Gửi bài:

Gã biết rằng gã nghèo kiết xác, chẳng thế xứng với cô gái được sống trong nhung lụa từ nhỏ. Nhưng gã cũng từng nghe ai đó nói rằng, nếu yêu mà cứ sợ hãi vì những thứ vụn vặt lo toan của cuộc đời thì thà sống một cuộc đời độc thân còn hơn. Ôi những triết lý về tình yêu và cuộc đời đã hành hạ gã bao đêm. Chính vì vậy, những ngày tháng bên cạnh Mi, gã chẳng thể mở lời ra mà nói Anh yêu em với Mi được lần nào. Gã sợ 3 từ ấy sẽ gắn với trách nhiệm. Gã sẽ chẳng thể lo đầy đủ được cho người mà gã yêu.

***

Gã đã từng nghĩ có lẽ cuộc đời gã sẽ chỉ là những chuỗi ngày nhàn nhạt trôi qua đến hết đời nếu gã không gặp Mi. Phải nói sao nhỉ, một điều gì đó gần sống như số phận. Khoảnh khắc đầu tiên gặp Mi ngọt ngào và khó quên đến nỗi sau này, trong những lúc gã cay đắng hay chán nản tuyệt vọng nhất thì khoảnh khắc đó luôn quay về, vẫn ngọt ngào, dịu dàng và ám ảnh gã không thôi.

ga

Gã vẫn còn nhớ như in đêm ấy. Đó là đêm Trung Thu. Sài Gòn đông đúc, nhộn nhịp. Gã chả có lấy cho mình một cô bạn gái để đi chơi trong đêm nay. Gã tự nhủ:"Thôi kệ, dù gì mình cũng đâu còn là con nít nữa". Nói vậy thôi chứ thật ra gã đang đứng chờ một cô gái. Hôm nay là buổi hẹn đầu tiên qua sự giới thiệu của thằng bạn thân. Lúc ấy, gã đứng dưới một gốc cây, mặc bộ đồ đẹp nhất, đi cái xe bảnh nhất mượn từ đám xe cà tàng của lũ bạn cũng cà tàng nốt của gã. Gã chờ mãi, chờ mãi chả thấy cô gái ấy xuất hiện, riết rồi gã đâm ra thất vọng với chính mình. Có thể cô ấy đã đến và trông thấy bộ dạng thảm hại của gã từ xa, và đã bỏ về...Chả biết được. Thật là chán nản.

Đúng lúc ấy, Mi chạy đến.

Ấn tượng đầu tiên trong gã về Mi là:" Con nhỏ nào mà vòng tay vòng chân kêu loảng xoảng thế kia?". Mi mặc một cái maxi dress lòe loẹt, phụ kiện đeo hầm bà lằng đủ thứ trên người. Cô chạy về phía gã, hất mặt.:" Có đi không chú? Chở cháu ra xa trung tâm thành phố.". Gã ngẩn người, tự thắc mắc, bộ cái bộ dạng gã lúc này thảm lắm hay sao nên bị nhầm tưởng là xe ôm vậy? Gã nhìn xung quanh, lúng túng trước khuôn mặt ngạc nhiên cua Mi, và bỗng thấy..trông gã thảm hại thật.

Gã vẫn cho xe chạy. Chẳng hiểu sao gã lại làm vậy. Thôi thì cứ mạo hiểm một lần đi. Mi ngồi đằng sau xe. Điều khiến gã nhớ nhất mỗi lần nghĩ về thời gian đó chính là mùi nước hoa. Thứ hương thơm ấy ám ảnh gã đến tận những tháng ngày sau này. Đó là mùi hương của người con gái gã đã yêu rất nhiều. ..Đôi khi có vài cuộc điện thoại gọi tới cho Mi, nhờ đó gã biết cô gái ấy vừa cãi nhau với bạn trai, vì nghe giọng gay gắt thấy rõ. Gã nhủ thầm:"Thằng cha nào may mắn thế?", rồi tự lắc đầu, tự xua tan cái ý nghĩ vớ vẩn đó. Chiếc xe cà tàng của thằng bạn thỉnh thoảng khi đi qua một vài ổ gà , lại kêu lên những tiếng khó chịu, làm gã xấu hổ thật sự. Nhưng rồi gã lại tự nhủ:" Chẳng có gì xấu hổ với việc một thằng xe ôm có một cái xe cà tàng cả.".

Một lúc sau, gã đã chở cô ra xa trung tâm thành phố, về hướng nam. Khi gã dừng xe bên vệ đường, Mi thảng thốt:" Sao chú lại chở con về nhà làm gì?". Gã cũng thảng thốt không kém: " Làm sao tôi biết được nhà cô ở đây? Cô kêu tôi chở ra xa trung tâm thành phố mà". Mi im lặng, nhìn gã chăm chú. Gã quên mất ngọn đèn đường trên đầu gã đang mở sáng trưng. Cái mũ bảo hiểm không đủ để che khuất mặt gã. Mi thỏ thẻ:" Chú có phải là xe ôm không vậy? Sao nhìn chú trẻ vậy?". Gã mỉm cười, nhẹ nhàng đến kỳ lạ:" Uhm. Chú không phải là xe ôm đâu con"

Đến tận bây giờ, gã vẫn chẳng thể gọi tên mối quan hệ của gã và Mi là gì nữa.Chỉ biết rằng, nó là một điều gì đó rất khó quên trong cuộc đời. Gã nhớ những khoảnh khắc mà từng chút một Mi bước vào tâm hồn khô cằn của gã. Đó là khi cô rú lên vui sướng khi tận mắt chứng kiến nơi ở nghèo nàn của gã, một căn phòng áp mái bằng gỗ trong một ngôi nhà cũ cho thuê. Mi bảo Mi rất thích, vì nơi đây giống hệt khung cảnh của những câu chuyện cổ tích, dù tạo cảm giác cô đơn nhưng sự cô đơn ấy rất tuyệt vời. Một vài ngày mưa, có cô gái đứng dưới vệ đường nhà gã với cây dù màu đỏ kiêu hãnh, ngỏng đầu lên khung cửa sổ mà kêu thất thanh :"Chú ơi chú à". Và gã cũng nhớ rất rõ cảm giác ngọt ngào khi đôi môi thơm ngát mùi bạc hà của cô thơm nhẹ lên khuôn mặt lún phún râu của gã. Nụ hôn vụng về thay cho lời cảm ơn về bộ ảnh gã đã làm cho cô ...

Gã có một cái máy ảnh Canon rất chuyên nghiệp và đó là tài sản lớn nhất của gã. Gã đã từng quyết tâm sẽ dùng "báu vật" này nuôi sống cuộc đời mình, và chẳng chụp hình miễn phí cho ai cả. Nhưng rồi nguyên một album của Mi ra đời. Cô gái với đôi mắt to, khuôn mặt bướng bỉnh cùng những sợi tóc mai lòa xòa bên tai luôn khiến gã phải cầm máy lên. Đôi khi trong đêm khuya, sau một ngày làm việc mệt nhoài, gã lại cắm cúi bên máy tính và chỉnh sửa những bức hình của Mi. Gã luôn phải khổ sở khi máy tính báo hiệu ổ cứng đầy, vì gã chẳng biết phải xóa tấm hình nào của Mi giữa cơ số hình của khách hàng. Gã tự nhủ sẽ để dành tiền và mua một cái máy tính xịn hơn nữa.

Đó thật sự là những tháng ngày hạnh phúc

Nhưng hạnh phúc thường chẳng trọn vẹn. Nếu không tại sao vẫn có những gã si tình ngồi khóc dưới mưa? Gã biết rằng gã nghèo kiết xác,chẳng thế xứng với cô gái được sống trong nhung lụa từ nhỏ. Nhưng gã cũng từng nghe ai đó nói rằng, nếu yêu mà cứ sợ hãi vì những thứ vụn vặt lo toan của cuộc đời thì thà sống một cuộc đời độc thân còn hơn. Ôi những triết lý về tình yêu và cuộc đời đã hành hạ gã bao đêm. Chính vì vậy, những ngày tháng bên cạnh Mi, gã chẳng thể mở lời ra mà nói Anh yêu em với Mi được lần nào. Gã sợ 3 từ ấy sẽ gắn với trách nhiệm. Gã sẽ chẳng thể lo đầy đủ được cho người mã gã yêu. Trong khi biết bao nhiêu người đàn ông ngoài kia thừa sức làm cho cô sống sung sướng và làm ba mẹ cô hài lòng.

Cuộc sống của gã bất hạnh ngay từ nhỏ. Ba mẹ gã chia tay và lưu lạc ở phương trời nào gã không biết. Tự lập giữa thành phố xô bồ này đã làm nên một gã khắc khổ ngày hôm nay. Thật may là nhờ gã có hứng thú với nhiếp ảnh và cái đẹpmà cuộc đời gã vẫn còn chút màu hồng. Gã nghĩ chính vì cái tính lầm lì của gã nên gã hợp với Mi. Mi thì khác. Mi luôn luôn thay đổi và chẳng lúc nào giống lúc nào. Lắm lúc Mi hiền như con mèo lười ,chạy một quãng đường dài chỉ để chui vào căn áp mái tồi tàn của gã đánh một giấc, khi tỉnh dậy thì tỉnh bơ chào tạm biệt gã và ra về. Khi thì mắt nhòe nhoẹt nước đầy trẻ con vì chứng kiến ba mẹ cãi nhau ầm ỹ ở nhà. Nhưng cũng có môt vài lần Mi làm gã thấy sợ khi nhờ gã chở đến nhà cô nàng tình nhân của bố Mi để dằn mặt. Ôi chao lúc ấy mặt Mi thật đáng sợ. Mi chẳng nói chẳng rằng, bước đến trước mặt cô gái nọ và cho một cái tát cùng vài câu nói có tính sát thương cực cao. Nhưng cũng chẳng ích gì. Riết rồi Mi cũng mệt mỏi với hàng tá tình nhân vừa cũ vừa mới của bố. Mi bỏ mặc bố mình và chẳng thiết tha gì cái trò dằn mặt ấy cả.

Nói chung là theo năm tháng, gã đã yêu Mi rất nhiều. Gã biết vậy, vì trong những ngày dài dằng dặc Mi đi du lịch cùng gia đình, chẳng đêm nào gã ngon giấc. Khoảng cách xa xôi ấy luôn làm gã buồn và đau. Chẳng thể tưởng tượng có ngày gã lại đa cảm đến vậy. Và có lẽ vì đa cảm, nên cái mặc cảm hoàn cảnh cứ lớn dần trong gã. Đôi lúc gã nhìn căn biệt thự của Mi, nhìn những chiếc xe bóng lộn để trong sân nhà, và nhìn lại mình, gã mặc cảm. Mặc cảm thật sự.

Mọi chuyện sẽ vẫn cứ trôi như vậy, xen lẫn yêu thương và mặc cảm, nếu như không có một ngày....

Bức thư của mẹ run run trong tay gã. Mẹ xuất hiện, sau những năm dài xa cách, và mang đến cho gã không biết nỗi buồn hay niềm vui. Mẹ đang ở nước ngoài, cuộc sống an nhàn và dư giả. Mẹ sẽ vui lắm nếu gã sang đó. Mẹ sẽ lo cho gã ăn học, sẽ tạo điều kiện cho gã nâng cao tay nghề của mình, sẽ mua cho gã những dòng Canon hoặc Nikon mà gã ao ước, nói chung sẽ chẳng để gã khổ nữa. Gã đọc thư, và khóc. Những giọt nước mắt đàn ông sau gần mười mấy năm bươn chải trong cuộc đời này.

Nhưng gã đang tự hỏi, gã khóc vì cái gì?

– Hôm nay mẹ em lại điên lên vì bố em cứ "mèo mỡ" ở ngoài. Thật ngán ngẩm.

– Sao không ở nhà an ủi mẹ mà chạy qua đây?

– Em muốn ở đây với anh. Ở nhà có người an ủi mẹ rồi.

– Ai vậy?

– Cái thằng đang theo em đó. Nhà nó giàu, nên mẹ em thích. Em chẳng thích.

– Chứ em thích gì?

– Em thích qua đây retouch hình với anh. – Mi lè lưỡi

– Nhưng mẹ sẽ không thích em cứ qua đây với anh đâu.

– Nhưng em thích anh mà.

Bộ ảnh gã đang chỉnh sứa bỗng trở nên khó nhằn.

– Nếu một ngày anh không còn ở đây nữa em buồn không?

– Mãi mãi hay tạm thời? Nếu tạm thời thì buồn ít, mãi mãi thì buồn nhiều. – Mi lại lè lưỡi

– Không tạm thời cũng chẳng mãi mãi. Vì anh không biết được chính xác mình sẽ xa nhau bao lâu

– Anh định đi đâu?

– Đi xa. Lập nghiệp.

– Tại sao? Ở đây anh cũng có thể lập nghiệp được mà.

...

– Nhưng anh sẽ không thể cưới nổi người anh yêu nếu cứ nghèo như thế này

Lần đầu tiên, gã vượt qua cái sĩ của một thằng đàn ông để tự nhận mình nghèo trước mặt Mi.

– Ai là người anh yêu?

...

– Anh yêu em. – gã vội nói.

...

– Khi trở về, anh đã đủ sức lo cho em và có thể làm một bộ ảnh để đời cho em.

– Yêu em sao lại đi?

Gã chưa kịp trả lời gì thì Mi đã ở sau cánh cửa, bỏ lại gã trong căn phòng áp mái hằn rõ sự cô đơn. Trước khi bước ra cửa, gã nghĩ chắc cô đã nhìn thấy đống hành lý gã để gọn ở góc phòng. Và biết trước gã sẽ ra đi.

Nhưng gã đã nói được ba từ cần thiết. Có đúng không? Đúng thời điểm chứ?

Gã chẳng thể biết lúc ấy cô nghĩ gì. Sau đó, gã vẫn cứ ở lỳ trên căn phòng áp mái, chỉ ra đường khi cần hoàn chỉnh giấy tờ cần thiết..Một ngày, hai ngày, rồi nhiều ngày trôi qua, không thấy bóng dáng cô đâu. Gã vẫn mong chờ một ngày mưa lại có cây dù đỏ dưới hiên nhà, lại có tiếng vọng léo nhéo Chú ơi chú à, lại năn nỉ gã một bộ ảnh mới. Nhưng không có. Gã lại đi qua nhà tìm Mi vài ngày trước khi bay. Mi cười thật hiền:" Em mắc thi, nên không qua anh được. Gã hỏi thật không. Mi cười, em nói thật mà, thi xong em sẽ qua anh. Cuộc nói chuyện gượng gạo và đầy xa cách. Nụ cười cũng gượng gạo. Kể cả mùi hương của Mi cũng nhạt đi. Gã đưa cho Mi chiếc chìa khóa phòng gã, nói cho em này, mỗi khi em muốn tự kỷ thì cứ lên căn phòng đó. Mi cười, và ngắm nghía mãi, ừ thì anh cho thì em xin nhận. Gã muốn cốc đầu cô một cái như mọi lần quá, nhưng sao bàn tay cứ rụt lại. Chả có nổi một cái ôm vụng về trong chiều hôm ấy.

Ngày gã bay, cô không đến. Chí có cuộc điện thoại dài gần cả tiếng đồng hồ từ sim rác. Mi nói rất nhiều, lại huyên thuyên, lại nhí nhảnh, lại khiến gã cứ phải bật cười. Nhưng vào những giây phút cuối cùng, Mi khóc. Gã bỗng lặng đi và chẳng còn biết nói gì nữa.. Gã nghĩ nếu như lúc ấy Mi buột ra câu nói cầu xin gã ở lại thì gã có ở lại không? Gã không biết, và thật sự là Mi chỉ khóc thôi, không một lời nói nào mong gã ở lại. Cho nên, cứ thế, gã vẫn đi.

Nhiều năm đã trôi qua. Nhiều chuyện đã xảy ra. Bây giờ, gã đang đứng trước gương và nhìn lại chính bản thân mình. Sau nhiều năm ở xứ người, gã trông đô con hơn, vẻ phong trần càng hiện rõ bởi hàm râu lún phún. Dù cuộc sống bên đây thừa mứa vì gã có một người mẹ hết lòng chăm lo để bù đắp lỗi lầm xưa, gã vẫn chẳng thể bỏ đi cái cô độc luôn hiện hữa. Dù là lúc đang say sưa với những bộ ảnh, những cô người mẫu nóng bỏng, hoặc hoang dại trong những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, gã vẫn cảm thấy trống rỗng. Thật kỳ lạ là sau bao nhiêu năm, hình ảnh của Mi vẫn rõ nét. Đến mức vào lúc này, khi gã đang nhìn chính mình trong gương, gã bỗng thấy Mi đang đứng sau lưng và vòng tay ôm gã. Gã toan đập bể kính, nhưng Mi đã biến mất.

Gã quyết định quay về.

Gã về, và bỗng nhiên chẳng biết kiếm Mi ở đâu. Giống như quá lâu ta trở lại nơi cũ, và chẳng biết những thứ ta từng quen thuộc đã biến đi đâu...Sài Gòn đang là đầu thu, gã bước đi trên con đường khô và vắng, chỉ có tiếng sỏi lạo xạo dưới đôi giày Vans đã mòn đế của gã. Lê bàn chân vô định về căn nhà cũ, gã đứng dưới vỉa hè, đứng ngay chỗ cây dù màu đỏ hay đứng. Và ngước lên. Khung cửa sổ vẫn đóng im im. Rất ngốc khi cho rằng, bao nhiêu năm qua, Mi đã luôn ngồi trong căn phòng đó chờ gã. Gã tự hỏi, có phải Mi đã khóa chặt cánh cửa căn phòng đó và ném chìa khóa vào bầu trời xanh, để bây giờ tất cả hồi ức đẹp đẽ nhất của gã cũng đã vụt bay? Nhưng dù gì, đã không tiếc vì lời yêu năm nào. Tình yêu của gã đã được thổ lộ

Gã vẫn mong có một cuộc gặp gỡ tình cờ, dù là ở đây hoặc một nơi nào đó tình cờ trên đường như viễn cảnh thường thấy trong các bộ phim lãng mạn. Nhưng không, chẳng có cái lãng mạn nào và gã vẫn cứ phải cầm điện thoại lên, gọi hú họa vào số điện thoại ngày xưa của Mi. Đã 3 năm rồi, không chắc chắn Mi còn xài số điện thoại này. Gã bấm số, im lặng chờ đợi.

Có đổ chuông.

Từng hồi chuông dài.

Gây sốt ruột.

– Alo – Giọng con gái.

Đó là giọng của Mi.

– Alo

Phải đến lần thứ 3 Mi hét Alo trong điện thoại, gã mới luống cuống:

– Alo...Mi..à..anh đây. Anh về rồi.

Im lặng một lúc. Gã đoán Mi đang bất ngờ.

– ...Anh đang ở đâu?

– Anh đứng dưới nhà cũ. Ngay lề đường.

– Chỗ mà em hay cầm dù đứng phải không?

– Đúng rồi – bỗng bất giác gã bật cười

– Tại sao lại đứng đó? Anh đâu còn ở đó nữa?

– Em còn giữ chìa khóa không?

– Em ném nó lên trời rồi.

Gã lại bật cười lần hai.

– Anh xin lỗi. Thời gian qua anh không tìm được cách nào để liên lạc với em. Anh thật tệ.

– Cái lúc anh bỏ em đi thì anh đã tệ rồi. Bây giờ thế nào, anh đã kiếm đủ tiền để cưới vợ chưa?

– Có thể là chưa, vì anh nhận ra cưới vợ không chỉ cần tiền mà còn cần nhiều thứ khác nữa.

– Ví dụ?

– Ví dụ một bộ ảnh cưới do anh tự chụp chẳng hạn. – gã cười, lần ba.

– Ai sẽ là cô dâu của anh?

– Anh có viết lên trên tường phòng áp mái của anh, người anh gọi điện đầu tiên sau khi về Việt Nam chính là người anh sẽ cưới.

– ....

– Và anh vừa mới bước xuống máy bay thôi Mi à.

– ....

– Sao em im lặng?

– Em đã đọc được dòng chữ đó trên tường rồi.

– Giờ em đang ở đâu vậy?

– Anh có thấy nhột nhột sau lưng không?

Gã quay lại. Và chưa bao giờ gã cảm thấy gã đang cười tươi hơn thế. Đằng xa kia, có vẻ như mùa thu đang tới đẹp hơn bao giờ hết.

Mi đứng đó, tóc mai bay lòa xòa trong gió.

Và cười với gã.

Thiên Bình

Ngày đăng: 07/08/2015
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Gia vị người Thái Tây Bắc
Leo Buscaglia about risk
 

Cười thì sợ giống người điên.
Khóc thì bị kêu mềm yếu.
Đưa tay kết bạn thì rủi ro khi quan hệ.
Chia sẻ tâm tư thì như phơi bày trần trọi bản thân.
Đem ý tưởng, giấc mộng của mình trình cho đám đông mang rủi ro bị gọi là ngây thơ.
Yêu lỡ không được đền đáp.
Sống thì chịu rủi ro về cái chết.
Hy vọng mang rủi ro tuyệt vọng.
Cố gắng thì bị rủi ro vì thất bại.
Nhưng các rủi ro phải được chấp nhận và vượt qua vì cái nguy hiểm nhất cho đời người là không dám làm gì rủi ro.
Người không dám rủi điều gì là người không làm được điều gì, không có gì, và trở thành vô nghĩa.
Người ấy có thể tránh được những đau đớn và buồn bã, nhưng bạn đó sẽ không học gì, cảm nhận gì, thay đổi gì, phát triển gì hay yêu ai và sống thế nào.
Trói buộc vào nỗi sợ, người ấy biến thành nô lệ và từ bỏ tự do cho mình.
Chỉ những ai dám nhận rủi ro, người ấy mới thực sự tự do.

Leo Buscaglia

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage