Gửi bài:

Khoảng cách có là bao!

"Cách nhau một tiếng hai mươi ba phút đi tàu, có là bao chứ!"

Đó là câu anh nói khi tôi chuyển nhà, cách thành phố anh sống một tiếng hai mươi ba phút đi tàu đến một thôn quê nhỏ xíu. Khi ấy, chúng tôi chỉ là những đứa trẻ mới lớn, tôi mười lăm, còn anh mười bảy, trước đây chúng tôi chưa từng rời nhau. Chúng tôi sống đối diện nhau, phòng tôi kéo cửa kính có thể nhìn qua căn phòng của anh, chúng tôi đã trải qua những ngày đẹp nhất, đứng ở cánh cửa kính của mình, nhìn đối phương mà trải qua những cung bậc cảm xúc với nhau. Khi ấy, thứ tình cảm trong tôi cứ day dứt, mãi đến sau này mới hiểu, đó là tình yêu đầu đời.

Thời đó, chúng tôi không có những phương tiện số hiện đại như bây giờ, chỉ có thể cùng nhau học những tín hiệu dành cho người câm và dùng nó để nói chuyện với nhau mỗi tối trước khi đi ngủ. Anh và tôi ngồi trên thanh cửa sổ, đung đưa chân vào khoảng không, dùng những cử chỉ để nói chuyện với nhau, nụ cười của anh hòa vào ánh sáng huyền ảo hắt ra từ đèn bàn trong phòng, khiến nụ cười ấy như pha thêm chút huyễn hoặc, như một vị thần đang tươi cười với tôi, khi đó, chúng tôi cứ nghĩ cả hai sẽ mãi mãi như vậy chẳng bao giờ đổi thay, điều đó làm tôi rất hạnh phúc với sự yên ổn từng ngày với anh như thế.

Nhưng, thật sự mãi mãi là bao lâu đây?

***

khoang-cach-co-la-bao

Năm tôi mười sáu, gia đình chúng tôi không thể giữ được căn nhà này nữa, đành bán nó chạy chữa cho em gái tôi, chúng tôi phải chuyển nhà nhà ngoại ở vùng ngoại ô, cách đây một tiếng hai mươi ba phút đi tàu. Tôi biết tin này từ ngày thứ ba, cho đến tận thứ sáu, tôi không có cách nào mở lời với anh. Tôi phải nói thế nào đây? Em sẽ đi khỏi đây. Em phải về quê, em phải...xa anh. Điều tôi sợ không phải là ánh mắt u buồn của anh, mà là bản thân tôi không chịu nổi sự xa cách ấy. Quãng đường sáu mươi tám ki lô mét ấy là một chặng đường quá xa xôi đối với chúng tôi.

Mỗi ngày, tôi đều gặp anh, chúng tôi cùng nhau đi suốt con đường đến trường, một câu nói bám lấy tôi trên môi " Em sắp phải đi rồi..." thế nhưng không bao giờ thành lời. Tôi cũng không mở cửa sổ phòng mình nữa, rèm kéo im lìm, tôi nằm im trên giường mỗi đêm nghe nước mắt mặn chát chảy vào môi, đôi lúc anh giả vờ qua nhà tôi mua vớ vẩn khi cây kẹo, khi chai nước ngọt chỉ để xem tôi ra sao.

"Con vẫn không nói với Trung là con sẽ đi à?"

Mẹ tôi hỏi khi tôi loay hoay rửa chén trên sàn. Câu hỏi đó khiến tôi ngơ người, chúng tôi đã dọn đồ xong rồi, ngày mai là khởi hành về quê, hôm nay bố đưa em gái tôi về trước, sức khỏe nó càng lúc càng không thể chống đỡ nổi. Tôi lấy lại vẻ điềm nhiên của mình, cởi vội bao tay nhựa và đi nhẹ lên gác.

Tối nay, tôi nhất định sẽ nói với anh.

Tôi kéo rèm và ngồi trên cửa sổ từ rất sớm. Chân tôi không buồn đung đưa nữa, tim cứ bị bóp nghẹt lại và hồi hộp đến dù trời sắp vào đông, mồ hôi vẫn rịn trên trán. Đèn phòng anh sáng bật, anh kéo rèm và ngạc nhiên, sau đó anh cười thật tươi vội vã đến mức không kịp cởi chiếc ba lô trên vai, anh ngồi lên thanh cửa sổ, đưa tay vẫy tôi.

Có lẽ, đêm nay là đêm cuối cùng chúng tôi nói chuyện với nhau như thế này...

Tôi đưa tay ngập ngừng nhắn một dòng tin. Anh vẫn mỉm cười như chờ đợi, cuối cùng điều đau lòng nhất cũng phải đến với chúng tôi.

"Bố mẹ em bán căn nhà này rồi, mai em sẽ đi về nội sinh sống..."

Anh im bặt, không còn cười nữa mà hơi cúi gằm khuôn mặt. Chúng tôi yên lặng như thế trong một thời gian khá dài, tôi sắp bật khóc mất, tôi đưa tay vẫy anh và nở nụ cười tươi nhất tôi có thể giả tạo trong lúc đó.

"Em ngủ đây, mai em phải đi sớm. Có dịp, em sẽ thăm anh."

"Em..."

Tôi chờ đợi anh nói câu cuối cùng với mình.

"Anh ...yêu...em."

Tôi mở căng mắt để nhìn xem những cử chỉ của anh có bị sai chỗ nào không, nhưng anh nhẹ nhàng lặp lại điều đó một lần nữa, chậm rãi và u buồn đến đáng thương.

"Anh yêu em."

Đèn tắt, tôi ngồi thụp dưới cửa sổ và đêm đó, tôi còn nhớ lại, quả thực là một đêm rất dài đối với tôi.

Mùa đông đầu tiên ở quê, tuyết trắng khắp nơi và ở giữa một quãng đồng, nhà nội tôi chơ vơ hứng đón những bông tuyết khắc nghiệt. Phương tiện duy nhất ở đây là xe đạp và chỉ có một chuyến tàu về mỗi ngày vào lúc mười một giờ trưa ở đầu làng, nhưng vì tuyết, chuyến tàu liên tục bị hoãn và hủy. Tôi và em gái quen cảm giác tàu về, tiếng bánh rít vào đường ray khi đến toa dừng, tiếng tàu rời đi tu một hồi còi dài vào lúc năm giờ chiều, đó là điều vui nhất đối với chị em tôi khi ở đây.

Bệnh của em gái tôi ngày càng nặng, nó chỉ có thể nằm yên mà nghe tàu, điều làm nó vui nhất trong ngày, tàu trưa báo hiệu mẹ sẽ về từ đồng ruộng, còi chiều là bố tan làm ở một công ty giấy trong làng, cả nhà lại đoàn tụ ngồi ăn cơm với nhau. Còn tôi, chưa quen hẳn với nhịp sống yên ắng ở đây, tôi nhớ những đoàn tàu ngược xuôi ở thành thị, những dòng xe, những ánh đèn, những người bạn, những món ăn mang mùi vị nhộn nhịp, và trong giấc mơ nông mỗi đêm, tôi đều thấy anh ở bên kia cửa sổ, nói câu " anh yêu em" bi thương ão não.

Mỗi tuần, anh dành một tiếng hai mươi ba phút của mình để đến ngôi làng bé nhỏ này thăm tôi. Mang cho tôi những thứ mang hương vị thành phố, mang cho em tôi những lọ thuốc giảm đau, và chúng tôi ngồi cùng nhau ngồi ở trạm tàu, không di chuyển bởi vì bên ngoài rất lạnh, có lúc im lặng, có lúc chuyện trò nhẹ nhàng, có lúc chỉ cùng nhau ngắm những bông tuyết cuộn tròn trĩnh rơi xuống lòng bàn tay, rồi năm giờ, rồi anh đi, rồi chúng tôi nhìn nhau qua cửa kính của tàu, anh mất hút trong tiếng còi kéo dài vô vị.

Tôi không học đại học, vì phí điều trị của em gái tôi càng ngày càng cao, tôi không thể ích kỷ bản thân mình mà để em gái chịu đau đớn. Tôi bỏ học. Khi mới chuyển về đây sống, bản thân tôi luôn thúc giục mình phải học đại học, vì chỉ có điều đó mới giúp tôi gần anh, không phải mỗi tuần gặp nhau một lần, tôi muốn mỗi ngày đều trông thấy anh, mỗi ngày đều được cạnh anh. Xem ra, điều vô lý vẫn mãi mãi trở thành vô lý. Chúng tôi vẫn cách xa nhau, sáu mươi tám ki lô mét và hơn một tiếng đi tàu cực nhọc.

Tôi hai mươi, anh hai mươi hai.

Anh nói anh muốn du học thạc sĩ, đồng nghĩa với việc, chúng tôi không thể gặp nhau mỗi tuần một lần. Trước đây, khi còn là cô gái nhỏ bé, tôi quen với việc gặp anh mỗi ngày, khi mười sáu tuổi, tôi quen với việc một tuần gặp anh một lần, bây giờ đã hai mươi, một năm gặp một lần, chắc vẫn sẽ ổn, tôi an ủi mình.

"Em có thể lên thành phố đưa anh đi được không?"

"Em..."

"Thôi, không được cũng không sao. Mỗi tháng anh sẽ viết thư về cho em."

Và vì thấy tôi không lên được sân bay, em tôi không thể không có người bên cạnh, hôm ấy anh đưa cô gái khác ra sân bay đưa tiễn anh. Tôi đánh liều mạng em gái mình khi nó giục tôi đi đi, chỉ có một lần cơ hội. Đúng rồi, chỉ có một lần cơ hội nhìn thấy tôi bị phản bội, làm gì có lần thứ hai. Trời bắt đầu mua và tôi lặng lẽ rời khỏi nơi đó, như cách tôi xuất hiện. Tôi mang món quà tự tay làm cho anh về nhà, treo nó ở một góc phòng, mân mê từng đường len mà bật khóc. Ngày anh tỏ tình, tôi không nói là tôi đồng ý, mỗi tuần gặp anh một lần, tôi cũng chưa bao giờ nói "em yêu anh", chính anh đã tạo một mối tình, vậy mà sao chỉ có mỗi tôi là đau khổ? Nhân sinh, thật có nhiều điều quá vô lý.

Thư vẫn điều đặn một tháng về một bức, tôi vẫn điều đặn làm công việc cất nó vào tủ, chưa một lần bóc niêm. Em gái tôi đã có thể đi lại chậm rãi trong nhà, sức khỏe cũng dần dần hồi phục, bố mẹ có dự định mua lại căn nhà cũ, nhưng cả chị và em tôi đều không đồng tình. Có lẽ, cứ sống như vậy, như mù như câm ở một cái làng nhỏ xíu này, còn đỡ hơn là quay lại nơi mọi thứ bắt đầu.

Tôi hai mươi lăm. Anh hai mươi bảy.

Anh thành danh và trở về nước. Tôi nhỏ bé dần trở thành cô gái nông thôn suốt ngày chỉ biết đến công việc. Tôi làm ở một công ty giấy như bố, mỗi ngày làm việc kiểm giấy và nhập số liệu. Ngày hôm nay giống hôm qua, hôm qua giống ngày mốt, ngày mốt lại giống ngày kia, chúng trôi qua mỗi ngày giống hệt nhau khiến tôi đôi lúc trở thành một cơ thể già cỗi quên mất cả thời gian ngày, tháng. Anh cũng đã ngưng thư từ cho tôi từ năm tháng trước, có lẽ anh cũng đã tìm được nơi ổn định cuộc sống hôn nhân, nên chuyện tình không hồi đáp của chúng tôi dần khép màn. Suốt năm năm qua, tôi chưa hề đọc thư hay trả lời thư cho anh, có lẽ anh nghĩ tôi thay dạ đổi lòng, hoặc kết hôn, hoặc đang trông con bận rộn không có thời gian viết thư. Cũng tốt, tôi dựa vào ghế và nhìn lên nóc nhà, cánh quạt trần quay đều đều xé không gian tĩnh lặng.

Tàu cũng đã ngừng chạy cách đây hai tháng, nó quá cũ để hoạt động, và một lần vào trạm nó đã tông sập nhà chờ, may mắn là không có ai ở đó và bác tài xế cũng không bị thương hại gì. Thế là, một giờ hai mươi ba phút tàu từ thành thị về đây chấm dứt, làng chúng tôi đã trống trải nay còn thêm sự cô lập, nó chìm vào những dãy núi bao xung quanh, anh cũng không thể nào tìm về đây được, tôi lại càng thấy nhẹ lòng.

Một ngày, mẹ sửng sốt tìm tôi:

"Trung nó...nó bị tai nạn!"

"Thì sao?"

Tôi dửng dưng như không.

"Con có lên thăm nó thì cho mẹ gửi lời."

"Con bận lắm, không xin nghỉ được đâu."

"Hai đứa...kết thúc rồi sao?"

"Chúng con vẫn ổn. Chỉ là con không muốn đi thôi."

"Con chờ đợi năm năm, nó về rồi con lại như thế à?"

"Con không có chờ ai cả. Chúng con cũng không ai chờ ai cả."

Cả ngày hôm đó, tôi tự hỏi mình, chờ là gì và không chờ là gì? Tôi có đang chờ anh hay là sống cuộc sống gạt bỏ anh ra rồi? Vậy sao bao người ngỏ lời, tốt xấu tôi không để tâm?

Em gái tôi mân mê hộp quà mới được gửi về nhà. Vì đó là tên tôi, nên nó chỉ dám nhìn bên ngoài chứ không dám mở. Không tên người gửi, không một thông tin gì ngoài tên tôi và số nhà của tôi. Tôi ôm cái hộp lên phòng, tuần trước tôi có đặt mua một con gấu nhỏ để làm quà sinh nhật em gái, tôi nghĩ đó chính là do cửa hàng gửi thôi.

Tôi sực nhớ ra một người đồng nghiệp mua hàng trên mạng về một con búp bê nhưng khi kiểm tra bị mất tay. Tôi cũng hơi lo, sau khi phụ mẹ rửa chén xong vội vã lên phòng kiểm tra. Hai lớp nơ vải màu hồng nhạt, nắp chiếc hộp cũng được niêm kĩ càng bằng sáp dính, nhưng trong đó không phải là gấu bông, mà là chiếc váy cưới!

Tôi cầm dây váy dựng đứng nó lên, chiếc váy còn mùi vải mới, kiểu đuôi cá được đính những hạt đá nhỏ tinh xảo khiến tôi lóa mắt. Lật nắp hộp để chắc chắn nó không bị gửi nhầm địa chỉ. Từ trên nắp, một lá thư được dán hờ rớt xuống đất.

"Năm năm qua, em vẫn sống tốt chứ?

Anh vẫn trách mình, vì lợi ích của bản thân mà du học. Khi ấy anh chỉ nghĩ, khi anh có tất cả trong tay, anh sẽ giúp được gia đình em, giúp được em, em gái của em. Nhưng, đi rồi anh mới hiểu, khoảng cách quả thật đáng sợ!

Anh đã tìm về làng em ngay khi về nước, anh chỉ sợ nhà em chuyển nhà, nhưng không, em vẫn ở đó, vậy thì thư anh vẫn gửi đến đúng chỗ, anh cũng không thay đổi nơi sống, nhưng chưa bao giờ nhận được thư trả lời.

Anh đã đặt may chiếc váy cưới này ngay ngày anh tốt nghiệp. Anh đã đắn đo mãi khi gửi nó cho em. Nhưng cuối cùng, anh hiểu được, dù em cưới ai, không phải anh đi nữa, em mặc chiếc váy này vào dịp quan trọng nhất đời của em, đó là niềm hạnh phúc của anh rồi.

Chúng ta lớn lên, có những điều sẽ thay đổi, tình cảm dành cho nhau cũng sẽ thay đổi. Anh cũng thay đổi, anh đã yêu em nhiều hơn qua những hi vọng mong đợi, cho nên việc em thay đổi và chọn cách an toàn hơn là chờ đợi anh, anh cũng không trách gì em cả.

Anh vẫn sẽ nói anh yêu em."

Đêm đó, tôi đã đọc tất cả những bức thư của anh viết cho tôi. Ngoài những lá thư dài, có đến một nghìn ba trăm lá thư chỉ vỏn vẹn vài chữ ngắn gọn: "Cưới anh nhé, cô gái."

Tôi lao đi như điên trong cái đêm tối đen như mực, tôi sẽ không hỏi cô gái năm ấy là ai, tôi cũng sẽ không hỏi anh có phản bội hay không phản bội, tôi chỉ muốn thấy anh sau năm năm, vẫn kiên trì, vẫn ngu ngốc, vẫn khiến tôi đau lòng khi hạnh phúc. Tuyết bắt đầu rơi, và đâu đó trong đầu tôi, tiếng còi tàu hỏa vẫn tu lên một hồi dài như ngày nó còn hoạt động. Một giờ hai mươi ba phút có là bao!

ND

Ngày đăng: 11/05/2016
Người đăng:
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
I lied
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage