Gửi bài:

Những con cò trắng

(truyenngan.com.vn - Tham gia viết bài cho tập truyện "Tháng năm không ở lại")

Tôi không biết mình phải làm gì để chuộc lỗi với Tâm, khi đã quá muộn màng rồi.

***

Quốc lộ hun hút. Xe cộ tấp nập quanh năm. Suốt ngày, xe này tiếp nối xe kia, màu này xen kẽ màu kia cứ lao vùn vùn trên con đường nhựa láng cóng. Dưới nắng chang chang, tôi điều khiển chiếc xa máy Trung Quốc len lỏi trên khắp nẻo đường.

Nghề của tôi là vậy, tôi luôn tất tả trên đường, trong dòng xe cộ ngược xuôi. Không giống như một vài người cùng đi đường với tôi, họ vừa đi vừa ngắm cảnh. Còn tôi vừa lao xe, vừa nhìn chăm chăm nhìn xuống lộ, nhìn chăm chăm những vạch phấn do cảnh sát giao thông vẽ trên mặt lộ. Không những nhìn, đôi lúc, tôi còn đếm số lượng đường phấn ấy trên suốt cả đoạn đường mình đi. Mỗi lần gặp vạch phấn trắng dưới lộ, mỗi lần tôi rùng người. Mỗi lần tai nạn giao thông xảy ra, mỗi lần xuất hiện những đường phấn trên lộ.

Tôi lại nghĩ đến những người chuyên vẽ các đường phấn ấy trên lộ. Những người luôn luôn xuất hiện trong những lúc bi thương, tang tóc. Thế rồi, tôi chợt nhớ đến Tâm. Một anh chàng ít nói hay cười học cùng tôi thuở trước. Chuyện như đã cũ lắm rồi. Vậy mà, tôi cứ ngỡ mọi chuyện mới vừa xảy ra hôm qua. Bởi vì, tôi và Tâm đã cùng học với nhau từ thời phổ thông. Cái thời mà mọi thứ còn trong trẻo, lãng mạn của lứa tuổi mới lớn.

nhung-con-co-trang

Ngày ấy, Tâm rất khờ khạo và nhếch nhác. Người lại đen đúa. Được một điều, Tâm học rất giỏi, giỏi hơn tôi. Học sinh giỏi toán của lớp, nếu bình bầu, mọi người sẽ tôn Tâm lên bậc nhất. Chứ không như bây giờ, một anh cảnh sát giao thông lạnh lùng và khẳng khái. Tôi không ngờ, dòng thời gian đã làm những người bạn học với cùng mình đổi thay đến vậy. Đôi khi nghĩ đến những ngày ấy, lòng tôi lại miên man buồn. Nỗi buồn vô cớ, không có lời giải thích. Vậy mà, những câu chuyện của một thời vụng dại cứ sống mãi với tôi. Những câu chuyện đã qua đi trên trang giấy học trò. Những chuyện mà tôi luôn luôn tiếc nuối khi đã đánh mất từ thuở còn màu "áo trắng".

Để rồi mỗi khi nghĩ về Tâm, tôi nhớ về những ngày đầu năm học lớp mười. Những ngày ấy, tôi và Tâm nổi đình nổi đám như một hiện tượng lạ của lớp. Nghĩ lại, tôi không ngờ mình gan dạ như vậy. Còn Tâm, tôi cũng không ngờ anh chàng lừ đừ ấy lại anh dũng đến vậy.

Chuyện là thế này. Một anh chàng nông dân chính hiệu, bạo gan viết thư thổ lộ tình cảm lứa đôi với cô hoa khôi của trường. Thế là, lớp học tôi có đề tài để bàn tán suốt ngày. Nguồn tin cung cấp đề tài để lớp thảo luận lại chính là tôi. Tôi thuở ấy tính tình rất ngổ ngáo như thằng con trai. Tôi lại là bà Tám lanh chanh hết chỗ nói. Nơi nào xầm xì to nhỏ chuyện thiên hạ, tôi xuất hiện ngay. Tôi còn được xếp vào loại "top ten" đưa tin giỏi của lớp. Ngoài đường, trong trường vừa xảy ra chuyện gì, lớp tôi nắm đầu tiên là nhờ tôi. Những tin sàm cũng vậy, thường không ai khác ngoài tôi mang về. Cho nên, chuyện của tôi và Tâm luôn được lớp xếp vào chuyện nóng, tin nóng. Ngồi đâu, tôi cũng kể về chuyện Tâm viết thư tình cho mình, vừa mùi mẫn, vừa lãng mạn... Và tôi cũng không quên bắt lỗi chính tả Tâm khi gửi thư tỏ tình tôi...

Không những vậy, hình ảnh tôi trong thư Tâm viết miêu tả tôi đẹp như "Tứ đại mỹ nhân" của sử thi bên Tàu, tôi dại gì không kể lể cho lớp nghe. Mặc cho có đứa nghe, đứa không thích nghe, tôi huyên hoang. Lớp tôi, nhiều nhỏ đối kỵ hay sao, chúng bảo tôi tự ca, tự quảng cáo, tự lăng-xê. Những lần như vậy, tôi như có cơ hội. Tôi vội vã mang thư ra đọc trước "bàn dân thiên hạ" cho chúng nghe. Đám con trai ôm bụng cười hô hố. Đám con gái nhìn tôi tiu nghỉu, cau mày. Tôi biết đám con gái nó ghen ghét nên không chấp. Giả vờ không hay biết, tôi cứ đọc tỉ mỉ những đoạn văn mà Tâm bộc lộc tình cảm với mình. Tâm viết rất tỉ mỉ, từng ánh mắt, khuôn mặt, cử chỉ của tôi đều được vào trong thư. Những đoạn này, tôi đọc rất to mà quên là Tâm đứng đối diện mình.

Lứa tuổi mới lớn như đám bạn tôi, chúng không biết quan tâm đến đề tài tình yêu mới là lạ. Vì thế, mỗi lần Tâm đi ngang qua đám con gái, nét mặt chuyển sang tái mét. Chúng nó cười mỗi đứa một giọng. Có lẽ vậy, Tâm ít khi xuất hiện trong lớp. Có lần, chúng lấy thư tình Tâm viết cho tôi ra soi mói. Cuối cùng, mỗi cô nàng diễn cảm một thư. Nhiều cô đọc chưa trọn một câu, nàng ta đã cười nghiêng ngả. Những lần như vậy, Tâm xông vào giật lại những bức thư. Tôi xuất hiện. Nhìn Tâm bằng ánh mắt triều mến, dịu hiền, Tâm đứng ngường ngượng. Thế là vì yêu, vì mến, vì ngưỡng mộ... Tâm đứng bần thần đến bất động, tay trao những bức thư ấy lại cho tôi.

nhung-canh-co-trang-1

Bước sang năm học lớp mười hai, những cô cậu học sinh cuối cấp của lớp tôi bắt đầu bận rộn. Họ tập trung chủ yếu vào chuyện "sôi kinh nấu sử". Chuyện ai thương thầm nhớ trộm ai trong lớp, cứ mặc kệ ai. Chuyện Tâm và tôi mỗi khi lớp nhắc đến là như để thư giãn.

Rồi đến một ngày, Tâm lại làm tôi bất ngờ. Hôm đó, ngày biết kết quả thi tốt nghiệp cũng là ngày liên hoan lớp. Tâm tặng tôi bức tranh do anh vẻ. Tôi rất sung sướng, vì cứ tưởng anh ta đã quên mình. Tôi nhìn chăm chú vào bức tranh. Bức tranh chỉ là những đường nét vẽ bằng mực tím rất đơn sơ trên trang giấy học trò. Nhìn bức tranh, tôi nghĩ ngay đến thằng Tí nhà mình đang tập tành vẽ tranh. Những bài tập lớp Lá của nó vẽ vội vã để nộp cho cô giáo. Thế là, tôi chạy tất bật vào đưa cho đám con gái cùng phe với mình. Đám con gái lớp tôi đang tụ năm tụ ba bàn tán. Chúng nhận tin này như cá gặp nước. Chúng xúm xít lại, nhìn bức tranh bình luận. Bức tranh là hai con cò màu mực tím với bốn câu thơ do Tâm sáng tác bằng mực tím. Bài thơ có tiêu đề hẳn hoi: Đôi cò rủ nhau tím cá. Chẳng mấy chốc, đám con gái dán bức tranh ấy lên bảng. Lớp lao xao. Không những đám con gái, đám con trai cũng nhiệt tình quan tâm. Trong bức tranh có hai con cò, một con cúi đầu, một con ngẩng đầu nhìn trời đã làm cho đám con trai thắc mắc, cười nói linh tinh :

- Hai con cò này, con nào trống con nào mái?

Đám con gái cười khanh khách:

- Sao lại vẽ hai con cò đang lạnh lùng với nhau.

Tôi nhìn đám bạn sung sướng, khoái chí. Cả lớp vẫn chú tâm vào bức tranh, không ai để ý đến sự hiện diện của Tâm đang ngồi cuối lớp. Tiếng bàn tán xầm xì về bức tranh vẫn vang lên đều đều. Thắng lớp trưởng đang xớ rớ dưới lớp. Chàng ta cầm cây bút mực tím xông lên bục giảng. Đám con gái con trai đứng phía dưới vỗ tay lốp bốp hoan hô anh chàng ngố của lớp. Như được động viên, Thắng quơ quơ, quẹt quẹt mấy đường lên bức tranh. Anh đang quay xuống lớp, hai mắt cười nhắm hít:

- Mình vẽ thêm hoa hồng cho con cò trống, để nó còn có cái gì đó mà tặng cho cò mái khi tỏ tình, chứ không ai thèm?

Lớp lao nhao. Tiếng bàn tán vang lên:

- Hoa hồng gì kỳ vậy?

Thắng nhanh chân rời khỏi bục giảng, miệng oang oang:

- Mình vẽ tranh trừu tượng. Các bạn hiểu làm gì? Cò mái hiểu là đủ rồi.

Mai lớp phó gỡ tay Thắng chộp ngay cây viết. Cô nàng vội vàng leo lên bục giảng. Lớp nhìn theo hành động của Mai, chờ đợi. Mai run run tay. Cô đặt bút un rẩy một lúc, Mai viết ngay câu thơ: Cò trống bứt cỏ, tỏ tình cò mái. Mai chưa viết trọn câu, lớp đã cười rầm lên. Tôi vỗ tay tán thưởng tài năng xuất khẩu thành thi của Mai. Lớp một vài người cứ chạy lên chạy xuống bục giảng, họ cứ thêm này bớt kia vào bức tranh. Người này vẽ, người khác lên chấm điểm. Chẳng mấy chốc, bức tranh của Tâm chỉ còn là một màu tím lịm, tối thui.

Tôi đắc chí. Mắt nhìn quanh quẩn rồi tôi dừng lại ở góc lớp, nơi Tâm đang ngồi chết lặng. Cảm giác sung sướng trong tôi chợt tắt ngay trước nét mặt ngơ ngác buồn của Tâm. Tôi chưa kịp hối hận trước hành động của mình. Tâm đã bật đứng lên rời khỏi lớp. Đám con trai con gái vẫn bàn tán xôn xao. Những chuyện mà họ dồn nén sau một thời gian dài ôn thi tốt nghiệp.

Buổi liên hoan hôm đó, mọi người trong lớp tham dự đầy đủ. Mỗi mình Tâm, tôi không thấy anh quay trở lại. Có lẽ, lớp đang quan tâm đến bức tranh của Tâm quá nhiều nên họ không để ý sự vắng mặt của anh. Chỉ mình tôi, tôi rất mong ngóng Tâm quay trở lại. Mắt tôi hướng ra cửa trông đợi, chỉ gặp những giọt nắng vàng của trưa hè.

nhung-con-co-trang-1

Một ngày hè cuối đời học sinh của tôi như chấm hết. Chúng cứ lung linh, động đậy theo chiều gió của hàng cây. Mỗi lần ánh nắng tràn vào cửa lớp, mỗi lần tôi hy vọng Tâm quay trở lại. Lớp nhộp nhịp, cười nói inh ỏi, mũi tôi lại cay xé. Tôi cố nén những giọt nước mắt vào lòng để trông ngóng và hy vọng. Hàng phượng đỏ chói lọi một góc sân trường như một báo hiệu buồn, dù bầy ve ngủ quên, không một tiếng kêu. Tôi chợt thấy mình đơn độc. Cảm giác được yêu, được mến, được ngưỡng mộ... tôi khao khát nắm lấy nó, nhưng tất cả đã tuột khỏi tầm tay. Bất chợt, tôi nếm phải một vị mặn đắng. Vị mặn đắng của giọt nước từ trên mắt mình vừa lăn xuống. Tôi đã khóc, khóc một mình trong tiếng cười nói xôn xao, trong trẻo của bạn bè.

***

Cuộc sống muôn màu, cuộc đời lại muôn ngả. Bạn bè cùng lớp tôi thuở trước, mỗi người mỗi nơi. Tôi giờ đây là cô phóng viên của một tờ báo tỉnh, Tâm trở thành cảnh sát giao thông. Hai người cùng công tác trong một tỉnh, đôi khi lại có mặt cùng lúc trên một hiện trường. Nơi ấy, công việc tôi là ghi chép và chụp ảnh, còn Tâm cầm phấn vẽ, cầm thước đo... trên mặt lộ. Những đường phấn của Tâm trắng xóa, rờn rợn. Tôi như bị ám ảnh những đường phấn ấy của Tâm. Cho nên ở bất cứ nơi đâu trên đường, mỗi khi thấy vệt phấn trắng xuất hiện trên mặt lộ, tôi lại nghĩ đến Tâm, nhớ đến Tâm, nhớ đến nét mực tím anh vẽ đôi cò rủ nhau tìm cá để tặng tôi. Vậy mà những lần đối diện với nhau, Tâm tỏ thái độ như chưa từng quen biết tôi.

Một hôm, trời đêm đã về khuya. Tôi ngồi cặm cụi trước máy vi tính. Mặc dù phải ngồi nghĩ ngợi từng câu chữ, từng vấn đề để đưa vào bài viết, nhưng bất chợt tôi lại nhớ đến Tâm. Giác quan thứ 6 của tôi như báo điềm chẳng lành. Bất chợt, tôi nhớ Tâm đến ám ảnh. Tôi cố xóa tan nét vẽ mực tím vụn vè của Tâm, nhưng không thể. Cảnh vật đã lắng, mọi thứ đã chìm đắm vào màn đêm, chỉ còn nỗi nhớ ở lại với tôi. Đã vậy, đêm khuya vắng lặng mà nghe tiếng di động đổ chuông thì càng lạnh người. Tôi choàng tỉnh. Tôi đặt điện thoại lên tai. Đầu dây bên kia, giọng sếp hối thúc. Tôi phải đến hiện trường gấp để kịp đưa tin sáng mai. Chuyện một cảnh sát giao thông trên đường đi tác nghiệp đã bị tai nạn.

Tôi hối hả đến hiện trường. Tôi như ngất đi. Không ngờ, người đàn ông nằm bất động trên những đường phấn trắng là Tâm. Tôi đau đớn buông rơi chiếc máy ảnh xuống đường. Tôi không biết mình phải làm gì để chuộc lỗi với Tâm, khi đã quá muộn màng rồi. Tâm đã nằm lặng thing. Tôi biết. Nếu có một phép mầu nhiệm nào đó giúp Tâm sống lại, anh vẫn nhìn tôi với ánh mắt dửng dưng, anh vẫn với một thái độ như chưa từng quen biết tôi. Tôi bật khóc. Gương mặt sạm nắng của Tâm đã đi vào cõi vĩnh hằng. Trên gương mặt ấy, nỗi hờn trách, oán hận tôi vẫn còn in rất rõ. Tôi đã hiểu. Tôi không còn cơ hội để chuộc lại lỗi lầm với Tâm. Những hành động quá quắt, ngày xưa, tôi đã gây ra vết thương trong lòng Tâm.

Tôi vẫn vậy, vẫn với công việc ấy. Tôi vẫn là phóng viên cho trang phóng sự về những chuyện trên đường trên phố. Công việc cuốn hút, tôi cứ lao theo. Nhưng tôi vẫn biết, những đường phấn trắng vẽ trên lộ bây giờ, mỗi khi tôi nhìn, đã không còn là của Tâm nữa. Tôi đau đớn. Tôi hối hận. Tôi lại chán ngán nghề nghiệp, nhưng tôi vẫn phải lao xe trên đường. Khi đó, người bạn đường, người bạn nghề với tôi đã ra đi mãi rồi.

Ngày lại qua ngày, những đường vẽ bằng mực tím của Tâm ngày xưa bao trùm lấy tôi. Nó xuất hiện khắp nơi: trong tâm trí, trên bàn ăn, trước màn hình máy vi tính... và ngay cả trên mặt lộ.

Huỳnh Mẫn Chi

Ngày đăng: 03/03/2014
Người đăng: Phương Vũ
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Gia vị người Thái Tây Bắc
lòng dạ đàn ông
 

Nhìn bóng dáng mất hút trong bóng đêm không một chút vương vấn của cậu ấy ngay sau đó, lần đầu tiên tôi biết thế nào là lòng dạ sắt đá của đàn ông. Lúc tốt đẹp thì mềm mại ân cần như nước, một khi đã quyết tâm ra đi, người ta sẽ đi một cách vô cùng đường hoàng mà dứt khoát.

Trích Có duyên nhất định sẽ có phận - Tào Đình

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage