Hạnh phúc
Mỗi ngày, cô thấy mình đang sống, biết yêu và có ích trong cuộc đời này. Đấy là hạnh phúc?
***
Đỗ đại học. Minh lên thành phố. Từ một học sinh tỉnh lẻ ở huyện thị nghèo, cô trở thành sinh viên đại học thủ đô. Vào thời điểm Minh đi học, đỗ đại học cũng không còn quá xa lạ với người dân nơi đây. Trước cô, đã có những thế hệ học sinh thi đỗ và rời xa nơi này. Nhưng để đi đại học cũng không phải là đơn giản. Kết quả báo đỗ là công sức suốt mười hai năm học tập và rèn luyện của cô.
Giữa Hà Nội tấp nập, Minh thực sự cảm thấy choáng ngợp và lo lắng. Ngày đầu nhập học, tìm nơi ăn chốn ở, cuối cùng cô cũng có một chỗ ổn định trong kí túc xá. Tuy nhiên, giữa một tập thể toàn những người bạn mới quen đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, Minh thấy lạc lõng và cô đơn thực sự. Các buổi đến trường rồi trở về kí túc xá đều đều như đếm giờ, thêm cảm giác không có người thân bên cạnh khiến cô hơi sốc. Cuộc sống sinh viên mà cô đang đi không rực rỡ và sôi động như những gì cô đã đọc qua sách báo hay được nghe kể. Mỗi buổi tối, cô lại ngồi ngẫm nghĩ rất lâu dưới ghế đá hoặc đi đi lại lại trong khuôn viên kí túc để tìm được cảm giác cân bằng.
Đường từ kí túc xá đến trường phải qua một con phố nhỏ trước khi rẽ ra phố chính. Thường ngày đi học cô vẫn đi ở phần đường dành cho người đi bộ, đi xe đạp và xe buýt phía trong. Hôm nay, muốn quen với việc đi lại ở phố, lúc đi học về, cô đi ra đường chính. Phố vun vút người qua lại. Ai cũng hối hả với công việc của mình. Nhiều lúc Minh giật mình và thấy hoảng sợ trước những dòng xe đi lại trên phố. Đến lối rẽ về kí túc xá, Minh đạp xe chậm lại. Đang cố gắng để sang đường. Chợt Minh ngã xõng xoài. Chiếc xe máy đi cùng chiều đã va vào đằng sau xe đạp. Phố đông người không ai dừng lại. Người lái chiếc xe máy đâm phải cô cũng đã đi qua. Minh lồm cồm nằm giữa đường, vừa sợ vừa hoảng. Cô ngẩng lên nhìn xung quanh và bỗng gặp ánh mắt của một chàng trai cũng đi xe đạp đang ở gần đấy.
- Bạn có sao không?
Một giọng nói trầm trầm vang lên. Minh lúng túng thật sự. Cô vừa hàm ơn vừa xấu hổ, vừa tủi thân. Anh đỡ cô dậy và dắt chiếc xe đạp đã bị hư hỏng nặng của cô vào lề đường.
Người cô lấm lem bụi. Không bị thương chỉ xây xước qua loa.
- Cũng may đấy. Bạn ở gần đây không? Giọng trầm trầm lại cất lên.
Anh vừa nói vừa khẽ cười động viên, an ủi. Trên đường đưa cô trở về kí túc xá. Họ biết về hoàn cảnh của nhau. Anh tên là Nghĩa. Cũng vừa đỗ đại học năm nay. Trường anh cách trường cô học bằng khoảng cách đi hai tuyến xe buýt. Anh có dáng người tầm thước. Chất giọng miền Nam trung bộ đầy tình cảm của anh dấy lên trong cô tình cảm quý mến.
Cuối tuần. Minh dậy muộn. Mở toang cửa sổ, ánh nắng khẽ lọt qua các chấn song phả vào mặt cô. Nhìn xuống khuôn viên kí túc xá, vắng hoe, những chiếc lá xà cừ rơi đầy trên lối đi. Giờ này, phòng cô mười hai người, đứa thì đã đi chơi, đứa thì đã về quê. Thập thò vài người đến thăm bạn ở phía dưới cổng kí túc. Bỗng tiếng loa gọi của cô trực điện thoại từ sân kí túc xá vang lên khắp dãy nhà bốn tầng:
- Minh Thanh Hóa, phòng 405B có người gọi!
Minh vội vàng chạy xuống. Tiếng đầu máy bên kia giọng nói quen thuộc:
- Chào bạn, bạn còn nhớ mình không?
Cô ngập ngừng:
- Dạ, ai đấy ạ?
- Nghĩa đây.
- Vâng, anh Nghĩa.
...
Nghĩa xuống thăm Minh vào cuối tuần đấy. Họ hẹn nhau ở quán nước ngay lối vào kí túc. Minh diện chiếc quần Jean cùng chiếc áo thun màu vàng nhạt. Bộ quần áo thị thành nhất mà cô đã mua ở chợ huyện trước khi ra Hà Nội học. Quán nhỏ nằm yên bình trên con phố hẹp. Lá bàng khẽ đung đưa trước gió. Người, xe cộ và không gian phố thị đầy ứ. Họ gọi cho mình mỗi người một cốc sinh tố. Lâu rồi Minh mới lại nói cười tự nhiên đến thế. Càng tiếp xúc với Nghĩa, cô càng mến tính cách của anh. Anh dễ gần và lịch sự. Ở anh vừa có sự chân phương vừa hóm hỉnh. Quê anh ở tận Nam trung bộ, nhưng vì yêu thích ngành thiết kế mỹ thuật nên anh quyết tâm ra Hà Nội học. Gia đình anh không giầu có nhưng vẫn đủ điều kiện lo cho Nghĩa ăn học. Từ đó, các ngày nghỉ cuối tuần, anh thường đến thăm cô. Tình yêu đến và kéo dài suốt những năm tháng sinh viên sau này.
Họ đã có những buổi đi bộ từ Thanh Xuân lên tận Bờ Hồ. Dịp trường cô hoặc trường anh tổ chức văn nghệ, ca nhạc, cắm trại..., họ đều bên nhau. Lần Hà Nội hân hoan trong không khí bóng đá ngày sân vận động Mỹ Đình mới thành lập, cả hai đã thật rạng ngời giữa đêm bóng đá.
Cô không còn ở kí túc nữa. Bữa cơm sinh viên tại phòng trọ tự nấu không chỉ giúp cô cảm thấy ấm áp hơn mà còn khiến anh đi qua cái cảm giác trống vắng của người xa gia đình, xa quê hương. Ngày cô đi thực tập, chính anh là người đưa đón cô hàng ngày. Bởi vì, nơi cô thực tập cách trường anh học không xa. Cô đợi anh trước cổng trường mỗi chiều. Dòng tin nhắn. Cái dảng mảnh khảnh của anh. Họ đi vòng vèo qua các con phố. Phố đông đúc và tấp nập. Cái nóng cuối ngày cùng mùi thức ăn lan tỏa trong không khí. Phố đã chật chội lại càng trở nên nhọc nhằn hơn lúc chiều về.
Ngày sắp ra trường. Họ như hai cái cây dựa vào nhau trong cơn bão. Cô bảo vệ khóa luận, nhận bằng và xin một chân bán hàng tại cửa hàng điện máy. Anh thì cơ hội tốt hơn. Ngay khi tốt nghiệp, được nhận vào một công ty thiết kế. Công việc trái ngành học khiến cô không thể thích nghi được. Hoang mang và trống trải. Cô giấu đi nỗi lo lắng. Công việc của anh không quá suôn sẻ, nhưng phù hợp chuyên môn. Vả lại đây là sở thích của anh, cộng thêm vào thời điểm đó, ngành mỹ thuật đang rất có giá. Nghĩa động viên và trở nên mạnh mẽ hơn để cô có thể dựa vào. Anh như muốn cố dang đôi cánh thật rộng để có thể che chở cho cô. Song đôi cánh của anh cũng như con chim non đang chao liệng đi giữa phố phường.
Minh nhận quyết định về tỉnh làm tại ủy ban nhân dân một huyện miền núi. Huyện vùng xa đang được đầu tư phát triển của trung ương và địa phương. Nhiều nhà máy, công sở, siêu thị, khu đô thị... đang trong quá trình xây dựng dở dang. Cơ quan cô làm việc nằm ngay giữa lòng phố huyện, xa xa là cánh đồng mênh mông. Thị trấn trong cơ chế mở, lúc nhúc nhà ngang, nhà dọc. Phố huyện nhỏ bé với vài ba quán cà phê khiêm tốn, vài quầy tạp hóa, hàng sữa chua lẻ và hoạt động giải trí sa xỉ nhất ở đây là đi hát Karaoke. Cô như tìm được chỗ dựa nhưng cũng bàng hoàng thực sự. Mấy năm ở giữa thủ đô hào nhoáng, cảm giác đô thị đã ngấm vào lúc nào. Trở về vùng huyện với những gì vừa quen thuộc lại vừa lạ lẫm, cô lại như bước vào một thế giới khác. Ngoài những buổi đi làm ở công sở, những lần cùng đồng nghiệp đi liên hoan và làm quen, toàn bộ thời gian còn lại cô đi qua những con đường huyện ngắm nhìn các công trình đang thi công của nhà máy, khu đô thị, lắng nghe nhịp thở đều đều tại các cơ quan hành chính, cái ồn ào, nhao nhác của khu chợ và hòa vào buổi tối phủ trùm lên thị trấn để tìm cảm giác gần gũi nhất và cũng không để mất đi cái háo hức của người vừa mang không khí mới mẻ của tri thức về mảnh đất xa xôi này.
Huyện nhỏ, đi từ đầu tới cuối chỉ trong vài giờ. Loanh quanh ở thị trấn vài ngày là đã biết mặt nhau. Cô mất đi cảm giác được bay tự do giữa biển lớn như ở thủ đô. Và cô không còn có anh bên cạnh. Không còn những đêm phố thị tràn ánh sáng điện, không còn những buổi ngồi bên nhau trong các quán hàng, không còn những ngày đưa nhau đi giữa phố như nêm và đường thì tựa như những đường thẳng đi mãi không dứt, không còn những bữa cơm mà ai cũng muốn dành thêm phần hơi ấm cho người kia... Cô về trong một căn nhà nhỏ chật hẹp hơn rất nhiều. Cô bắt nhịp với mọi thứ từ ban đầu. Vắng anh, đã rất lâu rồi, giờ cô phải tự bước đi một mình.
Quen với công việc. Minh hòa nhập dần với cuộc sống hiện tại. Thị trấn huyện qua dăm bảy năm đã thay đổi hoàn toàn. Các cơ quan công sở khoác màu áo mới. Ngày cô về, siêu thị mới đang nằm trong dự án, nay, tấp nập hàng hóa và người mua kẻ bán. Nhà cửa san sát và cửa hàng buôn bán sầm uất. Nhưng xa xa là cánh đồng thì vẫn còn đấy như ngày cô gặp gỡ nó lần đầu tiên.
Cô đã chọn đây là bến đỗ. Kỉ niệm hiện lên, trôi đi và tan biến dần chỉ còn là làn sương mỏng. Mỗi ngày, cô thấy mình đang sống, biết yêu và có ích trong cuộc đời này. Đấy là hạnh phúc?