Nơi ấy có còn bình yên?
Nhu giận, giận lắm, từ lúc biết Tâm đành lòng dứt áo ra đi, không một lời từ biệt. Kỷ niệm của hai đứa đẹp biết dường nào. Ba má hai bên cũng thuận và có ý vun đắp, vậy mà...
(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời")
***
Đã hơn bảy giờ sáng trời vẫn âm u, sương mù dày đặc bao phủ vạn vật. Nhìn xa xa, Nhu chỉ thấy nhấp nhô những ngọn cây mờ mờ ảo ảo, không rõ nét đấy là cây gì. Bức tranh khi đậm khi nhạt như vừa được choàng thêm chiếc khăn voan mỏng tang màu trắng đục. Sương nhẹ hẫng, nhỏ li ti bay lửng lơ trong không trung rồi giăng mắc vào nhau thành những chuỗi ngọc lung linh đáp mơ màng lên mái tóc, bờ vai. Cái chớp mắt của Nhu giờ đây nằng nặng. Rùng mình, Nhu cảm thấy cái lạnh đang len lén quây lấy thân thể mình.
Nhu đi được nửa tiếng rồi ấy nhỉ, còn khoảng mươi phút nữa sẽ đến "chốn bình yên". Ngày học Đại học, đám bạn của Nhu đều gọi khu vườn nhà Tâm là "chốn bình yên". Bẵng đi hơn mười năm không quay lại đó, bây giờ chốn ấy có còn bình yên? Tự dưng Nhu sợ phải đối mặt với má Tâm. Biết an ủi thế nào đây hay mình đến lại khơi thương gợi nhớ, khiến người mẹ ấy càng đau khổ vì con. Lần khân mãi ngoài ngõ, Nhu đi tới đi lui ngắm "chốn bình yên" đang yên bình trong hơi thở miệt vườn. Trên chiếc lá khoai môn có nguyên một hạt nước to trắng tinh đang rung rinh chuyển động theo làn gió. Viên ngọc trời tinh khiết, đẹp một cách lạ kỳ. Đằng đông, mặt trời ửng hồng ló dạng, hình như bình minh khó khăn lắm mới vén được màng sương mờ... Nhu quả quyết, xăm xăm tiến vào sân.
Đánh tiếng hai ba lần cũng không thấy ai, Nhu lần ra bên hông nhà. Một tấm lưng còng quen thuộc đang lúi húi gỡ những sợi dây mùng tơi quấn quanh gốc cây mai già chỉ còn lác đác vài bông vàng ẩm ướt. Má Tâm hấp háy mãi vẫn chưa nhận ra vị khách nào viếng thăm mình nhưng vừa nghe tiếng "con chào má" thì mọi nếp nhăn trên trán giãn ra, "Nhu hả con, má mong bây quá đi", má Tâm lắp bắp rồi kéo Nhu lên nhà.
Nhu hối hận quá vì đến tận bây giờ mới đến thăm má Tâm. Nhu giận, giận lắm, từ lúc biết Tâm đành lòng dứt áo ra đi, không một lời từ biệt. Kỷ niệm của hai đứa đẹp biết dường nào. Ba má hai bên cũng thuận và có ý vun đắp, vậy mà sau đợt hướng dẫn sinh viên thực tập, Tâm dính chặt luôn vào cô dược sĩ con gái cưng của sếp. Nhà cô ấy giàu, hứa hẹn mở hiệu thuốc, Tâm là bác sĩ... đẹp thế còn gì...
Không lâu sau họ cưới nhau, mở hiệu thuốc trên phố nghe bảo khấm khá lắm chỉ có điều bà mẹ quê mùa thì không hợp người hợp cảnh, má Tâm lủi thủi một mình ở "chốn bình yên".
Má Tâm cầm mãi tay Nhu, bà hỏi đủ thứ chuyện từ công việc làm ăn, kinh tế gia đình đến ba mẹ, chồng con... Khi biết Nhu cũng đã yên bề gia thất, có một cô con gái 2 tuổi dễ thương bụ bẫm bà mới thở phào nhẹ nhõm. Bà nuối tiếc mãi vì không có duyên được làm người một nhà. Khi nhắc đến vợ chồng Tâm bà cứ thở dài thườn thượt. "Vợ nó đang cấn bầu đứa thứ hai, vậy mà chúng nó lục đục, sắp ra tòa li dị con à!". Nghe má Tâm nói, Nhu như có hàng ngàn hàng vạn con ong âm âm u u trong đầu.
Má Tâm có khách, một người hàng xóm sang xin nắm lá sả về xông. Hai bà già lại hàn huyên đủ thứ chuyện trong nhà ngoài phố. Nhu lang thang ra vườn, đi xuống mép suối, dựa lưng vào gốc sung già, hồi ức xưa chầm chậm quay về...
Lớp 12A2 có ba đôi thầm để ý nhau, đi đâu cũng quấn bện. Cả sáu đứa đều vào Đại học. Tuy học khác trường nhưng cuối tuần đều gặp nhau, giúp đỡ nhau từng li từng tí. Thời sinh viên lãng mạn, hẹn hò yêu đương nhiều kỷ niệm. Đứa nào cũng chắc như đinh đóng cột rằng ra trường cưới liền. Cả hai gia đình nhà Tâm nhà Nhu cùng ưng thuận. Đang chuẩn bị cho lễ ăn hỏi thì bà nội của Tâm mất, mọi chuyện đành hoãn. Hai đôi kia xuôi chèo mát mái, mỗi Nhu với Tâm vẫn chuyện nọ chuyện kia láng cháng. "Cưới về cạp đất mà ăn à", nghe Tâm nói thế, Nhu chỉ biết lặng lẽ khóc một mình. Khi Tâm tuyên bố lấy vợ, cô dâu không phải là Nhu, Nhu thấy đất dưới chân như đang sụp đổ. Bạn bè an ủi, động viên mãi, khổ nổi thấy các bạn Nhu lại nhớ Tâm da diết. Nhu đổ bệnh, tưởng không thể qua khỏi.... Mấy năm sau, nghe đứa em họ của Tâm, học sau Nhu một lớp bảo anh Tâm đi khám tiền hôn nhân chi đó và biết mình bị vô sinh nên tìm cách rút lui. Anh cưới vợ như ký một hợp đồng hôn nhân, giúp hợp thức hóa đứa bé trong bụng cô con gái rượu của ông giám đốc bệnh viện nơi anh làm việc. Vậy mà giờ đây vợ Tâm lại có bầu, lẽ nào....
Có tiếng còi xe ô tô bíp bíp ngoài đường, Nhu rướn người nhìn ra thì thấy Tâm đi cùng một bé trai đang hớn hở chạy vào ngõ. Nghe tiếng líu ríu chào nội của đứa bé, Nhu biết Tâm đưa con về chơi. Nhu chẳng muốn gặp Tâm nên ngồi thụp xuống gốc sung. Trong lòng Nhu chẳng còn chút yêu thương, cũng chẳng còn gì gọi là hờn là giận... Nhu không thể tả nổi cảm giác của mình lúc này là gì. Thương ư? Không! Dứt khoát là không. Ghét ư, có thể còn ghét thật. Sao Tâm không nói rõ sự tình của mình? Sao Tâm nỡ gạt hết tình cảm bao năm, bỏ rơi Nhu một cách tàn nhẫn như thế được. Nhu đau đến độ không thể nào đến dự tiệc cưới của hai người, gạt phăng khi nghe ai đó nhắc đến tên Tâm, quyết bỏ anh ra khỏi bộ nhớ vốn đa sầu đa cảm và yếu đuối của mình. Nhu lao vào học Cao học, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và giờ đây Nhu cũng có một tổ ấm nho nhỏ hạnh phúc. Nhu tự hào với hạnh phúc do vợ chồng mình vun đắp.
Đang miên man thì có tiếng bước chân lạo xạo đi tới, Nhu giật mình ngước lên. Tâm đây ư? Dáng gầy dong dỏng thuở nào, bộ đồ đắt tiền nhưng nhàu nhĩ, đồng hồ ngoại, nhẫn vàng sáng lóa trên tay... còn vẻ mặt thì rười ruợi buồn. Tâm nhìn Nhu, ánh nhìn như xa xăm như gần gụi. "Hãy tha lỗi cho anh Nhu nhé!". Tâm thì thầm như sợ cây sung nghe thấy, sợ chứng tích tình yêu của hai người nghe thấy... Trên cao tán lá sung vẫn rì rào, quét qua quét lại chỗ hai chữ "Tâm Nhu" lồng vào nhau.
Ngày ấy Tâm bảo: "Khắc vào đây nhờ cây sung làm chứng anh yêu chỉ một mình em thôi". Gió thổi càng mạnh, cành lá càng quét đung đưa như muốn xóa sạch vết tích một thời áo trắng! Khung trời vẫn bình yên như xưa nay vốn vậy nhưng Nhu biết trong Tâm không bình yên một chút nào!
Ngô Thị Ngọc Diệp