Gửi bài:

Yêu anh trong kỉ niệm

Có vẻ như anh đã thay đổi nhưng tình yêu trong tôi nào có thay đổi, nếu có gì đó thay đổi thì chắc đó là tình cảm dành cho anh nhiều hơn, nhìn anh vậy tôi không trách anh mà lại càng thương anh, tôi không giúp gì được cho người mình yêu cả.

***
yeu-anh-trong-ki-niem

01.

" Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh chào đón tân sinh viên"

Trời ơi, đại học Bách Khoa, ngôi trường đêm ngày tôi mơ tới, tôi cố gắng học hành "bán sống bán chết" để vào được đây vì muốn ba mẹ được rạng danh và một phần cũng vì ai đó.

Đứng giữa sân trường đại học rộng lớn, gió thổi hiu hiu khiến tôi vừa run vừa lo lắng, ước gì mình có thể nhìn thấy được một bóng hình thân quen. Đặt chân vào lớp khiến tôi còn hoảng loạn hơn, cứ ngỡ mình đi nhầm lớp, vội vàng xin lỗi giáo viên toan bỏ chạy thì bị gọi lại.

"Nguyễn Thiên Hà?"

Tròn mắt lên nhìn, đúng cái kiểu miệng chữ A mắt chữ O.

"Không lẽ đây là lớp mình thật? Lớp không một bóng hình con gái, không lẽ khoa này rất hiếm gái? Chỉ vì ai kia học khoa cơ khí nên tôi cũng đăng kí khoa cơ khí luôn chứ đâu có nghĩ ngợi gì nhiều."

"Á, con gái." – Tôi hét lên làm tất cả mọi người phá lên cười, đây là lần đầu tiên trong đời tôi "thèm gái" đến kì lạ.

Cô gái lạ vẫy tay ra hiệu tôi lại ngồi cùng, cảm giác không khác gì gặp được vị cứu tinh trong đời.

"Mình tên Ngọc Nga, bạn tên Thiên Hà hả? Tên nghe rất hay đó."

"Tên bạn cũng vậy, mà lớp có hai đứa mình là con gái hả?"

"Không phải lớp mình có hai gái đâu, mà cả khối luôn đó."

Nhìn mặt nhỏ bạn mới quen tỉnh bơ khiến tôi càng choáng váng, nãy giờ vẫn chưa hết ngẹt thở "Âu, số trời, người ta gọi đó là định mệnh!"

02.

Tôi và Nga nhanh chóng thân với nhau, cả khối có hai đứa con gái nên đi đâu cũng dính với nhau như sam. Nga vốn là người gốc bắc nhưng gia đình chuyển vào nam làm ăn nên định cư trong này luôn. Tôi thì xuất thân là người miền trung quen với ruộng đồng, nắng gió, những ngày mẹ gọi điện báo đang mùa gặt hay thu hoạch rau thì tôi chỉ muốn bay ngay về nhà giúp mẹ.

Con đường về kí túc xá hôm nay lài lê thê, bước chậm từng bước mệt mỏi sau một ngày học rồi làm thêm, tôi nghĩ về anh, tôi cố gắng học vậy một phần cũng vì anh. Chẳng biết tôi để ý anh khi nào, chắc là từ lâu lắm. Anh là hàng xóm bên cạnh nhà tôi, hoàn cảnh có thể nói là khó khăn nhất xóm. Ba anh mất trong một chuyến đi biển, em trai cũng mất vì bệnh tim mà không có tiền chạy chữa, mẹ thì bệnh tật nhưng không bao giờ anh biết đầu hàng trước số phận.

Anh giờ đã là năm ba, anh học giỏi đến mức mà cả trường ai cũng biết, anh nói rằng anh phải giành học bổng để chi tiền học, rồi anh đi làm thêm, làm gia sư. Tôi khâm phục anh bởi nhiều thứ và tôi không hiểu nổi anh phân chia thời gian kiểu gì mà khiến anh có thể học giỏi như vậy!

"Sao mà đi dép lệt xệt vậy hả? Nâng chân cao lên."

Cái giọng nói đầy mùi vị gia trưởng kia tôi không bao giờ nhầm được.

"Em sắp ngỏm rồi, em đâu biết học cái ngành đó nó lại kinh khủng như vậy!"

"Thế em không tìm hiểu gì sao?"

"Có người học nên em cũng chạy vào thôi, đó chính là sự tìm hiểu của em đấy! Mà anh đi làm như vậy không mệt sao?"

"Anh phải kiếm nhiều tiền."

"Hix, vâng, em về phòng đây. Gặp lại anh." – thật ra tôi rất muốn nói chuyện với anh lâu hơn nữa nhưng không hiểu sao không cất nên lời.

"Ừ, tạm biệt em."

Bước chân lên dãy hành lang kí túc xá, câu nói của anh cứ ám ảnh tôi " Anh phải kiếm nhiều tiền" . Đúng là sống trong cái khổ con người ta mới thấm thía sâu sắc giá trị " vạn năng" của đồng tiền. Gia đình tôi cũng thuộc hộ nghèo trong xã nên tôi cũng muốn mình có nhiều tiền hơn ai hết. Cuộc sống chẳng khác gì màn kịch quá đỗi bất công nhưng phải làm sao để chấp nhận điều đó và đứng lên thì anh đã làm thật xuất sắc. Anh là thần tượng, là bức tượng đài sừng sững trong lòng tôi.

03.

"Hà, lát tui chở bà đi uống nước xem như trả ơn vụ thi giữa kì nhé!"

"Ờ, trả ơn tui nhiều vào, không tui chém đấy."

Tôi nhìn Nga phụng phịu, chẳng biết tôi giúp nó làm bài kiểu gì mà điểm con nhỏ lại cao hơn tôi. Con nhỏ cười hả hê khiến tôi bực nhưng chẳng thể giận được, Nga tính tình thẳng thắn, hoà đồng, có một người bạn giữa chốn đất khách quê người như nó làm tôi vui vô cùng!

Lần đầu tiên tôi đi lượn Sài Gòn, từ ngày nhập học tôi chỉ biết kí túc xá, trường học, chỗ làm thêm, ba nơi đó cứ luân phiên nhau như vậy cũng đủ khiến tôi chóng mặt chứ đừng nói có thời gian đi lượn.

" Két.... rầm..."

Tôi và Nga ngã nhào ra đường, trời đất quay cuồng, cảm giác như trên đầu tôi có triệu triệu vì sao vậy.

"Này, bà không sao chứ? Có đau chỗ nào không, chảy máu gì không?"

Tôi vội hỏi Nga, thấy nhỏ bạn bình yên vô sự tôi mới hoàn hồn.

"Gãy mất cái chổ để chân sau rồi, cái này thay chắc trăm ngàn, thôi đưa tụi nó trăm rưỡi cho xong chuyện."

"Hai trăm luôn đi em."

Giọng nói của người đàn ông vừa "hôn đít xe" xe chúng tôi đang nói chuyện.

"Chị cầm tạm hai trăm sửa xe." – Người đàn ông mập nhanh chóng dúi vào tay Nga hai trăm ngàn.

"Này, chú kia, không thấy chuyển sang đèn đỏ rồi hay sao mà còn cố phóng nhanh, tính giết người à."

Nga cúi xuống nhặt cái chỗ để chân bị gãy lên nói tiếp.

"Bộ hai người nói câu xin lỗi thì hai người chết hả? Tôi đây chỉ cần hai chữ xin lỗi chứ không cần thứ này, bộ tưởng có tiền là giải quyết được mọi chuyện sao? Hai trăm ngàn này không đủ một bữa ăn của tôi đâu."

Tiếng tiền rách" roạt", Nga cầm cái chỗ để chân bị gãy cứa rách đồng hai trăm.

"Đi thôi Hà."

Ngồi sau xe mà tôi nổi da gà, lần đầu tiên tôi thấy Nga tức giận như vậy, bình thường nhỏ là người rất nhỏ nhẹ, dịu dàng, tôi không còn từ gì ngoài hai từ "khâm phục" dành cho nhỏ bạn.

04.

Trở về kí túc xá với cái bụng như mang bầu, thật không tin được Nga lại kêu nhiều thứ như vậy chỉ với cái lí do "Đang bực, tui phải ăn thật nhiều mới hết bực ."

Một buổi tối thật mát mẻ, không gian kí túc xá yên tĩnh đến kì lạ, nghe rõ tiếng lá rơi xào xạc, tiếng mèo kêu vang vọng đâu đây. Tìm chiếc ghế đá ngồi xuống, vụ té xe hồi chiều làm chân và hông tôi đau nhức, nghĩ lại hành động của Nga, giờ đây Nga đã trở thành thần tượng thứ hai trong lòng tôi rồi.

"Em suy nghĩ gì mà mặt thẫn thờ vậy?"

"Không có gì, anh mới đi làm về sao?"

"Ừ..."

Hai chúng tôi cứ ngồi vậy im lặng hồi lâu, bao lâu rồi tôi mới được ngồi như thế này với anh nhỉ? Nhớ ngày xưa tôi toàn lấy cớ hỏi bài để đựơc gặp mặt anh, ngồi gần anh, nghĩ lại lúc đó thật vui!

"Anh này, anh đã thích ai chưa?" – Tôi buột miệng hỏi.

"Khi nào anh thành đạt, anh sẽ tính chuyện đó sau."

Đúng là anh, giờ anh có mục tiêu quan trọng hơn ở phía trước thời gian đâu mà quan tâm mấy vấn đề này, dẫu đã biết anh sẽ trả lời như vậy thế mà tôi vẫn ngu ngốc hỏi.

"Em đã có rồi vì vậy em sẽ đợi dù có bao lâu."

Tôi nhìn anh cười, không biết anh có hiểu ý của tôi không? Không biết anh có suy nghĩ gì không? Câu trả lời của tôi có đọng lại trong anh chút gì không hay lại như gió thoảng mây bay? Hay anh thuộc dạng sắt đá?

"Sau khi tốt nghiệp anh đã có dự định gì chưa?"

"Kiếm thật nhiều tiền."

"Lúc nào anh cũng vậy."

"Ừ, ngày anh nhìn ba ra đi không mua nổi chiếc hòm tử tế, nhìn thằng Việt còn nhỏ mà phải chịu dày vò trong bệnh tật khi không có tiền chữa trị để rồi thằng bé đi trong đau đớn, nhìn mẹ đau ốm mà thuốc thang không được tử tế đàng hoàng. Anh thật sự chỉ muốn kiếm thật nhiều tiền thôi."

"Tiền quan trọng với anh vậy sao?"

"Ừ."

Có vẻ như anh đã thay đổi nhưng tình yêu trong tôi nào có thay đổi, nếu có gì đó thay đổi thì chắc đó là tình cảm dành cho anh nhiều hơn, nhìn anh vậy tôi không trách anh mà lại càng thương anh, tôi không giúp gì được cho người mình yêu cả.

05.

Anh tốt nghiệp đại học loại ưu, vì thành tích quá xuất sắc anh nhận được học bổng học thạc sĩ ở bên Anh, anh quyết định không đi vì mẹ anh ốm đau liên miên nên anh không thể quá xa bà.

"Anh hãy đi học tiếp đi."

Nhìn vào sâu vào đôi mắt anh, tôi hiểu cảm giác của anh bây giờ, kí túc xá lại yên tĩnh đến kì lạ, tôi có thể nghe rõ được tiếng thở dài của anh. Hôm nay trăng tròn thật đẹp:

"Trăng kia ông ở trên cao

Nhắn với người yêu tôi đang nhớ chàng

Dẫu rằng xa cách bao nhiêu

Tình này còn đó nguyện xin trao người."

Chẳng biết sao tôi lại làm thơ nữa, tức cảnh sinh tình mà làm ra thơ con cóc chăng?

"Nếu anh lo mẹ anh thì em sẽ giúp anh, những ngày lễ em sẽ thay anh về thăm bác, sẽ nhắn con bé Phương ở nhà qua ngủ với bác mỗi tối."

"Sao em phải làm như vậy?" – Anh nhìn tôi bằng ánh mắt khó hiểu, không lẽ bao lâu nay anh không biết gì về tình cảm tôi dành cho anh? Không phải anh học rất thông minh sao vậy mà anh không hiểu nổi tình tôi.

"Nếu anh tin em thì anh hãy đi, đó là cơ hội hiếm đấy, bác cũng không muốn vậy đâu, anh mà không đi chắc bác sẽ nghĩ vì mình mà anh mới làm vậy." – Tôi cố tình lảng tránh câu hỏi của anh, không lẽ tôi lại nói thẳng ra là tôi để ý anh đã rất lâu rồi.

"Tại sao?"

"Không gì cả, mà anh ráng học thật nhanh vào, học gấp 10 lần người thường, nếu không em sẽ héo tàn thật mất."

"Chờ anh đến héo tàn sao? Anh biết rồi, cảm ơn em!"

Ngày anh đi tôi không ra tiễn, đi tiễn anh có khác gì đồng nghĩa với việc nói lời tạm biệt, tôi ghét điều đó, giữa tôi và anh sẽ không có lời tạm biệt nào cả.

Hôm nay mưa giăng khắp lối tôi đi, mùa mưa Sài Gòn thật khác biệt, trời muốn mưa khi nào thì mưa mà không có dấu hiệu báo trước, đang nắng cũng đổ mưa ầm ầm, nhờ vậy mà không biết bao nhiêu lần tôi nhìn thấy cầu vồng. Tôi không thích cầu vồng cho lắm, tôi thích những vì sao hơn! Những vì sao lấp lánh, chói loá, tinh tú hiện lên bầy trời không khác gì anh.

Ngoài trung giờ đang chuyển đông, trời lạnh giá vì vậy mà sức khoẻ mẹ anh ngày càng yếu. Chẳng biết bây giờ anh đang làm gì? Học hành ra sao? Sức khoẻ thế nào?

06.

Hai năm sau.

Ngày anh về tôi không ra đón vì hôm đó bận thi, anh cũng bắt xe về quê luôn nên tôi không có dịp gặp mặt. Mới đây thôi mà tôi cũng sắp học xong năm ba rồi, những tháng ngày không gặp anh tôi nhớ anh đến điên dại, đúng như theo cái kiểu

"Gần nhau thì chẳng thấy gì

Xa nhau mới biết nhớ nhung dạt dào."

Thi xong tôi cũng bắt xe về quê để phụ mẹ thu hoạch mùa rau, cà. Một phần tôi cũng muốn thật nhanh được gặp anh để xua tan nỗi nhớ.

Cuộc sống thật trớ trêu, tôi về nhà thì anh cũng đã đi vào Sài Gòn, nghe mẹ tôi nói anh được nhận làm trưởng phòng của một công ty lớn của nước ngoài nên phải vào đó nhanh chóng. Đúng là tôi với anh "Vô duyên đối diện bất tương phùng."

Trở vào Sài Gòn yêu dấu mang theo nắng gió miền trung, tôi lao đầu vào học tập vì đây năm cuối. Trời ơi! Cái mớ sắt, thép, máy móc này làm tôi điên quá! Nhìn tôi với Nga trông hai đứa thấy thảm, ba mẹ Nga đi công tác nên Nga kêu tôi chuyển qua nhà ở chung, mặc dù là con gái cả mà nhà cửa không khác gì bãi rác, sách tập mỗi nơi mỗi cuốn, mì tôm, đồ hộp bày khắp bếp. Trông chúng tôi không khác gì hai bộ xương di động, giờ mới thấm thía cái cảnh "sinh viên năm cuối", tôi với Nga cùng thề sau này không bao giờ cho con cái mình theo học ngành này. Chỉ vì ai kia mà cuộc đời tôi thật thảm, cơ với chả khí. Đúng là ăn không khí nên chỉ còn lại cơ xương!

"Lâu lắm mới gặp em." – Cái giọng mà tôi không bao giờ quên, cái giọng chứa tính gia trưởng, bảo thủ đó. Nhìn anh thật khác, anh không còn đeo mắt kiếng nữa, tóc cũng để khác, trắng hơn, nhìn đàn ông hơn.

"Vâng, lâu lắm mới gặp, hơn hai năm trời rồi."

"Mà sao nhìn em..."

"Thảm quá hả? Nhờ ơn anh cả, ăn không khí với sắt thép không nên thành vậy đây."

"Sinh viên năm cuối còn nhiều điều thú vị lắm em! Mà anh phải đi đây, anh chuẩn bị có cuộc họp, tạm biệt em."

"Gặp lại anh sau."

Vẫn như thế, tôi chẳng bao giờ dám nói hai từ tạm biệt!

07.

Năm cuối cũng kết thúc, xa mái trường, vĩnh biệt cuộc sống sinh viên, tôi và Nga đều được nhận vào làm ở một công ty, chúng tôi làm bên xuất nhập khẩu các loại máy móc.

"Chào giám đốc, không biết anh xuống đây có chuyện gì?"

"Tôi muốn kiểm tra một số loại máy thôi."

"Hà dẫn giám đốc đi kiểm tra máy móc nhập về kìa em"

Tính uống ly cà phê cho tỉnh ngủ vì tối qua mất ngủ, giờ đây tôi không cần uống cũng tỉnh luôn, hai từ "giám đốc" văng vẳng bên tai, giờ anh đã thành đạt thật rồi, vậy là lâu nay tôi làm chung công ty với anh mà không biết gì luôn. Đây có được gọi là duyên phận không nhỉ?

"Em thấy công việc ra sao?"

"Cũng tốt anh à."

"Tối nay qua nhà anh ăn cơm nhé, ngày nào mẹ cũng nhắc em đấy. Được chứ?"

"À... vâng."

...................................

"Bộ bình thường nhà anh cũng lung linh vậy hả?"

Bước vào nhà anh mà tôi cứ tưởng mình nhìn nhầm, anh có bao giờ chơi cái kiểu sắc màu vậy đâu! Đồ đạc, trang trí, màu sơn nhìn nhà y như bảy sắc cầu vồng

"Mà bác đâu rồi anh?"

"Mẹ về quê rồi em."

"Thế em đến đây chơi với không khí sao?"

"Chơi với anh không được sao?"

Câu trả lời của anh khiến tôi mới biết mình nói lố. Đến chơi nhà anh mà tôi chẳng thể mở miệng ra hỏi được gì, bình thường tôi nói nhiều lắm mà!

"Hà này, em đã yêu ai chưa?" – Câu hỏi anh làm tôi ngạc nhiên, đúng là trước nay anh không biết gì về tình cảm của tôi.

"Yêu rồi."

"Vậy cưới anh đi."

Câu nói của anh nhẹ tan vào không khí, không lẽ tôi nghe nhầm? Anh vẫn đứng đó nhìn ra cửa sổ không hề quay đầu lại.

"Em sẽ cưới anh chứ?"

"Anh biết em yêu ai không mà hỏi cưới em?"

"Ngoài anh ra em không thể yêu ai được nữa đâu.Thề đấy!" – Anh quay lại nhìn tôi với con mắt như đầy thách thức, tôi còn rất sốc với câu trả lời của anh, thật không ngờ anh tự tin đến vậy!

"Em đồng ý chứ?"

"Đây là cầu hôn sao?"

"Một có, hai không. Im lặng là có"

"Anh đừng tự mình áp đặt lên người khác vậy chứ, em xin phép, em về đây?"

Anh bất ngờ ôm tôi từ sau lưng: "Trả lời anh đi rồi em muốn đi cũng đâu có muộn."

"Em...."

Anh đặt lên tôi một nụ hôn nhẹ, 23 tuổi và đây là nụ hôn đầu đời của tôi, cảm giác cứ như có ngàn cáng hoa đang nhè nhẹ bay ở trong lòng, không uống rượu vậy mà tôi lại như người xỉn.

"Vậy là em đồng ý nhé."

Tôi thật không ngờ anh là người như vậy, biết rằng anh cố chấp nhưng giờ anh còn rất thích làm việc theo ý mình. Một người bạn có thể gọi là thanh mai trúc mã, một người anh, một người tôi chỉ biết hướng về từ bé, cứ tưởng tôi đã hiểu thật rõ vậy mà đứng trước anh hiện tại tôi lại không hiểu anh đang nghĩ gì.

"Em yêu anh"

08.

Cưới nhau được bốn năm thì mẹ anh mất, tôi cũng đã sinh bé Na được ba tuổi nhưng nỗi đau chưa qua thì tai ương ập đến, anh bị khởi kiện ra toà vì tội tham nhũng.

Hôm nay trời Sài Gòn mưa to bất chợt, lái xe vội vã đến toà, đi qua những con đường quen thuộc mà tôi và anh vẫn hay qua những ngày xưa... Nhớ!

"Toà tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Lâm tám năm tù."

Câu nói xé nát trái tim tôi, tám năm, những tám năm, tám năm tôi sẽ sống không anh bên cạnh. Nước mắt bất giác cứ vậy tuôn ra...

" Anh sống trong đây thấy đã quen chưa?"

" Em có hận anh không?" – Nhìn bộ dạng tiều tuỵ của anh bây giờ tôi không sao cất nên lời, hận ư?

" Em rất hận em, hận em vì là vợ anh mà không thể ngăn cản những gì anh làm."

" Anh yêu em, yêu con nhiều lắm!"

Lái xe trên đường về nhà, tôi cứ suy nghĩ mãi câu anh nói, đó là lần đầu tiên anh nói yêu tôi. Tình yêu anh trao tôi chưa bao giờ thể hiện ra bên ngoài, chưa một lời nói ngọt ngào, chưa một món quà đắt tiền nhưng đâu nhất thiết cứ thể hiện ra bên ngoài mới là tình yêu, yêu thầm lặng, quan tâm thầm lặng cũng là một cách yêu mà! Chẳng phải tôi cũng luôn yêu thầm lặng đó sao.

2 giờ sáng, vẫn không ngủ được vì thiếu vắng một mùi quen thuộc, tôi nhớ anh đến cồn cào, nhớ hơi ấm anh, nhớ những lúc anh mê đá bóng hò hét đến nỗi tôi phải cãi tay đôi với anh, nhớ cả mùi bia rượu say xỉn của anh. Toan tính lấy chai rượu nhỏ vài giọt lên gối cho dễ ngủ thì bỗng tiếng điện thoại reo chuông làm tôi lo lắng lạ thường, cảm giác có gì không ổn.

"Là chị Nguyễn Thiên Hà phải không, chúng tôi gọi chị từ trại giam, chồng chị anh Nguyễn Thanh Lâm đã tự tử ngay trong trại giam."

Buông lơi...

 

Ngày đăng: 12/07/2014
Người đăng: Nguyễn Hoa
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Mật ong rừng chuẩn thơm ngon sạch của Điện Biên
Love and to be loved
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage