Gửi bài:

Lời hẹn thề bên sông Rhein

(truyenngan.com.vn - Tham gia viết bài cho tập truyện "Ai cũng có một chuyện tình để nhớ")

Tôi hiểu vì sao Kim và Mark yêu nhau ở đây và chọn thời điểm này để hò hẹn. Mùa thu ở Cologne quá đẹp.

***

Tôi lên tàu, gấp rút đi Cologne. Ước nguyện cuối đời của chị nhờ tôi gói gọn trong một hộp nhỏ hình chữ nhật. Ngoài chiếc khăn choàng cổ màu hồng nhạt là một phong thư bên trong có vé xe lửa khứ hồi từ Mulhouse đi Cologne được mua từ cả năm trước và bức ảnh một người đàn ông ngoại quốc đứng trước cửa nhà ga Cologne đang mỉm cười, gò má có hai cái lúm đồng tiền thật đẹp.

Theo lời Hưng, chồng chị, năm nào vào mùa thu chị cũng đi Cologne. Thường chỉ vài ngày, trước khi đi, chị vui như cô gái mới lớn đang yêu nhưng khi về thì trầm mặc, lặng lẽ, mất hồn giống như thành phố đó đã hút hết sinh lực của chị và chị cũng uống rất nhiều rượu.

loi-hen-the-ben-song-rhein

Tôi nhớ, một lần, đêm khuya, lúc tôi vừa đi làm về, đang mở cửa phòng trọ thì di động đổ chuông không ngừng. Đèn hành lang quá tối, thêm cái rét như cắt da cắt thịt của mùa đông, tôi mặc kệ không bắt máy. Đến khi vào nhà mới phát hiện có gần mười cuộc gọi nhỡ. Tôi gọi lại cho chị. Vừa nghe giọng tôi, chị đã bật khóc: "Em nói đi, vì sao, vì sao chị không thể bước qua? Vì sao chị cứ phải tự hành hạ mình như vậy?"

Tôi không hiểu gì cả. Chị và tôi không thể gọi là thân dù cùng là người Việt sống nơi đất khách quê người. Chị học năm cuối thạc sĩ báo chí còn tôi học năm nhất phê bình văn học nên thỉnh thoảng cũng lấy vài lớp chung. Điện thoại chỉ dùng để hỏi nhau về bài vở và giờ học chứ gần như chẳng tâm sự bất kỳ chuyện gì. Tôi cho đó là sự tôn trọng cần thiết của mỗi cá nhân nên chẳng bao giờ thắc mắc hay vượt quá giới hạn của một người quen.

Tôi hỏi "Là sao? Chị nói ai?" Sau đó mới thấy hối hận vì sự tò mò, muốn cắn vào lưỡi mình một cái.

"Mark" chị trả lời trong nước mắt. Điện thoại tôi thật "có duyên" biết giữ thể diện cho chủ nên hết pin ngay lúc cần thiết. Tôi lao vào phòng tìm đồ sạc, lục tung một hồi mới thấy nó nằm cạnh ghế salon. Hôm trước, do sợ trễ giờ xe bus, tôi vứt đại trước khi ra khỏi nhà. Tôi vội sạc pin, gọi lại cho chị thì chỉ nghe những tiếng tít tít kéo dài. Sau đó, chúng tôi có gặp nhau vài lần, chị tuyệt nhiên không nhắc đến cuộc trò chuyện đêm đó nên tôi cũng không hỏi.

Không ngờ, hai tháng trước chị đột ngột qua đời vì bệnh ung thư gan.

***

Cologne là một thành phố của Đức nếu gọi theo tiếng Đức là Köln nằm bên bờ sông Rhein thơ mộng. Đây là thành phố lớn thứ tư sau Berlin, Munich, Hambourg và cũng là một trong những thành phố cổ kính nhất của nước Đức.

Vào những năm 50 sau Công nguyên, Cologne được biết đến với tên La Mã là Colonia Claudia Ara Agrippinensium. Người Pháp vẫn quen gọi là Cologne vì đây là nơi sản sinh ra loại nước hoa nổi tiếng Eau de Cologne còn được ưa chuộng đến ngày nay.

Xe lửa đi chừng 5 tiếng thì đến ga Cologne. Cologne mùa thu dưới mưa phùn rả rích đẹp và buồn như một thiếu phụ đang khóc chồng. Tôi co ro trong cái lạnh ẩm ướt đứng trước cửa nhà ga, mắt dáo dác cố tìm góc cây dương như bức ảnh chụp người đàn ông trong hình. Thấy tôi quay bốn phương tám hướng, một người đàn ông ngoại quốc dong dỏng cao, tóc chẻ ngôi giữa, vài sợi tóc rớt loà xoà trước trán, bước đến bên tôi rụt rè hỏi: "Xin lỗi, cô có phải là Kim?"

"Không, tôi là Lan, bạn Kim. Còn anh? Anh là..." Tôi hỏi.

Anh ta thở phào như trút một gánh nặng rồi bắt đầu hồ hởi "Chúc mừng em đến Cologne. Tôi tên là Ivan. Bạn của Mark. Bây giờ tôi sẽ đưa em đi ăn tối rồi về khách sạn."

Mặc cho sự ngỡ ngàng và chần chừ của tôi, anh cười đưa tay ra kéo hành lý của tôi rồi bảo "Tôi không bắt cóc em đâu. Em đứng đây mới dễ bị bắt cóc đó. Đi đi, tôi sẽ nói cho em biết vì sao Mark không đến."

Tôi bán tín bán nghi đi theo Ivan. Để chắc chắn, anh ta đưa tôi xem tấm hình của Kim. Có lẽ, Mark đã chụp được chị ở khoảnh khắc rực rỡ nhất. Trong hình, chị đeo chiếc khăn choàng cổ mà tôi đang đeo, lệch sang bên phải một cách duyên dáng, tươi cười, kéo hành lý chạy qua đường. Một chiếc lá vàng đang chao lượn trong không gian như đuổi theo bước chân chị. Sau lưng là nhà ga Cologne với mái vòm đẹp một cách cổ kính.

loi-hen-the-ben-song-rhein-1

Ivan kể, Mark đang bị bắt làm con tin ở Palestine. Anh là một nhà báo, trước khi đi công tác, anh ta đưa cho đồng nghiệp và cũng là người bạn thân nhất của mình tấm ảnh của chị và vé khứ hồi cũng như các thông tin cần thiết về khách sạn mà họ sẽ ở.

"Tôi đã liên hệ cách đây một tháng nhưng không thể nào tìm thêm được phòng trọ nào khác." Ivan nói.

Tôi tròn mắt, nhảy dựng "Cái gì? Tôi và anh phải ở chung một phòng?".

Tôi ôm đầu, ôi sao tôi không nghĩ ra việc này từ sớm? Người ta yêu nhau, hẹn hò nên mới đến đây hằng năm, còn tôi, tự nhiên mang cái ách này để bây giờ là mùa lễ hội làm sao kiếm được một phòng cho mình.

Đoán được những điều tôi nghĩ, Ivan chỉ chiếc giường đôi bảo "Em ngủ ở đó đi. Tôi ngủ ở sofa này. Em an tâm, tôi sẽ không đụng đến, trừ khi em yêu cầu." Anh cười hóm hỉnh rồi nói thêm "Ngủ đi, mai tôi sẽ đưa em đi tham quan thành phố và khai mạc lễ hội hoá trang". Tôi phì cười.

Ivan là người Đức gốc Ý, sống ở Berlin. Nhìn anh có thể liên tưởng đến thủ môn Buffon lừng danh của đội tuyển Ý trong mùa World cup vừa qua với cặp mắt sâu và chiếc mũi cao. Anh cao chắc cũng 1,8 m nên nằm trên chiếc ghế phải cong lưng lại như con tôm trông thật tội nghiệp.

Tôi lên giường trằn trọc cả đêm. Tôi nghĩ về chị, về Mark. Theo lời Ivan, chị và Mark gặp nhau trong một hội nghị báo chí ở Cologne cách đây năm năm. Họ yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên nhưng anh ta đã có gia đình, chị cũng không muốn là người thứ ba vì vậy họ không hề có bất kỳ liên hệ nào bằng email, thư tín hay điện thoại mà chỉ hẹn nhau hằng năm sẽ đến Cologne vào đêm trước ngày khai mạc lễ hội hoá trang, nếu vẫn còn nhớ đến nhau...

***

Tôi thức dậy sau một giấc ngủ chập chờn nhưng ánh sáng ban mai làm tôi sảng khoái. Trên bàn, Ivan để cho tôi một mảnh giấy "Good morning, Lan. Tôi ra siêu thị mua ít nước uống. Máy pha cà phê đã có sẳn, em chỉ cần nhấn nút. Croissant để trên bàn. Nếu em muốn hoá trang thì cứ tự nhiên. Tôi sẽ về đón em lúc 10:30 phút″

Tôi mỉm cười thầm cảm ơn sự chu đáo của Ivan. Đúng 10:30 phút, Ivan xuất hiện trong trang phục Neptune, vị thần của biển cả theo truyền thuyết La Mã cổ đại, trên tay cầm chiếc đinh ba, tay kia anh cầm một bộ đồ người cá màu xanh ngọc có gắn kim tuyến sáng lấp lánh. Anh đưa bộ đồ người cá cho tôi và bảo "Anh nghĩ em mặc cái này sẽ đẹp. Nếu không thích thì lát nữa xuống đường mua cái khác".

Tốt quá rồi. Tôi vội vã thay đồ cùng anh hoà vào dòng người đang đổ về nhà thờ chính toà. Lễ hội hoá trang ở Cologne rất hoành tráng, khai mạc vào 11 giờ 11 phút ngày 11 tháng 11 hằng năm và kết thúc vào thứ năm sau lễ tro. Tức là kéo dài hơn ba tháng.

Ivan trở thành hướng dẫn viên cho tôi. Anh tự hào kể về lịch sử của nhà thờ chính toà Cologne đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1996. Đây là một kiệt tác tổng hợp giữa kiến trúc, hội họa và điêu khắc được xây theo kiểu Gothic vào năm 1248 đến 1880 mới hoàn thành.

Trước nhà thờ là khoảng sân rất lớn với đài phun nước. Chúng tôi theo dòng người bước vào nhà thờ, một khoảng không tĩnh lặng bao trùm. Trên những bức tường, những chiếc cửa sổ hay từng viên gạch đều được trang trí rất công phu. Giờ đây, tôi mới hiểu vì sao người ta đã mất quá nhiều thời gian để hoàn thành nhà thờ chính toà này.

Ra khỏi nhà thờ, chúng tôi đi len lỏi qua khu mua sắm đông đúc và đoàn người diễu hành để đến khu phố cổ và khu vực ven sông. Cologne có đến tám cây cầu bắt qua sông Rhein.

Tôi và Ivan đi dọc sông Rhein ngược với hướng tàu chạy. Nắng chiếu xuyên qua những tán cây nhảy múa dưới chân tôi tạo thành những nốt nhạc trên những dòng kẻ được chạm trổ trên vĩa hè. Nơi chúng tôi muốn đến là chiếc cầu Hohenzollern nổi tiếng với bạt ngàn ổ khoá tình nhân được khắc hoặc viết tên của các cặp yêu nhau và khoá vào chiếc lưới an toàn bằng sắt phân cách lòng cầu dành cho người đi bộ với đường ray xe lửa.

Tục truyền rằng những đôi yêu nhau muốn tình yêu mình bền vững dãi dầu cùng mưa gió sẽ đem ổ khoá đến, khoá lại và vứt chìa khoá xuống dòng sông cùng với lời nguyện cầu tình yêu vĩnh cửu. Từ đó trở đi, cây cầu bắt ngang qua sông Rhein tưởng như vô tri vô giác nhưng đã trở thành nhân chứng cho biết bao tình yêu trên thế gian này.

Tôi và Ivan chắc chắn trong đám khoá này có tên Kim và Mark nhưng tìm ra được nó chắc chắn cũng khó như lặn xuống đáy sông để tìm đúng chiếc chìa cho bất kỳ cái khoá nào trên thành cầu này.

loi-hen-the-ben-song-rhein-2

Trời sụp tối, hai chân tôi rã rời. Ivan rủ tôi lên tàu ngồi nghỉ nhân tiện ngắm dòng sông Rhein về đêm. Anh mua cho chúng tôi mỗi người một cốc bia Kolsch thật to, hương vị đậm đà tê đầu lưỡi, nghe nói thứ bia này được làm từ nước sông Rhein. Mấy chục phút sau bọt từ đáy cốc vẫn tiếp tục sủi lên nhìn rất vui mắt và uống thật đã khát. Tôi mệt nhoài nhưng vẫn cố nuốt một phần thức ăn mà Ivan mua cho gồm salade, thịt cừu nướng và khoai tây nghiền.

Tôi đứng trên thành tàu nhìn Cologne về đêm với những ánh đèn lung linh huyền ảo. Gió thu lành lạnh làm tôi so vai. Anh cởi áo ngoài, khoác lên vai tôi không biết vô tình hay cố ý mà dùng tay ấn nhẹ, một cảm giác khoan khoái lan toả đến từng thớ thịt. Tôi ngửi thấy mùi hương thơm của cây rừng trên áo anh. Có lẽ là do tác dụng của bia. Tôi ngước mắt ra sau nhìn, anh vờ như không biết rồi hôn nhẹ lên tóc tôi. Chân nhũn ra, tôi đứng yên bất động trong tay anh mà bất chợt nghe dòng sông Rhein chảy cuồn cuộn trong lòng.

Tôi hiểu vì sao Kim và Mark yêu nhau ở đây và chọn thời điểm này để hò hẹn. Mùa thu ở Cologne quá đẹp. Một nét đẹp cổ kính, kiêu sa, hùng vĩ mà không phải nơi nào trên thế giới cũng bảo tồn được. Cologne lại là thành phố của lễ hội. Có lẽ trong lớp áo hoá trang kia họ không cảm thấy tội lỗi, quên đi bản thân với những trách nhiệm và ràng buộc không thể vứt bỏ để hôm sau khi tháo chiếc mặt nạ và bộ đồ hoá trang xuống họ lại là Kim, là Mark, là người chồng, người vợ, người mẹ, người cha của một gia đình...

Tối đến, về khách sạn, bên ánh lửa bập bùng của lò sưởi. Tôi đọc cho anh nghe đoạn mà tôi thích nhất trong cuốn tiểu thuyết "Những đêm ở Rodanthe" của Nicolas Spark. Anh bảo anh thích cặp đôi Robert và Francesca trong "Những cây cầu ở quận Madison" của Robert James Waller hơn. Từ một lần tình cờ gặp gỡ, từ một chuyện phiếm làm quen đến hành trình săn tìm những chiếc cầu cho một bộ ảnh, cũng là lúc họ biết đến một thứ tình yêu muộn màng. Trái ngang và giằng xé, hy sinh và chờ đợi. Tình yêu không thắng nổi nghĩa vụ và bổn phận, vẫn lung linh như chiếc cầu Roseman trong nắng sớm.

***

Tôi muốn mình được một lần ngủ quên trong tay anh nhưng đã đến giờ tàu chạy. Chúng tôi vội vã ra ga. Khi tàu lăn bánh, tôi thấy anh chạy xuyên qua đám đông gọi tên tôi và nói gì đó. Cologne đã gần sáng. Xa xa phía chân trời đã có dấu hiệu của hừng đông. Tôi thò đầu ra ngoài cửa sổ nhưng tiếng bánh xe nghiến vào đường ray rất ồn bạt cả tiếng gió đang quất vào mặt tôi lạnh buốt mà lại nong nóng trên môi.

Điện thoại trên tay rung lên, tôi có một tin nhắn "Hãy cho anh một lời hẹn thề trên sông Rhein". Tôi bấu chặt điện thoại như sợ những con chữ kia bay mất. Tôi biết còn quá sớm để nói lời yêu nhau nhưng có một thứ cảm xúc có thể song hành với thời gian đó là nỗi nhớ. Sông Rhein và những ổ khoá kia đã khóa chặt nỗi nhớ của tôi và anh mất rồi. Từ hôm nay, tôi sẽ dùng một năm thiếu một ngày để nhớ anh và dùng ngày còn lại của năm để đến với anh...

Nguyễn Quí Anh

Ngày đăng: 26/11/2013
Người đăng: Phương Vũ
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
thần thoại hylap
 

Kẻ thì có, người thì không

thù hận nảy ra khi ganh ghét trong lòng

Thần thoại Hy Lạp

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage