Gửi bài:

Câu chuyện tình của mẹ

Có bao giờ anh nghĩ, bắt một cô gái 31 tuổi chờ đợi anh ngần ấy năm là quá đáng không anh?

 

***

Chương I

Câu chuyện mà tôi sắp kể bắt đầu từ khoảng những năm 1970. Quê ngoại tôi ở Trà Vinh. Khi ấy nhà ông bà nghèo lắm, lại đông con, không có nổi một mảnh khoảnh đất cắm sào. Người ta thương tình cho ở đậu trên một miếng gò nhỏ húm, trước đây là cái chuồng vịt, nằm tận trong đồng.

cau-chuyen-tinh-cua-me

Trong số 6 người con có 4 người con gái đầu và 2 người con trai út. Mẹ tôi thứ tư. Cả 4 người con gái đều học hết lớp 3 cho biết đọc chữ rồi nghỉ, phụ gia đình lo cho 2 đứa em trai. Cơm không đủ ăn, mỗi bữa chỉ toàn cháo loãng với rau muống luộc, đó là còn may, thậm chí nhiều ngày chỉ có rau. Mẹ kể, một lần thấy cậu út đói quá quấy khóc không chịu ăn, mẹ phải lén vô ruộng khoai mì của ông Năm Bò trong xóm đào trộm về cho em, xui rủi bị phát hiện, ông Năm sang mắng vốn với ngoại. Ông ngoại giận, đánh mẹ một trận thừa sống thiếu chết, bà ngoại xót con, chạy ra ôm lấy mẹ đỡ đòn.

Từ lúc nhỏ, mẹ tôi vốn đã hay lo hay nghĩ, hơn hẳn chị Hai, chị Ba. Năm 1979, khi ấy vừa tròn 20 tuổi, mẹ tính đến chuyện rời quê để vào Sài Gòn tìm việc làm, phụ gia đình. Trong xóm có 2, 3 người đi trước. Cứ ở đây làm mướn mãi cũng không phải là cách, cả nhà nai lưng ra mà còn không kiếm đủ tiền mua nhúm gạo nấu cháo, mua dầu thắp đèn. Mẹ nói với ông bà, mà ông bà nhất định không chịu, nghĩ thân con gái mới lớn còn khờ câm, một mình đi xa không yên dạ. Ba bốn lần xin như vậy đều không được. Nhìn hai đứa em trai còm cõi, áo quần đi học mặc mấy năm trời rách tả tơi rồi vẫn không có tiền may mới, mẹ chịu không nổi. Vậy là một ngày kia (khoảng tháng 8 năm 1979), gần sáng mẹ lẻn bỏ nhà đi. Khi đi chỉ mang theo mấy đồng bạc lẽ và 2 bộ quần áo.

Tới Sài Gòn, mẹ cứ lang thang gần bến, không biết phải đi đâu. Tối, mẹ ngủ trên cái sạp bán hủ tiếu ở trong bến. Đêm ấy đang ngủ thì có bác quét rác ngang qua, thấy trời sắp mưa, bác gọi mẹ dậy bảo mẹ sang đằng thềm cửa phòng quản bến nằm cho đỡ bị lạnh. Rồi 2 người bắt chuyện với nhau, bác thương cho hoàn cảnh của mẹ, bảo mẹ giúp bác quét bến, tuy lương ít ỏi nhưng cũng còn hơn là chết đói. Từ đó, mẹ gắng bó với bến xe suốt 6 năm trời, mẹ làm thêm đủ thứ công việc, từ gõ rao hủ tiếu, bưng cà phê, bán vé số, soát vé xe... 5 tháng sau mẹ mới có tiền để gửi về quê, nhưng mẹ không cho nhà biết mình đang ở đâu.

Một lần, sau 3 tháng rời khỏi nhà thì ông ngoại tìm mẹ. Thấy ông đứng ở cửa bến, mẹ đang bưng hủ tiếu phải bỏ chạy đi trốn, trốn hết 2, 3 ngày mới dám ra. Ngồi gục trong góc hẻm, mẹ khóc, mẹ thương ông. Về sau, không còn thấy ai lên nữa.

Mẹ vốn đã quen làm lụng từ nhỏ nên công việc bươn chải ở bến xe không làm mẹ quá nhọc. Có điều, thiếu một chỗ ở đàng hoàng. Mẹ phải ngủ ở trước phòng quản bến suốt 3 năm. Trông mẹ lúc này đen nhẻm, tay chân chai sạn và nứt nẻ, đầu tóc thì rối bù như xơ xác như rơm. Đến năm thứ 3 mẹ thuê được một gian nhà trọ lụp xụp trong khu dành cho công nhân và sinh viên nghèo ở chổ gần công viên Phú Lâm bây giờ, nhưng nó cũng tốn hơn phân nửa tiền kiếm được hàng tháng.

Rồi một ngày kia, mẹ chợt nghĩ, giờ có chỗ ở, không lẽ cứ lang thang lủi thủi làm ngoài bến miết. Phải tính đến một công việc gì ổn định. Từ lúc đó cho tới lúc mẹ học may xong và sắm một chiếc máy may cà tàng cũng mất thêm 3 năm. Bao mùa mưa qua, mùa nắng lại, mẹ dần trở thành một trong những gương mặt quen thuộc nơi này. Khách thường xuyên đi đi về về Bến xe Miền Tây ai cũng biết mẹ. Ai cũng thương cho cô Quyên mới đôi mươi mà phải xa quê kiếm sống lam lũ, còn lo cho gia đình đông anh em. Cái máy may sau này mẹ mua được cũng nhờ một vị khách quen ở bến bán rẻ lại, và giới thiệu luôn cho mẹ đi học may nơi người quen của vị khách đó.

Hằng ngày mẹ dậy từ 4h sáng, loay hoay trong bến đến tận 5h chiều tạm xong việc. Mẹ đi bộ qua chỗ học may, cách bến 2 cây số, tới 8h mẹ lại về quét bến. Phải 11h đêm mới có mặt tại nhà. Mẹ không dám ăn uống mua sắm chi hết, chắt chiu từng đồng, chia ra làm 3 phần, phần gửi về quê, phần đóng tiền trọ, phần tiết kiệm mua máy may. Làm ở bến, tiền kiếm được thấp đến không tưởng vậy mà mẹ làm được bao nhiêu chuyện, đủ hiểu mẹ chắt chiu cỡ nào.Người phụ nữ vĩ đại của đời tôi đã kiên trì và chăm chỉ như thế.

6 năm ròng, cuối cùng mẹ cũng mua được một thứ cho riêng mình. Thật ra, cũng không hẳn là của riêng, vì nó trở thành phương tiện sinh nhai chính của mẹ để kiếm tiền trong 6 năm sắp tới cho đến lúc lấy ba tôi, nên mẹ quý nó như mạng sống của mình. Mẹ nghỉ hẳn ở bến, lãnh vải về may, trong khu trọ có ai cần sửa đồ, may đồ cũng mang sang nhờ mẹ giúp, mẹ khéo tay lắm, nên nổi tiếng ở cả khu đó. Thu nhập cũng không hơn khi làm ở bến xe mấy, nhưng nhẹ nhàng, sạch sẽ hơn. Khuya, khi không còn thấy đường để may, mẹ ra đầu hẻm phụ bà Bảy Hoa bán hủ tiếu, bà là chủ của khu trọ. Ai ở đây cũng mến thương mẹ, bà Bảy quen miệng, luôn gọi mẹ là con gái xưng má Bảy. Bà cũng độc thân, không con nên xem mẹ tôi như con gái của mình.

Có lẽ cuộc sống của mẹ đã lặng trôi đi như thế nếu người đàn ông kia không xuất hiện trong cuộc đời.

Tháng 6 năm 1986, lền đầu tiên mẹ gặp chú. Chú Nhân – tình đầu sâu đậm của mẹ, khi ấy là sinh viên năm 2 của trường Đại học Sư Phạm. Chú thuê trọ ở một khu cách khu của mẹ tôi chừng 1,5 cây số.

***

Chương II

Ngày đó, chú mang 1 xấp vải mới tinh, nhưng loại bèo sang nhờ mẹ tôi may 1 chiếc áo sơ mi mặc đi học. Mẹ tôi vốn vừa may khéo, vừa lấy rẻ có tiếng nên người ta quý, đến may nhiều, may mối. Thấy cậu sinh viên dáng gầy thư sinh, có vẻ mặt khù khờ, ngây ngô, mẹ nhớ tới mấy đứa em ở quê, nên chỉ ra phân nửa giá bình thường. Mẹ lấy thước dây đo tỉ mẫn rồi bắt chuyện:

- Em học trường nào?

- Dạ Sư Phạm.

- Là nữa ra làm thầy giáo đó hả.

- Dạ.

- Chị cũng có 2 thằng em, một thằng lớp 10, một thằng lớp 8, tụi nó học giỏi lắm, mà mỗi tội nhà nghèo không biết lo cho học lên đại học nổi không nữa...

- Dạ.

- Em mới dọn tới khu trọ này hả, nhìn em lạ quá?

- Em ở khu kế bên, cũng gần đây.

- Quê em ở đâu, nghe giọng chị đoán chắc là người Cà Mau

phải không?

- Dạ quê em ở Cà Mau, xa lắm.

- Mà em tên gì, để lát chị viết giấy đánh dấu vô xấp vải.

- Em tên Nhân.

- Rồi, chị đo xong rồi, cỡ 1 tuần nữa em tới lấy nghen.

- Dạ, cám ơn chị!

Đúng một tuần sau, cậu sinh viên quay lại, nhưng nhìn mặt buồn thiu.

- Em tới lấy áo hả, chị vừa may xong hồi tối. Em vô thử coi vừa không, để chị sửa.

- Dạ... chị ơi, cỡ 1 tháng nữa em quay lại lấy được không, xe đạp hư, sửa gần hết tiền, mai cũng tới tháng đóng tiền nhà...

- À, em cứ đi vô đây, mặc thử xem!

- Dạ...em...

- Vô đây!

Không kịp cởi áo đang mặc ra, cậu chàng choàng luôn chiếc sơ mi vào.

- Em phải cởi ra rồi thử mới biết vừa không chứ. Em vô nhà tắm kìa, đừng ngại.

Chú Nhân lúc ấy ngượng, đi khõ khẽ vào bên trong.

- Vừa không em, thấy thoải mái không?

- Dạ, thoải mái lắm. Mà bây giờ em chưa có tiền...

- Cứ mang về đi, bao giờ có gửi chị cũng được.

- ...

- Rồi em lấy gì mặc đi học?

- Dạ em còn mấy cái áo thun cũ.

- Cái thằng này, biểu mang về đi nghen, không mang là tui giận mốt nhờ tui không may nữa đó.

- Dạ... em biết rồi. Cám ơn chị.

Cái sự nhút nhát và rụt rè ấy càng làm cho mẹ nhớ lại 2 đứa em trai, mẹ cười. Đi ra cửa được mấy bước, chú Nhân quay lại nói vọng vào, như sợ quên:

- Có tiền em mang sang trả cho chị liền!

Chưa đầy một tháng, chú Nhân đã quay lại trả tiền cho mẹ, chú còn cho mẹ một trái xoài tượng chín. Lúc quay lại, chú mặc đúng cái áo mẹ đã may. Mà hình như nó bị rách 1 đường ở ống tay áo bên phải, ố vàng thân áo.

- Ủa, áo em bị làm sao vậy?

- Dạ, hôm bữa trời mưa đường trơn em bị té xe.

- Thôi, vô đây ngồi, chị lấy kim nhíp lại cho!

Chú nhìn vẫn nhìn mẹ tôi bằng ánh mắt bẽn lẽn.

- Không có lấy tiền đâu, cái thằng này.

- Dạ...

Mẹ tôi ngồi khâu, phát hiện lâu lâu ánh mắt chú lại cứ liếc nhìn mình, mỗi lần mẹ xoay lên nhìn là chú lại lảng đi hướng khác.

- Làm gì nhìn chị dữ vậy, mặt chị dính lọ nghẹ hả?

- Dạ không... Tại chị là người tốt...

- Sao em biết chị là người tốt?

- Mẹ em nói, ở Sài Gòn có nhiều người không tốt, phải coi chừng. Nên từ lúc vào Sài Gòn tới giờ em không dám quen hay chơi với ai.

- Trời ơi cái thằng này nói chuyện chứ như đàn bà con gái. Mẹ em hù em thôi, chứ Sài Gòn thiếu gì người tốt, chị gặp nhiều rồi, tại em chưa gặp đó.

- Chị là người đầu tiên đối xử tốt với em như vậy.

- Thôi sến quá đi ông. Chị nhíp xong rồi, coi được chưa?

- Dạ được rồi.

- Em coi tranh thủ về để đi học đi, trưa rồi đó.

- Dạ, bữa nay em học sáng, chiều được nghỉ. 2h em đi dạy thêm.

- Em có dạy thêm nữa ha? Giỏi quá. Vậy ba má ở dưới quê đỡ gửi tiền lên lắm.

- Ba má em mất hồi em còn nhỏ xíu, em ở với chị hai. Chị hai đi làm nuôi em.

- Ừ...ùm...

Nghe chú trả lời tự dưng mắt mẹ đỏ hoe. 7 năm nay mẹ chưa về quê, nhớ ông bà ngoại, nhớ mấy dì mấy cậu kinh khủng.

- Chị sao vậy chị?

- Chị không sao, chị nhớ nhà...

Rồi mẹ nhìn sang chú Nhân, mặt chú lúc đó cũng buồn so.

- Gần 2 năm rồi em chưa có về, em nhớ chị Hai. Mà quê chị ở đâu.

- Quê chị ở Trà Vinh. Chị bỏ nhà lên trên này được 6 năm rồi. Lẹ thiệt.

Hai chị em ngồi đó, im lìm, không ai nói với ai câu nào, ai cũng nghẹn ngào nhớ lại những ngày còn ở dưới quê, nghèo mà đầm ấm biết bao nhiêu.

1h30, chú Nhân về.

- Chị ơi, lâu lâu cho em qua nói chuyện với chị nghen, trên này em không có ai...

- Rảnh em cứ qua, bên này chị cũng buồn.

Mẹ cười tạm biệt chú. Cả ngày hôm đó, thỉnh thoảng mẹ lại thấy mắt mình cay cay.

***

Chương III

Vậy là đều đặn mỗi cuối tuần chú đều sang. Nếu sang sớm thì chú ghé qua phòng trọ, còn sang trễ thì ghé chỗ Bà Bảy Hoa bán. Bà Bảy gặp mấy lần, hỏi thì mẹ nói là đứa em kết nghĩa, sinh viên học ngành thầy giáo. Mỗi lần như vậy, chú đều phụ Bà Bảy bày hàng, bưng hủ tiếu, rồi dẹp dọn nên Bà Bảy cũng sinh quý.

Hai chị em dần thân thiết nhau, chú lui tới nơi mẹ thường hơn. Nhiều khi còn mua bánh trái, đồ ăn sang bên nhà cho mẹ nấu, xong 2 chị em cùng ăn. Hôm đó chiều thứ bảy, 2 người đang ngồi ăn cơm thì chú Nhân hỏi mẹ

- Chị ơi, chị đi hết Sài Gòn chưa?

- Chưa em, cái Quận này chị còn chưa qua khỏi. Hi. Chị hiếm khi đi đâu.

- Sao vậy chị?

- Hồi đó mới lên Sài Gòn chị làm ngoài bến quần quật cả ngày. Rồi sau học may, làm thợ may, cho tới bây giờ... Không có thời gian em.

- Buồn vậy...

- Ừm... Nhiều lúc cũng buồn, mà quen rồi, hổng sao!

- Hay là chiều mai, chị nghỉ một bữa, em chở chị vô Quận 1, chỗ Hồ Con Rùa, vui lắm. Đi nghen chị.

- Thôi...

- Đi với em đi.

- Hàng đang gấp giao cho khách, chị sợ không kịp...

- Chị, chị không đi em buồn đó. 1 bữa thôi.

- Chị không quen đi chơi...

- Đi đi mà...

Chú Nhân lúc này không còn rụt rè nhút nhát với mẹ nữa, mà nhiều khi còn chọc ghẹo, nhỏng nhẽo.

- Rồi, đi thì đi. Mắc mệt.

Buổi tối, trung tâm Sài Gòn lên đèn lung linh đến nỗi làm mắt mẹ cũng sáng ánh theo. Mẹ chưa từng thấy cảnh này bao giờ. Lúc đó là cuối tháng 3, đang giữa mùa hè, nóng đến nỗi hàng kem và hàng si rô đá bào trở nên đắt hàng nhất trong số tất cả các xe hàng rong bán ở xung quanh khu. Lũ con nít chạy ríu rít, bố mẹ chúng theo sau. Từng đôi nắm tay nhau đi dạo trên bờ hồ. Tiếng còi xe kêu làm cho phố phường thêm nhộn nhịp.

- Chị ăn kem nghen, để em đi mua. Đứng ở đây đừng đi đâu đó.

Mẹ chưa kịp trả lời thì chú đã chạy đi thật nhanh, như một đứa con nít. Lần đầu đứng một mình chỗ đông người mẹ quýnh quán, May mà chú nhanh chóng quay lại, tay cằm theo hai cây kem đậu xanh lạnh ngắt bốc khói. Chú chìa cho mẹ một cây, còn một cây cắn liền 3 phát hết sạch. Mẹ nhìn chú cười như chọc quê, chú cũng cười theo khì khì.

Về nhà, chú bảo với mẹ, đó là lần đầu tiên mà chú thấy mẹ cười tươi, cười nhiều và thoải mái đến như vậy.

- Mỗi cuối tuần em qua đưa chị đi chơi nghen. Đi hết cái Sài Gòn này thì thôi!

- Thôi, em còn học hành nữa, chị cũng phải tranh thủ may đồ. Tiền đâu mà đi miết.

- Mình đi xe đạp... Với cũng có mua sắm ăn uống gì nhiều đâu. Chủ nhật em được nghĩ... Mà, sao chị chứ nghĩ tới chuyện làm làm làm hoài...

- Thôi, ông cụ non, khuya rồi về ngủ đi mai còn lên trường. Từ từ tính.

Rồi mấy tháng kế đó chú cũng rủ được mẹ tôi đi chơi nhiều lần nữa. Như lời hứa, chú sẽ đưa mẹ đi chơi khắp Sài Gòn: Từ Quận 1, Quận 3, Quận 5, Quận 10, ra tới Quận 2, Thủ Đức, Quận 8, Bình Tân, Tân Phú... có lúc chạy lên tận Bình Dương. Nơi gần thì đi xế chiều, nơi xa thì đi từ sáng. Thấy chú đạp xe mồ hôi như suối, mẹ bảo ngừng lại nghỉ mà chú quả quyết "em không mệt". Đây chắc có lẽ là một trong những khoảng thời gian vui vẻ nhất cuộc đời mẹ. Mẹ cười nhiều đến quên cả mệt nỗi cực, lo toan của cuộc sống mưu sinh.

Tới cuối tháng 10 năm 1987, lần đầu đầu tiên sau hơn 3 năm vào Sài Gòn, chú về quê để thăm lại chị hai và mồ mã ông bà, tía má. Ngày trước khi về, chú rủ mẹ chiều ra Hồ Con Rùa đi dạo.

- Ủa, chị nhớ chỗ này mình đi rồi mà?

- Mới đi có một lần, đi nữa có sao đâu, đi nha, nha!

- Không biết bao giờ mày mới lớn được, đàn ông con trai 21 tuổi đầu mà tối ngày cứ nhỏng nhẽo.

Tối hôm đó, đường đông nghịt. Rất nhiều người ôm hoa hồng đi bán, có giỏ, có bó, đẹp lắm, có cả bong bóng đủ màu. Mẹ thắc mắc hỏi:

- Nay ngày gì tấp nập quá vậy Nhân?

- Em cũng không biết. Chắc lễ gì đó, chị không biết à?

- Chị dốt lắm, biết gì đâu!

- Cái chị này!

Đến nơi, vừa lúc 8h tối.

- Chị đứng đây, em đi gửi xe nghe.

- Ừ, nhanh đó!

Chú đi một mạch 15, 20 phút mà vẫn chưa thấy về. Mẹ sốt ruột định đi tìm thì từ sau lưng, chú chạy tới hù làm mẹ giật bắn mình.

- Thằng quỷ, đi đâu lâu dữ vậy. Muốn chị yếu tim chết hả?

- Em muốn nói với chị chuyện này... Nhưng mà trước khi nói em có món quà tặng chị nè – chú chìa bó hoa hồng từ đằng sau lưng ra, 9 bông hồng đỏ thắm.

- Cái này... cái này cho chị hả...?

- Dạ, chứ cho ai. Hi.

- Chị nghe nói hoa hồng mắc lắm, tiền đâu em mua?

- Tiền em lãnh lương. Mà thôi, chị đừng quan tâm mấy chuyện này. À, hôm nay là ngày của chị đó!

- Là ngày gì? – Mẹ suy nghĩ thử một hồi – Ngày gì thì nói luôn đi, biết chị dốt mà cứ nói đố chị hoài.

- Chị nhớ kỹ nha, hôm nay là ngày Phụ nữ Việt Nam. Ngày mà nam giới tụi em thể hiện tình cảm, sự tri ân của mình với phụ nữ tụi chị.

- Có ngày đó nữa hả, chị mới biết. Cám ơn em nhiều nghen. Để chị nhớ. Mà nhớ rồi thì mỗi năm chị đều đòi quà cho biết. Vậy chị hai em có quà chưa?

- Dạ, em mua cho chị 2 rồi. Mai về dưới đưa cho chỉ chắc chỉ mừng lắm, xưa giờ chỉ cũng có biết 20 tháng 10, biết quà cáp là gì đâu!

- Ủa rồi em muốn nói gì với chị.

Nghe mẹ hỏi, chú sựng lại, mặt đỏ hơn gấc. Im lặng một lúc, sau đó chú hít hơi thật sâu. Miệng chú cứng ngắt,răng môi run lạch cạch nhìn rất mắc cười.

- Chị, chị có biết người ta, người ta tặng hoa hồng để làm gì không?

- Đừng có hỏi chị nữa, chị không biết đâu.

- Chị biết, người ta – chú hụt hơi, nuốt nước miếng xong nói tiếp – người ta tặng 9 bông hồng có ý nghĩa gì không?

Mẹ trợn mặt nhìn chú, như biết mình không nên hỏi nữa, chú trả lời luôn:

- Hoa hồng tượng trưng cho tình yêu. Còn chín bông hồng tượng trưng cho...cho...cho lời nói... "Anh yêu em mãi mãi".

Lúc này mặt mẹ đỏ còn hơn mặt chú.

- Cái thằng này, giỡn gì kì cục vậy?

- Em nói thiệt mà.

- Thiệt cái gì mà thiệt.

- Em thương chị, chị Quyên.

- Thôi, không giỡn nữa nghen. Chị không thích vậy đâu. Con nít con noi. Chị lớn rồi không có muốn giỡn kiểu đó. Em mang về tặng chị hai em đi, tặng chị làm gì.

- Em nói thiệt đó, chị mà không nhận thì cứ quăng nó đi, em tặng cho chị nó là của chị rồi.

- Thôi mình về đi.

- Về!

Chú chưng hững. Cả hai đều im lặng. Không khí đôi bên lắng xuống đến nghẹt thở. Trên suốt quảng đường về, mẹ và chú thậm chí còn không dám nhìn nhau, chỉ nghe tiếng thở đều vành vạch của mỗi người, hòa với bánh xe đạp cót két. Phố phường vẫn lung linh ánh đèn... Sắp đến nhà, chú cho mẹ xuống, quay sang nói vội:

- Em nói thiệt đó.

Xong, chú chạy thật nhanh về nhà không chờ nghe mẹ nói thêm gì. Sáng hôm sau, chú về Sóc Trăng từ sớm, hơn một tháng mới lên lại. Một tháng ròng, mẹ tôi đã suy nghĩ rất nhiều.

***

Chương IV

Một tháng, đủ để mẹ tôi bình tĩnh và suy nghĩ lại lời của chú Nhân. 9 bông hồng mẹ cắm vào lọ ngay ngắn, đặt trên bàn máy may. Một tuần hơn, cánh hoa rụng gần hết, nhưng mẹ vẫn để đấy. Món quà đầu tiên của mẹ, bó hoa đầu tiên của mẹ, lời tỏ tình đầu tiên của mẹ - khi ấy đã 28 tuổi, lại đến từ một chàng trai thua mẹ 7 tuổi. 7 tuổi có lẽ sẽ không phải một vấn đề quá lớn, nếu như mẹ là một người phụ nữ khá giả, có học hay đủ xinh xắn. Đằng này... nhìn mẹ già hơn lứa tuổi 28 của mình rất nhiều do tần tảo; rồi thất học, dốt nát; lại còn gánh nặng gia đình đè trên vai. Nên mẹ không dám tưởng. Chú Nhân khi ấy quá tốt, bề ngoài đẹp trai, học giỏi, tốt tính, chăm chỉ, biết lo, cả một tương lai đang chờ ở phía trước. Chị 2 của chú mà biết chắc mắng chú chết.

Mẹ không còn tâm trạng để may, cũng không còn tâm trạng ra phụ Bà Bảy. Cứ bần thần nghĩ ngợi từ sáng cho đến tối. Bà Bảy không thấy mẹ, vào tìm thì mẹ bảo mẹ mệt, muốn nghỉ ngơi vài hôm. Vậy mà liền một mạch, nghỉ luôn hơn một tháng. Bà Bảy thường xuyên qua thăm, hỏi mẹ mệt làm sao, mẹ cứ im không nói, bảo vài hôm nữa là sẽ khỏe.

- Má thấy thằng Nhân lúc này không qua con chơi nữa?

- Nó về quê rồi má, tới một tháng lận.

Mẹ không hiểu vì sao chỉ xem chú Nhân như em trai mà khi chú đi xa mẹ lại trông đứng trông ngồi, không lúc nào thôi nghĩ về chú. Mẹ đếm từng ngày. Câu nói của chú luôn vang vang trong đầu mẹ "Anh yêu em mãi mãi". Tại sao, tại sao vậy?

Khu nhà trọ đêm mưa. Những trận mưa cứ kéo dài, kéo dài không dứt. Cái ẩm mốc của đất, của đường mương, của thùng rác, của vách trọ, của kho vải vụn ngấm hơi nước xông lên xồng xộc, mẹ ho, ho nhiều. Chiều nay, mẹ ra sân đặt máng xối hứng nước mưa, dầm phải lạnh phát sốt. Tuần này là tuần thứ 4. Trong cơn sốt mẹ lại mơ thấy cảnh ở dưới quê, thấy ông bà ngoại, thấy mấy dì, mấy cậu, thấy bến xe, hoa hồng, bong bóng; tiếng xe cọt kẹt ong ong lổ nhĩ.

Vậy mà công việc lại dồn dập không cho mẹ được nghỉ ngơi. Dù bệnh vẫn gắng sức dậy, may cho xong quần áo kịp trả đúng hẹn cho khách. Lúc này làm trễ miết, khách than phiền khá nhiều. Lại thêm hạn tiền trọ sắp tới, nợ 2 tháng rồi, vì tháng trước phải gửi dồn tiền về cho 2 đứa em đóng học phí. Mẹ nghĩ, ừ thôi cứ cấm đầu may cho nhiều để đỡ phải trống thời gian suy nghĩ linh tinh, nhưng mẹ có làm được đâu. Đạp máy một hồi là thừ người ra lúc nào không hay.

Mẹ chỉ mong sao chú Nhân mau lên lại Sài Gòn để 2 người có thể nói chuyện cho rõ. Mẹ sẽ khẳng định lại rằng hai người là không thể nào, mẹ vạch ra kế hoạch hẳn hòi sẽ nói những gì, nói ra sao. Một người con gái mà 28 tuổi đầu mới biết thế nào là cảm giác bồn chồn vì chuyện tình cảm thì thật là...

Cơn sốt của mẹ 3 ngày rồi vẫn chưa khỏi, mẹ chẳng chịu đi mua thuốc, y hệt bây giờ.

Cuối cùng, chú Nhân cũng lên lại. Đó là một buổi chiều chủ nhật, cuối tháng 11. Chú đứng tồng ngồng trước cửa không bước vào. Khi mẹ đang bưng đồ từ trong bếp ra để dọn bữa ăn thì thấy chú, mẹ giật mình xém nữa buông luôn nồi tàu hủ kho. 3 giây sau, mẹ mới hoàn hồn.

- Em mới lên hả? – mẹ lấp bấp

- Dạ, em mới lên.

Mẹ đứng nhìn, đang bối rối nên không biết nói gì tiếp theo?

- Rồi chị không định mời em vô nhà hay sao? – chú nở một nụ cười thật tươi, cái kiểu chọc mẹ

- Vô đi, còn đợi tui mời nữa ha?

- Sợ chị đuổi, đứng đây có gì đi cho lẹ.

- Còn nói nữa là đuổi thiệt đó.

Hai chị em ngồi ăn cơm, cả bữa ăn không ai mở một lời. Lâu lâu 2 người lại lén nhìn mặt nhau, nhưng người này vừa phát hiện ánh mắt người kia thì lảng đi ngay chỗ khác. Cuối cùng, sau khi đã dọn rửa chén xong hết, chú ngồi vào võng cạnh sàn nước chỗ mẹ đang giặt đồ, bắt chuyện:

- Một tháng rồi mới được ăn cơm của chị nấu. Ngon quá. Ở quê ngày nào em cũng thèm.

- Cứ nịnh chị miết, thằng quỷ nhỏ.

- Em lớn rồi nha.

- Lớn hồi nào, cái tính có khác gì con nít.

- Em lớn rồi. Em, em biết yêu rồi!

- Con nít quỷ.

- Chị có gì muốn nói với em không?

Mẹ tiếp tục im lặng. Chú chịu không nổi, ngồi dậy, đi lại chỗ mẹ, nắm tay mẹ. Mẹ ngưng giặt, nhìn sang chú một rồi, rồi cúi xuống. Vẫn im lặng.

- Em ra trước cửa đi, tụi mình sẽ nói chuyện.

- Dạ.

Mẹ ngồi định thần một lúc, sau đó quay sang chú. Mẹ kể cho chú nghe về chuyện của mình, hoàn cảnh gia đình, những suy nghĩ, dự định... Chú ôm chặt mẹ vào lòng, mẹ bất ngờ, muốn vùng ra nhưng không được, đành để xuôi.

- Em thương chị không phải vì chị đẹp hay xấu, giàu hay nghèo, có học hay thất học, mà em thương là vì chị là chị... Em kính trọng chị như chị Hai của em...

Chú dừng một hơi rồi nói tiếp.

- Chị hiền lắm. Gần chị em thấy ấm áp...

Lúc đó, nước mắt của mẹ tự nhiên lại tuôn ra, mẹ không kiềm được, òa lên như một đứa trẻ. Mẹ xoay qua ôm chú. Chú dỗ.

- Sao người chị nóng dữ vậy?

- Mấy hôm chị bị sốt?

- Rồi chị có uống thuốc gì chưa?

- Chưa, nghỉ ngơi vài hôm sẽ khỏi. Thuốc men chi cho tốn kém.

- Để em đi mua.

Mẹ chưa kịp trả lời, chú đã chạy thật nhanh ra phía đầu hẻm. 15 phút sau chú về tới, lấy thuốc bắt mẹ uống.

- Chưa có ai đối xử với chị như vậy.

Chú nhìn mẹ, cười hiền.

Từ lúc lên Sài Gòn đến nay đã 8 năm, mỗi lần đổ bệnh cũng chỉ chịu một mình - Vừa nói mẹ vừa sụt sùi.

- Ở Sài Gòn này cũng đã có ai đối với em tốt như chị đâu? – Chú lại cười, nụ cười hạnh phúc.

- Tối nay có đi đâu không?

- Bữa nay rủ tui đi chơi luôn. Chị Quyên muốn đi đâu?

- Đi Hồ Con Rùa.

- Mà khoan, chị chưa trả lời cho em.

- Trả lời gì?

- Còn hỏi nữa?

- Ừ thì...!

- Ừ cái gì?

- Chị không biết nói...

- Có gì đâu mà không biết nói...

- Chị nói thôi nghe chưa!

- Vậy chị gật đầu cái cho em yên tâm đi.

Mẹ giống như một đứa bé, ai kêu gật đầu là gật liền. Lúc này, có lẽ mẹ đã quên luôn dự định của mình là phải từ chối. Từ chối làm sao được. Tình yêu đầu đời đến với một người phụ nữ 28 tuổi, hay bao nhiêu tuổi đi chăng nữa cũng không khác.

***

Chương V

- Chị nè, không lẽ giờ thương nhau rồi mà cứ chị chị em em suốt?

- Chứ em muốn sao?

- Thì, giờ đổi lại đi...

- Đổi sao?

- Em...em làm anh... Còn chị làm em.

- Gì kì cục vậy. Chị lớn hơn em nhiều nghen. Riết rồi em quá đáng lắm.

- Chị chịu không, chị...?

- Gọi như vậy có được gì không?

- Em không biết nữa... Nhưng mà em thấy gọi như vậy mới đúng. Nghen chị!!!

- Còn cái gì thì yêu cần 1 lần luôn đi, tui không rảnh mà nghe mấy người hỏi ý hoài – Mẹ tỏ vẻ mặt lạnh nhạt.

- Sao chị?

- Thì... Dù gì thì cũng bị chèn ép quá rồi, giờ bị chèm thêm chút nữa cũng vậy.

- Không có mà, anh...anh nghe lời em mà.

- Đổi vai nhanh lẹ vậy luôn hả?

- Em ăn kem không để anh đi mua?

Vẫn như vậy, mẹ chưa kịp trả lời thì chú đã chạy đi một mạch. Mang về vẫn là 2 cây kem đậu xanh lạnh bốc khói. Hai người đang nói chuyện vui vẻ với nhau thì từ đằng xa hình như có ai nhận ra chú Nhân, vội chạy lại gọi.

- Ê Nhân, nay đi chơi nữa hả mày?

- Ừ. Mày đi với con Hạ hả.

- Ừ. Mà ai đây, mẹ mày hả?

Mặt mẹ tôi lúc đó tự nhiên biến sắc. Chú Nhân không giữ được bình tĩnh đuổi người bạn đó đi một nước rồi quay sang nắm chặt lấy tay mẹ.

- Em không sao đâu.

- Còn nói không sao. Anh dắt em đi ăn trứng lộn nghe.

- Thôi anh, mình về, khi khác đi tiếp.

- Em đừng buồn, thằng đó nó khùng khùng vậy đó. Nó không biết chứ không có ý gì đâu!

- Em hiểu rồi.

- Chờ anh đi lấy xe – Vừa nói, chú vừa siết lấy tay mẹ một hồi mới đi.

Nỗi buồn ngày hôm đó dẫu sao cũng không bằng niềm vui. Trên đoạn đường về nhà, chú và mẹ đã nói chuyện rất nhiều, mẹ vui lên mau. Gần tới khu trọ mẹ không chịu vào, đòi chú đưa đi ăn trứng lộn. Đêm ấy là lần đầu tiên mà mẹ đi khuya đến vậy, 12h mới có mặt ở nhà.

Cách 2 hôm sau chú mới đến. Chú mang theo xấp vải mới màu tím in hoa rất đẹp, đưa cho mẹ.

- Anh định may cho chị 2 hả?

- Không, may cho em đó.

- Anh mua làm gì không biết nữa – Mẹ tỏ vẻ khó chịu – Em có thiếu đồ mặc đâu? Sinh viên chứ phải giàu có gì mà phung phí quá.

- Em nhìn lại đi, trong đống đồ của em có bộ nào còn mới không? Có bộ nào nguyên vẹn một miếng vải.

Mẹ im lặng.

- Sao em bất công với mình vậy? Làm thợ may mà suốt 2 năm trời không may được cho mình lấy một bộ đàng hoàng.

Mẹ trầm ngâm một lúc.

- Em biết là anh thương em, nhưng mà sau này anh đừng làm vậy nữa, anh còn cần tiền đi học. Em hiểu ý anh rồi, anh yên tâm – Mẹ nhìn chú với ánh mắt trìu mến.

Chú cầm tay mẹ, đặt giữa hai lòng bàn tay mình xoa xoa một lúc.

- Em có định về thăm quê không, 8 năm rồi?

- Có chứ anh. Lúc nào mà em lại không nghĩ tới chuyện đó, nhưng mà em lu bu quá, em...

- Em về đi – Chú cắt ngang lời mẹ - Chắc ba má và mấy anh chị em ở dưới mong em lắm.

Mẹ đưa tay nắm lấy tay chú.

- Cám ơn anh!

Vậy là gần 2 tháng sau mẹ về quê, đúng ngay ngày 23 tháng chạp đưa ông táo. Ở dưới hơn nửa tháng mới vào lại Sài Gòn. Trước khi mẹ đi, hai người hẹn nhau ra Hồ Con Rùa. Nơi đây dần trở thành địa điểm quen thuộc của cả hai, khi không nghĩ được đi đâu, chắc chắn sẽ ra Hồ Con Rùa.

- Hay là qua tết em về. Bỏ anh lại Sài Gòn một mình buồn quá.

- Em nghĩ nhiều ghê. Hồi trước anh đi một tháng em còn chịu được, lần này em đi có nửa tháng không lẽ anh xỉu?

- Sao anh không về quê luôn?

- Anh định tết này ở lại xem có việc gì làm không. Kiếm tiền gửi về cho chị hai sửa nhà. Nhà dưới quê sắp sập tới nơi. Với lại cũng mới vừa về đây.

- Em sẽ tranh thủ lên sớm với anh.

- Chơi cho đã rồi hãy lên. Không biết bao giờ em mới về lại được nữa.

Nói là nói vậy chứ mẹ trông về quê đến mất ăn mất ngủ. Đêm trước khi ra bến xe, mẹ thức trắng, soạn lại đồ đạc cho kỹ lưỡng. Mẹ dành dụm suốt 2 tháng ròng, vay Bà Bảy thêm ít tiền nữa đặng mua vải may cho mỗi người ỏ nhà một cái áo mới. Không biết mọi người giờ có gì đổi khác nhiều không, mẹ may ước chừng, sợ chật quá hay rộng quá, nên mẹ soạn mang cả kéo, kim, chỉ theo hờ.

Chú Nhân dậy từ lúc 4h30 để chuẩn bị chạy xe đưa mẹ ra bến. Chú bỏ vào giỏ mẹ một quả bắp luộc còn nóng hổi và 1 gói xôi, vì biết thế nào mẹ cũng vội mà quên mua đồ ăn.

Vậy là cả 2 xa nhau nửa tháng. Chú ăn tết một mình ở Sài Gòn. Mẹ ôm chú thật siết, rồi bước lên xe. 5h45, xe lăn bánh.

***

Chương VI

Chiều tối mẹ mới tới được bến xe Trà Vinh. Từ đây đi bộ khoảng 1 tiếng nữa mới đến nhà. Sau 8 năm, tất cả mọi thứ đều thay đổi, mẹ không còn nhận ra đây là nơi mà mình đã bước lên xe để vào Sài Gòn.

Mẹ đi men theo con đường lộ cái. Bây giờ hai bên không còn cỏ dại um tùm mà người ta phát ra trồng lúa. Đang cuối vụ Đông Xuân lúa đã trổ đầy hạt, sau tết là vừa gặt. Hương lúa, hương đồng, cả hương cỏ non tỏa ra thơm ngất. Mẹ hít một hơi thật sâu, rồi tranh thủ đi nhanh. Đến chỗ đám dừa nước to cập mé sông mẹ biết là sắp tới bờ đê dẫn vào nhà. Cái bờ bé tí xíu chỉ đủ cho 1 người đứng bây giờ đã được ban rộng ra gấp 3. Mẹ bỏ luôn dép, đi chân không trên bờ đê xanh ngắt cỏ. Nó mát lạnh. Đi được 5 phút nữa thì tiếng chó trong xóm sủa vọng ra mỗi lúc một rõ. Đến đầu bờ rào rồi.

Mẹ chưa chạy ngay vào mà đứng ở đó, khóc thút thít một hồi. Trong nhà có đứa nhóc đang đi ra ngoài phía bụi tre cạnh bờ rào. Đứa nhóc đó chính là cậu Út của tôi. Thấy có bóng người đứng trước rào cậu vội kéo quần lên rồi la lớn:

- Ai đứng ngoài đó?

Không nghe trả lời, cậu đi thẳng ra chỗ có bóng người đứng. Trời nhá nhem, không nhìn rõ mặt nhau, nhưng mẹ đoán được:

- Em là Út phải không? – Mẹ vừa nói vừa lau nước mắt

- Ừ. Ai vậy. Sao đứng khóc trước cửa nhà người ta đó?

- Ai ngoài đó mà om sòm quá vậy Út – Bà ngoại từ trong nhà đi ra, tay cầm cục trầu nhai móm mém.

- Con, Quyên nè má – Mẹ nói mà mau nước mắt

Nói xong, mẹ buông luôn giỏ đồ, chạy vô ôm bà ngoại khóc òa. Bà ngoại phun hết đống trầu, ôm siết con gái, vừa nức nở, vừa kêu:

- Ông ơi, con Hai, thằng Sáu, thằng Út ra đây coi con Quyên nó về rồi, con Quyên nó về rồi.

Sức già của bà ngoại còn bao nhiêu gào ra hết. Ông ngoại đang chẻ củi ở nhà sau chạy thẳng lên sân trước, thở hổn hển, ôm lấy con gái, mắt rươm rướm hôn lấy hôn để mái tóc con.

- Ba, con mới về

- Ừ... – Giọng ông ngoại run run

Ông ngoại khó, chẳng bao giờ thể hiện tình thương con ra ngoài mà ngay lúc này đã phải đưa tay chậm nước mắt. Mẹ quay lại thì thấy cậu Út cũng đã khóc từ khi nào, mẹ nắm tay cậu Út. Từ trong nhà, Dì Hai và Cậu Sáu cũng chạy ra ôm mẹ.

Cả nhà đêm đó không ai ngủ dù ngày mai phải đi làm cho người ta. Gia đình ngồi tâm sự với nhau bên cái đèn dầu lúc mờ lúc tỏ.

- Ba má lúc này tóc bạc nhiều quá.

- Già rồi, tóc ai mà không bạc – Ông ngoại nằm trên võng, vừa rít điếu thuốc rê, vừa nói.

- Bây kể cho tao nghe coi, 8 năm nay bây đi đâu, làm gì, sống ra sao. Dưới quê trông tin bây, bây cứ gửi tiền về miết mà không biên được lá thơ – Bà ngoại hỏi.

- Chuyện của con thì nhiều lắm, kể mấy đêm cũng không hết. Để thủng thỉnh rồi con kể ba má với chị Hai nghe. Con đâu dám viết thư, sợ ba má lên bắt con về quê, hồi về tới đầu rào con không dám vô, lo ba má còn giận.

- Con nhỏ này, trông bây về không hết nữa ở đó mà giận, ba bây coi vậy chứ trông bây nhứt, mấy tháng đầu bây đi, tối nào ổng cũng ra đầu rào đứng chờ, rồi ổng đòi nằng nặc một hai lên kiếm, mà có gặp đâu.

Mẹ quay sang nhìn ông ngoại. Ông thở dài, khói thuốc phả ra theo.

- Rồi còn chị 3 với con 5 đâu má?

- Tụi nó có chồng có con hết rồi. Giờ còn bây với chị 2 bây nữa thôi. Chị 2 bây biểu giờ nhà không còn con gái lớn, nó không nỡ đi lấy chồng bỏ thằng Sáu, thằng Ut. Một đứa 32, một đứa 28, tao lo quá.

Chị 2 vốn ít nói nên cứ ngồi cười khi nghe mọi người nói chuyện. Cậu sáu với cậu út còn nhỏ, ngoại không cho lên tiếng. Mà hai người cứ ngồi sát lại mẹ, vuốt tóc mẹ.

- Má đừng có lo, hai đứa con gái má coi vậy chứ không ế được đâu.

Nói câu nói đó, mẹ tôi thấy cay cay ở sống mũi. Nhìn lại dì Hai, mẹ thương quá đỗi. Nhà mấy chị em gái đi hết, một mình dì Hai gánh vác chuyện lớn chuyện nhỏ, nhìn dì còn đứng tuổi hơn mẹ. Ít ra thì sau này về trọ mẹ tôi cũng nhàn hạ hơn, còn dì thì làm quần quật từ nhỏ xíu đến tận bây giờ. Mẹ nắm lấy tay dì Hai, nói khẽ "em cám ơn chị". Dì Hai xoa đầu mẹ tôi "cái con này nói gì không biết nữa", rồi nhìn mẹ cười. Nghĩ lại bản thân, mẹ cũng thấy lo. Mẹ chưa từng tưởng tượng đến một cái đám cưới, dù mẹ lúc này đã có tình yêu.

Họ cứ ngồi ở đó, cho đến khi cậu sáu và cậu út không còn thức được, gục xuống bộ ngựa. Mẹ hỏi về sức khỏe ông bà, về công việc của dì Hai, gia đình dì Ba, dì Năm và chuyện học hành của cậu Sáu, cậu Út. Đến hửng sáng mọi người mới đi chợp mắt. Hôm sau cả nhà xin nghỉ làm. Hai cậu nguyên buổi sáng chứ chạy theo hỏi mẹ, trên Sài Gòn có gì vui không, rồi năn nỉ mẹ kể cho nghe. Mẹ khen cậu Sáu lúc này lớn, trổ mã đẹp trai hơn, còn cậu Út phải ráng ăn để lớn và đẹp trai như cậu Sáu. Mẹ cứ hôn vào trán 2 cậu miết, dù hai cậu đã biết đỏ mặt.

Mẹ xuống bếp phụ bà ngoại và dì Hai nấu cơm trưa. Bây giờ nhà cũng chẳng đủ đầy gì mấy, nhưng không còn nghèo xơ nghèo xác như hồi đó. Không còn cháo với rau, mà ngày được hai bữa cơm. Trong măm cơm có 1 nồi cá lòng tong kho tiêu thơm phưng phức, 1 tô canh chua bông sung cá rô còn nóng hổi, với một chén nước muối dầm ớt để chấm.

- Ngon quá.

- Qua bây về bất tử nên còn có miếng cơm nguội cho bây ăn đỡ.

- Cơm nhà thì ra làm sao nó cũng ngon.

Nói về cái miếng đất mà ngày xưa được ở đậu. Chủ nó qua đời cách đây 5 năm, nghĩa là sau khi mẹ tôi đi khoảng 2 năm, đột ngột đến nỗi không để lại trối trăn. Do ông không còn họ hàng thân thích, nên nhà nước trưng thu hết tài sản, chỉ riêng phần đất nhà tôi đang ở là được để lại sang tên cho ông ngoại hẳn. Và đây là cũng tài sản duy nhất của cả gia đình. Từ lúc có đất, gia đình tôi yên tâm hơn, an cư rồi, không còn lo bất trắc. Số tiền mẹ gửi về mỗi tháng chỉ dùng để lo cho 2 cậu ăn học, phần còn lại tích góp để dành sửa nhà. Vừa sửa xong hồi năm ngoái. Nóc bớt dột nhiều.

Mấy ngày ở quê vui vẻ và đầm ấm lắm. Tiếc một nỗi là hai dì đi lấy chồng xa, mẹ không đi thăm được. Mỗi ngày, mẹ kể một ít về cuộc sống của mình sau khi lên Sài Gòn. Bà ngoại và dì Hai nghe tới đâu rưng rưng tới đó, nhất giai đoạn 6 năm làm ở bến xe.

Lúc ông bà và dì Hai đi làm thì mẹ ở nhà lo việc nhà. Bà ngoại với dì Hai mần cỏ mướn, còn ông ngoại đi khiêng gạch cho lò nung. Mọi người làm 4 hôm nữa thì nghỉ lo sửa soạn nhà cửa đón tổ tiên về ăn tết. Tết của dân nghèo chẳng có gì đặc biệt, không bánh mứt trái cây, không hạt này hạt nọ, không lì xì, nước ngọt... chỉ có quây quần bên nhau. Tối đêm 30, cả nhà ra ngồi cả trước sân đón giao thừa. Mà, làm gì có được một cái đồng hồ tử tế để canh giờ, chỉ có cái đồng hồ phế liệu cậu út nhặt ngoài bô rác. Mẹ hứa với cậu út lên Sài Gòn mẹ sẽ mua đồng hồ mới gửi về.

Sực nhớ, mẹ liền vô trong mang mớ áo mới ra phát, ai cũng mừng, thích, nhất là 2 cậu. Vì mấy năm mới có được một cái. May mắn hầu như ai cũng đều mặc vừa, có cậu út, chắc do ăn ít nên gầy còm, mẹ phải thâu lại một chút.

2 tuần trôi qua mau, ngày mồng 7 mẹ vào lại Sài Gòn. Đêm mồng sáu lại là một đêm không ngủ của cả nhà. Ông ngoại hỏi mẹ sao đi sớm quá, không ở luôn một tháng, bà ngoại cũng bảo mẹ ở thêm. Mà mẹ nhất định đi, vì trên đó còn nhiều công chuyện đang đợi.

Ngày đi cũng nhiều nước mắt như ngày về. Mẹ đi lần này, cũng phải mấy năm nữa mới về lại.

***

Chương VII

Ngồi xe thiệt lâu đến chiều tối mẹ mới tới Sài Gòn. Bà Bảy đứng đầu hẻm, thấy mẹ gọi mẹ lại hỏi thăm chuyện dưới quê. Bà bắt mẹ ngồi ăn xong một tô hủ tiếu rồi mới cho về phòng. Bà nói mấy bữa nay biết bây gần lên, chiều nào chú cũng chạy qua chờ. Chú mới vừa đi thì mẹ đến.

Chiều tối hôm sau, chú qua, gặp mẹ, chú mừng tíu tít. Hai người ngồi ăn cơm. Mẹ say sưa kể cho chú nghe 2 tuần vui vẻ đã qua. Chú cũng kể cho mẹ mấy ngày tết ở Sài Gòn chú đã làm những gì, buồn vui thế nào. Suốt cả tối không ngớt lời. Chú đi phụ bưng bê ở nhà hàng với chú Cường (người bạn của chú mà đã gặp mẹ tôi ở Hồ Con Rùa). Hai chú lúc này chơi thân, mấy bữa tết ở Sài Gòn thường đi chung đây đó cho đỡ chán. Nghe chú có thêm bạn mẹ mừng lắm, vì trước giờ chú không chịu chơi với ai.

- Thằng Cường nó đòi qua xin lỗi em suốt.

- Có gì đâu, em hiểu mà. Nói Cường đừng nghĩ nhiều.

- Thứ 7 anh với em, thằng Cường với bồ nó ra Hồ Con Rùa chơi nghen.

- Thôi anh, em ngại...

- Quen nhau hết rồi, em đừng ngại gì hết. Đi lòng vòng, uống nước chút xíu rồi về không có lâu đâu.

- Dạ.

Mẹ khá lo, vì chưa biết gặp nhau rồi sẽ xưng hô ra sao. Biết mẹ không thoải mái, chú nhìn mẹ cười nhẹ, rồi trấn an:

- Từ từ rồi quen mà, bạn anh cũng như bạn em.

Và cuối cùng thì tất cả cũng ổn, buổi đi chơi đó vui vẻ hơn mẹ nghĩ.

- Chào Quyên. Xưng tên nha. Mình là Cường. Xin lỗi Quyên chuyện lần trước.

- Không sao đâu.

- Ê Cường, con Hạ đâu?

- Nó đi mua kem cho tụi mình.

- Sao mày không ga lăng gì hết vậy, bắt con gái người ta đi mua.

- Bồ tao siêng lắm, mày đừng lo. Coi vậy chưa biết chắc ai cưng bồ hơn ai à nha.

Cô Hạ mua những 5 cây.

- Nè mọi người, ăn đi cho lạnh.

- Ủa sao mua tới 5 cây dữ vậy Hạ? – Chú Nhân hỏi.

- Anh Cường ảnh ăn 2 cây lận anh ơi.

- Cái đồ thằng heo. Em quen nó chi cho khổ vậy Hạ?

- Cái thằng kia, mày nói nhảm cái gì vậy – Chú Cường lên tiếng – Thấy tao im rồi sấn tới hả?

Lúc này mẹ nhìn mọi người nói chuyện, vừa ăn kem, vừa cười.

- Nhìn Quyên hiền quá. Quen mày mới đúng là khổ đó.

- Cho mày ăn đấm nghe Cường.

- Ngon nhào vô.

- Thôi hai anh cho em can – Hạ xen vào – Lo ăn kem đi, chảy hết rồi kìa.

Cô Hạ sang đứng cạnh mẹ, 2 chị em nắm tay nhau nhìn hai chú nói chuyện phét.

- Chị Quyên thoải mái đi, đừng ngại, tụi em ít có bạn. Lúc này anh Cường chơi thân với anh Nhân, hay đi chung nên cũng vui. Có chị sau này chắc sẽ vui hơn nữa.

- 2 đứa quen nhau bao lâu rồi?

- Dạ tụi em quen 3 năm rồi. Cùng quê Long An. Biết nhau từ

hồi còn ở dưới lận.

- Lâu dữ ha. Vậy hai đứa có tính gì chưa?

- Tính gì chị? À, chuyện đám cưới đó hả? Em có hỏi ảnh, mà ảnh cứ nói là ảnh không muốn tính trước tương lai. Thôi kệ đi, tụi em còn trẻ mà, cũng còn đi học. Ra trường rồi tính.

Ngẫm lại câu nói đó, mẹ tủi thân mình. Người ta còn trẻ, người ta không lo nhiều, còn mẹ... Như biết mình lỡ lời, cô Hạ nắm tay mẹ chặt hơn, nhìn mẹ với ánh mắt ăn năn.

- Thôi, em với chị đi dạo một vòng đi, để 2 ảnh nói chuyện.

- Ừ em.

- Còn chị với anh Nhân có tính gì chưa?

Mẹ trầm ngâm một hồi.

- Chị có tuổi rồi, nên cũng lo – mẹ ngừng một lúc - Nhân thì trẻ quá, còn đang đi học, với lại cũng mới vừa thương nhau, chị không dám hỏi.

Cô Hạ hiểu ý mẹ, cùng là con gái nên dễ cảm thông nhau.

Sau ngày đi chơi hôm đó lúc nào trong đầu mẹ cũng nghĩ về một cái đám cưới. Mỗi ngày trôi qua mẹ càng sợ cô đơn, rồi sợ sau này sẽ khó có con cho chồng được. Chuyện ấy cứ ám ảnh mẹ, đến nỗi nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, phải ra ngoài hàng tư ngồi cho đỡ bức bối.

Hơn nữa, chú Nhân càng ngày càng có thêm nhiều bạn bè. Thời gian dành cho mẹ ít đi. Ngày nào không thấy chú là mẹ biết chú đã đi chơi với bạn. Một đợt, mấy người bạn chú có xe rủ đi ra Vũng Tàu, chú kêu theo mà mẹ ngại toàn con trai, cô Hạ lại về quê mất, nên mẹ quyết ở nhà.Vậy là chú đi liền một tuần lễ. Mẹ chờ sốt ruột. Khi về, chú mang mớ khô làm quà cho mẹ, xin lỗi, nói ngọt mấy câu là mẹ vui vẻ lại ngay.

***

Chương VIII

Tháng 6 năm 1988, chú Nhân ra trường. Nhưng chú lại không muốn đi dạy. Đồng lương giáo viên khi ấy bèo bọt quá. Chú loay hoay làm đủ chuyện, tính đường tìm việc khá hơn.

Bây giờ, mẹ cũng đã có thể mạnh dạn hơn để nói với chú Nhân về chuyện đám cưới. Một buổi chiều, chú đến.

- Anh, em muốn nói với anh chuyện này...

- Chuyện gì vậy em?

- Em cũng suy nghĩ nhiều về chuyện tụi mình. Em có tuổi rồi, sợ chuyện sinh con sau này khó khăn. Anh có tính...

- Tính gì?

- Thì chuyện cưới hỏi...

- Ý là em muốn mình làm đám cưới mau đó hả?

- Dạ không phải. Thật ra em cũng muốn, nhưng mà... Chỉ là em muốn biết anh có định lấy em không?

- Em có tin anh không?

- Dạ...

- Nếu tin thì đừng hỏi nữa. Anh thương em. Nhưng mà anh không muốn nói trước tương lai.

Mẹ nhớ lại, hồi trước hình như chú Cường cũng đã nói với cô Hạ câu này.

- Nhưng mà em có tuổi rồi...

- Anh không có quan trọng chuyện tuổi tác. Nếu quan trọng chuyện đó thì anh đã không quen em rồi.

Chú ngồi dậy khỏi võng, lại chỗ mẹ đang may, quàng tay qua cổ mẹ như để an ủi, để mẹ yên tâm.

- Thật ra không phải anh không chịu nghĩ, mà là anh chưa dám. Tụi mình còn nghèo quá. Anh chưa kiếm được công việc ổn định. Lấy nhau, sinh con rồi khổ giống như nhà anh với nhà em ở dưới quê. Tội em, tội anh, tội mấy đứa nhỏ.

Mẹ chẳng còn biết nói gì thêm. 2 năm tiếp đó lâu lâu mẹ lại nhắc đến chuyện đám cưới, nhưng mà chú cứ lờ đi suốt như vậy:

- ANH KHÔNG MUỐN NÓI TRƯỚC TƯƠNG LAI!

2 năm này, buồn có, vui có. Điều chủ yếu làm mẹ buồn vẫn là nghĩ về một cái đám cưới. Chú luôn đối tốt với mẹ. Mối tình ấy càng đậm sâu bao nhiêu thì nỗi lo về một danh phận càng lớn bấy nhiêu. Nhưng mẹ cố trấn an, vì mẹ tin tưởng.

Đến cuối năm 1989, một bước ngoặc lớn đang nhen nhóm và sắp xảy ra trong chuyện tình cảm của hai người. Lần đó, đang ngồi ăn cơm thì chú quay sang hỏi mẹ:

- Em nghĩ sao nếu anh đi xuất khẩu lao động?

- Xuất khẩu lao động là sao?

- Là đi ra nước ngoài làm làm việc.

- Nước ngoài là ở đâu? Mà sao phải qua bên đó?

- Làm ở nước ngoài tiền nhiều hơn.

- Anh định đi thật hả? – Mẹ sốt ruột.

- À không, thằng Cường với đám bạn anh nó đi, tụi nó rủ anh mà anh chưa trả lời. Một tháng nữa hạn nộp hồ sơ.

- Ủa rồi còn Hạ, Hạ làm sao?

- Nó nói đi 6 năm về có tiền sẽ làm đám cưới.

- Haiz...

- Sao em lại thở dài?

- Em thương cho Hạ. Anh tính sao?

- Anh chưa biết nữa.

- Còn chị 2?

- Chị 2 sắp lấy chồng rồi. Người ta mai mối. Cũng mừng. Mà đi thì phải có tiền nộp. Chắc nước đó anh xin chị bán miếng đất ở quê... Thôi ăn cơm đi em.

Từ sau câu hỏi của chú, mẹ lo gấp bội. Đó là tương lai của người mẹ thương. Nhưng mẹ không ngăn được những suy nghĩ ích kỷ bên trong bản thân mình. Vừa muốn chú đi, vừa sợ. Vậy mà, trước mặt chú mẹ vẫn tỏ ra mạnh mẽ để chú khỏi bận lòng.

Đã 4 ngày chú không đến nhà. Mẹ trông đứng trông ngồi. Sau 4 hôm, chú sang và rủ mẹ vào Sài Gòn đi dạo. Chú cũng biết mẹ đang buồn.

Những ngày gần Giáng Sinh, Tết Tây, Sài Gòn đông nghịt.

- Cường với Hạ có tới không anh?

- Không em. Hình như hai đứa giận nhau rồi.

- Sao lại giận?

- Chắc là vì chuyện thằng Cường nó đi.

- Anh tính chưa?

- Anh tính rồi.

- Sao?

- Chắc là anh sẽ đi với tụi nó...

Nghe xong, mẹ tê hết cả người. Chân muốn đứng không vững. Mẹ gồng hết sức để kiềm chế, sắp khóc. Không được khóc. Đó là chuyện tốt của chú. Mẹ phải vui. Mẹ nở một nụ cười méo xẹo. Giọng nói không ra hơi, mẹ rặn:

- Dạ.

Chú biết cảm giác của mẹ lúc này, đang rất tồi tệ nhưng vẫn gắng gượng. Mặt chú tái xanh hẳn, không biết phải nói gì, giải thích như thế nào, an ủi ra sao. Đành thốt hờ mấy câu hứa hẹn vô dụng:

- Anh đi 6 năm anh về, có tiền mình sẽ làm đám cưới.

Mẹ vẫn im lặng, cố giữ vẻ mặt bình tĩnh như không có chuyện gì, hít một hơi thật sâu.

- Em nói em tin anh mà đúng không? Thương nhau, chỉ 6 năm thì có nghĩa gì đâu em?

- Dạ.

Mẹ trả lời một cách nhẹ nhàng nhất, dường như mẹ đã hết sức để có thể biểu cảm.

Chú còn khoảng 3 tháng để chuẩn bị. Cảm giác được sự tội lỗi của bản thân, ngày nào chú cũng sang cùng mẹ ở đến thật khuya mới về như để chứng tỏ rằng chú cũng không muốn xa mẹ, chú yêu mẹ nhiều hơn tất cả. Song, mỗi khi chú bước khỏi cửa, mẹ đều lau nước mắt.

Như vậy đó. Ngày các chú ra đi, mẹ và cô Hạ ra sân bay tiễn. Cô Hạ mạnh mẽ, không để lộ một nét buồn nào trên mặt, nhưng khi chú Cường đã đi vào thì cô gục đầu xuống vai mẹ tôi khúc nức nở. Mẹ khóc không nổi, vỗ về cô:

- Nín đi em. Tụi em còn trẻ. 6 năm thôi mà, rồi sẽ có một cái đám cưới. Nín đi.

***

Chương IX

Khoảng thời gian cô đơn trống trải kể từ sau ngày chú đi giày xéo trái tim mẹ, mẹ như chết đi phân nửa. Nhưng còn đó gánh nặng gia đình, nó níu một cách chóng vánh nửa còn lại ở lại với thực tại ngột ngạt mà mẹ muốn thoát khỏi. Một người phụ nữ 30 tuổi, suốt ngày nhốt mình trong nhà quanh chiếc bàn máy may, tiếng kim lạch cạch đâm vào mặt vải cũng hệt như tiếng kim đang đâm vào lòng. Mẹ đã sống như vậy suốt 2 năm, cho đến khi mẹ gặp được bố của tôi. Bố là một người đàn ông đã 2 đời vợ.

Chuyện của bố và mẹ là câu chuyện của 2 con người đau khổ trong tình yêu và hôn nhân. Họ đến với nhau bằng mối dây cảm thông. Ông yêu mẹ hết lòng, dù biết rằng, cái mà mẹ dành cho ông chỉ là cái nghĩa. Ông cũng không hỏi thêm về chuyện quá khứ.

Trước lúc lấy bố, năm 1992, mẹ đã viết thư gửi cho chú Nhân. Nhưng bức thư không bao giờ được gửi đi. Mẹ bảo, mẹ sợ làm phiền lòng chú. Một lần tình cờ nhìn thấy lá thứ trong rương đồ của, mẹ đã cho tôi đọc và kể tôi nghe lại toàn bộ câu chuyện. Mẹ chưa từng kể với ai, kể cả bố. Thư viết:

"Anh Nhân

Đã 2 năm rồi kể từ ngày anh đi. Trong suốt thời gian qua, em đã luôn mong tin anh, hi vọng có được một lá thư gửi về cho em, nhưng biệt tăm.

Mình yêu nhau 4 năm, 2 năm anh rời Việt Nam. 6 năm ròng rã đó, em lúc nào cũng nghĩ đến anh, nghĩ đến chuyện 2 đứa mình. Hay là... mình dừng lại nghe anh. Em xin lỗi, em không thể tiếp tục chờ anh được.

Em ích kỷ. Nhưng mà anh, em có còn trẻ đâu? Em cũng cần một nơi nương tựa, một người chở che, một đứa con. Em đã yếu đuối hơn em tưởng nhiều!

Ngày đưa anh ra sân bay, anh hứa 6 năm sau sẽ về. Em không nói gì. Mà thực sự, em cũng không biết nên nói làm sao.

Có bao giờ anh nghĩ, bắt một cô gái 31 tuổi chờ đợi anh ngần ấy năm là quá đáng không anh?

Dù sao em cũng xin chúc anh tìm được hạnh phúc!

Sài Gòn, 17/4/1992

Em, Quyên"

Nhiều năm sau, mẹ đón 2 cậu lên Sài Gòn sống với bố mẹ, cho 2 cậu tiện đi học. Bố là công trình sư nên đồng lương cũng thoải mái. Cậu Sáu lên trước, cậu Út lên sau. Khi ấy tôi còn bồng trên tay. Ông bà vẫn sống dưới quê với dì Hai. Đám cưới được tổ chức tại Trà Vinh, bố mồ côi nên xem ông bà như cha mẹ ruột. Hôm đó, ông bà và dì Hai vui rớt nước mắt, mừng cho mẹ cuối cùng mẹ cũng có một tấm chồng.

Đám cưới xong, hai người ở lại suốt 1 tháng.

Mỗi buổi chiều, ra đứng ở đầu nhà, mẹ thường thấy dì Hai hay nằm trên cái võng mắc ngoài bụi tre, gương mặt của dì hiền hành và tần tảo. Thở dài, mẹ hỏi thầm trong bụng "rồi chừng nào mới tới chị, chị Hai?"

Phan Hưng, 17-18/4/2016

Ngày đăng: 02/07/2016
Người đăng: Hưng Phan
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
Che Guevara - hanh phuc
 

Hạnh phúc không phải là cảm giác tới đích mà là trên từng chặng đường đi!

 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage