vợ anh nghe

Bảy ơi là Bảy

Sáu Kèo đỏ chín cả mặt, thằng chả vác cây rượt mấy tụi nhỏ chạy có ngời. Thật ra, Sáu Kèo xem cả làng này như cha, mẹ, anh, chị, em ruột rà với mình cả rồi nên chẳng buồn dị làm gì. Chỉ là, hắn lo cho cô Bảy, hắn sợ Bảy nghe thấy sẽ giận hắn, không cho hắn đến gần thì khổ. Hắn còn sợ Bảy Hẹn thẹn với cái nhìn soi mói của cả làng, tội nghiệp lắm.

Bảy Hẹn không thẹn, cô càng thấy thương hơn cái tình nghĩa nguyên sơ, mộc mạc của cả xóm chài ven biển đã đón nhận cưu mang con người lạc loài như cô. Nhiều đêm, ngồi một mình, cô thầm ước giá như cô có quyền được yêu thêm lần nữa chắc chắn cô sẽ yêu Sáu Kèo. Nhưng...làm sao cô có thể.

Sinh ra và lớn lên trong một gia bình bề thế ở thành phố, Lê Thị Quỳnh Nga như một công chúa với lắm công tử săn đón chờ được rước nàng về làm vợ. Nhưng Quỳnh Nga chưa động lòng với ai. Rồi một sáng, người ta đến đưa ba cô đi trước cái nhìn ngơ ngác của cả con phố. Người ta bảo ba Quỳnh Nga tham ô của nhà nước gần cả tỉ đồng.

Một tỉ đồng của ba mươi năm trước lớn vô chừng vô kể.

Toàn bộ gia sản bị tịch thu sung vào công quỹ nhà nước, mẹ con Quỳnh Nga dắt díu nhau đi làm thuê làm mướn trong mấy quán ăn sống qua ngày. Không chịu nổi sự nhục nhã và khổ cực, mẹ cô đổ bệnh. Quỳnh Nga đành nhắm mắt đưa chân, chấp nhận làm bé cho một đại gia lắm tiền nhưng không có con trai nối dõi.

Chưa đầy năm sau, cô sinh ra một thằng quý tử khá bụ bẫm, đáng yêu. Sự đời vốn vậy, con người quen sống với đủ đầy vật chất sẽ quên mất đi nhân nghĩa lẫn tình người. Mụ vợ cả bắt đi thằng bé và buộc Quỳnh Nga phải "tiếp khách" cùng là giới làm ăn kinh doanh với vợ chồng mụ. Thương mẹ ốm đau liên miên cần tiền thuốc thang, lại càng không nỡ xa rời con thơ mới chưa tròn tuổi, Quỳnh Nga cắn răng chịu đựng chấp nhận cuộc sống lay lắt giữa chốn thị thành xa hoa đến lạnh lùng.

Khi thằng bé lên năm, nó gọi người ta bằng mẹ mà xem Quỳnh Nga như người ăn, kẻ ở. Đầu óc non tơ của thằng bé bị đầu độc bằng bao ý nghĩ nhuốm màu của người lớn về kẻ đã sinh ra nó.

Mẹ Quỳnh Nga cuối cùng rồi cũng đành buông xuôi trước cuộc sống dương thế lắm thị phi. Chừng như đã tột cùng sức chịu đựng, bỏ lại chốn thị thành một Quỳnh Nga, Bảy Hẹn tìm về miền quê nghèo này hòng kiếm chốn nương tựa.

Giờ đây, Bảy Hẹn đứng trước Sáu Kèo không tiền bạc, không xe hơi, không nhà cao cửa rộng, không học hành, không bóng loáng nhưng sao thấy ấm áp đến lạ. Ấm áp đến độ không dám lại gần hơn nữa. "Em không xứng với anh Sáu xí xi mô hết, em "nhớp nhúa, dơ bẩn" lắm anh Sáu nợ. Anh Sáu đẹp quá chừng đẹp, chân chất mà sáng trưng. Em thiệt không xứng với anh Sáu. Em ước..." Sáu Kèo có hiểu gì đâu câu nói của cô gái thị thành chỉ biết yêu là yêu thế thôi. Để hai con người cứ đi song song bên nhau suốt ba mươi năm trời. Bảy Hẹn nấu cơm, mua rượu cho Sáu Kèo mỗi ngày. Sáu Kèo lợp lại mái nhà, cuốc mãnh vườn, gánh nước tưới mớ rau, đuổi con gà, cột róng chuồng heo,...cho Bảy Hẹn. Rồi mỗi tối, khi màn đêm sụp xuống, Sáu Kèo lùi lũi ra biển nằm ngữa mặt lên trời ngủ với sương đêm. Bảy Hẹn còn lại một mình trong gian nhà tranh trống hơ trống hoác.

"Bảy chờ chi mà chờ hoài rứa Bảy, chẳng lẽ Bảy định chờ rứa đến cuối đời hay răng Bảy?" Sáu Kèo đứng đó tự bao giờ mà giọng buồn não nuột. "Em chờ thằng Ti, lỡ mô thằng Ti đi tìm mẹ thì răng, hắn mô có biết Bảy Hẹn là ai, mẹ đẻ ra hắn là Quỳnh Nga mờ, em phải đợi chớ, để hắn tìm tội nghiệp mà anh Sáu".

Xuân Võ

Ngày đăng: 09/11/2013
Người đăng: vu thinh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Gia vị người Thái Tây Bắc
John Lennon - waste time
 

Đừng phí hoài thời gian đi tìm kiếm những điều phù phiếm, hãy sống cuộc sống của chính bạn

by John Lennon

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage