Gửi bài:

Cám ơn tên trộm mùa xuân

Nhẩm đi nhẩm lại chỉ còn mấy ngày nữa là Tết. Trước cổng nhà mấy nụ đào đã chớm bung nụ, xuýt xoa khúm núm đón tết đỏng đảnh đến lạ kỳ. Mấy hôm nay trời se lạnh, cái rét cắt da cắt thịt độ vài tuần trước đó cũng đi đâu mất. Ngoài đường người ta í ới gọi nhau đi sắm sanh chợ Tết, mấy cô cậu trai trẻ cười rạng rỡ xúng xính trong những bộ cánh hiện đại đi dạo chợ hoa, không khí đã rộn ràng tấp nập lắm rồi.

***

Suốt từ bận tiễn ông Công, ông Táo về trời đến giờ Nguyệt không ngơi tay, cứ tưởng xong công việc này là được đi chơi thỏa thích, ấy thế mà nhoáng cái lại thấy việc khác ùa đến làm Nguyệt muốn chóng cả mặt. Trong nhà sắm sanh cũng đã đầy đủ, bàn thờ gia tiên ánh lên màu vecni cánh gián bóng loáng , mâm ngũ quả, mấy bức liễn đối,... đủ cả.

cam-on-ten-trom-mua-xuan 

Nguyệt nhẩm tính chỉ còn cắt tỉa hoa cà rốt để làm kim chi và nhóm lửa ngồi trông cái nồi bánh chưng phụ mẹ nữa là xong, tối đến cô có thể vi vu chợi Tết với mấy con bạn chơi với nhau từ hồi tóc còn để chỏm. Bố Nguyệt rất thích lan, từ khi về hưu đến giờ bố chỉ còn thứ này làm vui, Nguyệt nhẩm tính sơ sơ cũng có đến mấy loại:từ lan hồ điệp đỏ thắm, lan rừng yên Bái đến địa lan vàng tươi sóng sánh như mật ong. . . đều được bố Lan chăm chút tỉ mẩn. Năm nay trời rét hơn mọi năm, thành thử sắc hoa không được tươi nhưng nhờ bố Nguyệt có kinh nghiệm chăm sóc và cả học hỏi từ mấy ông bạn già trong phố, mấy chậu lan nhà Nguyệt cũng nở đúng mùa Tết. Bố Nguyệt cứ ngồi uống trà, khề khà mãi:

- Năm nay làm sang, làm đẹp cho nhà bố nhé mấy đứa.

Bố Nguyệt là vậy, ông thương và chăm hoa như con, riết rồi khiến Nguyệt cũng thấy ganh tị dẫu cho cô là con gái rượu, được bố thương hết mực. Mẹ Nguyệt nhiều lần dỗi bố vì cái tội mê hoa quá nhiều khi quên cả gia đình, bố cười xuề xòa, vừa xịt nước cho hoa vừa nói vọng vào:

- Ối trời, bà ghen làm gì với mấy đứa con tinh thần của tôi cho mệt. Lúc nào tôi mê rượu, mê cờ bạc thì bà hẵng buồn. Mà bà nói cũng đúng, cái gì đam mê quá cũng không hay, có khi tôi phải giảm bớt.

Nói vậy mà bố vẫn cứ say lan, mê lan đến lạ lùng.

Chêm thêm ít nước vào nồi bánh, Nguyệt ngồi nghe mấy tiếng nổ lép bép mà thấy vui lạ. Lại một năm nữa đến, cô càng trưởng thành hơn. Chỉ còn một năm nữa là Nguyêt tốt nghiệp sư phạm, Nguyệt yêu cái nghề này từ bé, cô thấy cảm giác đứng trên bục giảng thật là hạnh phúc và cô mong mình cũng thực hiện được như thế, đôi khi ước mơ của một người chỉ đơn giản vậy thôi.

Bạn bè Nguyệt không nhiều, cô ít nói lại rụt rè thành thử ba năm ở giảng đường, cô chỉ quen với việc đi học, về phòng, làm gia sư rồi thôi, lâu lắm mới thấy tụ họp bạn bè. Đợt này về nghỉ Tết, mẹ Nguyệt cứ nhắc khéo mãi, bảo cô xem có anh nào dẫn về ra mắt bố mẹ. Người lớn là vậy, con gái cứ qua tuổi hai mươi là lo ế, cứ thúc giục mãi. Nguyệt nghe vậy chỉ cười, có người yêu là điều cô chưa nghĩ đến. Bất chợt, hai má cô đỏ ửng cả lên. Nguyệt trấn an mình có lẽ chỉ là do hơi lửa hồng trong bếp.

Đang mơ màng dưới bếp, Nguyệt nghe tiếng bố la lớn ở nhà trên:

- Đứng lại thằng kia, dám vào trộm lan hả?!!!

- Ông ơi, khéo ngã- mẹ Nguyệt la thất thanh.

Nguyệt nghe có tiếng nhảy từ trên gác xuống trước cổng , rồi tiếng chạy gấp gáp xen kẽ cả tiếng la của bố. Bố tuổi cao, lại thêm bệnh thấp khớp thành thử khi phát hiện ra tên trộm bị nó xô ngã một cái đau điếng, chỉ biết la lớn cho hàng xóm nghe chạy sang giúp. Mẹ Nguyệt thì ngồi khóc thút thít, lo bố có chuyện.

Ông mặt đỏ gay hậm hực:

- Cha bố nó, ăn gan hùm mới dám trộm lan của lão Trọng này. Mấy cái tay hàng xóm chết bẫm nữa, rõ ràng thấy cửa sáng đèn, ấy vậy mà cũng không sang giúp một tay.

- Thôi ông ạ, mất rồi thôi, coi như của đi thay người vậy- mẹ Nguyệt vừa xoa rượu gừng cho bố vừa thủ thỉ

- Nhưng mà cay quá bà ạ, phải chi tôi còn trẻ thì. . . úi. . . nhẹ tay thôi bà ơi.

Nguyệt thấy thương bố quá, cô nãy giờ chỉ dám sợ sệt núp dưới bếp, đến khi trộm đi rồi mới dám lên.

Mất chậu thủy tiên với lan tím để sát nhau, bố Nguyệt vừa buồn vừa ức. Ông giận tên trộm một mà tức mấy cha hàng xóm mười, ai đời thấy vậy không chạy sang giúp một tay chứ. Tối đó bố ngủ mà trở mình mãi.

Chắc thấy việc ăn trộm quá dễ dàng cộng thêm sự "nhiệt tình" của mấy lão hàng xóm nhà Nguyệt nên tối sau ngựa quen đường cũ, tên trộm lại mò vào nẫng đi hai chậu lan hồ điệp nữa. Bố Nguyệt cố tình kêu to cho mọi người nghe chạy đến giúp nhưng cũng như đêm qua, chả thấy ai đến bắt tên trộm liều lĩnh này. Nguyệt nằm trong chăn mà vừa run, vừa thương bố, cô muốn ra bắt ngay tên trộm, đem mấy chậu lan về cho bố nhưng...

Thế rồi Nguyệt nghe có tiếng la lớn từ bên ngoài, tiếng người chạy rồi đánh nhau nữa, một hồi thì im bặt. Nguyệt khoác chiếc áo lạnh chạy ra cổng đã thấy cả bố và mẹ đứng đó. Bên kia đường là một chàng trai vừa lấy tay lau mồ hôi vừa cười hể hả, liếc mắt nhìn tên trộm đã bị trói co ro ở bên góc tường.

Bố Nguyệt cười khà khà, ôm vai cậu thanh niên lắc lắc mạnh:

- Khá lắm chàng trai trẻ, gắng học cho giỏi vào bác gả con gái cho.

Nguyệt nghe đến đó thì đỏ mặt, chạy ngay vào nhà. Sau lưng còn nghe tiếng cười của bố và anh thanh niên kia.

Anh Lâm hơn Nguyệt ba tuổi, đã ra trường đi làm được một năm rồi. Tối đó đi chơi giao thừa với mấy cậu bạn về thì anh nghe tiếng bố Nguyệt la thất thanh, rồi anh chỉ kịp lao ra quần nhau với tên trộm cho đến khi hắn đuối sức mà thôi. Thế rồi Lâm vừa xông đất nhà Nguyệt, vừa là khách quý của cả nhà.

Mùng ba anh đến chơi, đem theo hai lọ mắm tôm chua biếu mẹ Nguyệt, anh gãi đầu:

- Con nghe tết nhất đến nhà chơi mà đi tay không thì kỳ lắm, mẹ con có làm mấy hũ mắm tôm, con đem sang biếu bác và cả nhà ăn thử.

Mẹ Nguyệt vồn vã vừa cười vừa đỡ lấy:

- Bác xin, cái thứ mắm tôm chua Huế này là ăn ngon phải biết.

Lâm cười tươi, đuôi mắt anh nheo nheo.

Xong bữa, Nguyệt ra ngồi chơi với anh Lâm ở phòng khách, nhâm nhi lát mứt gừng anh hóm hình:

- Không đi chơi sao ở nhà buồn thế cố bé?

- Em ít bạn, đi ngày hôm qua là xong rồi  - Nguyệt ngượng ngùng, cắn vội hạt dưa nghe tách tách.

- Buồn nhỉ, anh thấy mình gặp nhau thế này chắc là duyên số đây, đã có duyên rồi thì em cho anh xin cái số, tối anh rủ em lên hồ Tây ăn bánh tôm - Lâm cười to, trông anh thật sảng khoái.

Nguyệt cười nhẹ rồi lắc đầu, làm sao cô dám đi chơi với người lạ khi mới chỉ gặp mặt người ta có hai lần chứ.

Nhưng đó là chuyện của năm trước, năm nay cô đã ngồi sau lưng xe của Lâm, ôm anh vi vu qua từng con phố nhỏ, cho tay vào túi áo anh cô thấy cái lạnh tan đi đâu mất. Trên phố nhộn nhịp với vô vàn màu sắc, đã có thể nghe sự chộn rộn không lời trong các gian hàng bánh mứt hạt dưa rượu bia ngày tết. Chợ búa lao xao tiếng mời chào. Không phải là người ồn ào nhưng cái màu rực vàng của những chậu cúc, thắm đỏ của những chậu hồng, màu trắng màu hồng màu vàng của cẩm chướng, mấy nụ đào rừng phong sương...trong các phiên chợ hoa cũng làm Nguyệt náo nức. Tết đã về trong xôn xao phố xá, giữa ngờm ngợp sắc màu và giữa ngọt ngào ngày nắng ấm.

Lâm cười giòn tan nói vọng lại đằng sau với Nguyệt:

- Có khi anh phải cảm ơn tên trộm em nhỉ!

Nguyệt cũng cười, cô ôm lấy anh, nghe trong lòng mùa xuân đã đến thật rồi. Giữa phố đông người, những chùm bong bóng lắt lẻo trên chiếc xe đạp như hòa thêm sắc màu vào phố. Mùi phở lan tỏa ra thơm lừng con đường. Mùi khói nhỏ len lén rớt lên nỗi mình nhớ. Như nhớ bâng khuâng chiều 30 năm ngoái...

 

Ngày đăng: 31/12/2013
Người đăng: Nhật Hoàng
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Duyên kỳ ngộ
 

Đau khổ thực sự thì ra không phải là nhìn thấy người mình yêu đi yêu người khác để rồi hối hận vì ngày xưa. Đau khổ thực sự là mỉm cười tác thành cho người đó, uống cạn ly rượu đắng mà vẫn khen ngon, từng ngày nhấm vị chát mà vẫn phải khen bùi.

Duyên Kỳ Ngộ

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage