Gửi bài:

Nếu tôi được sinh ra lần nữa

Khoảnh khắc tôi xoay lưng lại, thế giới bỗng nhiên khác đi. Cô gái có đôi môi đỏ thắm, viền môi cong lên như cánh én. Mái tóc vàng xõa lăn tăn xuống vai, ôm lấy cái cổ trắng bột phấn. Gò má cô ta ửng hồng. Tôi nhìn lạ lẫm vào khuôn mặt trắng toát nổi bật lên đôi mắt đen láy với hàng lông mi cong vút.

Và cô gái trong gương nhìn tôi bằng cặp mắt khó hiểu.

***

neu-toi-duoc-sinh-ra-lan-nua

Mười tám năm trước, có một đứa trẻ ra đời trong căn nhà này. Khối thịt sống đó giống như hiện thân cho nỗi khát khao cháy bỏng của đôi vợ chồng trẻ sau mấy năm liên tục người vợ sinh hỏng. Khỏi phải nói cả nhà tôi đã vui mừng như thế nào. Ngay cả vị bác sĩ vốn rất lo lắng cho sức khỏe của mẹ tôi cũng không thể ngờ được rằng bà lại sinh hạ một đứa trẻ lành lặn, khỏe mạnh đến như vậy. Nghe nói lúc đó ba tôi mừng rỡ đến nỗi đã chạy khắp bệnh viện và nhấc bổng tất cả mọi người ông gặp, kể cả một bệnh nhân béo phì nặng 150kg. Mẹ tôi chỉ ngồi im trên giường, nước mắt chảy giàn giụa vì hạnh phúc.

Tôi lớn lên trong tình yêu thương đặc biệt của ba mẹ tôi. Có nghĩa rằng, tôi được đào tạo để trở thành một đứa trẻ toàn vẹn nhất. Ba mẹ cho tôi tất cả, không, hơn cả những gì cần thiết. Bởi vì trong đó có những thứ bản thân tôi thấy không cần.

Năm tôi bắt đầu bước vào trường học, ba tôi đã có một kế hoạch dạy dỗ rất nghiêm khắc. Mỗi ngày tôi phải dậy sớm chạy bộ mười lăm phút, rồi tập theo những động tác mà ba tôi chỉ định. Ba tôi là võ sư Thái Cực Đạo, ông có một lớp dạy võ cho thiếu nhi trong xóm. Đệ tử của ba tôi rất đông và được tuyển chọn kỹ lưỡng, nhưng chắc chắn vì bất đắc dĩ nên ông mới phải dạy dỗ một người khó ngộ như tôi. Tôi học trước quên sau, biết chỉ để đối phó với ngọn roi của ba tôi. Chẳng hiểu sao, tôi sinh ra khỏe mạnh, nhưng không hề có niềm đam mê nào đối với các môn thể thao. Đúng thật là một chút năng khiếu tôi cũng không có, nên việc tập tành đối với tôi là một cực hình.

Trong số những thằng đệ của ba tôi có một đứa trạc tuổi tôi nhưng rất cao to, da ngăm ngăm đen và khá hiếu động. Trong khi mọi người đi vào nhà bằng cổng sau, nó lúc nào cũng xuất hiện từ phía trên những cành cây ổi. Nó trèo tường lên cây ổi nhà tôi không biết bao nhiêu lần, cả những lúc ba tôi không có mặt ở đó. Mục đích là để vặt hết những trái ổi ngon lành mà nó biết chắc là mẹ tôi không bao giờ cho phép tôi lên hái.

Có lần tôi thử một mình trèo lên cái cây đó. Lần thứ nhất tôi ngã úp mặt xuống đất. Lần thứ hai tôi leo được xa hơn, nhưng nửa đường phải dừng lại để kéo quần, nên tuột tay rơi xuống. Đến lần thứ ba, tôi rút được kinh nghiệm ôm cái cây chặt hơn. Ngờ đâu tôi dặm phải tổ kiến, những con kiến vàng to đùng bò vào trong quần áo khiến tôi phải bỏ cuộc, chỉ biết ngước nhìn một cách thèm thuồng. Đúng lúc đó, thằng nhỏ đáng ghét xuất hiện phía bên kia bờ tường, nó nhe răng cười tôi, rồi thoăn thoắt trèo lên cây ổi. Nó hái một trái ổi chín to nhất rồi đáp xuống trước mặt tôi.

- Cho mày.

Tôi đưa tay ra lấy nhưng nó rụt lại, giấu quả ổi sau lưng.

- Tao có một điều kiện.

- Đó là cây ổi nhà tao. Nhưng mà... điều kiện gì? – tôi thực sự chỉ muốn có được trái ổi.

- Mày phải dạy trước những chiêu thức mà sư phụ dạy mày cho tao. Tao muốn tập trước những đứa khác.

- Được! – nước dãi tôi tứa ra khi mùi ổi thoảng qua - Nhưng tao chỉ dạy cho mày một lần.

- Ô kê.

Nó đưa trái ổi ra. Tôi chụp lấy nhai ngấu nghiến. Đó là lúc nó và tôi bắt đầu một mối quan hệ.

Từ hôm đó, ngày nào nó cũng sang hái ổi cho tôi ăn, và cứ đến chiều hai đứa lại ra bờ sông để tôi biểu diễn lại những gì ba dạy riêng cho tôi, những chiêu thức mà tôi chắc chắn rằng nếu không truyền lại cho nó trước sau gì tôi cũng quên.

Nó học rất nhanh, tôi chỉ phải dạy qua có một lần, nó đã nhớ và thậm chí còn làm tốt hơn tôi. Nhưng số trái ổi trên cây có hạn, mà lòng ham muốn của nó thì vô hạn. Đến một lúc, bỗng dưng nó đi tay không đến tìm tôi, vẻ mặt giống như một đứa trẻ đang ăn kẹo, ăn nửa đường thì viên kẹo rớt mất.

- Mày có thích con ve sầu không?

- Con ve sầu là con gì?

- Ngu. Ve sầu mà cũng không biết. Thế này nhé, mùa hè đến mày thường nghe thấy tiếng kêu râm ran trên cây phượng, đó chính là tiếng kêu của con ve sầu.

- Thì sao?

- Tao sẽ bắt cho mày một con ve sầu. Đổi lại mày phải dạy tiếp cho tao mười ngày. Vì một con ve sầu có giá trị bằng mười trái ổi.

Tôi đồng ý. Thành thật mà nói đối với tôi một con ve bằng 10 hay 20 trái ổi cũng không có nghĩa lý gì. Tôi muốn có ai đó cùng chơi. Mỗi lần tập xong, tôi rủ nó chơi đồ hàng, tôi tự làm một con búp bê bằng rơm (tất nhiên là giấu ba tôi) và cho ăn cơm bằng đất và cỏ gấu. Nó nói là búp bê không cần ăn cơm mà chỉ cần rót xăng đầy đủ để đi đánh nhau. Có lần nó bảo con chó là quái vật, và nó quăng búp bê của tôi vào con chó, kết quả là đồ chơi bị cắn tan nát, tôi ấm ức suốt mấy ngày. Tôi ít khi khóc, mặt mũi chỉ lầm lì mỗi khi tức giận, nó muốn lấy lòng tôi nên sau đó đã mang đến rất nhiều con ve sầu để chuộc lỗi.

Tôi giữ những con vật rất kĩ trong một cái hộp, đi đâu tôi cũng mang theo. Một hôm, trên đường đi học về, tôi bị thằng mập chặn lại. Thằng mập nói muốn mượn cái hộp của tôi chơi vài ngày. Tôi biết tỏng nó mượn là lấy luôn không bao giờ trả, nên tôi ôm khư khư cái hộp. Suýt nữa là nó đấm tôi thành công. Nắm đấm của thằng mập cách tôi khoảng mấy phân thì bị một cánh tay cản lại. Thằng nhỏ xuất hiện, nó bẻ tay thằng mập và tọng vào cái bụng mỡ một cú trời giáng. Không ngờ nó mạnh thế, thằng mập lồm cồm đứng dậy, trả đũa bằng một cú đá nhưng không trúng đích vì nó né rất nhanh. Chỉ trong thoáng chốc đã thấy thằng mập biến đi đâu mất. Tôi nhìn vị anh hùng vừa cứu tôi, thấy nó nhe răng cười như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Nó khoe với tôi vừa dùng những chiêu thức tôi dạy để hạ đo ván đối thủ. Nghe vậy, tôi cảm thấy rất hài lòng.

Thời thơ ấu của tôi trôi qua như vậy, đôi lúc chúng tôi chơi cùng nhau, nhưng nó chơi đường nó, tôi chơi đường tôi, vậy mà hễ thiếu nhau thì không được. Ngày nào nó cũng ngồi trên cây ổi gọi tôi ra. Và ngày nào không có nó sang thì tôi lại cảm thấy bứt rứt. Tôi tập võ cho nó cũng thành một bổn phận, và bây giờ nó không còn phải đem ổi và ve sầu ra dụ dỗ tôi nữa.

Có một dạo, nó rủ tôi đi đá banh. Tôi không mấy hứng thú với những trò chơi của nó, nhưng không hiểu sao mỗi lần nó rủ là tôi chạy theo ngay, cảm giác như tôi không thể khước từ nó vậy. Trận đấu diễn ra. Tôi bên nó. Tôi không biết lùa banh. Trái bay banh theo một quỹ đạo rất vớ vẩn. Tôi làm mất nhiều cơ hội. Nó nhìn tôi ngao ngán, nó nói:

- Người gì không biết leo cây, cũng chẳng biết đá banh.

Máu tôi dồn lên mặt. Tôi vừa tủi thân vừa xấu hổ, nước mắt chỉ chực trào ra. Nhưng nó đã quay lại với đội bóng, chẳng mảy may quan tâm tới cảm xúc của tôi. Hình như với tâm trạng bực dọc, nó sút thật mạnh, trái banh bay thẳng vào xà ngang cầu môn. Cuối cùng, người lãnh trọn cú dội vào mặt là tôi.

Tôi ngã ngửa ra nhìn lên trời. Bầu trời quanh quẩn những đám mây mờ ảo, xám xịt. Nó chạy đến, hoảng hốt khi thấy máu và nước mắt tôi trào ra. Hôm đó, nó cõng tôi về nhà, tôi biết nó làm thế vì sợ mẹ tôi la rầy. Còn tôi, tôi khóc nào có vì đau. Giá nó hiểu được rằng chính thái độ của nó mới là điều làm tôi rơi nước mắt.

Học cấp hai, tôi với nó chung trường, chung lớp. Vì nhà tôi xa hơn, ngày ngày tôi phải sang chở nó đi cùng. Chưa một lần nào thấy nó đèo tôi một cách tự nguyện, mặc dù nó to xác hơn tôi nhiều. Một thời gian dài tôi phải vất vả đạp xe dưới trời nắng, có lắm lúc tôi tự bảo hay là thôi đừng cho nó theo nữa, để nó đi một lần cho quen, nó cũng có xe mà. Nghĩ thế nhưng rồi tôi cũng tự buồn cười vì biết mình chẳng bao giờ đi đâu mà thiếu nó được. Tôi vô lý bằng cách tìm ra những cớ có lý để bắt nó phải đèo. Một hôm tôi tự xả hết hơi lốp xe của mình. Một hôm khác nữa, tôi táng chân vào đá để cho máu chảy ròng ròng. Nó phải đi ngược lại một đoạn để đón tôi, dĩ nhiên là với vẻ mặt cau có. Những lúc đó tôi quan sát thấy nó đạp xe với phong cách uể oải đặc biệt, giống như đang làm ơn cho ai mà biết chắc sẽ không được đền bù.

Trong lớp, nó học rất kém môn tiếng anh. Còn tôi thì là cán sự bộ môn này. Cô giáo bảo tôi giúp đỡ nó, trong vòng hai tháng phải đôn đốc nó lên được năm phẩy. Tôi quăng cho nó mấy cuốn sách, nó đọc đâu được vài chữ thì bắt đầu lảng sang chuyện khác. Nó nói một hồi cũng đến lúc tôi không tài nào trở về điểm xuất phát được nữa. Biết tôi khó khăn trong môn toán, nó ra sức dụ dỗ, bảo rằng sẽ làm bài tập giúp tôi, nếu tôi cho nó nghỉ một bữa để đi đá banh. Rốt cuộc, đến ngày mai tôi mới là người phải làm vội vàng bài tiếng anh để nó không bị cô giáo phạt.

Lớp thành lập đội bóng đá, tất nhiên là không thể thiếu nó. Ngày nào nó cũng đi từ sáng sớm, đến trưa về đi học với bộ quần áo xộc xệch. Cô giáo kiểm tra bài học, bài tập gì nó cũng đều không thuộc, chưa làm, hoặc bỏ quên tập ở nhà. Tan học tôi đi tìm nó nhưng không thấy vì nó tót đi ngay sau khi tiếng trống đầu tiên vang lên. Tôi đành mang sách sang tận nhà, chờ mãi đến tối mịt mới thấy nó về, người ngợm bẩn thỉu và bốc mùi. Ngày nào cũng vậy, riết rồi tôi thấy bực mình, tôi nói với nó rằng nếu đá banh hoài mà không học hành, tương lai sẽ chẳng nên việc gì đâu. Nghe đến đó, nó phá lên cười, chê tôi yếu đuối. Nó nói người như tôi, chẳng qua không thích thì không làm, chứ không nghĩ xa được như vậy.

Hôm sau, từ sáng sớm nó đã kêu í ới ở dưới nhà đánh thức tôi dậy. Nó bắt tôi cũng phải ra sân tập, ít ra là chứng kiến cảnh nó lăn xả, để cho tôi một "bài học". Tôi cười buồn, bài học gì, giá nó biết tôi có thể đánh đổi mọi thứ để có được sở thích bình thường như nó.

Khi chúng tôi đến nơi, cả khoảng sân rộng chỉ có mấy cái lá bàng rơi. Chẳng ai lại đi sớm về trễ giống như nó. Hóa ra nó kêu tôi đến để chụp banh, vì nó đã chán tập cùng với cái gốc cây. Tôi bị đẩy vào giữa khung thành, trở thành thủ môn bất đắc dĩ.

Cứ thế, tôi không đá, mà cũng đi sớm về muộn giống như nó. Tay, chân, mặt, mũi tôi đầy những vết bầm, trầy xước. Khổ một điều là, ba tôi lấy đó làm vui, ông nói: "Vết thương tạo nên con người gan góc. Ba ủng hộ con." Mẹ tôi hỏi: "Thế còn việc học?" Ba tôi chắc như đinh: "Nó tự sắp xếp được!"

Được mấy ngày, tôi trở nên ớn lạnh việc bị trái banh lao thẳng vào mặt nhưng vẫn thản nhiên như không có gì. Tôi nhẩm đếm từng ngày đến hội thao, mong nó qua sớm để tôi được yên thân. Rồi tôi cũng được thỏa nguyện theo cách khác, hôm đó nó bị ốm, mấy ngày sau cũng không thấy mặt mũi ở trường. Ngày đầu tiên không có nó, tôi thoải mái đọc sách, xem phim, nấu ăn, tận hưởng ngày chủ nhật, nhưng đến chiều, tôi bắt đầu thấy sao một ngày lại dài quá. Tôi cứ đi ra đi vô ngôi nhà trống trải, tự hỏi bây giờ nó đang làm gì, cái con người thích bóng bánh ấy. Hôm sau nó không đến lớp, tôi càng sốt ruột hơn nữa. Tôi chạy sang nhà nó, cửa chính đóng kín, tôi nhìn qua cửa sổ, thấy nó nằm trong một đống chăn mền lẫn lộn. Bà ngoại nó ra đóng cửa, nói với tôi rằng đến giờ nó xông, vì cả người nó nóng như lò thiêu. Bà nói lát sau tôi hãy quay lại nếu không muốn thấy nó chết vì trúng gió.

Nhưng rồi đến tối hôm đó và cả ngày hôm sau nữa, tôi bị cách ly ở nhà bởi một cuộc điện thoại của cô giáo. Cô than phiền dạo này tôi học hành sa sút, bài kiểm tra chẳng ra hồn. Ba tôi thở dài, đi lấy roi mây. Ba đánh mà tôi chẳng thấy đâu, chỉ thấy mâu thuẫn. Rốt cuộc ba cấm hay là không cấm tôi, tôi được phép làm gì, tôi thích điều gì mới là đúng đắn đây?

Tôi ở nhà một mình, chơi với đàn kiến. Mẹ tôi nói cứ thấy kiến ra khỏi tổ nhiều là biết chắc trời có mưa. Tôi lại nghĩ đến việc nó ốm nằm co ro ở nhà mà bên ngoài gió mưa lạnh lẽo, chắc nó khó chịu. Nhưng tôi đang muốn nó bệnh thật lâu cơ mà, nếu không ngày nào nó cũng bắt tôi đi tập, bắt tôi chịu những cú đá thánh thần như vậy...

Nó khỏi bệnh trước khi tôi kịp đến thăm. Tôi hỏi nó không hiểu những bài tập nào. Nó hỏi ngược lại tôi: bao giờ đội bóng ra sân thi đấu? Tôi nói rằng còn lâu lắm, nó cứ nghỉ ngơi cho khỏe trước đã.

- Nhà cách mấy bước chân, tao bệnh liệt giường mà chẳng thấy nổi cái mặt mày. Mày lo gì cho tao đâu, có mày sợ phải đi chụp banh thì có.

Rồi ngày đó cũng đến. Tôi đi cổ vũ nó. Tôi cầm hai chai nước, điềm tĩnh giữa một đám con gái la hét chí chóe. Để đẹp đội hình, tôi bị đẩy xuống làm hậu cần, rồi cuối cùng ngồi ở vị trí lề đường làm khán giả, nhưng như thế cũng tốt, vì tôi có mê bóng đá chút nào đâu, tôi chỉ đi vì ở đó có nó, vậy thôi. Từ đầu đến cuối, trong khi người ta theo dõi trái bóng, thì tôi chỉ quan sát nó, nhìn vẻ mặt nó say mê vào trận đấu, cách nó vuốt tóc sau một pha mất bóng, hay lúc mặt nó đỏ lên khi được lũ con gái gọi tên, tự nhiên tôi thấy vui vui. Phút nó ghi được bàn thắng, tim tôi đánh xà bần nhưng tôi cố gắng kiềm chế để không hét lên. Tôi đứng phắt dậy chạy ra sát đường biên, nơi cả đội đang tung bổng nó. Điêu nó làm đầu tiên khi thấy tôi giữa đám đông là xô mấy đứa kia ra, nhảy phốc lên lưng tôi rồi nắm lấy đầu tóc mà xù. Cả hai đứa té cắm đầu xuống đất, miệng tôi ngậm một nắm cỏ đất lẫn lộn nhưng tôi thấy vui hơn bao giờ hết khi biết tôi luôn là người đầu tiên mà nó muốn chia sẻ cảm xúc.

Nhưng chẳng được bao lâu, đội nó thủng lưới một bàn. Rồi bàn thứ hai, thứ ba liên tiếp. Thủ môn đấm tay xuống đất buông xuôi. Kết quả đội nó thua 3-1, đó cũng không phải là điều tôi để tâm. Tôi chỉ thấy lạ, lẽ ra nó phải suy sụp. Thay vì thế, nó nhìn sang phía tôi, khẽ mỉm cười. Tôi ra hiệu cho nó lại gần nhưng thật kì lạ, nó cứ đứng đó mà cười. Một hồi lâu, nó bỏ đi uống nước, mặc tôi một mình. Khi tôi quay lưng bước đi, tôi lờ mờ thấy trong đám đông vây quanh các cầu thủ có một con nhỏ chốc chốc lại quay sang bên này, nhưng khi nó bỏ đi thì cũng thôi không nhìn nữa.

Tôi chặn đầu nó với hai chai nước trên tay. Nó không nói gì, bình thản mở nắp chai mà dốc nước từ đầu xuống chân. Bây giờ nó mới lộ ra vẻ thảm hại của một kẻ bại trận. Cho đến lúc này tôi vẫn nghĩ có lẽ đứng trước tôi nó không bao giờ có thể che giấu được cảm xúc của mình.

- Mày thiếu chút may mắn. – Tôi nói chuyện với cái đầu tóc rũ rượi của nó, vì mắt nó đang nhìn đi đâu. – Tao nói zậy cũng không phải khen mày hay, tại theo tao thấy mày làm lỡ nhiều cơ hội.

Tôi cười: "Nhưng tao cũng khoái bộ dạng khi chụp ếch của mày J"

Nó liếc tôi, cười nửa miệng:

- Xịt, mày mà cũng bình luận về bóng đá nữa hả?

- Tại sao tao...

- Bạn chơi tốt lắm! Bạn là Bình phải không?

Con nhỏ lúc nãy chợt xuất hiện trước mặt tôi. Nhỏ có cái bím tóc dày vắt qua một bên vai. Con mắt của nhỏ long lanh sáng. Theo tôi được biết những người nào có mắt long lanh thường sống nội tâm, ít nói nhưng toan tính nhiều. Tôi cũng thấy rằng những người đó có một sức hút rất lớn và khó cưỡng.

Bỗng dưng nó, hành động với thái độ khác hẳn ngày thường. Nó trả lời những câu hỏi của con nhỏ một cách rất ấp úng. Nó cũng không dám nhìn vào mắt con nhỏ. Qua cái khoác tay lên vai tôi một cách vụng về, tôi có thể cảm nhận từng đợt run rẩy cũng như sức nặng của toàn bộ cơ thể nó dồn vào một điểm tựa duy nhất, đó là tôi. Tôi cố tìm đôi mắt nó đế hiểu xem nó đang nghĩ gì, nhưng thất bại.

Con nhỏ nói lời tạm biệt, quay đi. Tôi hỏi nó: "Mày làm sao?" Nó lắc đầu bảo không có gì. Nhưng tôi biết chắc nó có gì. Ngay cả lúc nhỏ đã đi xa, có lúc tôi vẫn thấy nó ngoái đầu lại nhìn. Rồi nó cười, nụ cười tủm tỉm lúc nãy. Nó tưởng không ai biết.

Tôi chở nó về nhà, với lời nhắc nhở đi ngủ sớm. Lúc về, một con chim sẽ gãy cánh nằm giữa đường, tôi nghiến răng đạp. Bánh xe cán qua mình nó, nát bét. Tôi nhìn những sợi lông tả tơi mà tự dưng ứa nước mắt.

...

Trên đời, có những chuyện chúng ta không làm chủ được, ngay cả điều đơn giản nhất đó là quyết định cuộc sống của chính mình.

Tôi rất bình thường, sống khỏe mạnh, không ốm đau. Tôi có ba có mẹ, có cơm để ăn, có áo để mặc. Tôi đến trường có bạn bè. Nói chung những gì người ta có tôi cũng có, kể cả tình thương yêu. Vậy mà chỉ có tâm tư tôi là không thể định đoạt. Tôi từng nói với mẹ tôi rằng nếu một ngày đứa con của bà trở thành một người khác, thì ba mẹ có quyền đuổi tôi đi, bởi đó chắc chắn là lỗi lầm của bản thân tôi mà thôi.

Câu chuyện đời tôi ví như một bức tranh phong cảnh bình thường cho đến tuổi 18 khi trời bắt đầu chuyển gió. Thực tế có những chuyện nói ra thì khó nhưng giữ trong lòng thì ấm ức. Dẫu sao vẫn chỉ có thể chờ đến một lúc nào đó.

Những buổi trưa tháng tư, nó không còn đi chung xe với tôi nữa. Mặc dù nó dặn tôi không cần phải qua nhà rủ, tôi hàng ngày đi ngang vẫn liếc nhìn vào trong để xem liệu nó có quên giờ đi học. Và cũng như bao lần, nếu không thấy bóng dáng nó, tôi cứ đứng trước cổng trường mà chờ đợi trong thấp thỏm.

Nó đến, trong bộ áo ướt sũng mồ hôi, giống như đạp xe đến trường là một việc quá sức. Tôi nhận ra ngay được điều khác lạ: nó vui vẻ dễ chịu hơn mọi ngày. Nó không cằn nhằn trời nắng hay tất cả mọi thứ. Nó không vứt chiếc xe ngổn ngang vào một góc mà cẩn thận xếp lại ngay ngắn, còn lấy khăn ra lau lại cái yên. Chiếc xe đạp của nó hôm nay trông bóng bẩy một cách lạ thường, điều mà nhìn vào có thể thấy ngay không phải thuộc về con người nó trước kia.

Lần đầu tiên tôi không thể đoán ra vì sao nó thay đổi. Đương nhiên phải có điều gì đó nó giấu tôi, là gì mới được – tôi cứ lầm lì tự hỏi. Rồi tôi cũng có câu trả lời.

Tôi bắt gặp nó chở nhỏ đi trong một buổi sáng chủ nhật, lúc tôi được mẹ sai đi chợ. Tụi nó giả vờ như không thấy tôi cho đến khi tôi lại gần, gần đến nỗi tôi có thể thấy rõ nét hoảng hốt trên gương mặt nó. Trông hai đứa như những con mèo ăn vụng bị bắt quả tang.

Thì ra bây giờ nó đã có người khác đi cùng xe. Con nhỏ lúc trước ở sân bóng, học trường khác, xa hơn đường đến trường tôi, vậy mà nó vẫn rước đi hàng ngày, không một lời kêu ca. Tôi vẫn còn nhớ như in vẻ mặt của nó khi nhìn thấy bàn chân quấn băng trắng toát của tôi, cái vẻ mặt đầy trách móc. Thật khác xa so với lúc này. Bỗng nhiên một cơn uất ức nảy nở rất mãnh liệt trong tôi, nó như muốn đẩy hết nước mắt tôi trào ra. Tôi nắm chặt bịch rau muống trong tay, chỉ muống quăng thật mạnh vào người hai đứa nó. Nếu nó không kịp chào tạm biệt, có lẽ tôi đã hành động. Chắc nó ngạc nhiên không hiểu vì sao tôi nhìn con nhỏ chằm chằm, và nó sợ khi thấy ánh nhìn đó không bình thường chút nào.

Lý trí giữ tôi đứng yên. Nó đi rồi nhưng tôi vẫn nghe thấy tiếng chuyện trò.

- Đó là bạn thân của Bình hả?

- Ừ. Từ hồi nhỏ.

- Bạn đó giỏi nhỉ, biết cả đi chợ.

- Ừ, nó còn biết nấu ăn, vẽ tranh, làm thơ nữa...

Tiếng cười nói xa dần. Ngọn lửa trong tôi dịu lại. Tôi chợt nhận ra mình thừa thãi và vô duyên biết bao nhiêu. Vì sao tôi có những cảm xúc lạ lùng như vậy? Chính tôi cũng không lý giải nổi mình.

Tôi về nhà, đưa mẹ bịch rau muống dập nát. Chưa bao giờ mẹ tôi mắng tôi xối xả đến như vậy. Nhìn cảnh đó, ba tôi lắc đầu, nói rằng mẹ tôi không biết dạy con. Hôm đó vì tôi mà hai người to tiếng với nhau. Sau đó ba tôi cấm không bao giờ cho tôi đi chợ nữa.

...

Như mọi ngày, tôi buồn rầu dắt xe ra khỏi cổng. Hôm nay bà ngoại dẫn nó về quê, nó nghỉ học mất hai ngày. Tôi thấy trống trải ghê gớm. Nhưng dù có nó ở đây, nó cũng có còn đi chung với tôi nữa đâu. Giờ nó đạp xe với con nhỏ rồi, con nhỏ tất nhiên nhẹ hơn tôi, cũng không lắm chiêu trò để bắt nó phải đèo. Nghĩ đến đó, tôi thấy lòng sao mà cay đắng.

- Xin lỗi, bạn có phải là bạn thân của Bình không?

Tôi ngẩng cái mặt đang cúi gằm lên nhìn. Con nhỏ đứng trước cồng trường, tay cầm một hộp giấy gói kín.

Nhỏ đưa tôi cái hộp. Nhỏ nói đó là quà sinh nhật, nhờ tôi tặng nó. Bên trong chắc có thứ gì ăn được, vì nhỏ dặn tôi phải cất giữ cẩn thận ở nơi khô ráo. Tôi bực mình ấn cái hộp lại vào tay nhỏ.

- Bạn đi mà đưa cho nó. Tui không rảnh.

Tôi bận thật. Tôi còn phải làm quà sinh nhật cho nó nữa.

Nhưng con nhỏ vẫn khăng khăng. Nhỏ nói không gặp được nó ở trường, nên mới phải nhờ tới tôi. Mắt nhỏ nhìn tôi van nài. Nói thật rằng, những đôi mắt long lanh như kiểu con nhỏ làm tôi phát sợ. Tôi đành phải mang cái hộp về nhà.

Tôi tò mò nhìn cái hộp màu hồng được bao bọc kỹ lưỡng. Không biết có thứ gì bên trong? Nếu chỉ hé ra nhìn một chút, chắc không sao. Tôi có đủ kĩ năng để gói lại thậm chí còn đẹp hơn cả lúc gói quà chưa được mở.

Đúng như dự đoán, bên trong đầy ắp những chiếc bánh quy. Nhìn hình dạng méo mó của chúng, tôi nghĩ con nhỏ đã cố gắng rất nhiều. Tôi phì cười, con nhỏ đó chẳng có chút hoa tay nào. Những chiếc bánh, cái thì quá to, cái thì quá nhỏ, hoa văn lại không đều. Nếu là tôi không đời nào tôi để những thứ như thế vào một vật quan trọng như hộp quà sinh nhật.

Chiều hôm đó tôi nhào bột mì với trứng, nặn những cái bánh quy hình chữ cái. Tôi phết mứt lên trên đầu mỗi chữ, và xếp thành tên nó. Tôi đã dành cả buổi tối để trang trí sao cho trông chiếc hộp thật xinh xắn. Tôi chạy đi kiếm một tờ giấy trắng, rồi vẽ lên đó bức chân dung của nó thật đẹp để làm giấy gói. Tôi làm việc đó âm thầm ở trong phòng vì sợ ba tôi phát hiện. Ông chắc chắn sẽ đốt hết những thứ này đi nếu nhìn thấy.

Còn cái hộp giấy màu hồng của nhỏ bị tôi quẳng vào góc tường một cách không thương tiếc.

...

Hôm đó trời đẹp. Tôi đặt hai chiếc hộp lên bàn, một của tôi, một của nhỏ.

Tôi thấy nó nhẹ nhàng nâng cái hộp màu hồng lên, không vồ vập mà nâng niu. Dù nó cố gắng không cười, cố gắng tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng tôi biết đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời nó rồi. Tôi háo hức chờ đợi giây phút nó nhìn thấy những cái bánh xấu xí, không biết nó sẽ phản ứng thế nào, nhưng nó thậm chí không dám đụng đến lớp giấy gói.

Đến phiên món quà của tôi, nó xé tan hoang cái bọc mà tôi đã thức suốt đêm để làm trong tâm trạng hồi hộp. Nhìn những chiếc bánh quy hình chữ cái, nó lăn ra cười, cười mãi không dứt. Nó bảo tôi có sở thích kỳ quặc, chắc ngày xưa do mẹ tôi sinh ra tôi thiếu tháng...

Tôi đỏ mặt. Chẳng hiểu sao tôi không giận mà chỉ thấy xấu hổ. Biết vậy tôi không làm để rồi chẳng những không được cảm ơn mà còn bị nó cười cợt.

Chợt nó nhìn qua cửa sổ nhà tôi, phía sau nhà tôi là con sông. Không biết ở đó xảy ra chuyện gì, tôi thấy mặt nó tái đi.

Nó chạy vụt ra khỏi cửa, xô đổ cả cái bàn. Những miếng bánh quy vỡ tan nát, bột bánh và mứt vương vãi dưới sàn nhà. Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, cứ đứng nguyên cái tư thế lúc đưa hộp bánh cho nó.

Bình tĩnh lại, tôi chạy theo nó đến bờ sông. Ở đó có một đám du côn đang quây quanh một đứa con gái. Chính là con nhỏ. Tay nó ôm chặt một chiếc ví. Chắc lũ côn đồ muốn trấn lột. Tôi thấy nó chạy đến, xô ngã những tên ở giữa. Nó đứng chặn giữa con nhỏ và đám du côn.

- Tụi bây muốn gì?

Thằng du côn có vết sẹo khiếp đảm ngay má trái. Mắt nó giật giật mỗi khi nhếch miệng.

- Con nhỏ này xô đàn em tao té chảy máu, tao bắt nó phải đền.

- Mấy người đừng có đặt điều, tui chỉ vô tình đụng vào mấy người thôi? – con nhỏ vẫn nói lẽ phải – với lại, tui cũng đã xin lỗi mấy người...

- Đừng tưởng nói xin lỗi là xong với tao. Nếu không chịu đền, thì phải chịu đòn!

Con nhỏ ngồi bệt xuống đám cỏ, mặt mũi xanh lè. Nó quỳ bên cạnh ôm đầu nhỏ, đôi mắt như có lửa cháy.

Thằng du côn tiến lại, đập liên tiếp khúc gỗ lên mình nó. Nó đâu phải là đứa đơn giản, nó đỡ được hết. Ngày xưa nó cũng đã đỡ đòn của thằng mập để cứu tôi như thế. Nhận phải một cú đá của nó, khúc cây trong tay thằng kia băng ra. Thằng du côn điên tiết lên, năm đứa trong bọn đồng loạt tiến lại. Nó không chống trả nổi năm đứa. Nó đỡ cái đầu thì những tên kia đánh vào bụng. Nó quay sang phải thì bị những tên bên trái đánh lén. Nó xoay trở đủ kiểu, nhưng vì một tay vướng con nhỏ, cơ thể nó không được linh hoạt như bình thường nữa. Cuối cùng, một đứa trong bọn ra sức đạp nó lăn quay xuống đất. Con nhỏ gào khóc dữ dội, đầu tóc tung tóe lên. Tôi đứng chết trân nhìn tụi côn đồ lao vào đấm, đá, đạp nó túi bụi. Nó nằm xoài trên mặt đất, tay nắm chặt búi cỏ, cái đầu chốc chốc giật lên vì lực của những cú đánh. Thấy tôi đến, nó hét lên, bảo tôi chạy đi tìm người. Tôi đứng chôn chân tại chỗ vì quá sợ hãi. Con nhỏ nhìn tôi bằng đôi mắt van xin bất lực.

Những tên du côn gồng mình, cơ bắp của chúng nổi lên cuồn cuộn. Chúng lấy hết sức bình sinh giáng cú đòn cuối cùng. Nó chỉ kịp kêu lên một tiếng "ộc", rồi ngất lịm, máu vương vãi trên những ngọn cỏ nát bét. Con nhỏ khóc òa lên. Tôi nhắm mắt, tay nắm chặt. Những kí ức ngày xưa trong tôi tràn về, bên bờ sông, con búp bê bằng rơm rách nát, những miếng ổi đầy dấu răng ngổn ngang trên mặt đất. Đứa bé đang đứng khư khư bên chiếc hộp đựng những con ve sầu, trước mắt là thằng mập đang lao tới...

Tôi xông vào đám lộn xộn. Tôi như người đang lên cơn điên, không còn biết mình đang làm gì. Những cú đấm cú đá của tôi không đến được nơi mà nó mong muốn. Trong cơn cuồng dại, tôi nhớ tôi đã cắn vào tay của một thằng trong bọn, và ngay lập tức nhận lại một cú đạp vào bụng. Bọn chúng xách tôi lên rất dễ dàng, như xách một con mèo. Chúng đấm tôi bằng những quả đấm thoi sơn, những quả đấm buốt tới dây thần kinh. Tôi đau đến hoa cả mắt, máu mũi trào ra ướt hết áo. Tay chân tôi vung loạn xạ vào không khí khi ý thức của tôi bắt đầu mất dần. Dưới mặt đất cách tôi vài bước chân, mấy ngón tay của nó nhúc nhích. Bất thình lình, nó ngóc đầu lên, chụp lấy khúc gỗ bên cạnh. Tôi chỉ kịp thấy tên du côn có vết sẹo rú lên. Rồi những bóng người, tiếng bước chân, tiếng la hét. Đừng đánh nó, trong đầu tôi vang lên những tiếng kêu, đừng đánh nó, đừng đánh, đừng... Tôi không biết gì nữa.

...

Lúc tỉnh dậy, tôi ở một mình trong căn phòng nào đó. Những vết thương của tôi cũng không đến nỗi nào, chắc lúc đó phần vì sợ hãi mà tôi ngất đi. Thật điên rồ, tôi vốn biết rõ những hành động vừa rồi sẽ đem đến kết cục gì, vậy mà tôi vẫn làm như một người mất trí.

Bên ngoài vọng vào những tiếng nói. Tôi nhìn qua khe cửa khép hờ, thấy nó ngồi trước mặt một người mặc quân phục, còn năm tên côn đồ đang đứng cúi mặt dựa vào tường. Con nhỏ ngồi khuất phía sau, đầu tóc vẫn còn rũ rượi, nhưng cơ thể hoàn toàn lành lặn. Đôi mắt con nhỏ nhìn nó âu yếm. Hình như mọi chuyện đã giải quyết xong xuôi, tôi thấy nó đứng lên, chỉ về phía cánh cửa nơi có tôi đang nằm. Người công an gật đầu. Con nhỏ đi theo, nó ngăn lại, bảo con nhỏ đứng ngoài chờ.

Tôi nằm lại xuống giường, kéo chăn trùm kín đầu. Nó giật cái chăn ra, tôi giằng lại. Hai đứa cứ giằng co một cách buồn cười như vậy, cho đến khi nó phát nhẹ vào đầu tôi, hỏi rằng có phải tôi cũng thích con nhỏ không.

Tôi bật dậy, nhìn nó oán trách. Nếu có cách nào viết lên được ý nghĩ, có lẽ nó sẽ thấy chữ "không" hiện trên mặt tôi.

- Nếu không phải, thì mày đúng là làm liều.

- Tại sao?

- Mày đánh đấm dở òm.

- Còn mày đánh chắc hay!

Nó bật cười: "Tao thì phải hay rồi. Nhưng mày có võ mà. Không đánh được thì bấy lâu nay học võ để làm gì?"

Phải, tôi học võ để làm gì, nhớ lại mỗi lần bị ba tấn công, tôi chỉ biết đưa tay ra đỡ, một đòn đánh trả tôi cũng không có; rồi tập 10 phút xin nghỉ 1 phút, riết ba tôi cũng nản, ba bỏ bao cát lại cho tôi muốn làm gì làm. Tôi chưa bao giờ là đứa con theo cái cách mà ba tôi mong muốn. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là đau, đau thật sự, cả ngoài thể xác lẫn trong tâm hồn. Lần đầu tiên tôi mất hết lý trí để giành lấy một điều mà đến bây giờ tôi cũng không biết nên gọi nó là gì.

- Tao thay mặt bạn gái tao, cảm ơn mày, vì sự tỏa sáng bất chợt của mày.

Và đó cũng là lần đầu tiên nó cảm ơn tôi trong suốt mười năm qua. Mười năm – tôi và nó chỉ có những kỉ niệm được đóng dấu vào trong tôi. Nó làm sao biết được tôi đã thức khuya chép bài cho nó, mệt mỏi đến mức nào. Nó cũng không biết tôi đã cố gắng thuộc hết tiểu sử của 50 cầu thủ trong cái danh sách đó, từ rất lâu rồi, để mỗi khi nó thao thao bất tuyệt tôi có thể hiểu được nó đang nói về cái gì. Nó chắc đã quên những trái ổi, những con ve sầu, những ngày đạp xe nắng nóng, những hôm vật lộn với trái banh... Và có khi đến lúc nào đó mọi chuyện của ngày hôm nay, rồi nó sẽ quên, quên hết, bởi dẫu sao...

...

Tôi nằm bẹp, nghỉ học suốt một tuần liền. Mẹ tôi khóc thút thít, ba tôi liên tục thở dài. Hẳn ba mẹ tôi không ngờ được có một ngày tôi dám trở về nhà với những vết thương ghê gớm ở trên người. Lẽ ra ba đã cho tôi một trận đòn, nếu như mẹ tôi không cản lại. Nhìn mẹ thức suốt đêm, rục rã bên cạnh, tôi không nói nổi một lời. Sinh tôi ra, ba mẹ những tưởng đã được hạnh phúc. Nhưng tôi suốt ngày không làm vừa lòng những người đã có công dưỡng dục mình. Sau những lần cố gắng trở thành một con người như mong đợi, tôi hiểu ra mình không thể nào làm người bình thường, sống với những cảm giác bình thường. Tôi rõ ràng là gánh nặng. Bởi không thể phụ công ơn trời biển của ba mẹ, tôi chỉ có thể ước sao mình chưa từng được sinh ra...

Mẹ tôi đi nấu cháo, tôi nói với bà rằng tôi muốn được ở một mình. Lúc mẹ tôi bước ra ngoài, tôi vồ lấy những thứ son phấn trên bàn trang điểm của bà. Tôi xử lý gương mặt mình điên cuồng. Bây giờ, nếu bất chợt ba tôi trở về có lẽ tôi sẽ bị ông đánh cho đến chết.

Tôi nhìn hình ảnh hoàn toàn mới của mình trong tấm gương. Đó mới là con người thật sự của tôi. Trông tôi dịu dàng và xinh đẹp biết bao nhiêu... Cô gái có đôi môi đỏ thắm, viền môi cong lên như cánh én. Mái tóc vàng xõa lăn tăn xuống vai, ôm lấy cái cổ trắng bột phấn. Gò má cô ta ửng hồng. Mắt cô ta đen láy. Ai cũng nói tôi có đôi mắt đẹp, nó buồn và mơ mộng. Nó sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy tôi trong bộ dạng này? Một cô gái trắng trẻo, tóc vàng, môi đỏ, mắt đen thẳm như màn đêm. Cô gái đã yêu nó tự lúc nào chẳng hề hay biết. Chỉ có điều đó là thứ tình cảm sai trái theo luân lý xã hội bởi cô gái đó đang sống trong thân xác của một thằng con trai.

Nếu tôi vốn mang hình hài này từ lúc sinh ra, liệu nó có cư xử khác hơn? Nó sẽ để ý đến tôi nhiều hơn? Không, nếu giờ nó quan tâm tôi, chắc có lẽ tôi không cần nó nhiều như lúc này. Bởi tôi luôn muốn nó như từ trước tới giờ, cái nhìn hờ hững, cử chỉ vô tình, lạnh lùng của nó đem lại cho tôi cảm giác muốn níu giữ vì sợ mất mát.

Phải chăng tôi đã chịu mất mát quá nhiều, để rồi đi đến sợ cảm giác đó? Tôi ao ước biết bao một cuộc sống được theo ý mình, việc thích được làm, việc không thích cũng không ai bắt ép. Tôi không cần tất cả mọi thứ bày sẵn trước mắt, mà chỉ cần chính mình được lựa chọn. Giá như... giá như tôi được sinh ra lần nữa...

Ngày mai, khi lớp trang điểm bung ra, mái tóc giả được gỡ xuống, tôi sẽ trở lại thành thằng nhóc yếu đuối trong mắt nó. Như thế cũng có nghĩa rằng, một bí mật mãi mãi sẽ bị chôn vùi. Có phải đó chính là điều duy nhất tôi được phép chọn lựa?

Bí Đao

Ngày đăng: 28/08/2014
Người đăng: Thần Ma Bí Đao
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Gia vị người Thái Tây Bắc
John Lennon - waste time
 

Đừng phí hoài thời gian đi tìm kiếm những điều phù phiếm, hãy sống cuộc sống của chính bạn

by John Lennon

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage