Gửi bài:

Người đánh trống trường

(truyenngan.com.vn - Tham gia viết bài cho tập truyện "Hay là mình cứ bất chấp yêu nhau đi")

Hắn nhớ, ngoại hắn thường nói, con người gắn kết với nhau bởi chữ duyên. Gặp nhau, kết bạn, học chung cũng nhờ chữ duyên. Thậm chí có duyên với nhau lắm thì ra đường mới đi lướt qua nhau được. Nói như ngoại thì hắn đã gặp lại cái duyên của mình, là một cái duyên lớn nữa mới đáng nói chứ!

***

Hắn cài cúc áo xong xuôi rồi vặn mình sang trái, sang phải như muốn tập thể dục tiếp dù đã chạy bộ bốn vòng quanh sân trường cách đó một giờ đồng hồ. Hắn khoan khoái nhìn ra sân trường lúc sáng sớm còn yên ắng. Chỉ mươi, mười lăm phút nữa thôi, khoảng không gian tĩnh lặng này sẽ bị hàng mớ tiếng ồn của học sinh phá vỡ. Hắn khép cửa phòng, khoan thai đi vòng quanh sân, vừa hít thở khí trời, vừa ngó nghiêng kiểm tra mọi thứ. Ngôi trường cấp ba hắn theo học trước đây đã thay đổi nhiều. Hắn cũng thay đổi, từ một đứa học trò thành người bảo vệ trường.

nguoi-danh-trong-truong

Hắn đang lau cái dùi trống thì nghe có tiếng hỏi:

- Dạ, anh cho hỏi, khoảng mấy giờ chỗ gửi xe làm việc vậy anh?

Hắn quay lại, định xem ai lại đến trường sớm như vậy thì ngay lập tức mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên.

- Sáu giờ... Ủa, Thương phải không?

Cô gái mặc áo dài vàng nhạt cũng ngạc nhiên không kém, đáp lời hắn với nụ cười quen thuộc từ lâu lắm.

- Thương nè. Trung cũng làm ở đây hả?

Hắn gật đầu lia lịa, rồi tự nhiên bối rối không biết phải nói thêm điều gì. Thương tiếp lời bằng giọng điệu phấn khích của những người bạn tình cờ gặp lại nhau.

- Từ hôm nay Thương dạy ở trường mình nè. Môn tiếng Anh. Gặp Trung mừng quá chừng luôn. Lớp mình ít có bạn nào ở lại thị xã làm việc lắm.

Hắn nhớ, ngoại hắn thường nói, con người gắn kết với nhau bởi chữ duyên. Gặp nhau, kết bạn, học chung cũng nhờ chữ duyên. Thậm chí có duyên với nhau lắm thì ra đường mới đi lướt qua nhau được. Nói như ngoại thì hắn đã gặp lại cái duyên của mình, là một cái duyên lớn nữa mới đáng nói chứ!

Giờ học đã bắt đầu. Sân trường lại rơi vào thinh lặng. Trong căn phòng nhỏ ngay cổng trường, hắn ngồi nhớ mọi điều về Thương.

Ngôi nhà đầu tiên của gia đình hắn ở sát nhà Thương. Hồi nhỏ hắn không được học mẫu giáo. Lên sáu tuổi, ngoại dạy cho hắn nhận biết mặt chữ rồi cho vào lớp một luôn. Mấy đứa con nít trong xóm học chung một trường tiểu học. Hắn và Thương được xếp vào chung một lớp. Lúc đó Thương kén ăn nên ốm tong ốm teo. Ngày nào đi học, má Thương cũng bỏ vào cặp bánh kẹo hay trái cây để Thương ăn vào giờ chơi. Nhưng hầu như Thương cho hắn tất tần tật những quà bánh đó. Lí do đầu tiên để hắn thích chơi với Thương chỉ đơn giản như vậy.

Trong lớp Thương ngồi bàn đầu, còn hắn cao nhất lớp nên ngồi bàn cuối. Ngoài lúc Thương cho hắn quà bánh còn lại thì hai đứa không nói chuyện nhiều với nhau. Do Thương ít nói, còn hắn cũng chẳng biết nói gì với tụi con gái! Hai đứa học chung suốt năm năm tiểu học. Trừ những hôm Thương ở lại tập văn nghệ, những ngày khác hai đứa luôn về cùng nhau. Năm nào Thương cũng đứng nhất nhì lớp, còn hắn cứ lẹt đẹt xếp loại trung bình.

Năm đầu tiên của cấp hai thật sự là thời gian khó khăn với hắn. Ba hắn làm ăn thua lỗ nên bán căn nhà đang ở, dọn đến nhà khác nhỏ hơn ở cách xa trường học. Chiếc xe máy trong nhà giờ là phương tiện kiếm cơm của ba, chiếc xe đạp thì má vẫn hằng ngày chở đồ ra chợ. Hắn phải đi bộ đến trường, ngày nắng cũng như ngày mưa. Hắn không sáng dạ trong việc học hành nên gần như đánh vật với chương trình trung học phức tạp hơn nhiều so với những năm cấp một. Đồ đạc trong nhà có hư hỏng, ba chỉ bảo một vài lần là hắn nhớ ngay cách sửa chữa. Vậy mà không hiểu sao hắn cố gắng hoài mà mớ kiến thức ở trường không vào đầu được bao nhiêu. Hai năm lớp sáu, lớp bảy, hắn suýt đội sổ. Đó cũng là hai năm hắn học khác lớp với Thương.

Chắc cũng nhờ duyên mà sang năm lớp tám, hai đứa lại học chung. Không cần cô giáo phân công, Thương tình nguyện làm "gia sư" cho hắn. Cứ đi học về, cơm nước xong thì hắn sang nhà Thương cùng học. Chắc là do học chung từ nhỏ và Thương lại không có tính kênh kiệu như vài đứa bạn học giỏi khác nên hắn không thấy mắc cỡ khi để một đứa con gái cùng tuổi làm "cô giáo" của mình. Dù vẫn là học sinh trung bình nhưng nhờ cùng học với Thương mà kết quả học tập của hắn đã tiến bộ rõ rệt. Hắn không còn cảm giác lo ngây ngấy mỗi khi thầy cô gọi trả bài hay làm bài tập. Hắn làm theo cách Thương nói, bài nào không biết thì mạnh dạn nói là không biết để khỏi phải vò đầu bứt tóc hay đỏ mặt tía tai khi lên bảng nữa.

Được cái hắn cũng hiền và tháo vát nên cô giáo phân cho hắn phụ trách về lao động. Bạn nào trực nhật không tốt hay trốn tránh giờ lao động tập thể đều bị hắn thẳng thắn phê bình. Ngược lại, hắn hay trực nhật giúp Thương hay giành lấy phần việc Thương phải làm trong những lần lao động. Hắn chỉ nghĩ thật đơn giản là điều đó như một cách cám ơn Thương đã giúp hắn học tập mà thôi.

Lên cấp ba, Thương học ở lớp "chọn" còn hắn chỉ học lớp bình thường. Lớp Thương ở đầu dãy phòng học, còn lớp hắn ở đằng cuối. Ba đã mua cho hắn chiếc xe đạp. Ngày nào đi học, hắn cũng đạp xe ngang qua nhà Thương rồi đứng đợi đến khi thấy Thương ngồi sau xe để má chở đến trường thì hắn mới đạp xe đi. Thương mặc áo dài trắng, ôm cái cặp đen tuyền, tóc vẫn xõa ngang vai như hồi nhỏ, nhìn... dễ thương làm sao! Hắn nhớ, hình như từ lúc đó, hắn đã bắt đầu "thích thích" Thương rồi.

Cái đồng hồ báo thức reng từng hồi dài làm hắn giật mình. Đến giờ đánh trống ra chơi cho tụi nhỏ rồi. Nghĩ tới đó hắn tự cười mình. Lớn hơn tụi học sinh mười hai chưa đến sáu tuổi mà đã xem chúng là "tụi nhỏ" rồi. Hắn đến bên giá trống, rút cái dùi đã lên nước bóng loáng, đánh một hồi rộn rã lên mặt trống phẳng lì. Hồi trống chưa dứt đã nghe tiếng nói chuyện ồn ào của học sinh từ các lớp ùa ra. Hắn gác lại dùi trống, mỉm cười bâng quơ. Bao nhiêu năm rồi kể từ lần đầu nghe tiếng trống trường khai giảng năm học lớp một, thanh âm này luôn cho hắn cảm giác ấm áp một cách kì lạ.

Tốt nghiệp cấp ba, tự biết sức học của mình, hắn không thi lên tiếp mà đi nghĩa vụ quân sự. Hắn nhớ ngày khám sức khỏe đi nghĩa vụ cũng là ngày Thương thi đại học. Không lâu sau hắn nhập ngũ và không còn gặp Thương. Hết hạn nghĩa vụ, hắn về làm dân quân phường rồi khi biết tin bác bảo vệ trường cấp ba không còn làm việc nữa, hắn đã xin được làm bảo vệ ở đây. Công việc của hắn thật đơn giản, suốt ngày chỉ quẩn quanh trong trường. Thỉnh thoảng hắn cũng ghé tiệm tạp hóa nhà Thương mua đồ dùng mà cái chính là hỏi thăm tin tức của Thương. Má Thương bảo thỉnh thoảng Thương cũng về nhà, chỉ tiếc là không lần nào hắn gặp được cả.

Vậy mà bây giờ hắn với Thương lại làm việc cùng một nơi. Nhờ chữ duyên chăng?

Thương vẫn hiền và dễ thương như trước. Lúc nào đến trường hay hết tiết ra về, qua cổng Thương đều chào hắn. Có những hôm Thương đến sớm tặng hắn mấy món bánh Thương làm nữa. Hắn mà tỏ ra ngại thì Thương lại nói "Trung là chuột bạch ăn thử bánh Thương làm đó, lỡ có đau bụng thì Thương mới ngại chứ". Hắn thường nhân lúc đi sắp xếp lễ đài chào cờ hay phát thưởng, liếc nhìn vào lớp Thương đang dạy. Thỉnh thoảng hắn cũng hỏi thăm mấy đứa học trò. Đứa nào học cô Thương cũng khen cô dạy dễ hiểu và vui nữa. Hắn nghĩ có thể xem những nhận xét đó là thành công của cô giáo rồi và thấy vui như thể đó là thành công của hắn vậy.

Hôm nay Thương không đi xe đến trường. Buổi trưa tan học, hắn thấy Thương ngồi sau xe gã nào đó mặc áo sơ mi đóng thùng. Chiếc xe máy đắt tiền nổ máy chạy đi, để lại vệt khói mỏng trước cổng. Tự nhiên hắn thấy nắng trưa nay sao mà chói chang quá!

"Gã nào đó" là thằng Trực học kế bên lớp hắn hồi xưa chứ đâu. Dù bây giờ gã chải chuốt hơn, thân hình có vẻ phì nhiêu hơn thì hắn vẫn nhận ra gã tóc quăn đó. Có lần gã đến sớm đợi Thương, hắn bắt chuyện thì nhận ra người quen cũ. Gã này hồi xưa học cũng tàng tàng nhưng hắn nghe người ta nói những đứa tóc quăn thì khôn lanh lắm. Chắc nhờ vậy mà bây giờ gã đã là cán bộ địa chính. Má gã tóc quăn cũng buôn bán ngoài chợ, gần sạp hàng của má hắn. Từ ngày trở thành cán bộ, nhà gã cũng "phất" lên như diều gặp gió. Thỉnh thoảng má hắn thở than, nói về gã tóc quăn mà ý chừng so sánh về khoản "kiếm tiền" của gã và hắn. Qua những lời bàn ra tán vào của các bà nội trợ lúc rảnh rỗi thì hắn biết, gã tóc quăn này đúng thực là "cán bộ địa (là) chính". Chỗ nào có dự án ngon ăn, gã "địa" qua "địa" lại thể nào cũng kiếm được không cơm thì cháo. Gã tên Chính Trực mà hắn thấy gã chẳng chính trực tẹo nào. Cứ nhìn ngôi nhà bốn tầng và mấy chiếc xe xịn của cái gã mới một hai năm làm việc nhà nước, mức lương cũng ba cọc ba đồng thì biết. Người như gã sao lại quen Thương kia chứ!

Đêm, kiểm tra khắp trường mấy lượt, hắn lên giường ngẫm nghĩ. Lại do chữ duyên chăng! Tự nhiên hắn thấy tiếc cho Thương và tiếc cho hắn nữa. Ừ mà, tiếc làm gì. Hắn chỉ là người đánh trống trường chạy chiếc xe cub cà tàng thôi mà, còn người ta...

Bẵng đi một thời gian, cũng nhanh lắm, chừng hai tuần thôi, Thương không đi cùng gã tóc quăn nữa. Gã cũng đợi Thương trước cổng trường vài lần nhưng chắc rồi cũng nản nên không thấy gã xuất hiện nữa. Hắn lại thấy vui, bâng quơ!

Thêm một năm học mới nữa. Thầy hiệu trưởng đích thân đánh trống khai giảng. Tiếng trống trầm ấm vang khắp sân trường. Tụi học sinh lớp mười thả những chùm bóng bay lên trời, tiếng vỗ tay rộn rã. Đứng ở hành lang lớp học, hắn ngắm nhìn ngôi trường, ngắm nhìn học sinh và một khuôn mặt thân quen.

Hắn chỉ là người đánh trống trường, còn cô bạn thuở nhỏ sẽ là người viết tiếp giấc mơ chữ nghĩa cho hắn và cho những thế hệ đàn em sau nữa. Người đánh trống trường và cô giáo, yêu nhau được không nhỉ!

An Minh

Ngày đăng: 28/04/2014
Người đăng: Phương Vũ
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
Two different People with different insight!
 

Two different People with different insight! Depends how you act !

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage