Gửi bài:

Tôi làm gia sư

Anh đẩy em vào chỗ chết rồi. Tưởng chuột sa hũ nếp , mang ơn anh không hết, ai ngờ giờ lại rơi vào hang yêu.

***

- Dậy đi, có việc cho chú làm rồi đây.

Cuộc gọi của anh Lâm khiến tôi tỉnh cả ngủ. Cái giọng ồm ồm rền rĩ của anh nhiều lúc khiến tôi phát sợ. Lắm khi trong nhiều cuộc vui, cái vỗ vai và chất giọng oanh vàng của anh khiến thằng em như tôi đây suýt đánh rơi mất miếng đậu phụ đang cắn dở.

Nói vậy chứ ngoài cái chất giọng đặc biệt đó ra thì anh hiền như ma sơ. Anh Lâm quen tôi trong mấy trận bóng giao hữu giữa các khoa với nhau. Khoa Xây dựng của tôi hay thắng khoa Điện tử của anh, cộng thêm cái miệng leo lẻo hay chọc ghẹo của tôi khiến anh nhiều lần thề sẽ báo thù tôi bằng mọi giá. Báo thù đâu chả thấy, chỉ thấy tôi hay nhờ anh giúp tía lia.

Đợt này tôi phát hoảng vì viện trợ của gia đình cứ bị hao hụt trầm trọng, tằn tiện chi tiêu, ăn chực, ăn ké bạn bè đến mức chai mặt nhưng vẫn không giải quyết được vẫn đề, tôi đưa ra một quyết định quan trọng:đi làm thêm. Nghĩ là làm, tôi nhờ anh Lâm vì anh có quen người bạn làm ở trung tâm gia sư. Nghĩ chắc không có cơ may nhưng không ngờ anh gọi tôi sớm thế.

toi-lam-gia-su

 

- Ủa, có liền hả anh, sao..nhanh dữ vậy?

- Chậm mày cũng nói, nhanh mày cũng nói là thế nào. Mà mối này xương lắm, mày ngó nhận được không đó?

- Đói quá đầu gối phải bò anh à, có việc là vui rồi.

- Chú nói đấy nhé, anh không ép buộc đâu. Chiều mai đi làm luôn, được không?- anh Lâm cười bí hiểm.

Chép vội địa chỉ vào giấy, tôi thả người cái phịch xuống giường, ngó lên trần nhà. Trên đó mạng nhện bám đầy, có gì mà nhìn. Ngày mai tôi đi làm gia sư rồi sao, cầu trời khấn phật cho mọi việc suôn sẻ.

Công nhận đi dạy đã khó một mà tìm ra địa chỉ nhà còn khó mười. Sau một hồi loanh quanh trong mấy cái hẻm, cộng thêm cái miệng hỏi hết công suất tôi cũng tìm ra được nơi mình cần đến.

Mấy người giàu đã xây nhà đẹp thì xây ở mặt tiền luôn đi, xây chi trong hẻm khó kiếm vầy trời. Nhấn chuông muốn trật khớp tay, cuối cùng cũng có cô bé xinh xinh ra mở cửa:

- Ông kiếm ai?

- Bộ tôi già lắm sao mà kêu tôi bằng ông- tôi nghĩ nhỏ nhỏ này chắc bị chập.

- Em đọc sách thấy người ta hay kêu vậy mà. Chớ ông muốn em kêu là gì?

- Ờ...kêu tôi là anh đi

- Vậy anh kiếm ai?

- Cho tôi hỏi đây phải nhà cô Xuân không, tôi xuống dạy học- Tôi bối rối.

- À, ra thế, cô Xuân đi chợ rồi, xíu nữa về đó. Anh vào nhà chơi đi- cô bé cười khúc khích.

Tôi dắt xe vào mà hơi chột dạ, trong lòng sợ sệt, lúng túng đặt bàn tọa xuống chiếc ghế nệm êm như ru.

- Thầy, uống nước đi thầy. Nước tinh khiết em mới tinh chế đó, không có độc dược gì đâu.

Nhỏ này xem phim, đọc truyện bị nhiễm chắc luôn nè. Tôi cam đoan là vậy.

- Cô Xuân đi chợ lâu không em. Mà tôi chỉ là sinh viên, em gọi bằng thầy tôi ngại lắm.

- Đã dạy là phải gọi bằng thầy, mà ngó bộ thầy mới đi dạy lần đầu hay sao mà thầy ăn mặc gì kì vậy- Tôi phát hoảng bởi cặp mắt sắc lẹm đang lia từ đầu xuống chân.

Tôi ngó lại bộ dạng của mình:tóc húi cua, áo sơ mi trắng gọn gàng, quần tây đen. Có gì mà kì.

- Kì là kì sao? Tôi ngớ người.

- Đôi tất thầy đa sắc màu kìa. Cô bé cười khúc khích.

Ngó xuống đôi chân tôi muốn độn thổ. Ngủ trưa dậy trễ, tôi quýnh quáng lên thành thử mang tất chiếc đen chiếc trắng mà không biết.

Cũng may có tiếng mở cửa, chắc cô Xuân về, tôi mừng húm.

- Dạ, con chào cô, con là Hoàng, sinh viên xuống đây dạy thêm ạ. Có tạo vẻ mặt hiền hậu nhất, tôi lí nhí chào cô.

- À thế à, cháu đến lâu chưa. Ly sao không đưa thầy lên phòng- Cô Xuân lật đật đặt giỏ xuống, đưa ánh mắt về cô bé kia.

- Thầy hỏi mẹ chứ đâu có hỏi con.

Tôi bắt đầu thấy chóng mặt, toàn thân như bị ai đấm. Nhỏ này là học trò của tôi sao, không lẽ yêu quái đã bắt đầu hiện hình.

- Con bé này kì, để thầy dạy sớm về sớm, trễ việc của thầy thì sao- cô Xuân rót thêm nước cho tôi.

- Nam nữ ở trong phòng khi bố mẹ vắng nhà là rất nguy hiểm . Nhìn thầy con nghi lắm.

Lần này thì tôi suýt phun hết nước trong mồm ra.

***

- Nhỏ đó có làm khó chú không?

Một lần nữa, tôi suýt đánh rơi miếng đậu phụ. Cứ như trời xui đất khiến, hễ tôi đang nhâm nhi món đậu phụ lướt ván là lại vinh hạnh nghe giọng oanh vàng của anh Lâm:

- Anh đẩy em vào chỗ chết rồi. Tưởng chuột sa hũ nếp , mang ơn anh không hết, ai ngờ giờ lại rơi vào hang yêu.

- Anh đã bảo sẽ trả thù chú mà. Nói vui thôi, gắng mà dạy cho tốt. Nhỏ đó nhiều đứa bỏ của chạy lấy người rồi. Hy vọng là chú không đến nỗi khốn khổ như vậy- anh Hùng lay lay vai tôi tỏ vẻ thương cảm.

Tôi cười mà như mếu. Món đậu phụ lướt ván lại được thể du lịch vào cái dạ dày đang réo ùng ục.

Coi bộ nhỏ hôm nay nhìn tôi có vẻ kì kì. Gắng làm ngơ được một hồi, tôi phát bực:

- Bộ tôi giống khỉ lắm hay sao nhìn tôi lắm vậy.

- Đâu có, có con khỉ nhìn trông giống thầy chứ thầy sao giống khỉ được.

Tôi mém xỉu, nói gì cũng nói lại được.

- Thầy, mai thầy rảnh không.

- Làm gì?

- Mai em mời thầy đi ăn sinh nhật.

Tôi giả lơ, tay vẫn hí hoáy viết.

- Thầy, đi nghe thầy, thầy không đi là phí cả đời trai- Tôi có cảm giác miệng nhỏ làm bằng mạch nha, dẻo quẹo.

- Đi nghe thầy, thầy...đi nghe.

- Ờ.

Tôi ờ mà như không có sức sống. Hy vọng tiệm rau ngoài chợ giờ này còn mở cửa. Đi ăn với nhỏ không lẽ đi tay không. Tiền lương tháng này còn chưa nhận nữa. Chắc phải vay mượn anh Lâm nữa. Anh Lâm ơi, không biết anh đang báo thù em hay anh đang chuốc thêm khổ cho anh và cả cho em nữa đây.

***

Giữa đám bạn nhắng nhít của nhỏ, tôi có cảm giác mình giống như Đường Tăng đang bị mấy ả yêu tinh nhện vây quanh. Hàng loạt câu hỏi bủa vây tôi tứ phía:"Thầy có người yêu chưa thầy?", "Thầy bao nhiêu tuổi mà nhìn thầy thư sinh vậy?", "Thầy đẹp trai ghê". Thú thật là nghe khen thì ai chẳng sướng, nhưng nhìn từng cặp mắt như muốn ăn tươi nuốt sống kia, tôi vui hổng nỗi.

- Thầy mình đẹp trai nhưng yếu tim, mấy bạn đừng chọc thầy- Ơn trời, nhỏ la đám bạn mà tôi nghe như nhỏ đang hả hê trong bụng.

Đến lúc đem đồ ăn ra, thấy toàn món ngon tôi thèm rõ dãi. Tinh thần ăn uống bao ngày trỗi dậy nhưng giữ ý tứ, tôi ngồi im coi có ai thương gắp cho mình một miếng không. Ấy vậy mà mấy đứa này dường như xem tôi không tồn tại, cứ hồn nhiên làm việc. May thay, ngồi ngó đũa một lúc cũng có nhỏ giác ngộ:

- Ê, thầy nhỏ Ly sao không ăn.

- Thầy ăn chay hả. Có lẽ thầy ăn chay trường, em gọi cho thầy dĩa đậu phụ lướt ván nghe- nhỏ Ly hí hửng.

"Đậu phụ lướt ván", nghe đến món này tôi ngán tận cổ. Mấy dạo gần đây thiếu tiền, tôi ăn đậu phụ miết. Giờ nhìn món ăn yêu thích nhưng nuốt không trôi, tôi cũng đành bấm bụng cười.

- Thầy cười sao kì quá- nhỏ đầu bàn lên tiếng.

Hết biết.

Mới đó mà tôi dạy nhỏ Ly cũng được gần một năm rồi. Tiếp xúc với nhỏ nhiều tôi thấy nhỏ nhiều khi hay chọc quê tôi, giở trò với tôi nhưng mà cũng chấp nhận được. Nói đúng hơn là tôi thấy nhỏ cũng có cá tính. Tôi biết nhỏ học cũng giỏi, chỉ có mỗi tội hay làm biếng với lại đánh đố người khác mà thôi. Mấy sinh viên trước bỏ của chạy lấy người chẳng qua là vì bị nhỏ hù phát sợ. Cũng may, tôi ngoài mặt tỏ vẻ hiền lành nhưng bên trong cũng tìm cách trị lại được nhỏ, thành thử gần một năm rồi cũng êm ru. Ấy vậy mà nhiều phen tôi cũng lao đao khốn đốn với nhỏ.

- Thầy ơi, thầy đi chợ về hả.

- Ờ, tôi sợ lát nữa tối chợ đóng cửa, tranh thủ tạt qua mua ít đồ ăn luôn.

- Thầy mua rau chi nhiều vậy thầy, ăn vậy sao có chất, hay thầy nuôi heo?

Tôi muốn té ngửa, tôi ốm nhom ốm nhách vầy, nuôi mình còn không mập nổi, nuôi heo bán ai mua.

Rồi lại:

- Thầy ơi, thầy giải giùm em bài Lượng giác này đi.

- Ờ, để tôi xem. Ngồi thừ một hồi, tôi toát mồ hôi. Từng là cây toán củatrường, mấy bài lượng giác này đối với tôi dễ như ăn rau một tháng, sao giờ nghĩ mãi không ra.

Thấy tôi loay hoay một hồi, nhỏ sốt ruột:

- Sao lâu vậy thầy, xong chưa?

- Ờ. . . bài này rất nhiều cách giải, để tôi về tìm cách nào ngắn gọn nhất cho em dễ hiểu rồi buổi sau tôi trình bày- buông xuôi cây bút, tôi cố gỡ gạc danh dự.

- Thôi thầy, bài này thầy em bảo sai đề rồi, em đem ra xem thầy có phát hiện không, không ngờ thầy giải được, thầy giỏi ghê.

Lần này căn bệnh cao huyết áp lại đe dọa tôi.

***

Tuần sau nhỏ thi Đại học, buổi cuối cùng tôi dặn sơ qua một lượt mấy thứ cần ghi nhớ cho nhỏ, cổ vũ tinh thần cho nhỏ bước vào đợt thi. Lúc ra về, nhỏ mở cổng thật chậm. Tôi nói vọng ra:

- Xong chưa, mở cửa mà cũng lâu quá vậy.

Nhỏ dạ lí nhí. Lúc đi ngang nhỏ, tôi thấy hình như nhỏ đang khóc. Cô học trò yêu quái của tôi cũng biết khóc sao, trường hợp này thì tôi đành chịu, không biết phải làm sao.

- Mình hết gặp nhau rồi thầy- nhỏ ngước mắt nhìn tôi.

- Chỉ là hết làm việc với nhau thôi, nếu buồn tôi sẽ rủ em đi ăn bò bía. Thôi, tôi về.

Tôi rồ ga chạy thật nhanh, ngó vào kính chiếu hậu tôi thấy nhỏ còn đứng trước cổng. Tôi phải chạy nhanh, nếu không tôi sợ tôi cũng khóc mất.

Buổi khuya tôi đang ăn cơm, vẫn là đậu phụ và rau muống luộc, chả gì hơn. Điện thoại trên bàn chợt rung, là nhỏ nhắn:

- Thầy, em lo.

- Em đừng lo, rồi sẽ tốt thôi. Tôi nói mà thấy ngượng, tôi còn lo gấp mấy lần nhỏ.

- Em đậu đại học thầy phải có quà nghen. Thỏi son Lipice thầy tặng em bữa sinh nhật hết từ đời nào rồi.

- Ờ, nếu em đậu tôi sẽ mua cả rổ tặng em, được chưa- tôi nén nhịn cười.

- Thầy, em nói thật đó. Thầy ơi, mình còn gặp nhau phải không thầy.

- Chắc chắn là vậy rồi, nhiệm vụ bây giờ của em là lo thi thật tốt. Chuyện gặp nhau để sau đi.

- Thầy hứa đó nghe. Chúc thầy ngủ ngon.

Buông chiếc điện thoại xuống bàn, tôi ngó ra khung cửa sổ. Chậu hoa Quỳnh nhỏ tặng đợt sinh nhật tôi bung nở thật đẹp. Tôi biết mình sẽ còn gặp nhỏ. Ừ, phải gặp chứ. Gặp để nói một thứ cảm xúc đang len lỏi thật nhẹ. Ôi, cô học trò của tôi. Mong là em sẽ bước vào giảng đường đại học, kiến thức của em sẽ nở rộ như đóa Quỳnh hương này, cứ hy vọng là vậy nhé.

"Ta mang cho em một đóa Quỳnh

Quỳnh thơm hay môi em thơm".

 

Ngày đăng: 17/06/2014
Người đăng: Nhật Hoàng
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Nấm Linh Chi khô Điện Biên
THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH KỂ CHUYỆN TÌNH YÊU  Đọc thêm tại: http://stardaily.vn/vn/doi-song/18437/thien-su-thich-nhat-hanh-ke-chuyen-tinh-yeu-va-tinh-duc.html | Stardaily.vn
 

Này người trẻ, bạn nghĩ về tình yêu của mình đi, có “từ bi hỉ xả không”? Bạn hãy can đảm tự hỏi mình rằng “Người yêu ta có hiểu niềm vui nỗi khổ của ta không? Có quan tâm đến an vui hàng ngày của ta không? Người ấy có nâng đỡ ta trên con đường sự nghiệp không?...” Và tự hỏi lại mình, liệu bạn có đang thành thực với tình yêu của mình?! Liệu tình yêu của bạn đã đủ “từ bi hỉ xả”?!

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage