Câu chuyện của bốn năm
Phần 2 của Chị/Cô! Anh yêu em! (http://www.truyenngan.com.vn/truyen-ngan/truyen-ngan-yeu/39949-chi-co-anh-yeu-em.html)
***
I. Tạm biệt thủ đô.
Tôi rời Hà Nội vào một ngày mưa rét. Quyết định trở về, tôi sẽ gắn bó với ngôi trường ấy, sẽ gắn bó với bục giảng ấy cả cuộc đời. Muốn làm giảng viên giỏi phải học, phải đọc, và kết quả của một ngày lang thang khắp các hiệu sách Hà Nội là hai túi sách lớn. Thời tiết có vẻ không chiều lòng người. Cái rét cuối đông đầu xuân vẫn cắt da cắt thịt, thêm vài hạt mưa phùn lất phất làm tôi muốn quẳng tất cả đi và chạy nhanh về phòng.
Một chiếc taxi đi qua, thêm một chiếc taxi nữa...đoán chừng hôm hay các hãng taxi Hải Phòng đều đông khách nên không một chiếc xe nào dừng lại.
- Chị, chị ơi!
- Cậu làm gì ở đây?
- Em đón chị.
- Sao biết tôi về mà đón?
- Ngày nào em cũng chờ thì sẽ gặp thôi.
- Đừng chém nữa.
- Mau lên xe đi, chị sắp chết cóng rồi.
Kể từ tối đụng độ ở cafe Cuối Ngõ tôi không gặp lại Hoàn, cũng không liên lạc. Nhưng bây giờ, trong hoàn cảnh rét mướt này cậu ta là đại anh hùng. Mặc cho tôi ghét cậu ta hay không, mặc cho cậu ta yêu tôi hay không. Tất cả những gì tôi muốn là chiếc giường ấm áp.
- Tới nhà rồi, mau về đi.
- Em dọn đồ giúp chị.
- Không cần dọn.
- Một mình chị dọn đến đêm à. Mấy tháng không ở rồi.
- Đằng nào cũng chuyển dọn làm gì.
- Chuyển? Chị chuyển đi đâu? Không phải chị quyết định quay lại sao?
- Về đi. Tôi mệt rồi.
Tôi mở cửa bước vào mặc Hoàn đứng ngây người ra trước hàng loạt thắc mắc. Là tôi trở về, là tôi không đi xa nhưng tôi cũng không muốn ở nhà thuê nữa.
Đối với mẹ tôi có lẽ điều đáng sợ nhất là đứa con gái tuổi ngựa lại co cẳng đòi bay nhảy. Kể từ năm mười tám tuổi rời xa gia đình đi học đại học, thêm hai năm cao học rồi lại về Hải Phòng. Mẹ tôi muốn con gái về gần nhà nhưng tôi kiên quyết đòi đi và bây giờ mẹ tôi tạm thời thỏa hiệp với việc tôi quyết định gắn bó với Hải Phòng. Ừ thì xa nhà ba mươi kilomet còn hơn khi tôi ở Hà Nội hay biết đâu lại đòi tới một đất nước xa xôi nào đó.
Một cuộc điện thoại miêu tả sơ sơ và mẹ đã giao cho tôi chìa khóa ngôi nhà đúng như tôi mong muốn. Việc duy nhất tôi phải làm là chờ ngày đẹp chuyển đến ở. Nhưng đó là việc của vài ngày tới còn hiện tại tôi cần ngủ.
Sau một giấc ngủ dài tôi bắt đầu cảm thấy đói. Đã là mười một giờ đêm. Tầm này đi ăn một bát cháo nóng và về ngủ tiếp là vừa vặn.
- Aaaaaaaaaaaaaaaaa.
- Chị làm cái gì vậy?
- Sao cậu ngồi trước cửa nhà tôi?
- Canh chị.
- Canh cái gì?
- Canh không cho chị bỏ trốn.
- Bỏ đi đâu?
- Trưa nay chị bảo lại đi mà.
- Cậu ngồi từ trưa đến giờ sao?
- .....
- Đồ điên.
- Chị lại đi đâu sao?
- Đi đâu kệ tôi.
- Em sẽ không cho chị đi đâu nữa.
- Tôi đói lắm, không có sức tranh cãi với cậu.
- Vậy đi ăn, em cũng đói.
Trời vừa mưa vừa lạnh mà Hoàn ngồi ở đó gần tám tiếng. Tôi đã vùi vào chăn ngủ không hay biết gì. Có lẽ tôi chỉ cần bảo với cậu ta rằng tôi sắp chuyển nhà nhưng tôi lại im lặng. Tôi đã tự trách mình trong suốt bữa ăn.
- Mẹ tôi mới mua nhà.
- Nhà mới sao?
- Ừ.
- Chị sẽ không đi nữa chứ.
- Ừ.
- Sẽ ở đây với em thật chứ?
- Tôi ở đây nhưng không phải vì cậu.
- Rồi sẽ là vì em.
Hoàn nhăn nhở cười, vẻ mặt rất mãn nguyện và hạnh phúc.
- Mau về thôi. Em sẽ giúp chị chuyển nhà.
Cuối tuần, thời tiết tạnh ráo thoáng đãng. Chỉ một chuyến xe bán tải tất cả đồ đạc của tôi đã tới nhà mới an toàn. Trong khi Hoàn sốt sắng kê tủ lạnh chỗ này, lắp bếp ga chỗ kia, tôi háo hức lên thẳng phòng ngủ. Tôi đặc biệt đặt một giá sách cao chạm trần nhà và một chiếc bàn học lớn. Hàng đêm đọc sách tới mệt nhoài rồi bước ba bước chân tới chiếc giường ấm áp thật là hạnh phúc.
Bốn giờ chiều mọi công việc đã hoàn thành. Tôi đã có một ngôi nhà gọn gàng sạch bong kin kít. Tôi phấn khích tới độ chạy loanh quanh khắp nhà như một đứa trẻ con. Hai mươi bảy tuổi, lần đầu tiên được nhận một món quà to tới vậy - một món quà có tên của riêng mình.
- Tặng chị này.
- Cái gì đấy?
- ...
- Là đèn học sao?
- Để mỗi ngày chị nhìn thấy nó sẽ nhớ tới em.
- Không nhớ đâu.
- Thì nó sẽ thay em nhìn chị mỗi ngày.
- ...
***
Sáng thứ hai đầu tuần, tất cả giáo viên họp mặt ở tổ môn. Sếp thông báo văn bản mới của nhà trường về việc chuẩn bị chào mừng 60 năm thành lập trường. Còn vẻn vẹn một tháng để chuẩn bị nhưng oái oăm thay trong ba tháng tôi đi vắng khoa cũ của tôi đã tách ra làm hai. Khoa mới bây giờ chỉ có ba mươi thành viên nhưng có tới hai mươi thành viên là U40. Trong mười thành viên còn lại dù tôi không là người trẻ nhất nhưng lại là người chưa lập gia đình nên vị trí trưởng đội văn nghệ đã được bàn giao ngay cả khi tôi vắng mặt. Tôi không thích việc này, nghìn lần, triệu lần không thích. Lực lượng giảng viên mỏng, muốn hưởng ứng đầy đủ phong trào của nhà trường bắt buộc phải tuyển chọn thêm sinh viên. Để có thêm sinh viên cần làm việc với Hội trưởng hội sinh viên – chính là Hoàn. Tân Hội trưởng hội sinh viên và cũng là cây văn nghệ cốt cán của trường. Chẳng phải tôi đang tránh cậu ta sao. Càng tránh càng phải gặp. Là hữu duyên hay là oan gia ngõ hẹp? Nhưng dù muốn hay không đã là công việc được sếp tin tưởng giao phó tôi nhất định phải hoàn thành. Hơn nữa là kỷ niệm 60 năm thành lập trường không thể để khoa mình mất mặt nên ngay tối đó tôi đã hẹn gặp Hoàn để bàn kế hoạch tuyển chọn nhân tài mới.
- Hôm qua mới gặp chị đã nhớ em rồi sao?
- ....
- Em cũng nhớ chị!
Tôi trừng mắt nhìn cậu ta thật muốn xé nhỏ cậu ta cho bõ tức.
- Tôi cần bàn về đội văn nghệ.
- Chuyện đó chị không cần lo, em đã có sự chuẩn bị.
- Vậy thì tốt. Mong cậu hết sức giúp đỡ.
- Cũng cần xem xét thái độ của chị nữa.
- Ý gì?
- Chị đối xử tốt với em chút em mới vui vẻ và nhiệt tình hết sức được.
- Tốt như thế nào?
- Hàng ngày ăn sáng cùng em và tối tối chúc em ngủ ngon.
- Cậu đùa à?
- Nếu không như vậy chị hãy tự mình làm hết mọi việc. Em có lí do bận học.
- Tôi sẽ báo cáo trưởng khoa.
- Trưởng khoa sẽ không ép sinh viên tham gia nếu sinh viên báo rằng quá bận học.
- ....
- Chị im lặng coi như hợp đồng được kí kết. Đây là kế hoạch em soạn thảo, chị xem và đóng góp ý kiến. Tài năng mới em đã các bạn trong hội đã tuyển chọn, từ mai bắt đầu tập. Chúng ta có hai mươi ngày trước ngày sơ tuyển. Chị hãy đối xử tốt với em từ hôm nay!
Mười giờ tối, tôi vẫn đang cặm cụi nghiên cứu mấy mô hình phân tích chứng khoán thì tiếng chuông bài hát Roly poly vang lên:
- Gì?
- Chúc em ngủ ngon đi.
- Ngủ ngon.
- Không phải như vậy.
- Sao nữa?
- Chúc bằng tin nhắn. Không chúc em không cho chị ngủ.
Tôi ném điện thoại lên giường và tiếp tục công việc. Gì mà chúc ngủ ngon bằng tin nhắn. Tôi còn không nhớ nổi lần cuối cùng tôi soạn một tin nhắn chúc ngủ ngon là khi nào. Đã từ lâu, lâu lắm rồi, mọi cuộc nói chuyện chỉ đơn giản kết thúc bằng G9. Không phải những tin nhắn sướt mướt hay ngọt ngào, chỉ là G9 mà thôi.
Ba mươi phút sau, điện thoại tiếp tục đổ chuông. Tôi phớt lờ coi như không nghe thấy.
Mười phút sau tiếp tục tiếng nhạc quen thuộc. Tôi tắt máy, tự nhủ đi ngủ sớm cho ngày mai.
Ding dong...ding dong.
Gần mười một giờ vẫn có người gọi cửa. Tôi nhăn nhó đi xuống nhà dự định bất kể là ai cũng sẽ bị tôi mắng cho một trận.
- Sao chị tắt điện thoại?
Ngay khi tôi mở cửa và chưa kịp cất lời Hoàn đã cau có.
- Liên quan gì tới cậu?
- Chị chưa chúc em ngủ ngon.
- Tôi không rảnh.
- Em sẽ bấm chuông tới khi chị chúc.
- Tôi sẽ báo công an.
- Em sẽ bỏ đội văn nghệ.
- Đồ trẻ con.
- Em đúng là trẻ con mà.
- ....
- Bánh kem này.
- ?
- Em mang bánh kem cho chị. Hôm nay sinh nhật em gái em.
- Tôi không ăn đâu.
- Chị thích đồ ngọt mà. Bánh rất ngon đấy.
- Không ăn.
- Cầm đi em còn về. Đừng quên chúc em ngủ ngon.
Hoàn dúi túi bánh vào tay tôi rồi lên xe lao vút đi. Nếu tôi thực sự ghét cậu ta chắc chắn tôi đã cư xử khác nhưng tôi đang nghi ngờ chính bản thân mình. Là tôi đang cho cậu ta cơ hội bắt nạt mình? Là tôi đang nhân nhượng?
Mười hai giờ đêm tôi cầm lên đặt xuống điện thoại. Liệu cậu ta đã về nhà chưa? Dạo trước tôi có nghe mọi người kể Hoàn hay đi diễn muộn mà đường nhiều xe container nên bị tai nạn. Hôm nay cậu ta đi nhanh như vậy liệu có về nhà an toàn? Tôi có nên gọi điện hỏi thăm hay là nhắn tin?
"Đã về nhà chưa?"
Tin nhắn đi mười phút mà vẫn chưa có hồi âm. Thêm mười phút nữa trôi qua tôi quyết định gửi thêm một tin nhắn nữa rồi sẽ đi ngủ:
"Chúc ngủ ngon."
Chưa đầy vài giây sau có tin nhắn trả lời:
"Em chờ mãi! Chúc chị ngủ ngon. Hãy mơ về em nhé! EYC"
Tôi đã đi ngủ với tâm trạng hậm hực rằng đã uổng công lo lắng. Cậu ta chẳng làm sao cả, cậu ta chỉ ép tôi phải nhắn tin thôi.
Sáu giờ hai mươi phút sáng. Chuông cửa reo. Hoàn xuất hiện ở cửa hai tay giơ hai túi đồ.
- Ăn sáng cùng em.
- Muộn làm rồi.
- Bảy giờ mới vào lớp. Từ nhà chị tới trường năm phút thôi.
- Tôi không quen ăn sáng.
- Không quen thì bây giờ em tập cho chị quen.
Vừa nói Hoàn đẩy cổng bước vào nhà, đi thẳng vào bếp lấy bát đĩa tự nhiên như thể nhà tôi là nhà cậu ta.
- Em mua xôi ở quán chị thích ăn đấy, cả sữa nữa.
- Tôi thích quán nào cậu biết được chắc?
- Mọi thứ về chị em đều biết.
- Giỏi vậy sao?
- Ăn xôi Khúc ở quán Nguyễn Bình, xôi xéo ở chợ Đôn hay ăn bánh kem khi buồn chẳng hạn....
Tới nước này thì tôi chịu cậu ta thật. Quả nhiên sở thích của tôi đã bị bán đứng. Là một ai đó trong số vài cô nàng sinh viên tôi quen ở thành phố này.
Suốt cả bữa sáng cả tôi và Hoàn chỉ tập trung ăn uống, không ai nói gì. Chốc chốc Hoàn nhìn tôi mỉm cười, tỏ ý rất hài lòng. Sau bữa sáng tôi vội vã tới trường chuẩn bị cho một ngày bận rộn.
Sáu giờ tối, ngay khi tan tiết học cuối tôi lao ngay tới phòng tập văn nghệ. Buổi trưa được nghỉ có ba mươi phút nên tôi bỏ bữa và sau tám tiết trên lớp là đói lả người. Tôi lờ đờ bước vào trong, đập ngay vào mắt là cảnh Hoàn đang được vây quanh bởi hàng chục em sinh viên trẻ đẹp. Chả trách cậu ta bảo tuyển chọn nhanh vậy. Có lẽ các em ấy tới tập thì ít mà tới ngắm cậu ta thì nhiều. Hình như hôm nay tôi mới nhận ra cậu ta cũng đẹp, cũng cao, dáng cũng chuẩn. Cộng thêm giọng hát hay và kết quả học tập không tệ. Tôi cũng loáng thoáng nghe đồng nghiệp kể rằng gia đình cậu ta khá giả. Vậy là thừa tiêu chuẩn để các em mê mệt.
- A, chị tới rồi!
Hoàn chen ra khỏi các em xinh đẹp chạy tới chỗ tôi.
- Giới thiệu với các em đây là cô Dương phụ trách đội văn nghệ của chúng ta.
Kết thúc màn giới thiệu ngắn gọn và trao đổi bài hát, tôi bàn giao chìa khóa cho thủ quỹ của đội rồi vỗi vã ra về.
- Chị ơi.
Tôi nghe thấy có tiếng ai đó gọi và đuổi theo tôi.
- Gì nữa?
- Chị mệt à?
- Không.
- Nhìn mặt chị tái mét.
- Không sao.
- Kẹo này.
Hoàn đặt vào tay tôi một thanh socola rồi quay lưng đi, được vài bước chân cậu ta lại quay lại.
- Nhớ chúc em ngủ ngon!
- .....
Mười một giờ, tôi tiếp tục nâng lên đặt xuống nhưng cuối cùng đã gửi một tin nhắn y xì hôm trước:
"Chúc ngủ ngon".
"Sáng mai sáu giờ hai mươi phút em sẽ có mặt. Chị ngủ ngon nhé! EYC!"
Tin nhắn của Hoàn tới sau vài giây, như thể cậu ta đã soạn sẵn tin nhắn và chỉ việc ấn gửi ngay sau tin nhắn của tôi. Dù gì bây giờ tôi có thể yên tâm ngủ ngon.
II. Sự thật được che giấu.
Những ngày sau, lịch trình của tôi lặp đi lặp lại: sáu giờ hai mươi phút ăn sáng trong im lặng cùng Hoàn, đi dạy, ghé qua đội văn nghệ, mười một giờ đêm chúc Hoàn ngủ ngon. Trong mười bốn ngày liên tiếp không thay đổi cho tới hôm đó là kỉ niệm bốn mươi năm ngày cưới của bố mẹ. Từ sáng sớm tôi đã bắt xe về nhà ăn cơm đoàn viên. Cả gia đình tôi có bốn người, tôi là con cả. Bố mẹ tôi kết hôn mười bốn năm mới sinh ra tôi, mẹ tôi hay nói vui rằng cả cuộc đời mẹ thất bại nhất là sinh ra đứa con gái như tôi. Mãi mới chịu ra đời mà lại không được thừa hưởng chút gen tốt nào của mẹ. Tôi không thích kinh doanh, cũng không giỏi trong đối nhân xử thế. Tôi chỉ thích đọc và sống chìm đắm trong mấy câu chuyện ngôn tình, xa rời hiện thực.
Buổi trưa, hai mẹ con dọn dẹp xong bát đũa tôi lại nhổ tóc cho mẹ. Dù đã ngoài sáu mươi nhưng mẹ ít tóc trắng nên không nhuộm và luôn chờ tôi về nhổ.
- Hồi bằng tuổi con mẹ đã làm dâu được bảy năm.
- Ôi, thời mẹ khác thời của con mà.
- Con gái có thì, cũng hai mươi bảy rồi.
- Nhưng phải có ai con mới cưới được chứ.
- Đi làm ít thôi, lo hẹn hò đi. Nhà mình đâu có nghèo tới mức con phải lao đi làm đâu.
Quả thực nhà tôi không nghèo nếu không nói là khá giàu. Ngày bố mẹ tôi cưới nhau chỉ có hai bàn tay trắng nhưng nhờ tài xoay sở làm ăn của mẹ, dù bố có đi làm xa thì ở nhà mẹ vẫn một mình làm kinh tế, xây nhà, tậu trâu. Mẹ bảo hồi chưa có tôi và em, mẹ làm kinh tế để đỡ buồn. Sinh con rồi lại làm kinh tế để nuôi con. Tới tận khi tôi đòi về Hải Phòng làm mẹ vẫn bày tỏ nguyện vọng tôi chỉ cần làm gần nhà, lương thấp cũng được, thiếu đâu mẹ sẽ nuôi nhưng vì tôi yêu nghề cầm phấn từ bé nên mẹ đã nhượng bộ.
- Tú đi Mỹ rồi hả con?
- Vâng, đi rồi ạ. Nhưng sao mẹ biết?
- Mẹ nghĩ tới lúc cần kể với con vài chuyện. Mẹ hi vọng con sẽ không giận mẹ.
- Có chuyện gì thế ạ?
- Con còn nhớ năm con học lớp tám có lần con bỏ nhà đi và bị tai nạn ở đầu chứ?
Mẹ nhắc tới vụ tai nạn năm lớp tám làm tai tôi ù đi, những kí ức kinh hãi năm đó lại hiện về. Tết năm đó là lần đầu tiên nhà tôi ăn Tết đầy đủ. Bố tôi chuyển công tác về gần nhà. Chị em tôi rất háo hức nhưng mẹ lại hay buồn. Vài lần còn thấy mẹ lén khóc nhưng tôi vô tư tin lời mẹ bảo mẹ mệt nên khóc tí thôi.
Sáng mồng hai Tết có đoàn khách đến nhà chơi, có một cô ăn mặc diện dàng lì xì cho hai chị em tôi mỗi đứa 50.000 rồi còn quan tâm hỏi han chị em tôi từng chút một. Tôi vẫn nhớ rõ cô ta xoa đầu em tôi bảo rằng: chờ bố con bỏ mẹ con rồi cô sẽ về làm mẹ của hai đứa. Hai chị em vùng chạy khỏi vòng tay cô ta chạy đi mách mẹ. Bố mẹ cãi nhau to, rồi bố còn tát mẹ. Là bố tôi ngoại tình, cô ta xúi bẩy bố li dị mẹ, cô ta bảo mẹ tôi xấu, không xứng với bố tôi, cô ta hứa hẹn sẽ đối xử tốt với hai chị em tôi.
Khi đó tôi đã mười ba tuổi, tuy còn rất dại nhưng tôi cũng phân biệt được ai đúng ai sai. Tôi rất hận bố tôi và đã cãi nhau với bố, tôi đã bỏ nhà đi trong một đêm mưa nhưng không may bị xe tông. Đầu tôi bị chấn thương nặng phải nằm viện ba tháng mới tỉnh. Khi tỉnh dậy tôi chỉ biết bố mẹ đã làm lành và quay lại với nhau, bố tôi đã xin lỗi ba mẹ con. Dù trong thâm tâm tôi chưa bao giờ quên nhưng mẹ tôi đã dặn dò không bao giờ nhắc lại chuyện cũ. Tôi cũng đã chôn vùi và ngỡ là sẽ không bao giờ nhắc lại nhưng tại sao chính mẹ tôi lại là người gợi lại ký ức ấy?
- Người phụ nữ đó là mẹ ruột của Tú.
- Là mẹ...
Câu nói của tôi bị khựng lại, có cái gì đó nghẹn đắng trong cổ họng. Người phụ nữ tôi căm ghét và nguyền rủa là mẹ của Tú sao? Là mẹ của người tôi đã yêu suốt bảy năm sao? Nhưng tại sao mẹ lại biết? Mẹ đã biết từ bao giờ? Hàng loạt câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi mà không thể thốt thành lời.
- Năm con thi vào lớp mười, đi họp phụ huynh mẹ gặp lại cô ta. Mẹ tìm hiểu thì biết cô ta có cậu con trai bằng tuổi con tên là Tú. Nhưng sau đó mẹ không bao giờ gặp lại. Mẹ cũng không quan tâm nhưng tới năm con học lớp mười một mẹ thấy các thầy cô nhắc con đang thân với một bạn Tú nào đó. Sau đó mẹ biết lớp con chỉ có một bạn Tú và mẹ đã hẹn gặp cậu ấy.
- Mẹ gặp anh ấy sao?
- Ừ, mẹ đã gặp vài lần. Cả trước khi đi Mỹ bố con Tú cũng tới gặp mẹ.
- Tại sao ạ?
- Mẹ xin lỗi. Mẹ không cấm cản con chơi với Tú nhưng khi biết hai đứa có tình cảm với nhau thì mẹ không thể chấp nhận. Mẹ Tú chính là người suýt phá vỡ gia đình ta.
- Mẹ đã làm gì ạ?
- Hè lớp mười một là lần đầu tiên mẹ gặp Tú. Tú vốn quá rõ mẹ cậu ấy là người như thế nào. Cô ta không chỉ lừa bố con mà còn có hàng tá đàn ông khác. Tú khá bất ngờ khi biết bố con cũng là nạn nhân nhưng...
- Nhưng sao ạ?
- Tú thích con.... Lúc ấy mới là thích thôi. Mẹ yêu cầu Tú tránh xa con nhưng cậu ấy đã cầu xin mẹ cho phép được chơi với con như một người bạn cùng lớp. Mẹ thấy Tú rất đáng thương, bố mẹ cậu ấy cũng li dị nên mẹ đã yêu cầu cậu ấy có thể làm bạn nhưng không được phép gieo cho con chút tình cảm nào xa hơn.
- ....
- Mẹ xin lỗi. Tú đã giữ đúng lời hứa. Sau đó mẹ vẫn gặp Tú và nhắc nhở cậu ấy về việc giữ khoảng cách với con. Mẹ biết con rất thích Tú nhưng mẹ không thể chấp nhận được. Dù thế nào cậu ấy vẫn do người phụ nữ kia sinh ra.
- Con hiểu ạ.
- Ngày đó bố Tú làm công nhân rất nghèo nhưng mẹ nhận ra anh ta có khả năng làm kinh doanh, chẳng qua chưa có vốn, chưa gặp thời. Mẹ đã cấp cho anh ta một số vốn và giao cho mảng làm ăn của nhà mình bên Quảng Ninh. Mẹ cũng yêu cầu anh ta cho Tú đi du học. Đó cũng là ước mơ của Tú và mẹ nghĩ như vậy tốt cho cả hai đứa.
- ...
- Mẹ thực sự thấy có lỗi với con. Tú là chàng trai tốt. Có ý chí, có nghị lực nhưng mẹ không thể chấp nhận cậu ấy làm con rể mẹ. Mong con hiểu cho mẹ.
- Không sao đâu ạ, con lớn rồi mà, con hiểu ạ.
Tối đó, tôi lấy lí do hôm sau có lớp sớm để xuống Hải Phòng. Thực sự tôi quá sốc khi biết sự thật. Tôi không giận mẹ nhưng tôi cũng không thể dễ dàng chấp nhận việc đã bị dấu diếm bao năm qua. Mọi ký ức của bảy năm lần lượt hiện về trong đầu. Lần đầu tiên tôi và anh gặp nhau, anh đã đối xử với tôi ấm áp như thế nào. Tôi đã hạnh phúc biết bao khi tôi là người duy nhất được nhận những tình cảm đó. Rồi bất ngờ vào những ngày hè năm lớp mười một anh bất chợt lạnh nhạt, anh thân thiết với cô gái khác và bảo rằng tôi chỉ là em gái. Tôi chấp nhận với cương vị em gái kết nghĩa nhưng không ngừng đeo bám anh. Anh không quan tâm cũng không xa lánh, anh đối xử với tôi đúng chừng mực, đúng cương vị của một người anh.
Chỉ có tôi là người duy nhất không biết sự thật. Tôi đã oán trách anh, thậm chỉ trước khi anh đi Mỹ tôi vẫn nổi cáu với anh. Tôi hận anh không coi tôi bằng mấy món đồ bỏ đi. Tôi thật ngu ngốc. Càng nghĩ tôi càng thấy giận bản thân, càng thương mẹ tôi và thương cả anh nữa. Lần duy nhất anh thừa nhận yêu tôi ở trên bức thư tạm biệt. Tôi thậm chí không tin và xé nát nó... Bảy năm qua anh đã sống khó khăn như thế nào? Mẹ tôi đã khổ tâm ra sao? Tất cả tôi đều không rõ...
Vào thời điểm đầu óc không tỉnh táo nhất tôi đã tạt vào một quán pub gần nhà, gọi một chai rượu và trút hết căm hờn vào nó. Càng uống kí ức càng hiện về rõ ràng. Tôi lại nhớ khi tôi tâm sự với anh về việc bố ngoại tình, rồi tôi không tin tưởng đàn ông ra sao, tôi muốn xé xác người phụ nữ kia thế nào. Đó là mẹ anh, chắc anh đã đau lòng lắm khi nghe tôi nói vậy. Anh từng bảo tôi cuộc sống của anh rất bế tắc và mệt mỏi nhưng tôi gạt đi, tôi bảo anh: bố mẹ không hợp li dị là bình thường. Tôi nào hay biết đằng sau sự li dị ấy là cả tuổi thơ anh thiếu mẹ. Là nỗi tủi nhục của một đứa con có mẹ đi cướp chồng người khác. Tôi đã nghĩ anh cũng như tôi, có chút nỗi đau con con trong lòng... tôi đã không biết gì cả.
Một ly rượu đầy, thêm một ly nữa, rồi thêm nhiều ly nữa...tôi đã lịm đi...
Việc đầu tiên tôi tỉnh dậy cảm nhận cơn đau tới nổ đầu, khi mắt đã từ từ thích nghi với ánh sáng tôi nhận ra tôi đang nằm trên chiếc giường của tôi, trong căn phòng của tôi. Trước khi tôi kịp tự hào rằng: say vẫn về được tới nhà thì Hoàn bước vào. Nhìn thấy cậu ta tôi tỉnh hẳn, bật phắt dậy ngơ ngác:
- Sao cậu ở đây?
- Có người say rượu rủ em đến uống cùng.
- ...
- Chị uống nước đi rồi mau đi thắp hương cảm ơn các cụ là em đã đưa chị về nhà an toàn.
- Tôi không nhớ gì cả.
- Vậy chị cũng không nhớ hôm qua em đã hôn chị chứ?
- Cái gì?
Tôi lôi gối ra chuẩn bị quăng, Hoàn nhanh tay cản lại.
- Em đùa thôi, chị uống nước đi. Em sẽ hôn khi chị tỉnh.
- ...
Hoàn đã ở bên tôi cả ngày hôm đó, cậu ta không hỏi, tôi cũng không nói nhưng tôi cảm thấy dễ chịu khi có người ở bên. Trong lúc cậu ta đang ôm đàn nghêu ngao tôi viết mail cho anh. Tôi đắn đo viết rồi xóa, viết rồi xóa hàng chục lần cuối cùng gửi đi vẻn vẹn vài chữ: "Em đã biết tất cả. Cảm ơn anh vì đã yêu em!"
...
III. Rắc rối lớn!
Còn vài ngày nữa là tới buổi kỷ niệm, những hoạt động ngày một nhiều trong khi vẫn phải đảm bảo tiến độ giảng dạy làm tôi mệt nhoài. Cả ngày ở trường, tối muộn về nhà nhưng tôi vẫn duy trì tin nhắn quen thuộc: "Chúc ngủ ngon." để gửi cho Hoàn. Hoàn cũng tiếp tục phản hồi tin nhắn của tôi ngay tức khắc, khi thì dặn cái này, lúc nhắn nhủ cái kia nhưng tất cả tin nhắn đều kết thúc bởi "EYC". Tôi không biết và cũng không tò mò ý nghĩa của từ đó. Có khi đó chỉ là một dạng chữ ký ở cuối tin nhắn.
Đêm trước ngày kỉ niệm, tất cả sinh viên và giáo viên toàn trường quây quần bên đống lửa giữa sân trường để nghe thầy Hiệu trưởng kể về lịch sử thành lập trường cũng như quãng thời gian 59 năm qua. Một không gian ấm áp và mang tính lịch sử làm tất cả mọi người sát lại gần nhau. Bất chợt tôi cảm thấy thiếu thiếu một điều gì đó. Bình thường Hoàn hay quanh quẩn bên cạnh không hát thì lại càu nhàu như ông cụ non nhưng cả tối nay chưa thấy cậu ta. Đầu giờ chiều cậu ta còn dúi vào tay tôi cái kẹo mút rồi lại chạy đi điều chỉnh loa đài từ đó mất hút hẳn.
Mười giờ tối, tới chương trình văn nghệ tự do cho sinh viên, ca khúc theo yêu cầu: "Thay lời muốn nói". Đây là ý tưởng được đề ra nhằm mục đích cho các bạn sinh viên gửi lời muốn nói đến thầy cô, bạn bè hay những người yêu thương.
MC vừa dứt lời Hoàn ôm đàn xuất hiện trên sân khấu, cả đám đông hò hét náo nhiệt:
"Người yêu hỡi có biết tim anh xuyến xao bồi hồi
Vì em rực rỡ nhất giữa lung linh sắc hương đất trời
Dù cho ngày tháng phôi pha dẫu hoa có phai nhạt mầu
Thì em với anh mãi là tình yêu
Khi lần đâu gặp em.thời gian bỗng như ngừng lại
Khi lần đầu nhìn em, mùa xuân như đong đầy trong mắt
Xóa đi đêm dài,quạnh hưu lạnh lùng
Cuốn trôi ưu phiền mùa đông...
Thắp lên khung trời... tình yêu tuyệt vời
Lời trái tim của anh dành tặng em..."
Ca khúc "Thầm yêu" nổi tiếng một thời của ca sỹ Duy Khoa bây giờ đang được thể hiện lại bởi cậu sinh viên Mạnh Hoàn, đám đông ngày một phấn khích nhún nhảy theo. Các nữ sinh viên dường như muốn nhào vào ôm lấy Hoàn. Dưới ánh đèn sân khấu cậu ta quả thực sáng lấp lánh như ánh mặt trời. Khi ca khúc dần kết thúc một bó hoa được chuyển đến tay Hoàn. Không chút ngần ngại cậu ta tiến thẳng về phía giáo viên, tới thẳng chỗ tôi đang ngồi, quỳ xuống và đưa bó hoa cho tôi. Cả đám đông như mất kiểm soát chợt vỡ òa rồi nhanh chóng im bặt. Mọi ánh mắt dồn về phía tôi, tôi cảm thấy vô cùng bối rối nhưng quyết định nhận hoa. Tôi tự nhủ rằng: chỉ là một bó hoa, không nhận sẽ khiến Hoàn mất mặt và làm ảnh hưởng tới không khí của mọi người.
Ngay khi bó hoa trao đến tay tôi, Hoàn lại biến mất. Cả đêm đó và cả hôm sau cậu ta góp mặt hết hoạt động này đến hoạt động khác, tôi cũng bù đầu trong công việc. Tới sáng ngày sau nữa, lễ kỉ niệm đã kết thúc tốt đẹp, trong khi tôi đang cảm ơn từng sinh viên đã tích cực tham gia hoạt động thì Hoàn từ đâu chạy tới. Cậu ta choàng tay qua cổ, kéo tôi sát vào người cậu ta dõng dạc: "Ôm cái cho đỡ nhớ". Tất cả sinh viên xung quanh quay ra nhìn chúng tôi như vật thể lạ. Mặt tôi nóng như vỡ tung trong khi Hoàn không có ý định nới lỏng tay...
IV. Phụ huynh học sinh.
Một tuần mới bắt đầu. Tôi nhận thấy những cái nhìn lạ lùng khi đi giữa sân trường và cả tiếng xì xào trong lớp học. Về tới bộ môn tôi tiếp tục bắt gặp những nụ cười bí hiểm, những cái nháy mắt đầy ẩn ý cho tới một câu hỏi thẳng thắn từ đồng nghiệp: "Thế nào, hai đứa công khai rồi hả"?
Công khai? Tôi hiểu mọi người đang nói tới ai. Sự thật tôi và Hoàn không có gì, hoàn toàn không nhưng tôi đâu có một trăm, một nghìn cái miệng để giải thích. Tôi biết mọi người nhận ra sự khác biệt trong cách đối xử của Hoàn với tôi. Tôi cho rằng đó chỉ là tình cảm của một người em trai với chị gái. Hoặc có thể đó là sự ngộ nhận tình cảm của tuổi trẻ, sẽ có ngày cậu ấy tìm được tình yêu với một cô gái trẻ trung cùng độ tuổi chứ không phải với một người lớn hơn cậu ấy tới năm tuổi.
Khi bị đồng nghiệp trêu chọc, tôi đã cố gắng giải thích cho tới lúc mệt mỏi chỉ biết cười trừ im lặng. Nhưng mọi chuyện đã tệ hơn rất nhiều khi sinh viên toàn trường dành cho tôi cái nhìn không mấy thiện cảm. Một thầy giáo yêu một sinh viên là chuyện được chúc phúc còn một cô giáo hẹn hò với sinh viên lại là điều thị phi. Nếu như sự thật tôi hẹn hò chắc hẳn tôi sẽ khác, đằng này tôi bị oan và không ai tin tôi. Tôi đã ôm ấm ức ấy nguyên một ngày rồi chạy thẳng về nhà khóc thút thít. Trong một khoảng khắc tôi cảm thấy tất cả đau buồn đều kéo đến. Tôi đã mất tình yêu bảy năm và cứ ngỡ rằng sẽ bắt đầu sống thật tốt ở thành phố này nhưng bây giờ tôi biết phải làm sao? Những cái nhìn soi mói, những tiếng xì xào ác ý. Rồi đây ai sẽ nghe tôi giảng bài? Ai sẽ tin rằng tôi không có tình yêu với sinh viên kém tuổi.
Ding dong... ding dong...
Tiếng chuông vang lên từng hồi dài, tôi uể oải bò ra khỏi giường.
- Đến đây làm gì?
- Chị khóc à? Mắt đỏ hoe thế kia.
- Liên quan gì tới cậu. Về đi.
- Lớn thế này mà còn khóc nhè à. Kẹo này.
Tôi nhìn những chiếc kẹo nằm gọn ghẽ trên bàn tay Hoàn đang xòe ra trước mặt tôi, bất chợt tôi nắm lấy chúng ném ra xa và hét lên.
- Cậu thôi đi, tôi có phải trẻ con đâu mà lúc nào cậu cũng đem kẹo ra dỗ. Cậu cút đi, tôi ghét cậu. Tất cả rắc rối là tại cậu. Cậu cút đi và đừng bao giờ xuất hiện trước mặt tôi nữa.
Nước mắt tôi bắt đầu rơi lã chã, tôi ngồi sụp xuống khóc nức nở. Hoàn luống cuống ngồi cạnh tôi, đặt một tay lên lưng vỗ vỗ.
- Chị đừng như vậy mà, mau nín đi. Tự nhận không phải trẻ con mà còn khóc ăn vạ ai.
- ....
Mười phút, hai mươi phút trôi qua, tôi nức nở cho tới khi kiệt sức. Cảm giác như tất cả uất ức đã trào ra ngoài nhường chỗ cho cơn buồn ngủ. Tôi loạng choạng đứng dậy quay vào nhà.
- Em yêu chị.
Hoàn bước tới ôm chặt tôi từ đằng sau. Tôi không còn chút sức lực để chống cự nên đã ứng im chịu trận. Thời gian lặng lẽ trôi, tôi gỡ tay Hoàn bước thẳng vào nhà. Hoàn đứng ngoài nhìn vào nhà cho tới khi tất cả đèn được tắt. Ngoài trời mưa bắt đầu rơi...
Sáng thứ ba, tôi đứng trước gương tự nhủ hàng triệu lần: phải mạnh mẽ. Đã lạc quan: rồi mọi chuyện sẽ qua. Thậm chí tôi còn tự động viên: kể cả tôi và Hoàn có yêu nhau thì việc đó không trái pháp luật. Hẳn là nhà trường sẽ không sa thải một giáo viên tâm huyết vì tin đồn thất thiệt.
Thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu cũng đến rồi đi. Tôi đã vượt qua một tuần không rơi thêm một giọt nước mắt. Tôi quyết định tự thưởng bản thân ngày thứ bảy không ra đường. Chỉ nằm nguyên trên giường đọc truyện.
Tiếng nhạc Roly poly vang lên đều đặn...
- Cháu có phải là Dương không?
Một giọng phụ nữ nhẹ nhàng vang lên.
- Cô là mẹ của Hoàn, cô có thể gặp cháu một lát được không?
Mẹ Hoàn? Có lý do gì để cô ấy hẹn gặp tôi? Tôi chưa bao giờ nghe thấy Hoàn nhắc đến mẹ và tôi cũng chưa bao giờ tò mò về gia cảnh cậu ta nhưng tôi đã đồng ý hẹn gặp.
Hai giờ chiều ở một quán cafe gần nhà tôi, cả quán chỉ có một vị khách nữ duy nhất. Nhìn thoáng qua cô ấy khoảng ba mươi tuổi nên tôi đoán không thể là mẹ Hoàn. Năm nay Hoàn hai mươi hai nên áng chừng mẹ cậu ta cũng phải ngoài bốn mươi tuổi.
- Cháu là Dương?
Tôi ớ người khi vị khách nữ chủ động bắt chuyện.
- Dạ vâng ạ. Cô là?
- Cô là mẹ Hoàn.
- Dạ cháu chào cô.
- Chắc là cháu ngạc nhiên. Thật ra cô là mẹ kế của Hoàn.
- ...
- Cô xin lỗi vì đường đột hẹn cháu nhưng Hoàn bỏ nhà đi mấy hôm nay. Cô chú không có cách nào liên lạc được với Hoàn.
- Bỏ nhà đi ạ? Hôm thứ hai cháu có gặp Hoàn nhưng mấy hôm nay cháu không gặp, cũng không liên lạc gì.
- Cô chú đã tìm hết bạn bè của Hoàn, cũng nhờ mọi mối quan hệ tìm kiếm bên ngoài nhưng không thấy. Cô chú hi vọng Hoàn liên lạc với cháu.
- Cháu có thể hỏi vì sao Hoàn bỏ nhà đi không ạ?
- ....
Một khoảng thời gian im lặng kéo dài rồi bất chợt nước mắt người phụ nữ trước mặt lã chã rơi làm tôi bối rối.
- Chẳng dấu gì cháu, bố mẹ Hoàn li dị năm Hoàn học cấp hai. Mẹ Hoàn vào Nam và kết hôn với người đàn ông khác. Bảy năm trước cô cũng bằng tuổi cháu bây giờ, cũng xinh đẹp và nhiều đàn ông theo đuổi nhưng cô lại yêu bố Hoàn – một người hơn cô mười bốn tuổi, đã li dị và có con nhỏ. Cô chú đã bất chấp tất cả để đến với nhau. Hoàn không phản đối nhưng luôn giữ khoảng cách và coi cô như người xa lạ. Bố Hoàn làm kinh doanh, thường ngày rất bận rộn nên không để ý đến Hoàn. Hôm trước chú ấy có nghe nói về việc Hoàn có tình cảm với một cô giáo hơn tuổi ở trường. Chú ấy rất tức giận nên đã trách móc Hoàn. Hoàn cãi lại và bảo rằng Hoàn không phản đối cuộc hôn nhân của cô chú thì cô chú cũng không có quyền can thiệp vào đời tư của cậu ấy. Sau đó cậu ấy đã bỏ đi. Cô chú rất lo lắng và suy nghĩ rất nhiều về những gì Hoàn nói nhưng bây giờ không biết Hoàn đang ở đâu. Nếu cháu có liên lạc với Hoàn mong cháu giúp cô chú khuyên Hoàn về nhà rồi có chuyện gì từ từ giải quyết.
Sau cuộc nói chuyện với mẹ Hoàn tôi mới nhận ra điều duy nhất tôi biết về Hoàn là cậu ấy yêu ca hát. Những điều tôi chưa biết là cậu ấy có mẹ kế, có một cô em gái cùng cha khác mẹ năm nay sáu tuổi. Bố cậu ấy là một đại gia bất động sản lớn nhất nhì cả nước và cậu ấy không đam mê kinh doanh dù bố cậu ấy muốn cậu ấy kế nghiệp nên đã ép cậu ấy học về tài chính. Mẹ kế Hoàn cũng nhờ tôi chuyển thông điệp tới Hoàn rằng chỉ cần cậu ấy đồng ý tiếp quản cơ nghiệp của bố thì cậu ấy sẽ được tùy ý kết hôn với người cậu ấy muốn. Lựa chọn giữa tình yêu ca hát và tình yêu với một cô gái chưa bao giờ dễ dàng.
V. Nhận ra tình yêu.
Hai tuần kể từ lần gặp mẹ Hoàn và Hoàn vẫn mất tích. Không một ai liên lạc được với Hoàn. Các môn học Hoàn đều bỏ và có nguy cơ không đủ tư cách thi môn.
Một tối mát mẻ, tôi đang hí húi tập làm hoa giấy thì có chuông cửa.
- Chào chị!
Là Hoàn, nhưng chàng trai trẻ tuổi luôn vui vẻ tôi từng quen đã biến mất, trước mặt tôi là một Hoàn gầy rộc, xanh xao với đôi mắt u buồn.
- Vào nhà đi.
- Hôm nay chị không đuổi em à?
Vừa bước vào phòng khách Hoàn đã ôm chặt tôi, vùi mặt vào mái tóc.
- Em nhớ chị lắm, nhớ đến phát điên.
Tôi cố gắng đẩy Hoàn ra nhưng bất lực.
- Mấy tuần qua cậu ở đâu?
- Để em ngửi mùi chị một tí đã rồi đánh hay mắng em cũng chịu.
- ...
- Chị à. Kết hôn với em nhé!
Tôi xô Hoàn, cau có ngồi phịch xuống ghế. Hoàn lặng lẽ tới ngồi cạnh tôi.
- Em đi Đà Nẵng vài hôm. Thay đổi chút không khí và suy nghĩ vài chuyện.
- Bỏ nhà đi làm bố mẹ lo lắng, bỏ cả học để nghĩ cái gì.
- Về chị.
- ...
- Em yêu chị.
Tôi quay sang lườm Hoàn và bắt gặp cái nhìn ấm áp đầy yêu thương của cậu ấy. Đây không phải lần đầu Hoàn nhìn tôi với ánh mắt như vậy nhưng sao lúc này, ngay thời điểm này tim tôi lại đập loạn xạ. Tôi có thể cảm nhận rõ mặt tôi đang nóng bừng lên còn trái tim không ngừng nhảy nhót mất kiểm soát. Tôi đã lo lắng cho cậu ấy. Tôi hỏi bạn bè cùng lớp những nơi Hoàn hay tới để tìm. Tôi đọc lại những tin nhắn mỗi tối cậu ấy từng gửi cho tôi, mở lại những bài hát cậu ấy từng hát và nghĩ về những lúc cậu ấy bên tôi, chăm sóc tôi. Tôi ngồi đơ người với những dòng suy nghĩ miên man và một trái tim đập mất kiểm soát. Hoàn từng chút, từng chút tiến lại gần, cho tới khi môi cậu ấy chạm vào môi tôi, tôi bừng tỉnh.
- Cậu định làm gì đấy?
- Hôn chị.
- ...
- Chị có nhớ em không?
- Không.
- Em đã nhớ chị đến chết đi sống lại mà chị nỡ lòng nào không nhớ em sao.
- Ừ.
- Vì nhớ chị em mới trở về đấy.
- Đấy là việc của cậu.
- Em sẽ đi du học.
Một người câu trước còn bảo vì nhớ tôi mà trở về, câu sau lại bảo sẽ đi du học. Thật là mâu thuẫn.
- Em sẽ hoàn thành kỳ học cuối ở trường và sẽ đi học Thạc sỹ. Em sẽ tiếp quản cơ nghiệp gia đình.
- Cậu có thực sự muốn làm không? Cậu từng bảo muốn làm ca sĩ.
- Đúng. Em muốn làm ca sĩ nhưng em muốn ở bên chị hơn. Chỉ cần đi học về em có thể đường hoàng chính chính theo đuổi chị. Lúc đó em sẽ đi làm, em sẽ chăm sóc chị. Chị chờ em nhé.
- Tôi không điên. Tôi già rồi, cần lấy chồng và sinh con, việc gì tôi phải chờ cậu.
- Nếu chị muốn ngày mai chúng ta đi đăng ký.
- Cậu bị điên à?
- Em chưa bao giờ tỉnh táo như lúc này.
- Cậu từ bỏ ước mơ của cậu dễ dàng nhỉ.
- Ước mơ của em là chị. Chị là cảm xúc để em hát, để làm làm tất cả mọi việc của cuộc sống này. Em cần chị.
- Nhưng tôi không cần cậu.
- Chị đừng tự lừa dối tình cảm của chị nữa.
Không muốn tiếp tục tranh cãi với Hoàn tôi cáo mệt đi ngủ nhưng Hoàn vẫn ngồi ỳ ở phòng khách. Nửa đêm tôi sực nhớ ra có khi Hoàn đã về mà tôi chưa khóa cửa nhưng khi xuống nhà tôi thấy Hoàn nằm co ro trên chiếc ghế nhỏ ngủ ngon lành. Tôi tiến lại gần lặng lẽ nhìn cậu ấy. Có hai tuần mà cậu ấy già đi nhiều, trong giấc mơ cậu ấy thấy gì mà cau có vậy? Chắc hẳn Hoàn buồn nhiều lắm. Nếu như những gì Hoàn nói là thật, cậu ấy sẵn sàng từ bỏ ước mơ vì tôi? Liệu tôi có xứng đáng với sự hi sinh ấy?
Sớm hôm sau tôi bị đánh thức bởi mùi bánh kem thơm lừng. Lần theo mùi hương xuống bếp tôi thấy Hoàn đang mặc bộ tạp dề hình con vịt lúi húi trong bếp.
- Cậu đang làm gì trong bếp nhà tôi thế?
- Nướng bánh cho chị.
- Về nhà cậu đi.
- Em không về.
- Không về cũng đừng ở nhà tôi nữa.
- Em không đi chị làm gì được.
- Tôi bảo bố mẹ cậu tới hốt cậu về.
- Họ biết em ở đây rồi.
- Vậy sao...
- Em đã thỏa thuận với bố em rồi, chị hãy yên tâm ở bên em thôi.
- Hoàn này, tôi...
Thêm một câu nói của tôi bị bỏ dở vì môi của tôi đã bị chặn lại bởi môi Hoàn. Từng chút, từng chút một Hoàn tiến tới cho tới khi tôi đầu hàng và bắt đầu đáp lại nụ hôn ấy.
- Chị còn cãi không yêu em đi.
- Cậu...
- Từ giờ chị cãi một câu em hôn một cái. Cứ cãi có nghĩa chị muốn hôn.
- Cậu...cậu...
- Nào, em đã cất công làm bánh kem từ sáng, việc của chị là mau tới thổi nến.
- Ngày gì mà thổi nến.
- Ngày em và chị chính thức hẹn hò! Chị à! Em yêu chị!
HS2P