Gửi bài:

Lời hứa bằng lăng

Thời gian trôi qua khiến mọi thứ đổi thay, bản thân mỗi người cũng đổi thay. Thế nhưng có những thứ dù trải qua bao nhiêu năm tháng thì chúng vẫn nằm nguyên chỗ cũ.

....

***

Nhắc đến chiến tranh, chúng ta sẽ nhớ ngay đến bom đạn, nhớ ngay đến những gì tàn khốc nhất, cay đắng nhất. Thế nhưng cũng chính từ trong khói lửa chiến tranh đã hình thành nên những mối tình đẹp nhất, keo sơn, bền chặt nhất. Đó là tình yêu giữa những người nam nữ dù chỉ biết nhau qua lời kể, qua những bức hình đen trắng; là tình thân đối với những người lính can trường và những người dân chất phác; là tình đồng đội tri kỉ mà cho tới mấy chục năm sau khi nhắm mắt xuôi tay vẫn nhớ về. Những sợi dây tình nghĩa từ thời còn "súng bên súng đầu sát bên đầu" thường là những sợi dây bền chặt nhất. Bởi họ từng cùng nhau vào sinh ra tử, từng cùng nhau trải qua tất cả những khó khăn, gian khổ và kể cả những giây phút hạnh phúc hiếm hoi. Tôi từng nghe mẹ tôi kể, trong những ngày kháng chiến gian khổ ấy, chính tình bạn, tình yêu khiến cuộc sống của những người chiến sĩ trở nên thi vị. Họ ở bên nhau một cách giản đơn, chẳng cần những thứ vật chất tầm thường. Tôi và em may mắn được sinh ra trong thời bình, khi mà súng đạn đã ngừng gầm gào, khi mà những chiếc B52 chỉ còn là dĩ vãng. Có lẽ chính vì vậy mà chúng ta lãng quên nhau...

...

loi-hua-bang-lang

- Này, mang cái gánh đi thì mới mang nước về được chứ.

- Thì đem từng xô thôi, giếng xa vậy mà.

- Thế mày tính đem đến bao giờ, ra đó múc cho đầy đi rồi kêu ba tao ra gánh.

Thế là hai đứa con nít, hai tay cầm hai cái xô to hơn cả người kéo lê trên mặt đất ẩm mà nóng rẫy. Một đứa 6 tuổi, một đứa 7 tuổi nhưng năm nay đều vào lớp 1. Sở dĩ có sự oái oăm như vậy là vì thằng Đen đi học trễ một năm nên thành ra trở thành bạn đồng học với con Sún. Dù vậy, Đen vẫn ý thức được mình là một đứa "già đầu" hơn nên luôn ra vẻ kẻ cả với con em không cùng huyết thống ấy. Không khi nào ở cái xóm này không chứng kiến cái cảnh 2 đứa xách xô ra giếng và khi trở về luôn là một đứa ướt lướt thướt vừa đi vừa mếu máo, một đứa vừa nhảy chân sáo vừa cười nhăn nhở. Riết rồi quen, người ta chỉ lắc đầu cười khi thấy chúng nó trọ trọe nhau. Cha mẹ chúng thì thân thiết tới nỗi coi nhau như người nhà, bởi họ từng cùng vào sinh ra tử, cùng nhau bắn biết bao băng đạn trên trận tiền. Mỗi khi có dịp, họ lại đem những câu chuyện hào hùng ngày ấy ra để ôn lại, và cũng là để nhớ lại những người bạn một thời. Có người còn, có người mất, nhưng với họ tất cả đều sống mãi trong hồi ức, trong trái tim nhau. Chính vì mối thâm tình keo sơn ấy, nghiễm nhiên những đứa trẻ cũng trở nên gắn bó với nhau như cha mẹ chúng. Đen và Sún cũng không ngoại lệ. Ở cái huyện nghèo này, được đi học đã là hạnh phúc lắm, ấy thế mà Đen và Sún không những được đi học, chúng còn được học tới hết trung học.

- Cái đó mày làm sai rồi, 2 nhân 3 phải bằng 8 chứ.

- Đen mới sai ấy, 2 nhân 3 bằng 6 chứ.

- Tao bảo mày sai mà mày cãi hoài, phải nghe tao nè, tao lớn hơn nên tao đúng.

- Đen lớn hơn mà Đen cũng học lớp một, tớ cũng học lớp một- Sún cười khúc khích- Đen không tin Đen hỏi cô giáo đi coi 2 nhân 3 bằng mấy.

Kết quả của cuộc khẩu chiến đó thì bạn đọc cũng biết rồi đấy, thế mà không hôm nào 2 đứa ấy không cãi nhau chỉ vì một phép toán, một câu văn hay thậm chí một cây màu vẽ. Thời gian thấm thoắt trôi qua, cô bé Sún ngày nào giờ đã trở thành cô nữ sinh tha thướt trong tà áo dài trắng dịu dàng, anh chàng Đen ngày nào giờ đã ra dáng một chàng trai chất phác. Chúng đã thôi cãi nhau, thôi tranh giành xem ai là người lớn nhưng tình bạn thì vẫn vậy. Mặc dù đâu đó trong lòng mỗi đứa đều lăn tăn gợn một cái gì đó rất mơ hồ, khiến chúng không còn vô tư vui đùa với nhau như trước nữa. Chúng thôi chành chọe nhau, thôi gọi nhau bằng những cái tên thủa nhỏ. Giờ đây, Sún không còn là Sún mà là cô bé Thy dịu dàng; Đen không còn là Đen mà là anh chàng Quân điềm đạm. Thời gian mang hai con người ấy lớn lên, mang suy nghĩ lớn lên, mang theo cả những cảm xúc lớn lên. Những tình bạn ngây thơ ngốc nghếch một thời trở thành những rung động nhẹ nhàng như cánh bướm chập chờn trong nắng khiến đôi má ai ửng hồng...

- Quân có muốn lên thành phố học với Thy không? học ở huyện mình hoài sao mà khá lên được.

- Muốn thì muốn chứ nhưng mà Quân đâu có giỏi bằng Thy.

- Quân cứ nói vậy, không thử sao biết sức mình, Quân cứ cố gắng thôi, Thy kèm cho Quân nhé .

Nói rồi, cô nheo mắt cười. Quân cũng cười. Đôi bạn lặng lẽ đạp xe bên nhau trên con đường đê ngập nắng. Hai bên đường lúa bạt ngàn xanh ngút mắt khiến lòng người nâng nâng như đám mây mùa hạ. Làng quê nghèo nhưng làng quê yên bình đến lạ, thành phố xa hoa nhưng thành phố làm xáo trộn nỗi lòng. Có những tuổi thơ bình lặng lớn lên nơi miền quê ấy, nhưng rồi miền quê ấy chẳng đủ lớn để dung dưỡng những ước mơ khát vọng của những con người trẻ đầy hoài bão. Họ phải đi, phải xa nơi từng cho là không thể rời để đến với miền đất khác- miền đất hứa hẹn cho những ước mơ mộng tưởng. Thế nhưng đôi khi một nửa ước mơ đành nằm lại nơi khoảng trời quê...

- Vậy... Thy đi nhé! Quân ở nhà tiếp tục học, đừng bỏ ngang nghe.

- Ừ, Thy lên thành phố học cho giỏi, sau này...

- Sau này Thy sẽ về, về dạy học ở quê mình, và... về với Quân.

Cô cười, đôi mắt lấp lánh nắng đón lấy chùm hoa bằng lăng tím rịm Quân đưa. Chùm hoa tím miên man, tím cả nỗi buồn người đi kẻ ở, tím nhuộm cả không gian, tím cả lời hứa của hai con người vốn chưa từng xa cách. Như lời mặc định, họ đợi nhau, đợi mỗi mùa hè trở lại để được gặp lại nhau, cùng sẻ chia những câu chuyện nơi đất khách, cùng đạp xe rong ruổi trên những triền đê như ngày còn nhỏ. Mỗi mùa hè trở lại, mỗi người đều mang theo những khát vọng lớn hơn một chút, đều mang theo trong tim những tình cảm lớn hơn một chút và mang cả những nỗi nhớ nhiều hơn một chút theo về. Không mùa hè nào Thy không trở về thăm Quân, không mùa hè nào Quân không mong đó là mùa hè cuối cùng xa cách, dù Quân biết rõ Thy còn muốn học lên cao hơn nữa. Ước mơ của Thy là trở thành một giáo viên thật giỏi để có thể dạy chữ cho thật nhiều những người ở vùng quê nghèo như Thy, như Quân. Bởi thế, Quân không thể không ủng hộ Thy, không thể vì ích kỷ mà giữ Thy ở lại, dù cứ mỗi lần chiếc xe buýt chuyển bánh là tim Quân lại nhói lên vì nỗi nhớ chia xa.

...

Mỗi mùa hè em về, kéo theo cả những kí ức tuổi thơ theo về, nhưng khi em đi em kéo tất cả ra đi, cả quá khứ, hiện tại của tôi. Em không biết tôi đã phải đấu tranh nhiều thế nào để không nói hết với em tình cảm của mình, nhưng tôi biết là em hiểu. Em hiểu tôi thương em, tôi cũng hiểu em thương tôi, nhưng giữa chúng ta còn hai chữ "chờ đợi". Chúng ta đã hứa đợi nhau, đợi ngày em trở về thành một người giáo viên trang nghiêm trên bục giảng. Nhưng liệu khi ấy em có còn thương tôi như cái ngày em nói em sẽ trở về không?

...

- Mày có nghe gì không hả Quân? Mày không thấy con Thy nó khác hả Quân?

- Ý mày là sao?

- Mày không nghe người ta nói gì về nó à? Nó không còn là Thy của ngày trước đâu, mày thôi mơ mộng đi, nó ở trên đó cặp kè hết thằng này đến thằng khác, lên xuống xe hơi, tiêu tiền đã tay rồi còn về cái huyện nghèo này làm gì? Mày không thấy người ta học có 3 năm, mà hết 3 năm rồi nó còn chưa về đấy à?

- Mày nghe ai nói chuyện đó?

- Tụi con Trang, con Na đó, tụi nó học cùng trường với con Thy, còn lạ gì, mày không tin lên đó khắc biết, tao chẳng việc gì phải xạo mày.

Có những thứ không phải dao mà có thể khiến con người ta đau đớn hơn cả những nhát dao đó chính là lời nói. Khi nghe những lời đó, Quân nửa không muốn tin nửa lại chẳng thể không tin. Trong lòng Quân lúc này bắt đầu có những con sóng mơ hồ cứ lăn tăn chực đánh vỡ lòng tin thành từng mảnh. Phải, Quân có thấy Thy khác mỗi lần về. Thy xinh hơn, ăn mặc thời thượng hơn, nhưng lời nói ấy, ánh mắt ấy vẫn là Thy không thể nào thay đổi. Dù có trải qua bao nhiều lâu, Quân vẫn dám chắc rằng Thy trước mặt Quân vẫn là Thy của những năm về trước khi đưa tay đón chùm hoa bằng lăng từ tay Quân. Nhưng tại sao, tại sao mọi người lại bảo rằng Thy của Quân đã không còn là Thy nữa. Quân quyết tâm lên thành phố chỉ để chứng minh mọi người sai, nhưng rồi rốt cuộc, Quân đã ngã thật đau khi nhìn thấy Thy đang đi cùng một người đàn ông xa lạ. Họ trao đổi bằng thứ tiếng mà Quân nghe không hiểu, chắc là tiếng Anh. Vậy ra, Thy chê Quân không giỏi bằng người ta, không giàu bằng người ta nên Thy mới chẳng về.

- Thy thay đổi rồi.

- Sao Quân lại nói vậy?

- Thy có nghe mọi người nói gì về Thy chưa?

- Mọi người nói gì về Thy hả Quân?

- Mọi người nói...

- Quân tin hết những gì người ta nói về Thy sao Quân? Quân biết Thy bao lâu rồi, Thy cứ nghĩ Quân tin Thy nhưng thực ra không phải vậy, Quân vốn chưa bao giờ tin Thy, tin vào lời hứa của tụi mình. Nếu Quân đã không tin, Thy cũng chẳng cần phải giữ nó nữa, Thy sẽ chẳng về đâu, Quân quên Thy đi thì hơn.

Chuyến xe buýt ngày hôm đó là chuyến xe cuối cùng đem Thy trở về huyện nghèo, trở về cạnh Quân, trở về một lần và đi xa mãi mãi. Mình Quân ngồi đó trên triền đê vi vút gió, xung quanh lặng tờ, đen kịt, tối đen như chính những suy nghĩ trong Quân lúc này. Quân chẳng thể ngờ mọi thứ có thể thay đổi nhanh như một cái chớp mắt chẳng kịp để người ta nhận ra mình đã đổi thay đến mức nào. Ngay giây phút đó, Quân chấp nhận từ bỏ mọi kí ức về Thy, về hình ảnh cô bé Sún ngây thơ hiền lành thường bị Quân bắt nạt ngày nào. Nhưng ngay giây phút đó, Quân không thể ngờ sự từ bỏ kí ức ngày hôm đó lại kéo dài thêm những vết thương day dứt mãi sau này.

...

Tôi nhận được thư em đúng một tuần sau cái ngày em rời đi ấy. Một tuần dài như một thế kỉ khi tôi cứ tự dằn vặt chính mình bởi hình ảnh của em. Thế nhưng, khi cầm bức thư của em, tôi biết mình còn dằn vặt về em mãi cả đời. Có những chuyện chúng ta chẳng nên quá tin vào những gì đôi mắt mình nhìn thấy mà phải tin vào những gì chúng ta đáng phải tin. Một người cận kề bên tôi 18 năm trời nhưng tôi lại để người đó ra đi chỉ bằng 18 giây ngắn ngủi. Tôi vẫn nhớ như in từng câu từng chữ trong bức thư ấy của em "anh Quân ạ, em biết người ta nói gì em, nhưng em tin anh luôn tin em như những ngày còn nhỏ. Em tin vào người hiểu em nhất vẫn chỉ là anh. Người ta nói về em như thế nào không quan trọng, duy chỉ có anh nhìn em bằng con mắt như thế nào mới khiến em bận lòng. Ngày hôm đó anh nói em thay đổi, nhưng anh ơi, trước mặt anh em chưa bao giờ là một Thy khác cô bé Sún ngày nào ngồi cạnh anh trong lớp học. Trước mặt anh em chưa bao giờ là một Thy khác ngày nào đón chùm bằng lăng tím từ tay anh. Màu tím là sự thủy chung anh ạ, và em đã thủy chung với lời hứa ấy cho đến cái ngày em rời xa anh, rời xa phố huyện. Đến bây giờ, em vẫn trở thành cô giáo, vẫn dạy cho những đứa trẻ nghèo, chỉ là em không còn trở lại cạnh anh- người đã không chọn tin em. Người đàn ông anh gặp, là người nhận em làm gia sư tiếng Việt cho con trai họ, nếu anh không tin anh có thể liên lạc số điện thoại này. Mà có lẽ cũng chẳng còn quan trọng nữa phải không anh, vì anh đã chọn không tin vào lời hứa. Từ hôm nay, sẽ chẳng còn Quân, chẳng còn Thy, chẳng còn bằng lăng tím ngày nào...".

....

Vốn dĩ trong đời chẳng ai biết trước được chữ "ngờ", bởi thế đôi khi bản thân chúng ta đi lạc, lòng tin chúng ta đi lạc và cả tình cảm của chúng ta cũng lầm đường lạc lối. Chúng ta cũng chẳng biết được rằng bản thân mình đã quá tin vào sự thay đổi của thời gian khắc nghiệt mà quên mất rằng thời gian trôi qua khiến mọi thứ đổi thay, bản thân mỗi người cũng đổi thay, thế nhưng có những thứ dù trải qua bao nhiêu năm tháng thì chúng vẫn nằm nguyên chỗ cũ mà người ta gọi nó bằng hai chữ "chân tình".

Ngày đăng: 30/06/2018
Người đăng: Phương Duyên
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Gia vị người Thái Tây Bắc
Không thể có được
 

Trên thế giới này, không biết có bao nhiêu thứ không phải cứ nỗ lực là có thể đạt được, đôi khi càng nỗ lực lại càng chỉ có thể mở lớn mắt nhìn nó theo gió bay đi

Sa lạp - Bùi Lễ

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage