Gửi bài:

Một cuộc hẹn

Nhiều lúc chị nghĩ cũng chẳng cần thiết phải cầu kỳ thế này. Vì lần nào "hẹn hò" Đóm cũng đến nhà chị, cùng nhau nấu ăn, cùng coi ti vi trong căn trọ chật như dăm ấy. Nhưng mà chị cũng hiểu là lãng mạn thì ai chẳng cần ở đời, nhất là với tình yêu. Người nghèo, người đau, thì không lãng mạn, không bay bỗng tâm hồn chắc. Mà chị không cần, nhưng chắc gì Đóm lại không muốn thế. Thế là chị cố phải "hẹn hò" cho bằng được.

***

Tại vòng xoay nọ, có một lối qua đường dành cho người đi bộ. Xe máy lao vun vun theo hình cánh cung làm cho người đàn bà cảm thấy chóng mặt. Như trò chơi nhảy sạp, chị không đủ can đảm để nhấc chân vì sợ bị thua. Mà nào có lanh lợi gì đâu khi chị là người cụt chân. Đang chống đỡ với cuộc đời bằng đôi nạng.

"Bịp, bịp bịp...", những chiếc xe máy cố tình la lối, hăm dọa nhau để phóng đi. Và cả việc họ thấy người đàn bà đang lưỡng lự để vượt qua một quãng đường dài mà biết rằng sẽ cản trở con đường của họ. Chị như kẻ mới tập tễnh biết bơi đang đứng trước một dòng sông cuộn nước. Những con người không may mắn trong cuộc đời này, họa hoằn họ đều là những kẻ tập tễnh trước cuộc đời dù họ đã sống mòn hết dĩ vãng, chắc lẽ thế.

Đợi mãi mà chẳng có ai qua cùng, người đàn bà đành đâm liều vậy. Vì có một người đang đợi chị phía bên kia. Chỗ công viên cách cái vòng xoay không xa.

mot-cuoc-hen

"Em muốn mang đến cho mình một điều bất ngờ". Chị nói thế vào chiều hôm qua với Đóm. Người đang đợi chị phía bên kia công viên. "Cho nên, mình cứ đợi em ở đó, đừng đến nhà em, đừng đón em, nghe". Chị nói tiếp như thế. Chị thích gọi Đóm bằng mình. Mặc dù họ mới yêu nhau. Nhưng với chị, từ "mình" như một cái túi khổng lồ, cái túi của mụ phù thủy chỉ trong tích tắc là hút hết hạnh phúc vào trong ấy. Mà giữ trọn. Cho riêng mình. Ấm áp.

Đóm cũng chẳng nói chẳng rằng, cứ thế nhận lời. Mặc dù Đóm biết, thường ngày người yêu di chuyển bằng xe lăn, đi khắp hang cùng ngõ hẽm của Sài Gòn để bán vé số. Còn Đóm là tay bán hàng dạo, những mớ hàng rẻ tiền được gắn vào cái sạp nhỏ, Đóm cũng rong ruổi khắp nơi. Từ Bến Thành, Chợ Lớn....Đã ngoài 30 mà Đóm còn lang bạt một mình. Không phải chỉ vì nghèo, mà còn là đôi mắt. Đôi mắt đóm có vấn đề, từ nhỏ do tai nạn, hay bẩm sinh Đóm cũng chẳng nhớ. Nhưng bây giờ mắt trái thì híp lại, mắt phải mở to, sâu hoắm như cái hố bom hố mìn nham nhở, người đối diện chẳng dám nhìn vào lâu. Đóm chỉ nhìn được trong tầm 1 m, cái nhìn cũng chỉ mờ mờ ảo ảo.

Vì thế mà đời Đóm, đời đóm luôn chôn chặt trong những ngôn từ khó nói. Là khát khát, là sự thua thiệt, là cái bứt rứt, đôi lúc là những điều bình thường nhất bị chôn chặt, mà chẳng bao giờ với tới. Đóm vẫn cứ lang bạt từ nơi này đến nơi khác. Sống cho qua ngày, cho no ánh mắt. Tối về có cơm đổ vào dạ dày là xong. Vì chẳng thể làm gì khác. Thui chột hết. Le lói hết như ánh nhìn của Đóm với cuộc đời. Đôi lúc Đóm cứ mơ tưởng cứ khao khát những điều gì đâu đâu. Mà điều đâu đâu của Đóm thì thật dễ hiểu. Ví dụ như mắt Đóm có thể nhìn xa hơn 1m cũng là một ví dụ. Còn những điều khác thì chỉ mình Đóm biết mà thôi.

Thế mà từ khi có chị - người đàn bà cụt chân. Đời Đóm khác lắm.....

Lại nói về chị. Vì chống nạng, chị đang tưởng tượng, giữa dòng xe cộ này, một cái nẫy chân của chị sẽ tránh được một dòng xe. Chị sẽ nẩy liên tục mặc kệ xe, hay nẫy một cái rồi dừng lại ngóng xe rồi nẫy tiếp. Thật khó. Giá có người hoa tiêu cho chị, giá mấy chiếc xe đang lao vùn vụt kia hiểu lòng chị. Mà thôi, bỏ đi. Chị phải qua bằng mọi giá. Đó là con đường gần nhất chị muốn đến với tình yêu.

"Cho tôi qua". Chị vừa nói vừa nẫy cái chân nạng đầu tiên xuống đường. Chao ôi, giờ mới để ý là chị mặc váy. Một cái váy màu hoa gạo, viền cũ kỹ dài xuống tới mắt cá chân, có vài sợi lua tua phía dưới có thể là do rách mà chị chưa kịp khâu lại. Vì cụt chân nên mỗi cái nẩy của chị cái váy cứ lắc một cái, nom đến là lạ kỳ. Nếu không nhìn lên mặt, thì người ta cứ tưởng đó là cái váy đang được phơi trước gió. Hóa ra là chị mặc thế để hẹn với Đóm. Chẳng ai hiểu được rằng người đàn bà này mặc thế để làm gì đâu, khi mà bị cụt chân như thế. Có khác gì đâu những cô trẻ đẫy đà trên phố hở ngực hở mông, ăn mặc kỳ dị như người ngoài hành tinh đâu. Mà khác chứ, giống cái thế nào được. Cái gì khác lạ, cái gì lệch lạc, cái gì không giống đám đông, tất nhiên là phải có ý ra ý vào. Mà đã là ý tứ của những người xa lạ thì người ta chẳng cần tìm hiểu lý do. Mà đôi lúc tìm hiểu rồi, trong đầu người ta vẫn cứ tồn tại những câu "cái quái gì, cách đếch gì, tại sao, nghĩ thế nào...". Ôi giời, sao mà chiều hết cuộc đời. Chị thì chị cũng chẳng nghĩ thế. Vì cái hạnh phúc án ngự hết rồi. Hạnh phúc đến với một mảnh đời cỏn con. Như con sóng lớn vỗ trùm lên bãi cát, rồi vỡ vụn. Không biết có giữ lại được gì không?

"Ơ cái con khùng, chân thì không có mà mặc đầm cái đếch gì không biết, chỉ tổ ...". Một bà trẻ chạy chiếc SH qua, phải dừng để nhường đường cho chị vừa tăng ga vừa nói thế, tiếng xe ồn ào chắc chị chẳng nghe. Chị đang tập trung qua đường.

Nhiều người khác thì có những hành động khác.Tay hãm ga, tay bóp còi, chân dẫm phanh, mắt thì nhìn chằm chằm vào chị. Cũng có thể chị kỳ dị quá, chị khác họ quá, hay chị đang cản đường họ cũng chẳng rõ. Miệng họ làu bàu chẳng thể nghe rõ như bà trẻ đi Sh kia.

"Cho tôi qua, cho tôi qua". Chị như đứa trẻ tập nói vừa cố nẩy chân vừa đọc thần chú. Chị sắp qua được nửa đường rồi. Hình như trời lại sắp mưa. Thế này có khi cuộc hẹn của chị với Đóm "nhão nhẹt" mất thôi. Nghĩ ông trời cản trở cũng đúng, nghĩ ông trời cảm động cũng chẳng sai. Chị nhoẻn cười cố cho qua hết con đường này. Đến trước mặt Đóm đang thờ thẫn vì đợi chờ. Đóm sẽ mắt tròn mắt dẹt mà nói "mình...mình ...đây ư, sao em lại có thể đứng trước mặt tôi thế này, ôi em đẹp quá". Ui chao, chị nghĩ mà lòng cứ rơn rơn hạnh hạnh. Niềm hạnh phúc cỏn con ấy đang cố vùi lấp cái ý nghĩ rằng hết cả cuộc đời này, chị chẳng thể nào bước đi một cách bình thường(không cần nũng nịu nhí nhãnh) đến trước mặt,(hoặc là sau lưng), vỗ vai quàng cổ người tình "mình đợi em lâu chưa?". Thôi dẹp đi, chị không nghĩ nữa. Khôn bao giờ nghĩ nữa.

Nhiều lúc chị nghĩ cũng chẳng cần thiết phải cầu kỳ thế này. Vì lần nào "hẹn hò" Đóm cũng đến nhà chị, cùng nhau nấu ăn, cùng coi ti vi trong căn trọ chật như dăm ấy. Nhưng mà chị cũng hiểu là lãng mạn thì ai chẳng cần ở đời, nhất là với tình yêu. Người nghèo, người đau, thì không lãng mạn, không bay bỗng tâm hồn chắc. Mà chị không cần, nhưng chắc gì Đóm lại không muốn thế. Thế là chị cố phải "hẹn hò" cho bằng được.

"Cháu ơi, đợi ta qua với, trời sắp mưa, ta lỡ....". Không hiểu sao đường phố đông như thế mà chị lại nghe được tiếng kêu của bà Bởn. Cái bà cùng phường xổ số với chị. Thỉnh thoảng những chỗ dốc, hay ổ gà bà gặp bà vẫn cố đẩy xe lăn chị qua. Nhưng có cái tật của bà Bởn dù đã đi mòn Sài Gòn là sợ qua đường. Thật tình nhiều lúc đám xổ số cứ chọc bà là người "ngoại quốc". Mấy người khác lại bảo "xe máy, ô tô, đường phố mà thấy các bà thì nó phải chạy mất dép, ngày nào cũng lê cũng lết cho mòn đường mà còn bày đặt sợ với siếc". Mặc kệ, bà Bởn sợ vẫn cứ sợ. Bà vẫn phải luyện cho đôi chân đi nhanh hơn người khác.

Lại nói về chị, quay đầu lại thấy bà Bỡn, chị mừng rơn. Nhưng cũng chợt hiểu là bà đang chậm giờ để trả vé cho đại lý. Chị thấy rõ ràng trên tay bà còn nguyên một xấp chưa bán hết, mà trời lại sắp mưa. Mà dù không như thế chị cũng quay lại đón bà Bỡn. Chị muốn khoe cái váy, chị muốn cho bà thấy chị khác ngày thường, thấy chị xinh đẹp, để bà vui. Vì những lúc rãnh rỗi, Bà bỡn vẫn thường nhìn chị thở dài âu yếm "cố mà kiếm lấy tấm chồng nha gái, mà kiếm là phải nhìn đứa nào tử tể chút, nghèo đói xấu xí cũng được, cái tình cái tình con hiểu không.....".

Cái vòng xoay như thỏi nam châm, càng chiều càng hút xe máy nêm lại chật ních. Ai cũng vội vã, ai cũng chen lấn, bóp còi. Thì thường mà, họ phải đi đón con, phải đi chợ, trời sắp mưa.... Ai mà chẳng vội. Cuộc sống vốn dĩ thế rồi, vốn dĩ chiều thì gắn liền với cái vội vàng. Vì nắng tắt thì đâu còn đúng nghĩa là sống nữa đâu. Chỉ có những người như chị, như bà Bởn, như Đóm, họ chẳng phân biệt được giây phút nào là nắng tắt trong cuộc đời. Đơn cử là đời họ khi nào cũng vội. Mà vội để làm gì, để cho đủ bát cơm chiều, cho có miếng cháo vào buổi mai. Ôi thiên hình vạn trạng quá đi mất.

"Rầm....xoảng..."

"Tai nạn rồi". Một ai đó kêu lên, hình như là gã xe ôm ở góc đường.

"Con điên này, tự nhiên đang đi sao lại quay lại". Người đàn ông đi xe máy, có cái mũ bảo hộ trùm kín tai kín mũi hét lên đau đớn, ghi xe gã tông vào chị ngã xoài ra đường.

"Con này khùng rồi, tỉnh dậy đi, tỉnh dậy đi". Đó là người ta đang nói chị, người đàn bà cụt chân. Chị quay lại để đón bà Bởn, vì bất ngờ quá gã đàn ông không thể xử lý kịp, nhưng thực ra là gã cũng đã xử lý, chỉ có điều cái váy của chị. Cái váy phấp phới vướng vào chỗ để chân, chiếc xe vụt đi, nó quật chị ngã xuống đường. Như cơn bão quật cánh buồm gãy đôi.

Chị nằm sóng xoài ra đường lớn. Máu ở trên đầu chảy ra, bắt đầu chạm tới cái váy màu gạo, màu đỏ của nó bắt đầu ngấm dần vào vào màu vải trông chẳng ra màu gì. Chị nằm ngửa, co quắp, chiếc váy nằm dài ra, người ta sẽ nghĩ đôi chân chị thụt lại phía trong nếu không nhìn thấy 2 cái nạng gỗ ngã ra hai phía. Cái đầu nhỏ thó, hai cánh tay khẳng khiu, nếu người giỏi tưởng tượng họ sẽ nghĩ đó là một bức tranh người phụ nữ đang ngủ được gép bằng diêm. Chị bất tỉnh. Trước lúc bất tỉnh người ta thấy chị cố ngước nhìn về phía công viên.

"Ai đó gọi cấp cứu đi, cái con điên này hình như chết rồi". Một giọng phụ nữ kêu lên, bà ta vừa nhìn chị vừa bóp bóp cái tay bị xước mặt nhăn nhó. Hẳn là đã có thêm mấy chiếc xe máy nữa tông vào nhau.

"Gọi công an đi, nó chết rồi. Tôi làm trong bệnh viện đây, vỡ hộp sọ rồi sống mẹ gì nổi". Một gã khác sờ lên mũi chị, cầm tay bắt mạch chị rồi nói thế.

"Giữ nguyên hiện trường, không thì rách việc cho tôi, giữ nguyên hiện trường, mẹ nó ăn cái đếch gì mà đen như chó..". Gã đi xe máy tông trực tiếp vào chị gào lên. Gã đang được ai đó băng đầu, vì đầu gã rĩ máu.

Bà Bởn giờ mới có cớ để mà qua đường. Vì thực ra tai bà điếc, mắt bà mờ cũng chẳng hiểu chuyện gì mấy. Nhưng khi đi ngang qua chỗ chị thì hỡi ôi, bà kêu lên "trời đất ơi là mi sao con, trời đất ơi sao mi lại ở đây, sao mi ăn mặc chi kỳ ri. Mi quay lại để đón già à, trời ơi, sao mi không qua luôn mà quay lại chi. Tỉnh lại đi con ơi, già giết con rồi". Bà Bởn ôm lấy chị gào khóc. Một người khác chạy lại bảo "này bà già, giữ nguyên như thế cho công an tới khám, bà ra chỗ khác".

Bà Bởn bị lôi ra: "hu hu, nó quay lại để đón tui qua đường, hu hu cái con bé này. Nó quay lại để đón tui mà, ông trời hãy trả lại mạng sống cho nó đi...". Chẳng ai hiểu gì cả. Một nhóm đám đông dừng lại coi rồi lại bóp còi inh ỏi để đi. Nhóm bị té xe thì ngồi mỗi người một góc lo vết thương. Mấy gã đàn ông khỏe mạnh khác đứng làm rìa hối thúc dòng xe đi qua. Tiếng còi xe như tiếng vịt sổ chuồng. Nhộn nhịp quá, ồn ào quá đi mất.

"Lũ khốn nạn, biết người ta chết hay sống mà không đưa đi viện, bộ bọn mày là bác sĩ à?" . Một gã đàn ồng chừng 50 tuổi, dáng hộ pháp chạy xổ tới. Hình như là một gã xe ôm. Có lẽ gã biết chị chăng. Gã bế xốc chị lên, nhảy lên một xe máy của gã đàn ông khác vừa trờ tới. Họ cứ thế phóng đi.

Trước lúc bị lôi ra, bà Bỡn ngửi thấy mùi khang khác trên cơ thể chị. Cho tới mãi sau này bà mới nghĩ ra đó là mùi của nước hoa và máu trộn lẫn vào nhau. Thế đấy hôm ấy chị đã xịt nước hoa. Bà Bỡn nghĩ đó là lần đầu tiên

__

Ở bên kia. Phía công viên. Đóm đang đợi người yêu. Giá mà Đóm là người bình thường, hoặc có được điều ước "đâu đâu" của mình thì anh chẳng phải chờ đợi tron thấp thỏm mà vui vui thế nữa. Vì từ chỗ Đóm ngồi đến chỗ chị đang nằm đấy đâu có xa xôi gì với một ánh mắt bình thường kia chứ.

Đóm đã uống cạn nửa chai nước suối. Đóm ngồi nhìn mớ bỏng ngô trên tay, rồi lại nhìn ra cái khoảng không chật hẹp, từ phía mà người yêu Đóm sẽ tới. Cái mặt lưỡi trai, cán trán móp vào như bị ai dùng búa nện lên đó, đôi mắt chẳng ai biết được là Đóm đang nhìn về đâu. Cứ thấy ngoảnh cái bản mặt lưỡi cày ấy về hướng nào là biết Đóm đang nhìn về hướng đó, vậy thôi.

Nhưng có một điều là Đóm luôn nhoẻn miệng cười. Vì anh nghĩ người yêu anh sẽ đến bất ngờ, vì anh không thể nhìn xa để thấy. Nên anh muốn lúc nào chị nhìn thấy anh, thì anh cũng đang cười. Đóm muốn mang niềm vui đến cho người thương từ những điều giản đơn nhất. Thành thử, Đóm cứ ngồi nhìn ra xa, miệng cười cười đơ như một bức tranh vẽ sẵn. Vô tình Đóm làm cái để cho đám thập khách ở công viên chiều rửa mắt.

Từ xa, thấp thoáng có chiếc xe lăn đang đi tới. Đóm thấy rồi. Đóm cười càng tươi hơn. Hẳn là người yêu Đóm đang tới. Cái mắt híp cố gân cốt mở to đồng tử như góp vui thêm cho cái miệng không đúc vừa niềm vui ấy. Đóm bỏ bỏng ngô xuống. Rút từ trong túi áo ra một bông hồng đỏ đã úa màu. Một vài cánh đã gãy.

"Mình...mình đã tới đấy ư....".

"Xì...đúng là dở hơi tập bơi...điên"...

"Ai đó? Ai đó ? Không phải mình à? ". Cái xe lăn vượt qua Đóm, cái xe lăn có một người đẩy phía sau. Trời chập choạng Đóm chẳng nhìn được. Nhưng họ có mùi thơm của nước hoa loại đắt tiền. Đóm tắt hẳn nụ cười. Đóm bóp mạnh cành hồng trên tay, trúng phải một cái gai còn sót lại. Một giọt máu nhỏ xuống. Đóm cảm một nỗi buốt đau vụt qua.

Trước lúc tiếng mừa ào ào đổ xuống. Người ta còn kịp nghe Đóm kêu 2 tiếng: " Mình ơi "....

Cù Lú

Sài Gòn 20/08/2013

 

Ngày đăng: 19/10/2016
Người đăng: Phu Tran
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Gia vị người Thái Tây Bắc
SteveJobs nói về con người
 

Nếu bạn muốn sống một cuộc đời theo cách sáng tạo, như một nghệ sỹ, bạn đừng nhìn lại quá khứ quá nhiều. Bạn phải sẵn lòng vứt bỏ tất cả những gì bạn đã làm, những kiểu con người mà bạn đã từng thể hiện

Steve Jobs

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage