Gửi bài:

Hoá ra từ bỏ anh không quá khó

(truyenngan.com.vn - Tham gia viết bài cho tập truyện "Những thiên thần ngồi trên cán chổi")

"Đa phần, phụ nữ khổ vì cả đời họ yêu nhất chỉ một người, dẫu có gặp hàng nghìn người, phụ nữ vẫn luôn biết người họ yêu nhất trong đời là ai. Còn đàn ông, đa phần khổ, vì có người cả đời yêu rất nhiều người, nhưng đến cuối cùng vẫn chẳng biết được người mình yêu nhất và người yêu mình nhất là ai".

- Dĩnh - 

***

Khi An rời đi tôi chẳng có cảm giác gì cả. Dĩnh hỏi: "Anh có thấy trống rỗng không?". Tôi bảo: "Trống rỗng? Anh không thấy có gì khác lạ. Chỉ là bớt đi một người sống cùng mình mà thôi". Dĩnh lại hỏi: "Mỗi đêm, anh không khi nào chợt tỉnh giấc, sờ sang gối bên cạnh, giật mình sao? Hoặc là, lúc đang tắm, bỗng nhớ ra mình quên mang khăn mặt, cất tiếng gọi: "Vợ ơi lấy anh cái khăn" rồi đợi mãi không thấy ai trả lời...". Tôi sờ lên trán Dĩnh hoài nghi: "Em nói gì nghe buồn nôn thế". Vậy là, Dĩnh sà vào lòng tôi, bật cười tanh tách: "Ối!". "Ối nghĩa là sao?". "Em vui quá". "Thật hả?". "Em cứ lo suốt. Lo anh sẽ trống rỗng"– Dĩnh dừng lại, ngón trỏ của nàng xoáy những vòng tròn nhỏ lên tim tôi: "Nhưng rõ ràng chỗ này của anh vẫn chật ních". Tôi thò tay vào túi, móc ra chiếc chìa khóa có luồn một sợi dây len màu đỏ đã hơi cũ màu, quàng vào cổ Dĩnh: "Cho em!". Mắt Dĩnh lóng lánh tựa hồ như hai hạt nước cứ lăn qua lăn lại trên một phiến lá sen xanh mướt trong một chớm mùa hạ.

Bỗng dưng, nó khiến tôi nhớ lại, khoảnh khắc tôi đưa cho An chiếc chìa khóa này, mắt nàng dường như cũng ánh lên thứ màu nước xanh non ấy. Bấy giờ, chính An đã tết sợi dây len màu đỏ này, rồi xuyên qua đầu chìa khóa và đeo lên cổ, bảo: "Dây chuyền của em, đẹp không?". Khi ấy, tôi nhớ rằng mình đã trả lời An: "An à, từ nay đây là nhà của em. Anh chỉ đánh duy nhất một chiếc chìa khóa này thôi. Không có em mở cửa anh sẽ không thể về nhà". Hơn bốn năm chung sống, một nghìn mấy trăm ngày, An chưa bao giờ cởi "sợi dây chuyền" của em ra, ngay cả khi chúng tôi làm tình, tôi thấy vướng, sợi dây dài thòng cứ đưa qua đưa lại. Tôi nói: "An, anh chóng mặt, như kiểu bị thôi miên ấy ".

Lúc An rời đi, tôi tưởng rằng em sẽ trả lại chiếc chìa khóa này cho tôi, nói vài câu giã biệt kiểu như: "Hãy kiếm một người khác thay em giúp anh mở cửa"...nhưng không. An để "sợi dây chuyền" lẫn trong hộp đồ trang sức, hệt như muốn nói với tôi, em vứt nó đi là anh tự nhặt về vậy. Tôi đã nghĩ, nhất định An sẽ dây dưa bám dính lấy tôi như một miếng keo dán, thì hẳn nhiên phải là thế, thủ tục li hôn thường rườm rà và dài dòng hơn kết hôn mà. Nhưng An lại tĩnh lặng quá đỗi, tựa như một chiếc ti vi mute tiếng mặc ý tôi điều chỉnh kênh.

hoa-ra-tu-bo-anh-khong-qua-kho

Tôi gặp Dĩnh vào năm thứ hai của hôn nhân. Dĩnh chính là viên kẹo hạnh nhân ngọt ngào, còn An giống như viên ngậm ho không đường Pulmoll. Dĩnh không phải tình nhân của tôi, nàng nói thế (còn tôi không nghĩ thế). Một lần, khi tôi đang ngồi trên ghế và Dĩnh cuộn tròn trong lòng tôi, nàng dùng đầu ngón tay in họa tiết ren đen xen trắng nom đến nóng mắt, gãi gãi cằm tôi, thì thầm: "Don't forget I'm just a girl, standing in front of a boy, asking him to love her"[1]. Ngay sau đó tôi chồm lên ôm siết Dĩnh vào lòng, vần vò đôi môi nàng đến dập nát, hài lòng nói: "As you wish"[2]. Đấy là lần đầu tiên và duy nhất Dĩnh hỏi tôi có yêu nàng không, nhưng tôi lại nghĩ rằng đó chẳng qua là một trong hàng ngàn chiêu mà Dĩnh dùng để dụ dỗ tôi ở lại qua đêm. Đối với Dĩnh, tình cảm của tôi hết sức mơ hồ và phức tạp, thi thoảng tôi nghĩ tôi yêu Dĩnh mất rồi, nhưng phần lớn thời gian tôi nắm rõ, đợi những mới mẻ này qua đi, tôi sẽ quên nàng sạch bách. Còn với An, tôi cảm thấy một sự thân thuộc đến kì lạ. Mặc dù, tôi biết chắc mình không yêu An, nhưng tôi cần cô ấy. An tĩnh lặng như những chiều chủ nhật bình yên và trầm buồn.

Ngày đầu tiên dọn đến sống cùng tôi, Dĩnh đi một vòng quanh nhà ngó nghiêng hệt chú cún nhỏ. Trong khi tôi nằm dài ngoài ban công, để mặc những bông sử quân tử màu hồng phơn phớt trắng phủ bóng lên khắp mặt như tấm khăn đen nhàn nhạt, lỗ chỗ những vết thủng bằng đầu ngón tay cái. Dĩnh dùng chân đá chiếc gạt tàn về phía tôi:

- Anh đừng phẩy tàn thuốc vung vãi khắp nơi thế.

Tôi cười hăm dọa:

- Em bắt đầu cằn nhằn?

Dĩnh tóm tất cả tóc lên, buộc lại bằng một sợi dây chun, nhưng chỉ quấn một vòng trông rất lỏng lẻo và lôi thôi:

- Em sợ anh "nhóm củi" giàn hoa rực rỡ này thôi.

Tôi nhếch khóe môi:

- Nếu thích em có thể trồng một giàn hoa khác, miễn là phủ xanh ban công. Những thứ trong nhà cũng vậy, em muốn thay đổi gì tùy ý. Đừng khác người quá là được.

- Thế mà kêu là tùy em à?

Tôi bảo:

- Không đúng à?

- Anh nói tùy em, nhưng lại nói đừng khác người quá là được. Anh thật thiếu logic. Đấy là một sự thỏa hiệp gượng gạo.

Tôi không muốn đôi co với Dĩnh, trước giờ nàng vẫn hay bắt bẻ lời nói của tôi như thế. Dĩnh ngồi xuống chiếc ghế tựa dài kê sát cạnh tôi, đấy là chỗ An vẫn hay nằm đọc sách. Trước đây, thi thoảng vào cuối tuần, chúng tôi thường nằm dài ngoài này phơi nắng. An chỉ cho tôi những bông sử quân tử lúc mới nở hoa màu trắng, sau đó dần chuyển sang hồng, khi đủ nắng cánh hoa đổi màu đỏ thắm, đôi khi tới gần lại trông có màu phớt tím, tỏa mùi thơm ngòn ngọt dụ dỗ. An ít nói, cười cũng không thật tươi, lúc khóc lại càng không rõ ràng, có đôi khi tôi không dám chắc chắn có phải An đang khóc không. Tôi bảo: "An ạ, em thử khóc một lần trút lụt như cơn mưa rào mùa hạ anh xem nào". Nhưng ngoại trừ lớp sương mờ mờ đục bao quanh đôi mắt vốn trong vắt, tôi chẳng nhìn thấy gì cả, phải, mọi thứ cứ yên tĩnh đến bực mình.

- Tại sao anh lấy "người đó"?

"Người đó" ở đây là An. Dĩnh không bao giờ gọi tên An hay một đại từ khác thay thế vừa tai hơn, lâu dầu tôi cũng không buồn để ý nữa. Cũng giống như việc, lần đầu tiên qua đêm cùng nhau, Dĩnh đã hỏi tôi: "Lúc ngủ vợ anh thường nằm bên nào?". Tôi bảo bên trái. Vậy là từ đó khi nằm cạnh nhau, Dĩnh luôn chọn bên phải. Tôi trả lời Dĩnh là vì An phù hợp. Ở tuổi đôi mươi, tôi coi ái tình là một cuộc phưu lưu bất tận và những cô gái đi ngang đời tôi chỉ là những sân ga bên đường vội vã. Một năm, rồi hai năm..., khi tôi đã qua cái tuổi ba mươi, bắt đầu mệt mỏi và rệu rã, muốn dừng chân nghỉ lại nơi nào đó thật lâu, tôi bỗng nhớ đến An. Cô ấy giống như những cây sử quân tử quấn quanh mấy hàng rào bằng sắt, bao lấy những ngôi biệt thự cổ kính nằm san sát trên đường về nhà tôi, mà mỗi lần chạy xe qua, đều không kìm nén được phải ngoảnh đầu nhìn lại, chỉ để thấy những chùm hoa hững hờ đưa trước gió, nhưng đủ làm khỏa lấp cơn trống trải hoang mang trong lòng.

Dĩnh và tôi chung sống khá hòa thuận. Dĩnh không biết nấu ăn nên cả hai thường giải quyết bữa tối ở bên ngoài hoặc gọi đồ ăn mang đến tận nhà. Về việc này, tôi có một chút bất mãn nhưng chẳng làm sao được. Dĩnh làm việc cho một công ty lữ hành. Nàng bận rộn như một con quay và thường xuyên vắng nhà, lúc trở về cả người luôn trong tình trạng phờ phạc xơ xác, một ngón tay cũng không muốn động đậy. Dĩnh vốn là dân chuyên ngoại ngữ, thành tích học tập cũng không đến nỗi tệ. Cô ấy có thể nói vù vù ba thứ ngoại ngữ, vẻ ngoài cũng khá bắt mắt, nhưng không hiểu sao Dĩnh lại chọn nghề hướng dẫn viên du lịch. Có lần, Dĩnh ôm cái má sưng vù trở về nhà, nói tỉnh bơ:

- Bị khách hàng "oánh".

Tôi trợn ngược mắt. Dĩnh kể:

- Hôm nay có một tour ghép, mười một khách nước ngòai nhưng có tới tám quốc tịch, từ Sa Pa đi Bắc Hà. Có hai khách người Trung Quốc không hài lòng với xe phục vụ của công ty. Ban đầu, bọn nó gây náo loạn, em chỉ bật lại một xíu thôi – Dĩnh bấm một đốt ngón tay cười cười – Thế mà một tên liền phang ngay cho em một cái tát.

Tôi gào lên:

- Fuck fuck fuck. Em để yên à?

Dĩnh lườm tôi:

-Damn it![3] Đợi đến Trung Chải – chỗ heo hút hẻo lánh nhất ấy, em liền đá nó xuống.

Tôi bế bổng Dĩnh lên, hôn chụt vào cái má đang tấy đỏ của Dĩnh:

- Làm tốt lắm em yêu!

Tôi thấy may mắn vì khi kết hôn với tôi, An đã nghỉ việc. Tính An vốn nhút nhát và hiền lành quá mức, nếu rơi vào trường hợp của Dĩnh, một nghìn phần trăm An bé nhỏ sẽ nhẫn nhịn chịu đựng, chắc chắn là thế. Dĩnh hỏi tôi: "Anh không thấy phiền về công việc của em chứ?". Tôi lắc đầu, tôi chẳng có bất cứ yêu cầu gì với Dĩnh, có thể vì tôi không có ý định cưới nàng. Tôi không biết vì sao mình lại có suy nghĩ ấy, mặc dù chúng tôi rất hợp nhau, mặc dù tôi đã ly hôn. Có lẽ, tôi chỉ muốn Dĩnh là tình nhân. Tôi sợ tiến xa hơn khỏi mối quan hệ này mọi thứ sẽ sụp đổ, sẽ khác xưa đến mức không thể vãn hồi. Và vì, Dĩnh cũng chẳng bao giờ giục giã tôi, Dĩnh là một tình nhân biết điều.

Dĩnh hiếm khi yêu thích thứ gì quá lâu, thường là sau vài ngày hoặc vài tiếng đồng hồ là nhanh chán. Thích một bài hát sẽ nghe đi nghe lại cả ngày, nhưng hôm sau chỉ cần nhạc vang lên là đã nổi hết da gà, kêu: "Tắt mau! Tắt mau!". Ôm máy tính, ngắm say sưa một bộ váy đến nhỏ cả dãi, nhưng nếu không mua ngay tức khắc thì chỉ lát sau sẽ thay đổi ý thích 180 độ, quay ra chê bai đủ điều. Ngoại trừ búp bê Daruma. Dĩnh có hẳn một bộ sưu tập Daruma, bầy la liệt trên các kệ tủ trong nhà. Điều kì lạ là, tất cả các con Daruma của Dĩnh đều chỉ có một mắt bên phải. Tôi cầm một con Daruma nhìn về phía Dĩnh:

- Tại sao những con búp bê này lại chột mắt?

Dĩnh cắn cắn môi:

- Anh không biết thật à?

- Ừ.

Dĩnh xoa xoa má con búp bê bằng gỗ và bắt đầu hăng hái nói. Nàng mắc bệnh nghề nghiệp hơi nặng:

- "Nanakorobi yaoki, jinsei wa kore kara da" (ngã xuống bảy lần, đứng dậy tám lần, cuộc sống bắt đầu từ bây giờ) là một câu nói nổi tiếng khi nhắc đến Daruma. Ở Nhật Bản, búp bê Daruma được bày bán chỉ có lòng mắt trắng, chưa vẽ con ngươi. Người mua về có nguyện vọng hay ước mơ gì đó, thì lấy bút lông vẽ con ngươi thứ nhất lên lòng trắng ở mắt bên phải. Sau khi đã hoàn thành mục tiêu định ra, người ta sẽ tô nốt lên mắt trái của Daruma. Daruma thiếu một mắt nghĩa là ước nguyện chưa hoàn thành...

Tôi mải miết nhìn vào khuôn mặt sáng bừng thoả mãn của Dĩnh. Dường như Dĩnh không còn ở đây nữa. Tôi thấy Dĩnh mặc bộ kimono màu anh đào, đứng dưới bóng cây ngân hạnh ở làng Takasaki. Rồi lát sau, tôi lại thấy Dĩnh theo chân những người thợ thủ công đi bồi giấy, tô màu, phết sơn cho từng con Daruma. Trong chớp mắt, khung cảnh vụt thay đổi, trước mặt tôi là ngôi đền Katsuo-ji ở thành phố Mino, khắp nơi nơi đều xếp đầy những con Daruma có đủ hai mắt được chủ nhân đem trở lại sau khi điều ước đã thành sự thật. Dĩnh đứng giữa dòng người ồn ã, trên tay nàng cầm một con Daruma chột mắt.

- Ước nguyện của em là gì? – Tôi mơ mơ hồ hồ cắt ngang bài "diễn thuyết" của Dĩnh.

- Hả?

- Ước nguyện của em là gì? Cái ước nguyện mãi không thành ấy? – Tôi nhắc lại một cách kiên nhẫn.

- À thì, chính là cái đó đó.

- Cái đó đó là cái gì?

- Là cái mà phụ nữ nào cũng muốn đó.

- Sex?

- No, no, no. Chính là trẻ mãi không già.

- Này, đừng đùa nữa. Nói cho anh nghe đi.

- Anh thật sự muốn biết hả?

- Thật hơn cả đất.

- Thế thì...em càng không muốn nói cho anh biết.

Tôi còn đang muốn nặn thêm chút thông tin nữa thì điện thoại reo:

- Anh ra ngoài chút nhé.

-...

- Em vừa nói gì?

Tôi quay ngoắt lại, tôi vừa loáng thoáng nghe thấy Dĩnh nói "cái gì đấy" bằng tiếng Nhật, thật nhanh. Dĩnh lè lưỡi xùy xùy: "Đi mau, đi làm việc của anh đi". Ngày ấy, nếu tôi dụng tâm thêm chút nữa, chắc hẳn tôi sẽ nghe được đầy đủ nguyện ước của Dĩnh. Nó có nghĩa là gì? E rằng cả đời này tôi cũng sẽ không hiểu.

hoa-ra-tu-bo-anh-khong-qua-kho-1

***

Một ngày, qua gương chiếu hậu, tôi thấy mấy người hàng xóm trong khu chung cư không ngừng chỉ trỏ vào Dĩnh và thì thầm to nhỏ, khi cô đang xách vali từ sau cốp xe của tôi, đi lên nhà.

- Họ bảo vì em mà anh bỏ "người đó".

Dĩnh vừa nói, vừa xếp những vỏ cam lại thành hình một đóa hồng, gần đây nàng mới học được trò này, gọt bất cứ loại quả nào cũng xếp hoa, chẳng cần biết chúng có ra hình thù gì không.

- Anh chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ vợ.

- Em biết.

Dĩnh khẽ cười. Tôi cũng cười, cảm giác như chúng tôi lại trở nên thân thiết hơn một chút.

- Em có nghĩ cô ấy hạnh phúc không?

Dĩnh lắc lắc đầu khiến cho nước từ tóc nàng vung vãi khắp lên quần tôi, tạo thành những chấm đen nho nhỏ. Bỗng nhiên tôi lại có chút gượng gạo, chẳng hay ho gì khi nói chuyện về vợ cũ với tình nhân.

- Anh lo lắng à?

Ngừng một lát Dĩnh hỏi.

- Ừ, qua tháng mười hai này cô ấy đã ba mươi mốt tuổi rồi, không nghề nghiệp, từng kết hôn. Chẳng có thứ gì tốt. Mấy năm nay cô ấy chỉ quanh quẩn ở nhà, đâu biết cuộc sống ngoài kia khó khăn cỡ nào.

- Anh đã nói với "người đó" những điều này chưa? Lúc ly hôn ấy.

- Rồi, nhưng cô ấy vẫn rất kiên quyết. Anh chưa từng thấy cô ấy cứng đầu như vậy. Anh bảo: "Em nghĩ kĩ chưa?", cô ấy trả lời: "Không sao đâu, chắc chắn sẽ ổn thôi".

- Vì sao anh nghĩ "người đó" nhất định không thể sống tốt?

- Qua tháng mười hai này cô ấy đã ba mươi mốt tuổi rồi, không nghề nghiệp, từng kết hôn – Tôi nhấn mạnh.

- Vì điều này mà anh nghĩ "người đó" không nên chia tay với anh, ngay cả khi anh ngoại tình.

- Không phải sao?

- Buồn cười thật. Vậy anh nói xem, em có dám "break up" anh không?

Tôi từ chối trả lời thẳng thừng vấn đề này. Giây phút ấy tôi cũng chẳng thèm để ý sắc mặt của Dĩnh. Tôi luôn nghĩ những cô tình nhân sẽ không bao giờ biết tổn thương, so với những bà vợ thì tình nhân càng lệ thuộc vào đàn ông hơn. Họ luôn ở thế bị động. À, có thể Dĩnh là ngoại lệ, nhưng xét ở khía cạnh nào đó tôi không nghĩ Dĩnh thực sự muốn "break up" tôi. Còn vì sao thì tôi lười giải thích hoặc không muốn thừa nhận để rồi bị ràng buộc.

Từ sau khi ly hôn tôi không gặp lại An, một lần cũng không có. Chẳng ngờ ngày hôm đó lại đụng mặt nhau – Ngày hôm đó chính là ngày tôi nhận lời đưa Dĩnh đi cắt tóc. Dĩnh nói nhất định phải ra cái quán ở Cửa Bắc và nhất định phải đi vào sáng chủ nhật. An ngồi trên ghế, để thợ làm đầu quấn một cái khăn đen bao quanh người, trông cô ấy lọt thỏm. Tôi đoán là An nhìn thấy tôi nhưng cô ấy giả vờ nhắm mắt, một lý do rất hợp tình hợp lý vì cô ấy đang tỉa tóc mái. Tôi cố gắng áp chế bản thân để không giật phắt tờ tạp chí trong tay Dĩnh và hỏi xem có phải nàng cố tình sắp đặt mọi việc hay không? An chỉ đi có một mình. Tôi không muốn cô ấy lâm vào tình cảnh sượng sùng này.

An ít khi bộc lộ những điểm đáng yêu của mình, ở cô ấy tuổi trẻ dường như quá phẳng lặng. Chỉ duy có một việc tôi thấy cô ấy khá trẻ con và cố chấp. Đấy là mỗi lần đổi mùa, lúc cất quần áo mùa cũ đi, An thường giấu một vài đồng tiền vào túi áo khoác hoặc túi quần bất kì của cả tôi và cô ấy. Nhiều thì một trăm nghìn, ít thì hai, ba chục lẻ. An làm việc này đến nghiện, nó như một thứ "nghi thức" tẩy trần của riêng cô ấy vậy. Nhiều năm trôi qua, tôi cũng thành tật, thường vô thức kiểm tra tới lui túi áo, túi quần trước khi mặc, xem có may mắn vớ được đồng tiền cũ nào không. Những lúc ấy, An thường bẽn lẽn đứng cạnh tôi, cười nhẹ nhàng: "Vui không anh? Vui nhỉ!". An bảo rằng, niềm vui tìm thấy thứ mình bỏ quên là một cảm giác không dễ gì có được. An nhỏ bé và dịu dàng quá đỗi, ngay cả khi biết tôi phản bội cô ấy, sự tức giận của An cũng thực hiền lành.

Cuối cùng, tôi đứng dậy, mở cửa bước ra ngoài, lên xe nổ máy và lặng lẽ bỏ về trước. Tôi vừa chạy xe, vừa hồi tưởng lại những chuyện xưa cũ. Có lần, tôi đã vứt hết mặt mũi mà tìm đến An. Đó là hai ngày trước khi tòa mở phiên hòa giải, tôi bảo:

- An à, đừng giận dỗi nữa được không?

Nghe tôi nói vậy, trong một thoáng, gương mặt An trở nên ngạc nhiên, rồi ngay lập tức bình thường trở lại. Cô khẽ lắc đầu:

- Mỗi người con gái trong đời đều có một nút thắt trong tim. Anh chính là nút thắt của em, anh biết chứ? Khi đau khổ, em từng tận lực muốn bứt nó ra, nhưng lần nào cũng thất bại. Cứ cố sức để từ bỏ một người sẽ luôn thấy khó khăn, nên em không cố gắng gỡ nút thắt là anh ra nữa. Anh tin không, khi em không cần ra sức làm điều mình không muốn, thì tự nhiên đến một ngày nào đó em nhận ra: Hóa ra từ bỏ anh không quá khó như em tưởng. Anh à, ngày đó đến rồi nên không phải là em giận dỗi.

Nhớ lại thì, khi tôi muốn trao cho An cái hôn đầu tiên, câu trả lời của em rất e thẹn: "Vâng, được ạ!". Nửa năm sau tôi cầu hôn An, em vẫn dịu dàng nói: "Vâng, được ạ!". Lúc giận hờn tôi bảo: "Một đều nhá!", An thường đáp: "Vâng, được ạ!". Điều đó khiến tôi tin tưởng rằng, có lẽ, một ngày nào đấy nếu tôi nói: "Quay lại nhé", An vẫn sẽ êm ái trả lời tôi: "Vâng, được ạ!". Thế nhưng hẳn là tôi đã nhầm. Chắc là vậy.

***

Tôi trở về nhà thì trời đã nhá nhem tối. Tôi biết Dĩnh vô tội, cô ấy chẳng có lý do gì để làm thế. Cuộc gặp gỡ hôm nay chỉ là tình cờ. Nhưng cho dù vậy tôi vẫn không thể nào thoải mái nói ra lời xin lỗi. May mắn là Dĩnh chẳng hề để ý, nàng vui vẻ mở cửa cho tôi và khoe kiểu tóc mới. Trong lúc đang ăn tối, Dĩnh kể cho tôi nghe:

- Hồi học đại học, em ngẫu nhiên gặp lại người yêu cũ sau nhiều năm chia tay. Câu đầu tiên anh ta hỏi là: "Em sống có tốt không?". Ban đầu em rất cảm động, nhưng sau lại nghĩ. Tại sao rất nhiều đàn ông thường hay nói câu này. Thực ra điều anh ta muốn hỏi là:"Vắng anh, em vẫn ổn chứ?". Trọng tâm là thế đúng không? Chỉ là anh ta tò mò muốn biết vị trí của mình quan trọng thế nào trong lòng em, trong đời em. Nếu câu trả lời là không, anh ta hẳn rất vui vẻ đi. Nhưng nếu là có, anh ta lại cho rằng thực ra là em đang nói dối. Em muốn trả thù anh ta nên tỏ ra mình đang hạnh phúc mà thôi. Vì vậy, em bảo anh ta rằng: "Anh có nhớ câu cuối cùng anh nói là gì không? Tạm biệt. Vậy nên, lần sau nếu có gặp lại, đừng hỏi em có tốt không. Giữa chúng ta chỉ có thể nói xin chào và tạm biệt thôi".

Tôi hiểu Dĩnh muốn nói điều gì. Và bỗng nhiên tôi muốn thành thật với người con gái mà định mệnh đã sắp đặt muộn màng này, tôi cảm nhận được cái gọi là trách nhiệm, rằng chính Dĩnh chứ không phải ai khác đã được chọn để làm người đồng hành với tôi đến cuối đời.

- Dĩnh à, anh xin lỗi!

Đêm ấy, khi lên giường ngủ, tôi chủ động ôm Dĩnh, nhưng dường như Dĩnh đang dần trơn tuột khỏi vòng tay tôi. Tôi thảng thốt hỏi:

- Dĩnh à, vì sao em cắt tóc?

Dĩnh dụi dụi đầu vào người tôi, giọng ngái ngủ:

- Chẳng phải anh thường kêu tóc em vướng quá, lúc ôm cứ mắc hết vào cúc áo anh sao?

Tôi hôn lên mí mắt đã nặng trĩu của Dĩnh, thì thầm: "Dĩnh à, mình kết hôn đi". Nhưng hình như Dĩnh đã ngủ rồi, trong đêm tối chỉ còn lại những tiếng thở đều đều bện chặt lấy nhau. Hôm sau, Dĩnh bảo tôi đưa đến sân bay, lần này Dĩnh dẫn một đoàn khách Việt Nam sang Nhật Bản, đi một tuần. Dĩnh mặc đồng phục có in logo công ty, màu xanh nước biển, trước ngực còn đeo một cái còi nhỏ, trông Dĩnh lúc này khỏe khoắn và tươi mới lạ lùng. Không hiểu sao tôi lại muốn hỏi Dĩnh:

- Dĩnh à, lần trước em nói mong ước của em là gì vậy?

- Em đã viết cho anh biết từ lâu rồi mà.

- Lúc nào và ở đâu kia?

- Em không nói. Tự anh về nhà từ từ tìm đi.

Dĩnh đẩy cửa, và kéo va li ra ngoài, không quên vẫy vẫy tay chào tạm biệt tôi. Tiếng cười của Dĩnh lảnh lót như tiếng chuông gió vọng vào đêm. Tôi cứ đuổi theo bóng hình Dĩnh mãi, cho đến khi chỉ còn nhìn thấy đỉnh chóp của chiếc mũ rộng vành nhấp nhô nhấp nhô gợn sóng. Giây phút ấy, bỗng dưng tôi có cảm giác, Dĩnh đã hóa thành một quả bóng bay màu xanh nước biển, vụt thoát khỏi bàn tay tôi, bay vút lên trời cao.

***

Nhiều tuần sau, Dĩnh không trở lại, bất chấp tôi gửi đi bao nhiêu tin nhắn hỏi: "Dĩnh à, bao giờ em mới chịu về nhà?". Tôi tìm thấy dưới đáy con búp bê Daruma mà Dĩnh để ở đầu giường ngủ, dòng chữ được khắc gọn ghẽ:

"どうかあたしの気持ちはあなたに届けるように" (Douka atashi no kimochi ha anata ni todokeru yoni)[4].

[1] "Đừng quên em chỉ là một cô gái đứng trước một chàng trai và tha thiết muốn biết rằng anh ấy có yêu mình không". Đây là lời thoại trong phim Notting Hill.

[2] "Như em muốn". Đây là lời thoại trong phim The Princess Bride.

[3] Mẹ kiếp!

[4] Em ước tình cảm của mình chạm tới trái tim anh.

- My Việt -

 

Ngày đăng: 07/06/2014
Người đăng: Phạm Mĩ Việt
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Henry Ford - face issues quote
 

Đa số mọi người tiêu phí thời gian và sức lực vào việc đi đường vòng để tránh các vấn đề hơn là tìm cách giải quyết chúng

by Henry Ford

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage