Dây leo thanh xuân
Tôi hỏi anh biết bao nhiêu loài hoa đẹp không mua, lại mua cái dây leo xấu xí này, anh cười nói, dây leo quấn quít vào nhau vươn tới trời...
***
Chúng tôi lớn lên chung một căn nhà, bố mẹ tôi thuê tầng trên nhà của anh để sống, khi ấy tôi sáu tuổi, anh tám tuổi, cùng nhau nặn hai bức tượng nhỏ xíu, không ra hình thù gì, chỉ biết cùng nhau nặn đến bẩn hết áo quần, hôm ấy cả anh lẫn tôi đều bị no đòn, cả hai giấu bức tượng của mình vào chiếc hộp thiếc đựng bánh, sau này, tôi ghép hai bức tượng lại, nhớ về lời hứa trẻ con về sự vĩnh viễn, đâu biết vạn thế xoay chuyển, vĩnh viễn mãi mãi không tồn tại.
Tôi mười hai, anh mười bốn, chúng tôi chơi trò cô dâu chú rể với những đứa trẻ chung xóm, đánh chết anh cũng không chịu rời tôi mà làm chú rể của người khác, còn tôi khóc đến tím người cũng không rời tay anh, chúng tôi từ đó bị bọn trẻ chung xóm chọc ghẹo và không cho chơi chung vì cái kiểu " cực đoan" của mình.
Tôi mười sáu, anh mười tám, học cấp ba khác trường nhưng mỗi ngày anh đều dậy sớm chở tôi đến trường rồi đạp hết tốc lực qua trường của mình, đưa đi rước về, năm tháng trôi qua êm ả sau lưng anh.
"Mẹ với ba tính rồi, sẽ mua cho con xe đạp riêng, bắt thằng Tân chở con như vậy, cực quá à."
"Dạ." tôi ậm ừ.
Ngày ba tôi chở xe đạp về nhà dựng ở sân dưới, anh nhìn chiếc xe đạp đến thẫn thờ, suốt một tuần tôi hỏi gì cũng không buồn trả lời, sau này mới hiểu, anh giận hờn!
Chuyện năm đó, có một người theo đuổi tôi, học lớp trên, cao ráo và bảnh trai, tôi không biết một cô gái nghèo nàn như tôi có gì thu hút Thuận, mỗi ngày cậu chàng đạp xe theo tôi về nhà, rồi mỗi sáng qua nhà sớm để cùng tôi đi học. Một hôm, ông trời như cho Thuận một cơ hội, xe tôi sáng sớm dở chứng kẹt sên không đạp được, Thuận hớn hở:
"Trúc! Lên đây Thuận chở đi học cho kịp giờ."
Tôi đứng phân vân.
"Hôm nay có bài kiểm tra phải không? Nhanh lên!" Thuận hối thúc.
Tôi định bụng nhắm mắt cho qua ngày hôm nay, hôm sau né xa hắn ra là xong, tôi bước được hai bước chân ra cửa, anh chụp lấy cánh tay tôi, kéo tôi vào trong nhà, quát lớn:
"Anh chưa chết mà!"
Tôi rướm nước mắt:
"Em sợ anh xa đường không tiện..."
"Lên xe mau! Lắm lời!"
Anh đẩy xe ra cửa, huých cho Thuận một cái lườm dài, tôi ngồi lên xe anh, anh vòng tay giật lấy chiếc cặp tôi ôm trong tay, bỏ lên trước giỏ xe đạp, phóng ào ào trên đường. Hôm ấy tháng ba, mùi cà phê ai pha bay thoang thoảng trong cái lạnh còn vương vấn ở lại Sài Gòn...
Mấy ngày sau, mấy ngày sau nữa, tôi không thấy Thuận đến nhà, im bặt từ đấy không đến làm phiền, mãi đến sau này, khi tôi là cô giáo dạy con của Thuận, cậu chàng mới cho tôi hay, năm ấy từ bỏ tôi vì bị anh đấm cho mặt mũi sưng vù...
Ba mẹ tôi có đủ tiền mua một căn chung cư nhỏ nằm xa thành thị, ngày tôi dọn đi khỏi đó, anh đứng ở cửa, dưới hàng dây leo nhìn theo tôi mà ánh mắt nói ngàn lời, tôi hít thở thật sâu để giữ bản thân bình tĩnh, còn không kịp nói lời từ biệt thì chiếc xe tải đã nổ máy, qua kính chiếu hậu, tôi thấy dáng cao cao của anh đứng đấy, nhìn tôi, như thanh xuân đã tràn qua cửa, tôi cần phải làm gì đó, nói gì đó với anh, thứ gì đó từ bé đã dành cho anh, nhưng đã quá xa nơi anh đứng, chiếc xe tải vẫn bon bon chạy đều trên đường...
Tôi mười tám, anh hai mươi, chúng tôi vẫn chung một thành phố, nhưng không hề quen với việc phải quá xa nhau đến nhường này. Ngày trước mở mắt chỉ cần chạy xuống lầu đã thấy anh lui cui bưng thau rửa mặt đi vào nhà, mái tóc rối mù, đôi mắt chưa mở hết, quần áo nhăn nhúm nhe răng cười. Buổi trưa có thể nghe thấy tiếng anh chơi đàn trong phòng, hát bằng giọng trầm ấm, mỗi tối có thể nghe tiếng anh cười trong bữa cơm, những khi tôi bị mắng, anh đều chạy lên nhà tôi vờ gõ cửa, khi thì xin quả ớt, khi thì xin cục đá lạnh, có khi chả xin gì cả, chạy lên để xem...dây leo anh trồng leo lên tới đây chưa. Mẹ biết anh lên đỡ lời cho tôi, nên bà mỉm cười rồi đi vào bếp.
Chúng tôi sống nương vào nhau, như một thói quen, như một luật lệ, một quy luật vĩnh hằng.
Anh nhắn tin cho tôi, nói rằng dây leo đã leo tới nóc nhà, anh nói dây leo rất khỏe, còn có lá to bằng cái bát cơm tôi hay ăn. Tôi hỏi anh đã cho người khác thuê nhà chưa, anh im lặng. Mãi đến hai hôm sau, tôi đi học về thấy tin nhắn trên điện thoại, muốn khóc, muốn đến với anh ngay:
"Chưa, vẫn chờ em về."
Chiều ấy, tôi bắt ngay ba chuyến xe bus đi lòng vòng trong Sài Gòn để về nhà anh, chuyến xe muộn nhất là gần sáu giờ chiều, đỗ xịt ngay hẻm rẽ vào nhà, từng bước lần mò, tôi có thể nhắm mắt mà đi chính xác đến cổng nhà, nhắm mắt mở cửa và có thể nhắm mắt mà nhận ra anh.
Rám chiều bao phủ màu trời một màu vàng cam chói lọi, dây leo thực đã leo tới nóc nhà, tôi mở cổng, con Mâm chạy ra vòng dưới chân tôi, kêu " meo meo" thương nhớ vài tiếng, quyến luyến không muốn rời đi, anh bưng chén cơm nhỏ, vẫn cái thói quen kêu mèo không bao giờ chịu gọi tên, miệng luôn mồm " miu à, miu ơi" nhìn quanh quất mọi góc nhà.
"Anh Tân..."
Cái chén trên tay anh rơi xuống đất, con mèo nghe mùi cá chạy đến ăn những hạt cơm rơi trên đất, màu vàng vẫn rám bầu trời, ánh sáng chưa tắt, đúng vậy, ánh sáng chưa tắt, chúng tôi còn thấy mắt nhau đã ướt thế nào. Con mèo ăn no đã lên mái nhà nằm lười biếng tự lúc nào, nó núp người dưới những lá dây leo to đùng, còn tôi núp người trong lòng anh, con mèo vươn mình ngáp dài, dây leo rì rào trong gió chiều.
Tôi hai mươi hai, anh hai mươi tư, bị tai nạn và đôi chân không còn khả năng đi lại. Tôi đang du học ở Anh, chiều ấy bỏ luận án ngồi vật vờ ngoài sân bay chờ chuyến bay sớm nhất, mắt đỏ hoe, luôn miệng cầu nguyện cho anh, chuyến bay dài quá, tôi khóc đến nỗi một anh chàng người Mỹ ngồi cạnh bên đưa tay đặt vào vai tôi và nói vài lời an ủi: " Mọi chuyện sẽ ổn thôi, cô gái."
Tôi về, ca phẫu thuật đã thành công, mẹ của anh ngất bên ngoài cửa phòng bệnh, khi bà nghe tin đôi chân anh không thể nào đi lại được nữa, cả đời phải ngồi xe lăn. Bà ôm chầm lấy tôi, ngất xỉu trên tay tôi, còn tôi không đủ dũng khí vào bên trong phòng bệnh khi nghe em trai tôi nói, anh ấy bị tai nạn khi trên đường đặt hoa và bánh, chờ sau khi chị hùng biện xong cho luận án của mình, sẽ gọi video call qua đó chúc mừng...
Tôi đẩy cửa, màu trắng và mùi thuốc sát trùng đập vào mũi tôi, anh nằm đó, ống thở chụp lấy mũi, băng màu trắng nhuốm đỏ quấn quanh người, tôi kiềm người không thể ngã xuống ngất tại đây được, anh cần tôi lúc này, anh từng dạy tôi, tôi và anh là hai đầu cây compa, một đầu quay chơ vơ giữa không, thì đầu kia phải mạnh mẽ cắm xuống đất để chống chịu.
Anh hồi tỉnh, nhưng tránh mặt tôi. Một người đàn ông đẹp trai và mạnh mẽ như anh thì lòng kiêu hãnh của anh càng cao, anh không muốn tôi thấy anh trong lúc này. Tôi mang cháo đến nhà, kiên nhẫn đút cho anh. Anh hất, cháo nóng đổ vào tay tôi bỏng rát. Chén cháo rơi xuống đất vỡ tan tành, tôi ôm cánh tay nhìn anh bất lực. Anh ngồi ở đó, một phút, hai phút, ba phút, anh nóng ruột giật chiếc khăn treo gần đó, tay đẩy những vòng quay xe lăn nặng nhọc về phía tôi, dùng khăn lau sạch cháo nóng, nhìn chỗ bỏng đỏ, xót xa:
"Em còn trẻ, không cần chôn đời vì anh đâu. Em đi đi." Lần đầu tiên tôi nghe anh xua đuổi mình.
"Không, em không đi đâu cả. Đây là nhà em. Anh từng nói chờ em về mà, em về rồi." Tôi trả lời bướng bỉnh.
"Trúc à, anh không thể lo cho em sau này được như người khác..."
"Người khác có thể lo cho em, cho em giàu có, có thể cho em mọi thứ, nhưng không phải chỗ em có thể bấu víu vào, nếu con người không có đâu để bấu víu, sẽ ngã bất cứ lúc nào, còn nữa, anh nghe cho rõ đây..."
Khi nào dây leo này hết quấn quít lấy nhau, thì em sẽ rời xa anh...
Anh nhìn tôi, ánh nhìn xa xăm, vì anh biết, dù nó có chết héo, thì dây leo vẫn quấn vào nhau như một quy luật.
Tôi sáu mươi tám, anh bảy mươi, hai mái đầu bạc trắng tựa vào nhau ngồi trước cửa, nhìn những đứa cháu chơi đùa vui vẻ dưới hàng dây leo rậm rạp bao phủ trọn căn nhà...
ND