Gửi bài:

Lời hồi đáp muộn màng

Yêu không phải có định nghĩa là xuất phát từ cả hai,

Có những tình yêu chỉ từ một phía, không thể nào quên được, dù chỉ một giây.

***

Thế giới xung quanh tôi nhỏ bé và chật hẹp, quay vòng gọn ghẽ chỉ có hai thứ: gia đình và anh.

Gia đình cũng thật nhỏ bé, chỉ có mẹ một tay nuôi tôi lớn, trước giờ chưa hề nhắc đến chữ: "Cha" huống hồ gì mà biết mặt.

Mơ hồ trong trí óc tôi, "cha" là điều gì đó thiêng liêng lắm! Con bé bốn tuổi mè nheo bên chân mẹ hỏi: "Sao con không có ba?" mà tôi đâu hề biết, nó khắc vào tim mẹ mỗi nhát dao đau điếng chết lặng.

Tôi là đứa trẻ trong vòng "luật pháp cho phép", nhưng rồi, vì đứa con ngoài vòng giá thú kia, cha đã li hôn với mẹ. Đó là tất cả những gì tôi biết về "cha" của mình, lúc ấy, tôi học lớp sáu, ghét cay đắng khi soi mình trong gương, vì ngoại nói tôi giống cha như khuôn.

Tôi lầm lì, mặc cảm đến mức đập vỡ gương soi trong phòng của mình.

Cho đến khi anh nói với tôi: "Em giống ai thì giống, với anh, em thật dễ thương. Đừng làm mấy chuyện ngu ngốc ấy, biết chưa?"

Mười lăm, tôi nghe anh nói câu ấy, thế giới của tôi mở ra một nấc rộng hơn, có mẹ và có anh.

loi-hoi-dap-muon-mang

Anh- đứa con ngoài vòng giá thú. Mẹ anh đã yêu một người đàn ông có gia đình đến cuồng dại mà sinh ra anh. Nhưng ông ấy không giống cha tôi, ông ta chọn về với vợ, từ biệt đứa con vừa mới sinh được hai ngày. Thế là mẹ anh, cô sinh viên điều dưỡng bỏ tất cả lại, trốn tránh thế giới của mình, về vùng quê hẻo lánh, khỉ ho cò gáy này mà sống.

Chúng tôi vốn dĩ là hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng chung một nỗi đau và thiếu thốn.

Có lẽ vì anh là con trai, một tay phải gánh hết nỗi đau của mẹ, nên anh trưởng thành hơn tôi rất nhiều, từ tính cách đến hành xử. Và tôi may mắn hơn anh, mẹ tôi là phụ nữ ngoan cường, cho nên tôi có cơ hội mà nhõng nhẽo.

Mẹ của anh gần như phát điên từ ngày tình rời xa vòng tay chỉ vừa mới vỗ về, ôm ấp.

Còn anh, là nạn nhân của sự ngông cuồng tuổi trẻ.

Cứ hễ bà say là lại lôi anh ra đánh, mà bà ấy say gần như là mỗi ngày, tôi nép vào mẹ, sợ hãi khi nghe tiếng gào la của anh bên nhà bên. Tiếng la ấy ngày càng nhỏ dần và biến mất hoàn toàn, tôi tưởng mẹ của anh đã không còn hành hạ anh nữa. Nhưng không, là do càng lớn, anh gồng tấm lưng vững chãi của mình ra chịu những đòn roi không thương tiếc, rồi từ từ đỡ mẹ lên giường, tự mình đứng trước gương mà bôi thuốc.

- Anh Thành! Anh chảy máu rồi!

Tôi đặt nhanh tô cháo nấm mối xuống bàn, mẹ vừa nấu xong, bảo chia sang nhà anh một ít. Chiếc áo sơ mi trắng anh mặc rướm những hằn máu đỏ tươi, tôi hoảng hốt giật lấy cái khăn treo ở góc nhà, run run chậm máu. Anh cười, hiền hòa như xoa dịu sự lo lắng:

- Nãy anh đi học ngã xe đạp, chắc chảy máu mà không để ý, không sao đâu, em có gì cho anh vậy? – Anh cố đánh trống lảng – Cha, cháo nấm thơm dữ!

- Em thấy...mẹ đánh anh...mẹ đánh anh chảy máu...rồi...

Anh ngưng mọi hoạt động trên cơ thể, tay run bần bật, nắm lấy chiếc khăn tôi đưa để kiềm lại. Mắt anh đỏ hoe, dường như vài giây nào đó tôi thấy vài giọt ấm nóng tràn khỏi mi mắt. Anh không quay đầu, ánh mắt ngược hắt từ cửa vào khiến cho bóng của anh trải dài lên đôi tay tôi, tôi không còn nhìn rõ anh nữa, cũng không thể đoán anh đang nghĩ gì, chỉ nghe tiếng thở đều đều của mẹ anh đang chìm trong cơn say triền miên...

Chúng tôi học chung trường trung học, vẻ ngoài anh ưa nhìn (không muốn nói là đẹp trai), nhiều cô gái mê anh như điếu đổ. Thỉnh thoảng, tôi thấy vài cô gái lén chạy lên lớp anh giờ thể dục để nhét thư vào ngăn bàn, rồi bẽn lẽn nhìn xung quanh, đi vội.

- Một lá...hai lá...ba lá...

Tôi cầm xấp thư đếm đi đếm lại, muốn tiện tay ném vào thùng rác, mặt đỏ bừng nhưng không hiểu sao lại để chúng vào ngăn bàn rồi đi ra, lòng thất vọng đến ão não.

Mười sáu, tôi biết thế nào là ghen, là giận, là cố hữu một người không của mình cho riêng mình.

***

Chiều hôm ấy, bắc ghế đứng nhìn sang nhà anh. Từ hàng rào nhìn thẳng vào bàn anh đang ngồi, anh nghiêng đầu đọc một tờ giấy nhỏ bằng bàn tay, tôi ngay lập tức cho rằng anh nhặt hết những lá thư ấy về đọc, rồi đắn đo, suy nghĩ xem cô nào xinh xắn thì trả lời. Bừng bừng cơn giận, tôi nhảy xuống tiện chân đá vào ghế ngã chỏng quay trên nền, mẹ giật mình từ bếp nói vọng ra:

- Ngân ơi, gì vậy con?

- Không có gì đâu mẹ! Cái ghế ngã thôi!

Tôi tránh mặt anh từ dạo đó.

Tránh mặt không có nghĩa là ngừng quan tâm. Chỉ là lờ anh đi những lúc vô tình chạm mặt, dù cho anh hớn hở vẫy tay...

Tôi nhớ chiều chủ nhật mưa lớn, mẹ của anh say khướt về nhà rút cây chổi trên ván xuống, đánh vào anh bất kể chỗ nào. Anh gồng người để chịu đựng, cắn môi đến bật máu. Thỏa cơn giận, mà xô anh ra cửa rồi khóa trái, để mặc anh ướt mem vẫn nhìn qua cửa sổ xem mẹ mình có bị làm sao hay là không.

Tôi đứng bên này hàng rào, nép vào từng viên gạch nghe mưa xô vào người anh từng cơn dữ dội như bão lốc.

- Cảm ơn em.

Anh nói nhỏ, đủ mình tôi và mưa nghe khi tôi ném qua cho anh một cái ô lớn và chai dầu gió xanh. Còn không yên tâm, tôi mách với mẹ, mẹ lật đật đội nón lá qua nhà, một hai kéo anh về.

- Mai mốt má con có sỉn, qua nhà cô ở đỡ, nghe Thành!

- Con sợ lỡ má say quá rồi trúng gió trúng mái gì...

- Mày lo cho bả, rồi bả có lo cho mày không? Thành ơi! Nhìn lưng con đi! Trời ơi! Mẹ kiểu gì không biết!

Tôi bật khóc khi mẹ cởi lớp áo sơ mi ướt nhem của anh, trên lưng, ngang dọc là những vết thương để đời từ lỗi lầm không phải anh gây ra.

Nhưng tôi vẫn lờ anh, để hằng tuần thứ bảy, viết lá thư "nặc danh" bỏ vào ngăn bàn, hồi hộp rồi lén nhìn xem anh có đọc nó hay là không.

Tôi viết nếu anh muốn hồi âm cho tôi, hãy để vào cái hộp được chôn dưới gốc cây phượng vĩ.

Và mỗi thứ hai, tôi đều lẳng lặng giờ giữa trưa đào xới gốc cây, nhưng trong hộp không hề có một lá thư nào...

Tôi chết lặng, đau đến nước mắt cứ đua nhau ràn rụa chảy ra, không kiềm lại được.

Mười bảy, tôi biết thất tình là gì, tôi biết mùi vị của tình yêu không hồi đáp là chua chát cỡ nào.

***

Anh rời khỏi làng quê nghèo lên đường đến Sài Gòn học đại học. Anh quyết định học đại học sau khi mẹ mất. Một lần say sỉn, bà ấy đã vĩnh viễn không thể thức dậy được nữa.

Chiều hôm ấy, trước ngày anh đi xa, anh qua nhà rủ tôi đi dạo vòng quanh, ăn vặt linh tinh, vì anh biết tôi rất thích những món đó. Ngồi sau xe anh, tay tôi buông thõng, không vịn vào anh như lúc trước, tôi đã cố giả vờ hồn nhiên để chạm vào bờ vai anh, áp sát má vào lưng anh, nghe từng hơi thở đều đều êm dịu. Mùa lúa chín vàng rực những cánh đồng, thấp thoáng xa xa, vài ngọn lau đâm cao, phất như những ngọn cờ trước gió. Hoàng hôn từ từ kéo bước chân lười nhác của mình qua những cánh đồng lúa, màu vàng cam nhường dần cho màu đỏ sẫm phía cuối trời. Mặt trời mệt mỏi sau một ngày dài làm việc, hối hả buông mình vào giấc ngủ. Chỉ còn anh, tôi, vài bông lau vướng vào chiếc áo...

Anh mua một ít đồ ăn rồi dừng trước một cánh đồng lau ngợp gió, những ngọn gió hung hãn, đùa nghịch lùa vào từng nhánh lau khiến nó ngả rạp về một bên, nhưng vẫn cố vươn mình để những bông dài, mềm mịn tung bay như thách thức ngọn gió. Chúng tôi im lặng, cố nuốt từng muỗng đá bào siro ngọt lịm, nhưng không hiểu phản ứng với cái gì mà vào cổ họng tôi, đắng nghét không thể nuốt nổi.

- Mai anh đi rồi.

- ...

- Ráng nha em, học xong mười hai lên Sài Gòn với anh.

- Để làm gì?

Một câu hỏi buông từ môi, khiến tôi và anh thoáng chút giật mình. Anh chỉ cúi đầu, một hồi lâu lại nói sang chuyện khác:

- Em có dự định gì cho mình?

- Em không biết. Em muốn học kinh doanh, cuộc sống em bó hẹp quá, em muốn mở rộng thế giới cho mình.

- Vậy bây giờ thế giới của em có gì?

"Có anh".

Và anh không hề biết nó, vì tôi đã không trả lời bất cứ điều gì, giả vờ như gió khiến tai ù đi không nghe rõ, câu trả lời ấy vẫn nằm sâu trong tâm khảm tôi, tình yêu đầu đời chông chênh nhưng sâu sắc đến kì lạ!

***

Hết mười hai, tôi nhận được một khoản tài trợ và đi du học. Vì đặc thù của thời gian và việc học, cộng thêm phải đi làm thêm kiếm sống cho nên tôi không có quá nhiều thời gian để nói về anh. Nhưng "anh" là điều gì đó đặc biệt trong lòng tôi, dù đã yêu một vài người, nhưng lý do chia tay của chúng tôi quanh quẩn bởi vì tôi đã dành hết những tình cảm tôi có cho một người khác. Và rồi tôi bị cuốn vào guồng quay tất bật, tôi dường như chỉ có đủ thời gian để ngủ bốn tiếng mỗi ngày, hai tuần gọi cho mẹ một lần, mỗi lần khoảng mười phút, ngắn ngủi, ít ỏi đến quý giá vô cùng.

"Mối tình đầu của bạn giờ như thế nào?" Tôi gần như ném điện thoại đi khi đọc dòng status lửng lơ trên facebook.

Suốt cả ngày hôm ấy, anh cứ lởn vởn trong đầu tôi khiến tôi không thể nào tập trung vào bất cứ thứ gì. Tôi muốn gọi mẹ để hỏi, anh dạo này thế nào, nhưng sợ lại phải nghe những lời như : " Có bạn gái" hay "đã kết hôn", "làm cha rồi" khiến bản thân chuốc thêm đau khổ vào người, cho nên, tôi cố ép mình vào núi công việc chất thành đống trên bàn làm việc.

Sau tốt nghiệp, tôi có một vị trí tuyển dụng vào công ty lớn, tôi bí mật về Việt Nam để khiến mẹ bất ngờ. Suốt hai mươi mấy tiếng dài trên máy bay, tôi viễn vông tưởng tượng ra mẹ sẽ vui thế nào, và nghĩ về anh, thật nhiều, nhiều đến mức nhớ như in khuôn mặt anh bốn năm về trước hiện diện trong đầu tôi, anh sẽ tự hào lắm! Dù yêu hay không, thì anh cũng là một người gần gũi, không tình cảm cũng anh em, tôi sẽ phỉnh mũi thế nào khi anh xoa đầu rồi suýt xoa khen ngợi như những lần tôi được giấy khen. Thêm bốn tiếng trên xe từ sân bay về nhà, hai chuyến phà còng lưng, đến gần chiều tôi mới chạy như bay trên con đường đất quen thuộc. Con đường này hồi bé đã ngã thế nào, đã chập chững đi học ra sao, cùng mẹ đi chợ, cùng anh đi học, những vết hằn bánh xe theo năm tháng quay tròn trong lòng tôi những vòng quay phấn khởi.

- Mẹ!

- Ngân! Trời đất! Về không cho ai hay!

- Con tốt nghiệp rồi! Con được tuyển vào công ty lớn, trả lương cao, tháng sau bắt đầu đi làm. Vài năm có thể thuê nhà rồi đón mẹ sang!

- Con gái lớn rồi...- Mẹ suýt khóc- không nói để đi chợ mua đồ ăn ngon.

- Thôi, tối con thuê xe mẹ con mình đi ăn gì ngon ngon! À, Anh Thành, rủ cả anh Thành nữa. Ảnh tốt nghiệp rồi phải không mẹ? Giờ làm gì? Nãy con thấy nhà khép hờ, chắc ảnh về quê làm đúng không mẹ? Xem xem, anh Thành sẽ ngạc nhiên đến mức hét lên khi thấy con ở đây!

- Ngân...Đừng qua đó, con...

- Chuyện gì vậy mẹ? Ảnh làm gì mẹ phật ý?

- Thành...chết rồi...

***

Tôi đang đứng trên đồng cỏ lau, phất phơ những ngọn lau như khăn tang trắng giữa trời...

Anh đang trước mặt tôi, ngủ yên vĩnh viễn trong lòng đất, những ngọn cỏ đã mọc xanh rì, những cây lau cứ vô tâm tung bay với gió.

Những giọt nước mắt cứ ràn rụa chảy ra như lúc tôi đào chiếc hộp bí mật dưới gốc phượng, nhưng lần này, đau đến mức bản thân không thể thở được.

Thà là tôi nhìn anh yêu cô gái khác hay hời hợt với tôi, còn có thể nhìn thấy anh, hơn là phải nhìn anh qua tấm hình và vài dòng tên tuổi lặng lẽ trên nền đá trắng.

Năm hai đại học, anh phát hiện mình bị ung thư máu.

Anh không thể đi học được nữa, không đủ tiền chữa trị đành phải về quê, những ngày tháng cuối đời mẹ thấy anh viết lách, những quyển sổ chất đầy như núi trên bàn, mỗi lúc một nhiều.

Mẹ chỉ nghĩ anh bị bệnh bình thường, đến một ngày phát hiện ra ung thư, mẹ cùng bà con giúp đỡ tiền xạ trị, nhưng quá muộn, chỉ có thể kéo dài thêm mấy tháng sống mỏng manh.

Anh dặn, "Để Ngân học hành, đừng nói em biết, mắc công chạy tới lui tốn tiền."

Tối ấy, lặng lẽ đọc hết chiếc hộp mà anh cất những thứ dành cho tôi, ngày anh hấp hối đã dặn mẹ khi Ngân về nhất định phải trao tận tay.

Chiếc hộp bánh quy ấy, là chiếc hộp tôi chôn dưới gốc phượng năm đó, trên đó có một vết bút xóa làm dấu của tôi, vẫn còn nguyên vẹn, không hề thay đổi.

"Ngày 22/07/2010

Con bé nay viết thư bỏ ngăn bàn mình, nhìn qua biết chữ của nó ngay. Nghĩ sao, mình cầm tay tập nó viết từ nhỏ mà không nhận ra nét chữ này được. Còn chờ hồi âm dưới gốc phượng, riết rồi đem cả mình ra chọc ghẹo!"

"Ngày 24/07/2010

Con bé đứng khóc khi không thấy mình hồi âm, tự dưng thấy có lỗi vô cùng. Nhìn con bé khóc mà sao tim mình cũng khó chịu dữ dội. Mình dở quá, viết một lá thư hồi âm, có lẽ mọi chuyện sẽ tốt hơn?"

"Ngày 12/3/2011

Con bé để dành tiền tiêu vặt mua quyển ôn thi đại học, hôm bắt xe lên tỉnh mua, mình lén theo sợ con bé cặp bè cặp bạn đi chơi rồi bị gì nguy hiểm. Thấy nó mua quyển sách, cứ tưởng để dành năm sau, ai ngờ hôm nay thấy trong ngăn bàn của mình. Mình phải thi đậu đại học, vì con bé.

Mà sao mình lại nghĩ về con bé quá nhiều khi làm những điều trong tương lai? Hay là..."

"Ngày 11/8/2011

Thế giới của con bé nhỏ hẹp, mình đã cố hi vọng trong thế giới đó có mình, thế nhưng nó lại im lặng không nói gì.

Ngân ơi, phải chăng em đã hết thương tôi như cái hồi em giấu thư dưới ngăn bàn?"

"Ngày 2/7/2013

Con bé của mình đi du học! Không tin được là nó đi du học! Không hiểu sao mình thấy phấn khích quá! Tự hào quá! Bốn năm, hi vọng bốn năm nữa có thể nhìn thấy em hiên ngang về nhà. Con bé tôi thương nay đã lớn rồi."

"Ngày 9/12/2015

Ngân ơi, liệu em có về kịp chuyến tàu đưa anh đi khỏi nơi này? Liệu anh có chờ được em trước khi quá trễ?

Anh muốn nói thương em từ hồi đôi mắt óng ánh, từ hồi tóc mới dài đen mướt, từ hồi em còn ngồi sau xe anh tựu trường.

Anh mong mọi chuyện không quá muộn, Ngân ơi..."

"10/7/2016

Có một cánh bướm trắng buồn bã trong mơ

Có một chuyến tàu sắp sửa rời ga, vội vã không kịp chờ đợi..."

"02/01/2017

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,

Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn.

Hai người sống giữa cô đơn,

Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.

Giá đừng có giậu mùng tơi,

Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng."

Tôi nhìn vào màn đêm tĩnh mịch, tiếng ai giăng câu khuya ca lên vài ba câu vọng cổ đến điếng lòng...

Nguyễn Duy

Ngày đăng: 01/09/2017
Người đăng:
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Leo Buscaglia about risk
 

Cười thì sợ giống người điên.
Khóc thì bị kêu mềm yếu.
Đưa tay kết bạn thì rủi ro khi quan hệ.
Chia sẻ tâm tư thì như phơi bày trần trọi bản thân.
Đem ý tưởng, giấc mộng của mình trình cho đám đông mang rủi ro bị gọi là ngây thơ.
Yêu lỡ không được đền đáp.
Sống thì chịu rủi ro về cái chết.
Hy vọng mang rủi ro tuyệt vọng.
Cố gắng thì bị rủi ro vì thất bại.
Nhưng các rủi ro phải được chấp nhận và vượt qua vì cái nguy hiểm nhất cho đời người là không dám làm gì rủi ro.
Người không dám rủi điều gì là người không làm được điều gì, không có gì, và trở thành vô nghĩa.
Người ấy có thể tránh được những đau đớn và buồn bã, nhưng bạn đó sẽ không học gì, cảm nhận gì, thay đổi gì, phát triển gì hay yêu ai và sống thế nào.
Trói buộc vào nỗi sợ, người ấy biến thành nô lệ và từ bỏ tự do cho mình.
Chỉ những ai dám nhận rủi ro, người ấy mới thực sự tự do.

Leo Buscaglia

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage