Gửi bài:

Ngôi nhà hoa vàng

Trước kia, trong mảnh vườn đó và ở hiên ngôi nhà được trồng rất nhiều hoa cánh bướm vàng. Mùa này kế tiếp mùa khác, hoa cánh bướm vàng nở rực rỡ luôn phiên nhau. Ngồi ở quầy thu ngân như bây giờ mà đưa mắt nhìn ra cửa sổ, thì luôn bị hút mắt về phía ngôi nhà đó.

***

Loay hoay với đống đồ đạc, khi thì bớt thứ nọ, lúc thì nhặt lại thứ kia, cuối cùng hai chiếc vali của tôi cũng đã được nhồi chật cứng. Kể ra thì toàn là những đồ lặt vặt linh tinh: ít sách vở, quần áo, tranh ảnh, mỹ phẩm, vài thứ đồ kỷ niệm thời sinh viên, ít băng đĩa... Vậy mà cũng nặng ra phết!

Sắp xếp đồ đạc xong xuôi, dọn dẹp phòng gọn gàng, sạch sẽ, mà đứa bạn cùng phòng vẫn chưa về, tôi nhìn đồng hồ: Còn 2 tiếng nữa mới đến giờ ra ga. Thong thả chán. Thế là tôi nảy ra ý định ra hiệu sách chào hỏi cô chủ hiệu một lát. Dù sao về quê chuyến này, chả biết khi nào tôi mới trở lại thành phố...

Mượn chiếc xe đạp ruồi của thằng nhóc con chị chủ nhà đang vứt chỏng chơ ở dưới hiên, tôi lục cục phóng xe ra hiệu sách.

Đó là hiệu sách cũ nằm gần đường tàu, cách chỗ tôi trọ chừng hơn hai cây số, là nơi tôi đã làm thêm trong phần lớn thời gian đời sinh viên. Chủ hiệu sách là một cô giáo già về hưu, mở hiệu sách cũ bán cho "vui cửa vui nhà".

ngoi-nha-hoa-vang

Là hiệu sách cũ của dân trí thức, lại không phải làm vì áp lực đồng tiền; hơn nữa tôi cũng được người quen giới thiệu vào đó, nên công việc khá là thoải mái. Những khi không có khách vào xem, mua sách tôi có thể thoải mái học bài, đọc sách hay thậm chí là... lơ mơ, lãng đãng mà không sợ bị la rầy. Cô chủ quán thì thương tôi như thương lũ học trò nhỏ của cô vậy. Nên ở thành phố này, hiệu sách ấy là nơi tôi gắn bó sau phòng trọ và trường học của mình.

Bảo vệ khóa luận ra trường xong tôi về quê xin việc. Thấm thoát cũng gần năm trôi qua.

- Sao rồi con, công việc đến đâu rồi? Cô chủ hiệu nhìn tôi âu yếm, như tôi vẫn là cô sinh viên nhỏ, là một cô nhân viên mơ mộng của cô ngày nào.

- Con thi đậu vô công chức rồi cô. Phòng văn hóa huyện con đó ạ. Nay con lên dọn đồ về quê. Tiện thể qua chào cô luôn.

- Đấy mà! Ta đã bảo là sau này con sẽ khá mà. Hà hà... Về quê ổn định công việc rồi chồng con nữa là xong. Chừng nào ổn ổn rồi nhớ lên thăm ta nghe không! Mang cả chồng, con lên được thì mừng quá!

- Vâng - Tôi trầm tư. Nếu có dịp nhất định con sẽ lên thăm cô mà! Chỉ có điều chưa biết chừng nào thôi ạ.

- Ờ, chả biết chừng tới lúc nó có chồng con đuề huề khéo mình tỏi rồi cũng nên. Hà hà...

- Làm gì có chuyện đó ạ! Cô còn khỏe, còn sống lâu nữa chứ...

Tôi chưa kịp dứt lời thì có khách bước vào xem sách, cô chủ hiệu nhanh chóng tiến ra để hướng dẫn cho khách tìm cuốn sách mình cần.

Tôi ngồi vào chiếc ghế quen thuộc sau quầy thu ngân, im lặng trầm tư. Nói là quầy thu ngân cho oai vậy chứ thực ra chỉ là một chiếc bàn cũ rích được đặt ở góc phòng để cho nhân viên ngồi tính tiền, gói sách cho khách. Trên mặt bàn có một chiếc máy tính casio nhỏ để tính toán, bên dưới là một ngăn bàn để cất tiền khách trả. Nhỏ bé, hơi chật chội và những khi trời oi bức thì nồng nồng mùi ẩm mốc của sách cũ, thế mà tôi thấy thân thương và quen thuộc quá. Tôi lơ đãng nhìn ra khung cửa sổ ngay bên phải quầy thu ngân - cái khung cửa mà không biết bao lần tôi đã cho tâm hồn mình treo ngược, đu đưa ngoài đó...

Nổi bật ngoài khung cửa là đường ray tàu hỏa xuất phát từ phía trước hiệu sách, uốn lượn theo một đường cong vút như chân mày của một cô gái đẹp, rồi biến mất sau dãy nhà nằm kề nhau san sát cạnh đường tàu. Phía bên kia đường tàu, đối diện với dãy nhà là con đường dải nhựa hơi gập ghềnh nhấp nhô vì đã bắt đầu xuống cấp, giờ này hối hả người qua lại. Ở tít trên cao, vượt lên những mái nhà là tán của cây gạo cổ thụ mà cứ mỗi tháng ba đến, lại nở chi chít những bông hoa đỏ chon chót trên nền trời mờ đục khói sương.

- Khu vườn đó giờ hỏng rồi! - Cô chủ hiệu đã trở vào bên trong tự lúc nào, đang lúi húi ở kệ sách sát tường lục tìm sách cho khách, thấy tôi đang ngóng qua cửa sổ bèn lên tiếng.

Nghe cô nói tôi mới để ý, đưa mắt nhìn vào ngôi nhà ấy, ngôi nhà mà tôi vẫn gọi là Ngôi nhà hoa vàng - bởi dạo trước trong khoảnh vườn nhỏ trước sân luôn có một vườn hoa cánh bướm vàng rực, nơi mà tháng tháng ngày ngày tôi cho tâm trí mình đi lang thang hoài trong đó. Nhưng giờ khu vườn ấy đã biến mất thật rồi.

- Sao lại thế ạ! Tôi thảng thốt.

- Thì bán nhà cho người khác rồi. Người ta chẳng chăm bón được, hoặc giả chẳng thích hoa hoét nên dần dần hoa cũng chết hết chứ sao. Con vừa về quê được hai, ba tháng gì đó thì xảy ra chuyện mà.

- Như thế nào ạ? Sao lại... Tôi bỏ lửng câu hỏi của mình khi thấy cô chủ hiệu ôm một chồng sách đi ra ngoài và lại tiếp tục lào xào trao đổi gì đó với khách.

Còn lại một mình, tôi ngồi lặng thinh nhìn đăm đăm ra phía ngôi nhà giờ chỉ còn trơ trụi những mảng tường xám xịt. Khu vườn nhỏ trước sân giờ hoang hoải với cỏ dại mọc đầy, xen lẫn mấy khóm mồng tơi đổ ngôn ngang đang cố vươn ra tứ phía. Chắc do người chủ mới trồng.

Trước kia, trong mảnh vườn đó và ở hiên ngôi nhà được trồng rất nhiều hoa cánh bướm vàng. Mùa này kế tiếp mùa khác, hoa cánh bướm vàng nở rực rỡ luôn phiên nhau. Ngồi ở quầy thu ngân như bây giờ mà đưa mắt nhìn ra cửa sổ, thì luôn bị hút mắt về phía ngôi nhà đó. Màu vàng tươi mới của những vạt hoa cánh bướm vàng nổi bật giữa khung cảnh tẻ nhạt xung quanh luôn mang lại cho tôi một cảm giác trong lành và rất đỗi bình yên. Đôi khi tôi ngồi lim dim nhìn hàng trăm thậm chí hàng nghìn bông hoa vàng cùng nhau rập rờn theo gió và nghĩ về những cánh đồng cỏ xanh mênh mông trong sương sớm. Tôi mơ màng đến cảnh tôi đi lang thang chân trần trên đó và bắt gặp nhưng bông hoa vàng lẫn trong đám cỏ ướt đẫm sương. Nhưng cũng có đôi khi tôi lại nghĩ về những giấc mơ màu vàng hoang hoải và hão huyền...

ngoi-nha-hoa-vang-3

Sống trong ngôi nhà đó là một người phụ nữ tầm hơn 30, gần 40 tuổi. Cô làm nghề thợ may, sửa quần áo. Nghe bảo cô may khéo nên cũng nhiều người ưa chuộng. Do bận làm hàng cho khách, hoặc do thói quen, mà tôi ít thấy cô ra ngoài, chỉ có khách khứa là vẫn vào ra đều đặn. Cũng có một vài lần cô sang hiệu của tôi mua sách, những cuốn tiểu thuyết kinh điển như Cuốn theo chiều gió, Jane eyre... Nhưng có vẻ như công việc bận bịu khiến cô không có thời gian đọc nhiều, nên thời gian tôi làm ở đây, cô cũng chỉ sang ba bốn bận. Buổi sáng sớm và chiều muộn thì cô hay tưới hoa ở hiên nhà. Lâu lâu lại thấy cô lúi húi ươm, trồng lại vườn hoa cánh bướm của mình khi những cây hoa cũ bắt đầu tàn. Còn lại hầu như chưa bao giờ thấy cô đi chơi bời, buôn chuyện như những người phụ nữ quanh đây.

Câu chuyện về cuộc đời cô và tại sao ngôi nhà lại trồng nhiều hoa vàng, dân phố truyền tai như một truyền thuyết. Cô và chồng là người dân ở nơi khác chuyển đến thành phố này sinh sống. Cô mở cửa hàng may, còn chồng, nghe bảo làm ăn kinh doanh buôn bán gì đó. Trước kia quanh đây ít người làm may nên cô cũng kiếm được. Thêm thu nhập của chồng, hai vợ chồng mua được mảnh đất và cất được ngôi nhà bên đường tàu này. Rồi hai vợ chồng cô sinh được đứa con trai đầu lòng - và cũng là duy nhất. Vì sau khi sinh nó thấy bảo, cô bị bệnh gì đó, phải cắt đi cả hai buồng trứng. Không sinh nở được nữa.

Năm thằng bé đó bốn tuổi, nó bị bệnh, rồi qua đời. Cô khóc ngất lên ngất xuống, rồi sống lặng lẽ và thu mình với xóm giêng từ đó. Hơn một năm sau thì chồng cô bỏ nhà đi. Từ đó đến nay, cô cứ sống một mình trong căn nhà ấy như thế.

Dân phố kể với nhau rằng, người chồng bảo với cô ông ấy muốn có mụn con nối dõi tông đường - ông ấy còn trẻ mà, thế là ông ấy đi. Theo một người đàn bà nào đó. Họ cũng nói rằng ông chồng cũng chỉ là kẻ ăn bám vợ, nói là làm ăn buôn bán mà thực ra chả kiếm được mấy tiền; rồi thì khi bỏ đi còn cuốn theo cả một bọc tiền của cô để cung phụng cho gái. Họ còn kháo nhau chính từ cái dạo con chết, chồng bỏ đi, thì cô bắt đầu trồng hoa cánh bướm vàng quanh nhà như thế.

Nhưng mấy chuyện này cô chủ hiệu của tôi không xác nhận. Cô chủ hiệu chỉ xác nhận chuyện mất con rồi chồng bỏ đi, vì cô có đi dự đám tang thằng con trai cô ấy; rồi thì rõ ràng mấy năm nay lão chồng đi biệt tích, chẳng còn ai trong phố này nhìn thấy nữa. Còn lại những chuyện kia cô chủ hiệu bảo, thì là cô cũng nghe nói thế...

Riêng chuyện trồng hoa cánh bướm từ khi nào thì cô chủ hiệu bảo cô chẳng có manh mối gì về việc đó. Cô nghĩ có thể trước kia bên nhà đó cũng trồng rồi, nhưng bình thường ai mà để ý đến mấy cái thứ hoa cỏ loằng ngoằng đó làm gì, đến khi xảy ra chuyện người ta hay chỉ trỏ, xì xào, ngó nghiêng, hóng hớt nên người ta mới để ý tới vườn hoa cánh bướm vàng rực quanh năm đó, nên người ta mới thêu dệt thành cái chuyện sến súa là trồng hoa cánh bướm vàng từ ngày chồng bỏ đi như thế; hoặc cũng có thể vườn hoa ấy mới được trồng từ khi người chồng bỏ đi thật; hoặc trường hợp trước kia có trồng, nhưng ít, rồi giờ trồng nhiều, thế là người ta mới dựa vào đó mà thêu dệt nên những chuyện như vậy. Cô chẳng để ý nên chẳng biết chính xác được và cũng chẳng muốn biết. "Ôi dào hoa với chả bướm. Người ta cứ đồn đại, xoáy móc vô đó, chứ ta thấy chẳng có vấn đề gì. Ta thấy hoa cánh bướm chẳng liên quan gì tới việc này hết!" - Cô chủ hiệu đã kết luận như vậy để kết thúc những câu vặn vẹo của tôi.

Không hài lòng với câu trả lời của cô chủ hiệu, nhưng cũng chẳng có cách nào để xác minh, nên tôi cũng không tò mò nữa. Rồi những thắc mắc ấy cũng rơi vào quên lãng, tôi chấp nhận sự tồn tại của vườn hoa cánh bướm vàng như chấp nhận sự tồn tại lặng lẽ của cô thợ may trong Ngôi nhà hoa vàng đó. Duy chỉ có màu hoa vàng rực nở mãi không thôi ấy là không ngừng ám ảnh tâm trí tôi. Đôi khi ngồi nhìn màu hoa vàng giữa buổi chiều tà sương xuống, hay rực lên giữa cơn mưa giông, tôi cứ nghĩ nó giống như là một ngọn nến người ta thắp lên trong đêm để đợi chờ điều gì ...

Chồng biệt tích được vài năm thì một số người đàn ông trong phố, trong khu bắt đầu tới tán tỉnh cô. Nhưng đa phần cô đều không tiếp. Ai đến thì cô mời nước cho ngồi ở bàn, rồi cứ lặng lẽ ngồi may. Đên khi muộn quá thì họ đứng lên đi về. Một vài lần như thế họ đâm ra ngại, chẳng đến nữa. Rồi người nọ truyền tai người kia, điều tiếng rằng cô chảnh, cô kiêu, cô coi thường đàn ông đến "tán" cứ lan ra mãi. Chẳng ai còn đến nhà cô nữa. Thế là mọi thứ lại trở lại nhịp sống bình thường của nó. Và cô được yên ổn trong cái thế giới riêng vàng rực của cô.

Khi tôi đang học nửa cuối năm thứ tư thì người chồng của cô đột ngột trở về. Sáng hôm đó tới hiệu sách làm việc, tôi thấy những người dân quanh phố cứ túm năm tụm ba, xúm xít lại xì xầm với nhau điều gì. Tôi bèn hỏi cô chủ hiệu thì cô bảo, tối qua thằng chồng của cô thợ may trở về. Một vị khách có mặt lúc đó bảo, lão khóc lóc ghê lắm, xin lỗi, xin tha thứ, ăn năn đủ kiểu. Còn cô thợ may chỉ hỏi lão ăn tối chưa, rồi bảo lão đi rửa mặt mũi chân tay, tắm giặt rồi đi nghỉ, mà không chửi bới, trách móc một câu gì.

Sự trở về của người chồng và sự tha thứ không điều kiện của cô làm khu phố lại được một dịp bận bịu. Người ta lại có việc để kể lể, để buôn bán, để bình phẩm ở khắp nơi. Người ta lật lại chuyện cũ, rằng bảo đi kiếm con kiếm cái mà sao lại trở về tay trắng? Chắc là bị bồ đá sau khi đã ăn chơi hết tiền, chẳng còn chỗ nào để đi nên mới về với vợ chứ gì? Mà kể ra cũng già, cũng hết thời rồi, còn nơi nào chứa chấp nữa mà chả về... Về phần cô thợ may, người ta có vẻ bất bình vì cô đã chấp nhận cho "loại chồng đó" trở về. Đi chơi chán rồi đến lúc nó mỏi nó quay về mà cũng chấp nhận! Cô dễ tính quá, hiền lành quá! Mà không, nhu nhược, ngu xuẩn mới phải! Người ta cứ xì xào, và người ta cứ bất bình như thế!

Nhưng cũng như những lần trước, người ta cũng chỉ bàn tán thế mà chẳng ai biết được sự thật đến đâu. Chỉ có điều hiển nhiên ai cũng thấy, là người chồng trở về và sống trong ngôi nhà của cô thợ may thật. Sáng sáng ngồi bên hiệu sách, đôi khi tôi thấy người đàn ông đó dậy sớm thay cô tưới hoa. Đôi khi trong ngày tôi thấy ông ta ngồi ở hiên nhà hút thuốc vẻ đăm chiêu tư lự. Thư thoảng thấy ông ta xách xe chạy đi đâu đó chiều tối mới về. Tôi chẳng ưa cũng chẳng ghét ông. Chỉ có điều sự xuất hiện của một người đàn ông làm tôi không còn được thoải mái nữa mỗi khi ngồi ở bàn thu ngân ngó nghiêng qua cửa sổ. Thế nên tôi cũng tránh không chú ý tới Ngôi nhà hoa vàng nhiều nữa.

Năm cuối đại học rồi cũng trôi qua mau với những lo toan, thi cử, bảo vệ khóa luận. Rồi tôi cũng tốt nghiệp ra trường, về quê chuẩn bị hồ sơ, thi thố. Thế mà cũng đã gần một năm trôi qua. Không ngờ khi trở lại mọi chuyện đã thành ra thế này.

- Sao lại bán nhà hả cô? Thế giờ cô ấy đi đâu rồi? - Tôi hỏi khi thấy tiếng khách chào về và cô chủ hiệu đang bước lại cất tiền vào ngăn kéo nhỏ.

- À, con bé thợ may hả? Về được mấy tháng thì chồng nó lại bỏ đi. Thời gian sau thì nó bán nhà rồi cũng đi nốt. Hôm đi nó có sang chào ta. Bảo rằng về quê...

- Thế ạ? Sao chồng cô ấy lại bỏ đi?

- Cái tính hay vặn vẹo của con vẫn chẳng thay đổi gì nhỉ! Hôm nó sang chào ta có bảo, chồng nó lại ôm tiền của nó đi rồi. Nó không nói, nhưng ta đoán chắc là lại theo gái... Ôi chào, cái con bé! Ta đã biết thể nào cái thằng đó rồi cũng lại bỏ nó... Nhưng mà thôi như thế cũng mãn nguyện cho nó rồi...

- Sao lại mãn nguyện ạ?

- À cái đó... Mà thôi! Mấy cái chuyện người lớn con biết làm gì nhiều. Phấn chấn lên con! Về quê làm việc chăm chỉ và sống cho thật tốt nhé! - Cô nói rồi vỗ vào vai tôi đánh bộp làm tôi tí quẹo cả sườn - Mà xem thích cuốn sách nào thì lấy mang về quê đi, ta tặng con làm kỷ niệm, để mỗi khi giở ra xem lại nhớ tới bà già này nào!

Nhìn cô chủ hiệu với những chân tóc bạc trắng đang ngoan cố đẩy lùi màu đen của thuốc nhuộm trên mái tóc, rồi đưa mắt nhìn khắp lượt gian phòng nhỏ với những chiếc giá cao chất đầy những sách cũ kỹ, lắng nghe thứ mùi đặc trưng của hiệu sách bao bọc quanh mình, tự nhiên tôi lấy lòng lưu luyến quá! Lần trước về quê tìm việc, thi cử tôi cũng có qua chào cô mà không thấy có cảm giác này... Có lẽ tại lần này về, chưa biết chừng nào tôi mới trở lại thành phố...

Tôi cúi xuống nhặt lấy hai cuốn truyện cũ mèm mà chẳng kịp đọc tựa đề, vì thấy tất cả đều nhòe đi, nhảy nhót trước mắt... Nuốt vội cái cục ứ nghẹn ở cổ họng đang trực trào ra vào trong, tôi bỏ sách vào túi đeo vai rồi chào cô để về. Cô xiết chặt tay tôi mỉm cười, rồi lại vỗ mạnh vào vai tôi đẩy tôi tiến về phía trước. Tôi lặng lẽ ra dắt xe ra rồi chầm chậm đạp về mà không dám quay lại nhìn...

Đi được một đoạn, tôi dừng xe lại giữa đường, định vòng lại nhìn Ngôi nhà hoa vàng một lần cuối. Nhưng rồi tôi lại thôi. Tôi nhấn pê đan cho xe nhằm hướng nhà trọ thẳng tiến...

Tôi muốn mình giữ mãi trong tâm trí hình ảnh đẹp tươi và rực rỡ về Ngôi nhà hoa vàng ấy hơn. Cái thứ màu vàng mà dù thế nào đi nữa, tôi biết, cũng sẽ còn theo tôi trong nhiều năm tháng cuộc đời.

Iris Trương

Ngày đăng: 13/10/2015
Người đăng: Iris Truong
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
Thép đã tôi thế đây
 

Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí…”

Thép đã tôi thế đấy (Nikolai Alexeevich Ostrovsky)

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage