Gửi bài:

Bảo tàng kỉ niệm

(truyenngan.com.vn - Tham gia viết bài cho tập truyện ngắn "Ai cũng có một chuyện tình để nhớ")

Đã từng nghĩ những gì chúng ta đã trải qua, những gì chúng ta vẫn cất giữ chỉ là những sợi ký ức mỏng manh, rồi sẽ có lúc tan dần vào quên lãng...

Hóa ra chúng lại đan vào nhau bởi một điều kỳ diệu nào đó, dệt thành câu chuyện của chúng ta, câu chuyện mà em và anh, mỗi khi Và ta đã yêu cất lên giai điệu đều nhìn vào mắt nhau và mỉm cười...

***

1.

Cuối cùng thì cũng tới được Bến Nhà Rồng, cả nhóm thở hổn hển đứng nghe Ban Tổ chức thông báo về thể lệ thi của trạm tiếp theo. An cùng các bạn đang tham gia vòng team buiding của cuộc thi Nhớ ơn Bác do trường đại học U tổ chức. Thể lệ tại trạm thi này là các đội sẽ nhận gợi ý từ Ban Tổ chức có liên quan đến một hiện vật hoặc một bức ảnh đang được trưng bày tại bảo tàng, các đội sẽ chụp ảnh lại lời giải đó và gửi mail cho Ban Tổ chức. Nếu đúng, đội sẽ nhận được gợi ý tiếp theo, nếu sai thì phải tìm lại cho đúng mới được nhận gợi ý mới. Tổng cộng có 10 gợi ý, giải càng nhanh thì điểm càng cao.

Thời gian thi bắt đầu, nhóm của An họp lại phân công. Nơi họ đứng họp là ở hành lang trên lầu 1 của bảo tàng. Lúc đó, gió từ sông thổi vào rất mát, rất mạnh. Trong một khoảnh khắc nghiêng đầu vuốt lại tóc, An nhìn thấy người đó. Một chàng trai, khá điển trai đang nghiêng đầu tựa vào vai cô gái bên cạnh, cũng khá xinh xắn, mà ngủ. Hai người họ đi cùng một nhóm bạn, họ đang bàn luận về điều gì đó, rất hào hứng. Bảo tàng hôm nay cũng khá đông, không gian ồn ã nhưng nét bình yên và an nhàn trên gương mặt đang ngủ kia chiến thắng tất cả.

Trong một giây, hình như An quên mất mình đang đứng ở đâu, hình như An cũng không nghe thấy nhóm trưởng đang nói gì. An chỉ nhìn thấy gương mặt ấy, có thứ gì đó từ gương mặt ấy hút lấy An, khiến cô không rời mắt được. Nhưng một giây, chỉ một giây thôi, sau đó An bắt đầu vùi mình vào cuộc thi, chạy đi như con thoi giữa các phòng triển lãm, dán mắt vào các bức tranh trên tường và hiện vật, tìm kiếm câu trả lời cho những gợi ý oái ăm. Mắt dần hoa lên, chân bắt đầu mỏi nhừ. Khi đang chạy từ những phòng ở tầng trệt ngược lên lầu, An lướt qua người đó. Đột ngột, An dừng lại, xoay người nhìn theo cái dáng thư thả đang bước đi xa dần. Cô có cảm giác hình như lúc nào anh ta cũng thư thái như thế, cứ như trong cuộc đời này sẽ không có một thứ gì khiến anh ta phải vội vã, khiến anh ta chênh vênh. Cân bằng, chính là từ này. Anh ta cho người khác có cái cảm giác cân bằng. An vội lắc lắc đầu xua đi ý nghĩ đó, anh ta chỉ là một người xa lạ, sao lại dành nhiều noron thần kinh cho anh ta như thế. An tiếp tục chạy, cuộc thi vẫn còn dài.

chạy đi

Đúng là cuộc thi vẫn còn dài nên mồ hôi đổ ra nhễ nhại. Tranh thủ lúc nhóm trưởng gửi lời giải thứ 7 cho Ban Tổ chức, An đứng hóng gió cùng các thành viên khác trên hành lang lầu 1. Cô đứng sát lan can, ngẩng cao mặt đón gió đón nắng. Mẹ cô mà nhìn thấy cảnh này chắc sẽ xót kem dưỡng da lắm đây. Vô tình quay sang trái, An nhìn thấy người đó. Người đó đang nhìn về phía đài phun nước hoa sen trong sân bảo tàng. Đột ngột, anh ta quay sang phải, nhìn thấy An. Đúng lúc đó, một cơn gió từ sông ào tới, thổi tung mái tóc cột túm bù xù đang bết dính mồ hôi của An. Xuyên qua những sợi tóc bay chẳng theo trật tự nào, An nhìn anh ta, không che giấu, không ngượng ngùng. Anh ta cũng nhìn An, không giấu giếm, không cáu kỉnh. Trong khoảnh khắc tưởng chừng như không có giới hạn ấy, anh ta đột ngột bỏ đi, biến mất khỏi tầm nhìn của An. An khẽ cười, chỉ là một giây phút ngẫu nhiên kỳ lạ.

Uể oải chụp hình cho hai đứa em gái xong, Bằng nhìn lại phía cô gái hồi nãy. Cô ấy cũng đang nhiệt tình chụp ảnh cùng các bạn, trình độ tự sướng không thua gì hai đứa em của anh. Cô ấy mặc đồng phục thể dục trường U, trên cổ tay trái là một sợi ruy băng màu hồng đậm buộc nơ. Bằng bắt đầu chú ý đến cô ấy khi anh thấy cô ấy tự buộc lại sợi ruy băng bị tụt bằng miệng và tay phải chứ không nhờ người khác buộc lại giúp. Độc lập, đó là cảm giác về cô ấy.

Khoảng khắc Bằng và cô ấy nhìn nhau lúc nãy, gió thổi tóc cô ấy bay lung tung, tạo nên một ấn tượng lộn xộn tự nhiên đến nhẹ nhàng. Lúc ấy cô ấy không hề cau mày nghĩa là cô ấy không ngượng ngùng sợ người ta đánh giá mình cũng chẳng khó chịu với cơn gió. Thái độ của cô ấy dường như chấp nhận cơn gió đó, chấp nhận sự lộn xộn đó như thể đó là một điều hiển nhiên của cuộc sống và vui với nó. Dường như, chỉ là dường như thôi, Bằng là bác sỹ ngoại khoa, không chuyên về tâm lý, làm sao đoán chắc được. Nhưng sao anh lại phải dành quá nhiều chất xám để phân tích một người xa lạ như thế. Có lẽ vì khoảnh khắc gió thổi đó, cô ấy làm Nguyên Bằng nhớ mẹ Tú Anh - người mẹ yêu quý của anh. Mẹ Tú Anh cũng chấp nhận mọi điều, dù là niềm vui hay bi kịch, với sự hồn nhiên dũng cảm như thế.

Bảo tàng đóng cửa lúc 12h trưa. Chuyến thăm quan của hai cô em gái kết thúc, cả hai hứa khi trở về nhà sẽ nấu món ngon để đãi Bằng (đồng thời là chuộc lỗi vì đã nằng nặc ép anh phải đến chụp hình cho chúng sau ca trực đêm). Vòng thi ở trạm này cũng kết thúc, Nhã An và các bạn trong nhóm chạy vội ra khỏi bảo tàng để nhanh chóng đón xe bus tới địa điểm thi tiếp theo.

Chiều hôm đó, khi đang ngủ ngon lành thì Bằng lại bị hai đứa em gái đánh thức đi cafe bệt. Thế là, công viên 30 tháng 4 vào một ngày tháng 5 lộng gió, Nguyên Bình và Như Ý trò chuyện rôm rả còn Bằng thì thả hồn vào cây guita với bản Hương ngọc lan nhẹ nhàng. Cũng công viên 30 tháng 4 vào một ngày tháng 5 lộng gió, An và các bạn trong nhóm đang thuyết phục một nhóm sinh viên cùng họ hát một bài hát liên quan tới Bác để quay thành clip. Đó là thử thách của trạm cuối. An nhìn thấy người đó khi cô nhìn quanh quẩn tìm xem tiếng đàn phát ra từ đâu. Cô muốn đến mời họ cùng tham gia vào clip nhưng họ chỉ đi có ba người, dù có cây guita có yếu tố lạ nhưng lại không sống động. Thế nên cô không đề xuất ý kiến này với nhóm trưởng, nhóm trưởng đang ưu tiên nhờ sự trợ giúp của các nhóm đông người.

Bằng nhìn thấy cô gái đó đang cùng các bạn thuyết phục một nhóm đông các bạn sinh viên đang ngồi góc phía bên phải, sau đó họ cùng nhau hát hò rất vui vẻ. Lúc đó, Nguyên Bằng thực sự mong nhóm cô ấy đến nhờ anh hát cùng họ, chắc chắn anh sẽ nhận lời. Ánh mắt cô ấy lướt nhẹ qua, ngón đàn của Bằng bỗng nhiên bị phân tâm. Bằng hơi nhíu mày, ngạc nhiên với cảm xúc của chính mình.

Clip đã quay xong, nhóm của An rời đi, trở về nơi tập trung để nộp lại cho Ban Tổ chức. An ngoảnh lại nhìn người đó một chút, khẽ cười bản thân khi nhận ra mình đang ngân nga theo điệu của Hương ngọc lan.

bao-tang-ki-niem-1

2.

Giữa tháng 11, Sài Gòn bắt đầu có những cơn gió se lạnh, Bằng cũng bắt đầu quen với công việc ở nhiệm sở mới. Ít nhất thì anh cũng dần quen với việc di chuyển bằng xe bus từ trường trở về chỗ trọ gần nhiệm sở. Bằng còn một số dự án kết hợp với nhóm cuả ông ngoại Thế Danh – một bác sĩ đáng kính với những cống hiến to lớn cho y học, đây cũng là một phần trong công việc của anh nên anh được đặc cách, vẫn là việc bình thường ở nhiệm sở nhưng chỉ cần có lịch thí nghiệm là anh lập tức trở về trường. Vào một ngày nọ, khi lên xe bus, anh nhìn thấy chiếc áo đồng phục thể dục và một gương mặt vốn là xa lạ nhưng lại rất thân quen. Trên tay cô ấy cũng là một sợi ruyban để ký hiệu, lần này ruyban màu xanh chuối, rất nổi bật.

Cô ấy không nhận ra Bằng. Khi anh lên xe, cô ấy chỉ nhìn lướt nhẹ qua anh rồi lại tiếp tục kể với tài xế về cuộc thi mà hôm nay cô ấy tham gia. Họ chuyện trò rôm rả. Bằng đeo tai nghe vào, gương mặt trở về sự thư thái vốn có. Đi vài lần xe bus nữa, Bằng nhận ra cô ấy là hành khách quen thuộc của chuyến xe này nên thái độ của cả phụ xe lẫn tài xế đối với cô ấy rất vui vẻ. Họ trêu chọc cô ấy, họ canh chừng khi cô ấy ngủ gật trên xe, như những người thân chăm sóc nhau.

Bằng thấy cô ấy trên xe, vô tư thoải mái, gương mặt luôn tươi tắn nét cười. Có lúc cô ấy trò chuyện với tài xế và phụ xe, lém lỉnh đối đáp với họ rồi phụng phịu xụ gương mặt xuống giả vờ hờn dỗi khi bị trêu chọc. Có lúc cô ấy đọc sách, gương mặt chăm chú, nghiêm túc khiến người nhìn thấy cũng phải tìm một cuốn sách trong balô ra ngồi đọc, lâu lâu cô ấy lại mím môi, ngẫm nghĩ điều gì đó rồi mới đọc tiếp. Có hôm cô ấy chơi với đứa bé đi cùng chuyến xe, thế là cả xe rộn vang tiếng cười thơ trẻ. Chú tài xế đùa, hôm nay xe chở tới 2 đứa con nít. Cô ấy cũng là chuyên gia ngủ gật trên xe bus. Xe đi đến nửa chặng đường là cô ấy ngủ, đến đoạn cách trạm cô ấy xuống khoảng 15', có một gò cao do di chứng của việc đào ống nước, xe bị dằn và cô ấy sẽ thức giấc.

Có lẽ vì cô ấy mà Bằng dần có thói quen mong ngóng những chuyến xe bus, những chuyến xe đi cùng cô ấy thật thú vị. Bằng muốn nhìn rõ hơn, muốn đến gần hơn cái cô gái kỳ lạ hồn nhiên ấy. Thế nên, anh quyết định khi lên xe bus sẽ ngồi cùng băng ghế với cô ấy.

***

Dạo này khi giật mình thức giấc trên xe bus, An rất bối rối khi phát hiện mình đang tựa vào vai người ngồi kế bên mà ngủ. Thật là kỳ lạ, trước giờ An cũng ngủ gật trên xe bus hoài nhưng ít khi làm phiền người kế bên như thế. Vì An luôn ngủ nghiêng về phía bên trái, tựa đầu vào kính cửa sổ. Ngủ trên xe bus là việc rất nguy hiểm, báo chí đưa rất nhiều tin về việc hành khách bị móc túi hay bị hành hung trên xe bus nên ai cũng phải cảnh giác nhưng An lại thoải mái mà ngủ. Không phải An không cảnh giác mà vì ấn tượng của cô với chuyến xe này không phải là một phương tiện di chuyển mà còn như ngôi nhà. Nếu không phải nơi An cảm thấy an toàn và thân thuộc, cô sẽ không dám ngủ. Kể từ lần đầu tiên hồi năm nhất vì mệt quá mà ngủ gục trên xe được chú phụ xe dặn dò và quan tâm thân thiết, Nhã An không còn cảm giác sợ hãi lạc lõng mỗi khi bước lên xe bus nữa. Xe bus có người thế này, có người thế khác, có người rất dễ tính, hiền lành, lịch sự, cũng có người lại rất nóng tính, cộc cằn. Trên đường đời sau này cũng phải gặp những người như thế thôi. Bởi vậy, đối với việc đi xe bus, An còn xem đó như việc học triết lý của cuộc đời. An thường đi những chuyến xe muộn, đã qua giờ cao điểm nên xe khá vắng. Có lẽ vì thế mà những người bình thường phải gồng mình căng thẳng để kiếm miếng cơm manh áo lại đối xử với cô thoải mái hơn, trải lòng họ với cô nhiều hơn.

Nhưng người ngồi kế bên này kỳ lạ quá, An ngủ gật, anh ta cũng ngủ gật. An gật nhẹ đầu lí nhí nói xin lỗi, anh ta vẫn không nói gì, mặt không hề thể hiện cảm xúc, tiếp tục nhắm mắt chìm vào giấc ngủ hay chìm vào những bài hát phát ra từ tai nghe anh ta đang đeo thì An không biết. Chỉ biết khi An đến trạm phải xuống, đang định quay sang gọi anh ta dậy để bước ra phía cửa xe thì thấy anh ta đã đứng dậy nhường đường sẵn. Khi đứng ở cửa đợi đến trạm, Nhã An quay lại nhìn, anh ta vẫn đang ngồi ở chỗ cũ, mắt nhắm nghiền. Càng ngẫm nghĩ, Nhã An càng thấy kỳ lạ: "Sao anh ta biết mình xuống trạm mà tránh đường sẵn?". Thêm hai, ba lần ngủ gật như thế nữa, An phát hiện ra, ánh mắt của các tiếp viên xe bus, từ cô, chú, anh, chị, nhiều khi là chú tài xế nữa và cả cách họ cười với cô cũng có gì đó kỳ lạ, cứ như họ biết điều gì đó mà cô không biết. Để tránh những sự kỳ lạ đó, An quyết định không ngủ nữa, nếu có thèm ngủ thì lấy xí muội yêu quý ra chống lại sự cám dỗ của cơn buồn ngủ.

bao-tang-ki-niem-2

Cửa xe bus mở ra, anh ta bước lên, ngồi vào chỗ kế bên An. Cô cười nhẹ chào anh, anh ta gật nhẹ đầu chào lại cô. Rồi anh ta đeo tai nghe và nhắm mắt ngủ. An ngó ra khung cảnh quen thuộc ngoài cửa kính xe, cô lại bắt đầu muốn ngủ, thế là cô lục balo tìm xí muội. Khi đó, vô tình ánh mắt An quét qua gương mặt đang ngủ của anh ta và dừng lại ở đó. Nét an nhàn trên gương mặt rất quen thuộc, cứ như đã thấy ở đâu rồi, đặc biệt là cái cảm giác bị hút vào, đã từng trải qua cảm giác y như thế mà không nhớ ra được. Hai hôm sau, An lại gặp anh ta trên xe bus, lần này anh ta đeo chiếc guita trên vai. Ngồi xuống kế bên An, anh ta lại chìm vào giấc ngủ, rất nhẹ nhàng, rất bình thản. Nhưng An thì không bình thản như mọi ngày được. Vì cô nhớ ra rồi, nét bình yên khi ngủ, cây guita này nữa, anh ta là người cô đã gặp ở bảo tàng. Trái Đất này thật là tròn!

An cảm thấy có một luồng điện rất mạnh đang chạy dọc cơ thể khiến từng ngón tay run lên phấn khích, cô mím môi điều hòa nhịp thở của mình. Rồi An khẽ kéo kéo tay áo của anh ta. Anh ta mở mắt nhìn An, chờ đợi.

Ngượng ngùng, An hỏi nhỏ: "Anh biết chơi guita hả?".

"Uhm, có gì sao?" - Anh ta trả lời, giọng có vẻ mệt mỏi.

An quay sang nhìn thẳng anh ta: "Anh biết chơi bài Hương ngọc lan phải không?". "Biết, thì sao?"- Anh ta trả lời nhẹ nhàng nhưng nhát gừng.

An cười, cúi đầu: "Chỉ hỏi vậy thôi!".

An nhìn chằm chằm cây guita, cô đưa tay chạm vào lớp vỏ bọc hồi lâu rồi quay sang muốn hỏi anh có phải là người ở bảo tàng không nhưng anh đã đeo tai nghe lại nhắm nghiền mắt ngủ.

An ngắm anh ngủ, trong lòng có một cảm giác dịu dàng kỳ lạ lan tỏa. An nhẹ tựa đầu vào cửa kính, nhắm mắt mơ màng tìm cách làm sao bắt chuyện lại với anh, cô muốn nhận được sự khẳng định cho những phỏng đoán trong lòng mình. Mơ mơ màng màng An dần dần bị cơn buồn ngủ dụ dỗ. Đúng trong lúc ấy, An cảm thấy đầu mình đang tựa vào cửa kính được một bàn tay nhẹ nhàng nâng lên rồi sau đó, cũng nhẹ nhàng, tựa vào vai người kế bên. Thì ra là thế, rõ ràng đâu phải An vô ý nằm ngủ trên vai người khác. An cứ giữ tư thế đó, cố gắng giữ nhịp thở nhẹ nhàng, bẽn lẽn nở một nụ cười ngọt ngào. Khi xe lại bị dằn, An giật mình thức giấc, nhìn người kế bên. Anh cũng giật mình thức giấc, nhìn An. Hai người nhìn thẳng vào mắt nhau.

An cười ngượng ngùng, nói: "Xin lỗi anh nha!".

Anh ta nhẹ lắc đầu: "Không có gì đâu, quen rồi!"

Hả? An mở to đôi mắt tròn nhìn anh ngạc nhiên ngơ ngác. Rõ ràng là anh để An ngủ trên vai, vậy mà bây giờ lại thản nhiên nói như thế. An cứ sững sờ chăm chăm nhìn anh trở về tư thế cũ. Và cô mím môi thật chặt, đôi chân mày nhíu lại, gương mặt phụng phịu rất đáng yêu. Làm gì có người kỳ cục và lạ đời như thế chứ? Đang còn dây dưa hờn dỗi nội tâm thì đã tới trạm, An bước xuống xe, trong lòng ấm ức. Ngày mai, nhất định ngày mai An sẽ hỏi cho đến khi nào anh phải ngốc nghếch gãi đầu thừa nhận mới thôi.

Hôm sau, anh không xuất hiện. Những hôm sau nữa, anh cũng không xuất hiện. Một tháng trôi qua, cũng chẳng thấy anh xuất hiện. Noel đến gần, đường phố trở thành những dải màu rực rỡ, sáng lấp lánh. Thế mà trong mắt An chẳng còn phản chiếu nét lung linh ấy nữa. Mỗi lần bước lên xe bus, vẫn là cảm giác quen thuộc đến thân thương nhưng An cảm thấy có gì đó hẫng hụt. An giận chính bản thân sao lại mong ngóng một người xa lạ, sao lại dành cho anh quá nhiều cảm xúc như thế. Cuối tháng 12, giữa những ngày rộn ràng của cây thông và những món quà, cô nhận được tin báo đơn đăng ký học bổng của cô được nhà trường chấp nhận. Thế là An lên đường đi du học mang theo một mảng tình lửng lơ, chưa bao giờ có lời đáp.

***

Hơn một tháng sau, Bằng bước lên xe bus. Anh ngạc nhiên khi chỗ ưa thích của cô ấy đã có người khác ngồi, chẳng trách mà Nguyên Bình nhìn lầm. Anh nhìn quanh xe, không thấy cô ấy đâu cả. Hay hôm nay cô ấy không đi học? Bằng tự đưa ra suy đoán như thế. Cũng khá lâu rồi anh mới trở lại chuyến xe bus này, xa lâu thành nhớ. Dự án cùng với ông ngoại lấy mất của Bằng hai tháng phải rời Sài Gòn. Không biết lúc gặp lại anh, cô ấy có ngạc nhiên không? Chắc là cô ấy phải nhớ ra anh chứ? Lần cuối cùng gặp nhau trên xe bus trước khi anh đi công tác, cô ấy nhận ra anh rồi mà, nếu không cô ấy sẽ chẳng bối rối đáng yêu như vậy. Không biết phản ứng của cô ấy khi nhìn thấy anh sẽ như thế nào nhỉ? Bằng bắt đầu phát huy gen di truyền từ mẹ, suy đoán đủ tình huống. Nhưng anh không có câu trả lời.

Hôm sau, Nguyên Bình nói chỗ ngồi đó không có ai ngồi, Bằng đợi đến chuyến xe gần cuối mới tha cho cô em gái lên xe bus về nhà. Hôm sau nữa, chỗ ngồi đó có người ngồi nhưng không phải cô ấy.

Những hôm sau nữa, anh vẫn không tìm thấy cô ấy. Bằng bắt đầu giận bản thân, anh chẳng biết gì về cô ấy cả. Chỉ biết cô ấy học trường U thì làm được cái gì, có sang trường cô ấy tìm cũng không tìm được. Nguyên Bằng dặn em gái sau này không cần ngồi ở trường canh chuyến xe này giúp anh nữa. Trước đây, để đi cùng chuyến xe với cô ấy, Bằng bắt em gái ngồi ở trạm xe bus trường anh, nhìn xem chuyến xe nào có cô ấy thì báo biển số xe cho anh. Còn anh thì đi bộ xuống một trạm sau đó, đợi điện thoại của em gái để biết nên đón chuyến xe nào. Việc đó cũng không khó khăn gì, vì cô ấy chỉ thích ngồi một chỗ duy nhất thôi. Bây giờ thì không cần làm như thế nữa.

Mẹ Tú Anh nói rất đúng, cuộc đời này đỏng đảnh và khó hiểu vô cùng, nó không cho phép con người nắm bắt được suy nghĩ của nó nên nó sẽ diễn ra theo tình huống mà bạn không bao giờ ngờ tới. Qủa thật chưa bao giờ Bằng nghĩ đến khả năng sẽ không gặp lại cô ấy. Giờ thì đó không phải là một khả năng có thể xảy ra mà nó là sự thật, sự thật là Bằng không gặp được cô ấy.

Bằng ngồi trên chuyến xe bus quen thuộc, trong chỗ ngồi mà cô ấy vẫn thường ngồi, trong dáng vẻ quen thuộc của bản thân, tai nghe nhạc, mắt nhắm nghiền. Nhưng cô, chú, anh, chị tiếp viên của tuyến xe này, có lẽ cả tài xế nữa, đều thấy chàng trai này có điều gì đó khác lạ. Nhìn dáng điệu cậu ta ngồi có gì đó cô đơn và buồn bã. Tất cả đều ngẫm nghĩ rồi thở dài, chắc là thất tình. Đến cả họ cũng nhớ cô bé mặt tròn tròn có nụ cười tươi hay nói chuyện với họ thì chàng trai này cứ hay đỡ đầu người ta dựa lên vai mình ngủ, sao mà không nhớ. Mỗi lúc cô bé đó xuống xe rồi, cậu ta ngồi lại như cũ, vẫn đeo tai nghe, vẫn nhắm nghiền mắt mà miệng thì luôn cười cho đến lúc xuống. Có hôm không biết hai đứa nói với nhau cái gì mà cô bé xụ mặt kiểu giận hờn vu vơ, đến lúc cô bé xuống hì chàng trai bắt đầu cười, cười toe toét mà nhích vào cô bé vừa ngồi, còn ngân nga cái điệu nhạc gì trong miệng nữa. Vậy mà, bẵng đi một thời gian, không thấy chàng trai này đâu, cô bé mặt buồn xo. Giờ thì chàng trai ngồi trầm lặng, cô bé kia chẳng thấy đâu. Thiệt là!

Bằng không hề biết mình được chú ý đến như vậy, anh nhìn những cảnh vật quen thuộc lướt qua ngoài cửa kính, thất thần trống rỗng. Chỉ là một người xa lạ mà có thể khiến anh như bị tung hứng trong hàng ngàn cảm xúc và suy nghĩ khác nhau, đã vậy, di chứng còn rất nặng nề. Bằng vẫn nhớ anh đã cười đến không ngừng lại được khi nhớ đến vẻ mặt phụng phịu ấm ức của cô trong cái hôm cô ấy nhận ra anh mà bị anh nhát gừng trả lời, ngại không dám bắt chuyện lại. Bằng nhớ cảm giác hụt hẫng khi không thấy cô trên chuyến xe quen thuộc, anh cứ ngỡ cô vẫn phải ở trên chuyến xe này, chỉ cần anh tìm, anh đợi là sẽ gặp. Bằng nhớ nỗi lo sợ khi linh cảm rằng anh và cô ấy sẽ không gặp lại nhau nữa.

Liệu anh có còn gặp lại cô ấy nữa không? Thời gian trôi qua, khuôn mặt cô ấy Bằng đã dần quên. Tuyến xe bus quen cũng có ít nhiều đổi khác. Câu trả lời đã không có thì câu hỏi đó, Bằng cũng muốn quên.

bao-tang-ki-niem-3

3. Hai năm sau...

Bằng đi bộ trên con phố giữa trời nắng chói chang. Xe anh bị hư phải đem vào tiệm sửa xe, ngồi trong tiệm nóng nực quá nên anh đi tìm quán cà phê nào gần đó ngồi cho mát mẻ. Bằng dừng lại một chút nhìn chiếc xe bus quen thuộc chạy qua. Nửa năm trước, anh chuyển công tác, tạm biệt chuyến xe bus nhiều kỷ niệm. Thấy mình tự dưng đứng ngẩn ngơ giữa đường nhìn theo bóng xe bus, Bằng khẽ cười bản thân, chỉ là nhớ chuyến xe thôi mà!

Bằng tiếp tục cuộc tìm kiếm quán cafe. Đang ngó nghiêng những dãy nhà ven đường để tìm kiếm, đột nghiên, anh dừng lại trước một cửa hàng bán đồ nội thất. Khác với những hàng quán khác tận dụng triệt để ưu thế mặt tiền, cửa hàng này hơi lui vào một chút, để lại một khoảng sân lát gạch trước mặt cửa hàng, trong sân trồng một cái cây to tỏa bóng mát rượi. Có lẽ vì cách sắp xếp lấy lui làm tiến như thế mà nhìn cửa hàng như có vẻ rộng hơn những cửa hàng bên cạnh và còn tạo cảm giác thoáng đãng, thoải mái. Nhưng điều quan trọng nhất là cô gái đang ngồi đọc sách trong cửa hàng, gương mặt đó, vốn là xa lạ nhưng lại rất thân quen. Bằng cứ nghĩ, mình đã quên mất gương mặt cô ấy rồi. Bây giờ gặp lại, thì ra anh không quên, anh nhớ rất rõ. Không suy nghĩ thêm điều gì nữa, Bằng bước vào cửa hàng.

Chuông gió rung lên leng keng báo hiệu có người bước vào, cô gái ngẩng đầu lên khỏi trang sách. Người đang bước vào đứng ngược hướng ánh sáng khiến cô không nhìn rõ mặt anh ta, chỉ thấy một viền sáng, sáng đến chói cả mắt. Cô đứng dậy một cách nhanh nhẹn, miệng nhanh nhảu câu nói quen thuộc: "Xin chào quý khách!" kèm nụ cười tươi. Người khách đó bước lại gần, khuôn mặt điển trai bình thản, nét thư thái an nhàn không thể lẫn được. Cả hai nhận ra nhau trong tích tắc chạm mắt. Cứ nghĩ thời gian đã phủ mờ tất cả, đã gửi cho họ câu trả lời hãy xóa nhòa mọi ký ức. Thế mà hôm nay định mệnh lại đưa đẩy họ gặp lại nhau, những ký ức mong manh lại có sức mạnh chiến thắng cả chiếc bóng thời gian. Nhưng những câu hỏi lửng lơ không lời đáp, cảm giác hụt hẫng không thể lí giải khiến họ sợ hãi. Nếu người kia không còn nhớ mình thì sao? Hụt hẫng là thứ cảm giác đáng sợ trong cô đơn, đã từng phải chịu đựng một lần không có nghĩa là sẽ vượt qua được lần nữa. Thế nên họ chọn cách an toàn, xem như không hề quen biết vì vốn dĩ cô và anh cũng chỉ là những người xa lạ.

Chàng trai thăm quan cửa hàng, lâu lâu dừng lại ngắm nghía kỹ một món đồ, hỏi một số thông tin về món hàng như những người khách bình thường khác. Cô gái nhiệt tình giới thiệu về các sản phẩm trong tiệm, ân cần giải đáp những câu hỏi của chàng trai như những người bán hàng chuyên nghiệp khác. Được một lúc, Bằng lên tiếng:

- Hình như tôi chọn đến món nào cô cũng khen tôi tinh ý, chọn đúng sản phẩm đẹp. Ai bán hàng cũng nói như vậy hết phải không? – Bằng đang cố tình gây ấn tượng với cô ấy nên mới hỏi câu hỏi đầy ý thách thức như thế.

- Anh đừng nghĩ tôi nói quá! Thật ra việc anh chọn bước vào tiệm này là lựa chọn tinh ý nhất rồi. – Câu trả lời cũng thách thức chẳng kém gì câu hỏi.

Nguyên Bằng đặt hàng một bộ bàn ăn, một bộ sofa và một xích đu gỗ.

- Anh mới xây nhà sao? – Cô bán hàng quan tâm.

- Không, tôi mua tặng bạn. – Lại kiểu trả lời như thế, An thầm nghĩ, lúc trước anh ta cũng nói vừa đủ như thế. Khi nãy đột nhiên anh ta bắt chuyện làm An giật mình, tưởng anh ta đổi tính, hóa ra vẫn chẳng thay đổi gì cả. Cũng tốt, nếu anh ta thay đổi, chắc An buồn lắm.

An tự dưng khẽ cười thật buồn làm người khách thấy lòng mình bối rối bất an.

Khi An đang nhập thông tin khách hàng vào máy để in phiếu hẹn giao hàng, đột nhiên anh lên tiếng: "Cô có còn ăn xí muội không?"

An nhìn anh thật lâu. Vẫn là gương mặt với nét thư thái cân bằng nhưng trong ánh mắt hiện rõ lo âu, cuối cùng cũng có lúc cô nhìn thấy anh rơi vào sự chênh vênh. "Anh...anh nhớ tôi phải không?" – Ngữ điệu của câu nói này giống một câu khẳng định nhiều hơn câu nghi vấn.

"Bến Nhà Rồng" – Bằng trả lời, một câu trả lời không liên quan đến câu hỏi nhưng phù hợp với logic của những người trong cuộc.

"Café bệt." – An tiếp lời.

"Xe bus" – Cả hai cùng đồng thanh.

Chìa tay về phía An, Bằng mỉm cười: "Anh tên là Nguyên Bằng. Đã lâu không gặp em!".

"Em tên là Nhã An. Rất vui được gặp lại anh!" – Nhìn thẳng vào mắt anh, An mỉm cười thật tươi. Tay cô chạm vào tay anh, ấm áp.

Anh vẫn luôn tự hỏi cô ấy tên gì, thì ra cô ấy tên là Nhã An – đẹp và ý nghĩa. Cô vẫn luôn muốn biết anh tên gì, thì ra anh ta tên Nguyên Bằng, tên cũng giống người, lúc nào cũng cân bằng.

Trái tim tôi là thật

Mà yêu thương khó nói...

"Em thích Thanh Bùi à?"

"Em thích bài hát này. Rất giống chúng ta!"

"Chúng ta gặp rắc rối rồi đấy!"

Không khí trong cửa hàng sáng bừng như ánh nắng, xóa đi những ngày lửng lơ hờ hững, hứa hẹn những ngày mới đầy thú vị, như chính bài hát đang ngân nga giai điệu.

"Và rồi khi ta đứng đây, từng phút giây ngừng trôi, để con tim cất lên..."

BINA.

Ngày đăng: 26/11/2013
Người đăng: Phương Vũ
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Tôi là Beto
 

Các bậc cao tuổi thường nghĩ chán rồi mới làm. Cũng có thể nghĩ chán rồi chả thèm làm gì hết. Còn ở tuổi của hắn, và của tôi nữa, muốn làm gì là làm ngay. Rồi sau đó mới ngồi ngẫm nghĩ tại sao mình lại làm thế, thường là trong đớn đau và dằn vặt. Để rồi lại quên rất nhanh, thiệt là may. Vì đó là tính bồng bột, người ta nói thế và tôi cũng tin như thế. Cũng như tôi tin rằng đó không chỉ là tính cách của tuổi trẻ, mà còn là phẩm chất của các nhà thơ và các nhà cách mạng

Tôi là Bêtô (Nguyễn Nhật Ánh)

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage