Gửi bài:

Mái tóc

Anh nhìn kỹ bức tranh mới: bên bình hoa cúc lẻ loi, mờ ảo, mái tóc dài mới cắt, dưới ánh nắng hạ từ ngoài sân bay, xuyên qua cửa kính của phòng đợi, trở nên đen nhánh, lóng lánh và mời mọc.

***

Có hai con sông hiền, hòa chung nhịp sóng cạnh trung tâm thành phố L. ở phía nam nước Pháp. Một thành phố vừa đủ lớn cho sự phát triển cần thiết, nhưng cuộc sống lại không quá xô bồ để có thể đè ếm sức sáng tạo nên thơ, hay cái vẻ nhiều sắc nhiều dạng của con người. Trên dải đất rộng thênh thang của thung lũng, một dãy dồi nghiêng bóng bên phía tây của thị trấn, che chở và ngăn cản mưa to, gió lớn lồng lộng phiêu dạt theo chiều tây - đông từ Đại Tây Dương thổi sang.

Trong số người Việt sinh sống trong thành phố L., cứ mỗi dịp xuân về người ta lại để ý tới một người đàn ông, gần đứng tuổi, mảnh khảnh, trong những bộ đồ tao nhã thường hay lên góp vui một bài hát, một bài thơ man mác tình quê Việt xa xôi. Anh ta tên Văn, giọng nói trong và từ tốn. Có lẽ khó tìm được người ngâm thơ hay hát nhạc dân tộc làm người nghe rung động hơn anh. Cách diễn đạt cùa anh gần như đạt được đỉnh cao của núi, tiếng ngâm róc rách, trong trẻo như suối chảy, giọng ca dạt dào, chan hoà như biển cả. Lời và nhạc được chọn thật đậm tình quê hương: nắng đầy, sương mỏng, gió hiu hiu hay rừng xào xạc. Có lẽ đi xa mới thấy thấm tình quê hương, có vắng mới nghe rung động từng nhịp thở của đất nước.

Cuộc mở rộng cửa với nước ngoài đã khuyến khích những trao đổi văn hóa và nghệ thuật giữa quê hương anh và thành phố L... Vào cuối mùa xuân năm ấy, lòng trời xanh lợt trên thành phố chỉ có một vài gợn mây trắng bay êm ả. Lúc ấy, là lúc cộng đồng người Việt tại thành phố tổ chức một tuần lễ triển lãm văn hóa với sự hợp tác của nhóm nghệ sĩ xuất sắc từ trong nước sang.

Trong sức sống tưng bừng của tuần lễ ấy, có cô họa sĩ trẻ, tên Trang, nổi tiếng trong nước, trưng bày những tác phẩm của cô ở một phòng triển lãm rộng, thanh nhã ở quận 6 của thành phố. Lúc gặp Trang, người ta để ý ngay đến mái tóc thật dài, mộng mơ và mượt mà của cô. Nét mặt cô đoan trang trên sự mịn màng của làn da. Đôi mắt long lanh với cách nhìn trìu mến phảng phất một sự mơ mộng hay chờ đợi.

Ngoài tài vẽ xuất sắc, trong những phút đơn lẻ, vắng lặng của cuộc sống, Trang thường ngồi nắn nót những tiếng đàn tranh, lúc trong sáng, thánh thót, khi nồng nàn hay sôi nổi. Dường như trời cao muốn tạo một người nghệ sĩ toàn hảo. Nhưng Trang đã đếm từng hai mươi lăm mùa thu qua, mà vẫn còn chiếc bóng. Nhiều người tự hỏi, có lẽ cô có quá nhiều tài nên chưa chọn được người tri âm để chia sẻ những lúc trắc trở hay mặn nồng của cuộc sống.

Tối hôm đó, đề tạo một gạch nối giữa ngành vẽ và thơ văn, một buổi ngâm thơ và ca nhạc dân tộc được tổ chức tại phòng triển lãm tranh cùa Trang. Lúc mới vào phòng, Văn để ý ngay một bức tranh dầu; bên cạnh tựa đề "Cô gái chải tóc bên khung cửa", với một cái nhãn giấy thứ tự số L.010. Trong tranh, người mẫu nhìn ra ngoài cảnh trí với làn sương mỏng manh. Với mái tóc mơ dài chấm gối, cô thiếu nữ mặc chiếc áo gấm đỏ tươi trên cái quần lụa màu trắng bạch. Nét chấm phá của họa sĩ êm đềm trên đôi mắt, cách nhìn và dáng diệu của người mẫu, nhưng mãnh liệt trên y phục và đường lượn của thân thể.

Văn chợt nhớ ra đây là bức tranh nổi tiếng và vô giá mà họa sĩ Trang thường từ chối, không muốn bán trong những dịp triển lãm mà cô thường xuyên tham dự. Có lần một người yêu tranh quá xúc cảm trước bức họa này và đã đề nghị một giá ngoài sức tưởng tượng của giới mộ điệu, nhưng cô họa sĩ trẻ vẫn không muốn rời xa bức tuyệt tác ấy. Có người đồn rằng bức tranh ấy đã được mặc cả cho đến mấy chục ngàn đôla.

Cái duyên hôm ấy là sự gặp gỡ của hai người tri âm. Biết tài đàn cùa Trang, Văn cùng đề nghị cùng xướng họa những bài thơ bất hủ, những bài ca dân tộc.

Trong không khí lắng đọng của một đêm sắp vào hè, tiếng nhạc mặn nồng quấn quýt với tiếng ngâm dạt dào sôi nổi. Đến lúc cao điểm của nghệ thuật, bỗng dưng tiếng đàn càng thanh thoát, tao nhã và tiếng ca lại thêm đằm thắm, đưa người thưởng thức đi về thực tế với những nỗi bâng khuâng nhớ tiếc.

Ngoài trời, ánh sao lấp lánh, tung nhảy trong lúc gió thổi nhẹ mơn man, đưa đẩy quyến luyến qua cành cây, cọng lá. Sau buổi trình diễn đêm ấy, mọi người đều tấm tắc thán phục cặp rồng phượng hiếm có. Sau đêm biểu diển, mến tài sắc của Trang nên Văn thường đi lại trò chuyện tương đắc với cô.

Hai người thường trao đổi những nhận xét về nghệ thuật, và riêng Văn, anh còn cảm nhận thêm một chiều sâu mới, cách tô màu khi linh động nhịp nhàng, khi sôi nổi gợi cảm, bên cạnh cái tĩnh sâu xa và sang trọng của dáng người mẫu ngồi chải tóc bên khung cửa. Sau sự khám phá ấy, anh càng rung động hơn trước bức tranh - Cô gái chải tóc bên khung cửa - và cảm thấy qyến luyến một cách kỳ lạ với người trong tranh. Có nhiều lúc anh tự hỏi, anh đang say đắm nét liêu trai của làn tóc người mẫu, hay sững sờ trước sự sống động mãnh liệt của màu tô trên tranh?

Ngày cuối cùng của buổi triển lãm, Văn đến thăm Trang. Để đánh dấu cái duyên gặp gỡ chóng qua, anh tặng cô ca sĩ một cây trâm xinh xinh màu bạc, và anh có ý định mua bức tranh mà mỗi chiều sau lúc tan sở, anh đều ghé qua phòng triển lãm nhìn ngắm say mê.

Biết rằng bức tranh vô giá, sau những lúc ngập ngừng, bối rối, Văn thu hết can đảm đề nghị được mua. Trang trả lời:

- Nhiều người đã hỏi mua bức tranh này, nhưng em quyết định chỉ tặng nó cho người tri âm.

Anh thất vọng, nhưng cũng nhanh trí hỏi đùa:

- Vậy anh có phải là người đó không?

Trang mỉm cười, im lặng một lát rồi đáp:

- Lúc về Việt Nam, em sẽ vẽ tặng anh một bức tranh mới. Ý anh thích về chủ đề gì?

Văn trả lời:

- Anh chắc người nghệ sĩ không thích bị gò bó nên anh thiết nghĩ Trang cứ vẽ về đề tài gì mà em thích nhất.

Ba tháng sau, anh nhận được thư của cô họa sĩ. Trong thư cô cho biết đã vẽ xong bức tranh mà anh mong muốn, nhưng bảo rằng bức tranh ấy đã trở thành một tuyệt phẩm thứ hai, đang được trưng bày tại hội mỹ thuật thành phố. Cô ngỏ lời anh qua xem và nhận bức tranh ấy. 
Văn thu xếp ngay mọi việc, lấy ngay vé máy bay về thành phố, và đi đến xưởng vẽ của cô họa sĩ. Anh gõ cửa. Trang ra đón anh với vẻ mặt hân hoan, tươi tắn. Mái tóc của cô không ngờ lại được cắt ngắn, gọn ghẽ. Văn cảm nhận một thay đổi mới làm tan biến nét liêu trai, mơ mộng của Trang.

Sau những câu chào hỏi thông thường, Trang đưa anh một cái biên nhận và nói:

- Cuộc triển lãm tại hội mỹ thuật sẽ kéo dài đến cuối tháng, và tuần sau em phải ra Hà nội để tham dự một triển lãm mới. Vì vậy trước khi về Pháp, anh ra hội mỹ thuật đưa cái biên nhận này rồi nhận bức tranh mà em đã vẽ tặng cho anh.

Sau câu ấy, Văn nhận thấy trên mắt cô ta một nét gì bí ẩn, sâu xa. Anh giã từ rồi nôn nao đón xe ra hội mỹ thuật.

Thật dễ dàng, Văn nhận ra ngay bức tranh mà Trang đã vẽ cho anh: cũng cùng bối cảnh với bức tranh "Cô gái chải tóc bên khung cửa". Một bàn trang điểm đơn sơ bằng gỗ bên cạnh khung cửa sổ, nhìn ra cảnh vật hiền hòa trong vườn cây xanh.

Riêng bố cục của bức tranh lại vắng bóng người mẫu ngồi chải tóc, vì vậy tác phẩm trở nên lặng lẽ, thiếu sót lạ thường. Trái lại, một vài chi tiết mới được thêm vào trên chiếc bàn gỗ: những lọn tóc dài mới cắt bên cạnh chiếc trâm lẻ loi. Anh nhận ra món quà anh đã tặng Trang, lòng cảm thấy vui vui vì được biết cô họa sĩ trọng món quà ấy.

Trước ngày về, Văn ghé qua hội mỹ thuật để nhận bức tranh. Sau ba tuần bận rộn viếng thăm gia đình và đất nước, anh ra phi trường lên đường trở về nước Pháp với nỗi lòng lưu luyến, bâng quơ.

Sau khi từ giã người thân đi tiễn, anh bước ra khu kiểm soát giấy tờ và hành lý. Anh sắp hàng chờ đợi. Đến lượt anh, người nhân viên nói với anh:

- Xin anh để cả xách tay trên bàn máy quang tuyến X để kiểm soát.

Anh lần lượt đặt xách tay lên thảm nhựa màu xanh lợt, chạy chầm chậm, lòn qua máy chụp. Dưới nách trái, anh vẫn còn cặp túi ni-lông bọc bức tranh kỷ niệm, bước thong thả qua bộ máy chụp hình tia X. Chợt anh nhân viên nhắc :

- Mời anh cho kiểm soát cái gói đó luôn.

Văn ngạc nhiên trả lời :

- Đây chỉ là một bức tranh, một món quà mà một người bạn đã tặng, thưa anh!

Anh nhân viên đáp lại :

- Đồ vật nào cũng phải qua máy để tiện việc kiểm soát, anh ạ!

Văn hơi bực tức, nhưng cũng nghe lời, đặt nhẹ bức tranh lên thảm nhựa. Cùng trong lúc đó, anh tò mò nhìn trên màn ảnh kiểm soát cạnh anh nhân viên hải quan. Bóng hai xách tay của anh trôi lần lượt qua màn ảnh trắng xám trước bức tranh dầu lớn hình chữ nhật.

Từng chi tiết của tác phẩm hiện rõ. Dường như anh nhận ra một dáng người con gái đang ngồi chải tóc bên khung cửa. Anh ngỡ ngàng tưởng mình đang mơ, nên hình ảnh bức tranh tuyệt tác từ vô thức in chồng lẫn lộn trên bức tranh mà Trang mới vẽ tặng anh. Anh chỉ vào màn ảnh, bật lời nói với anh nhân viên:

- Anh ơi, anh có thể cho dừng ảnh tuyến được không ạ?

Người nhân viên nhơ ngác, tò mò nhìn anh, tự hỏi Văn đang muốn gì. Văn nhắc lại :

- Anh trở băng cho tôi coi lại hình bức tranh của tôi được không?

Anh nhân viên cằn nhằn nhưng rồi bấm nút làm ngưng tấm thảm nhựa.

Trên màn ảnh, hiện rõ bức tranh tuyệt tác "Cô gái chải tóc bên khung cửa". Nhưng trên bàn trang điểm bên cạnh bình hoa cúc, lại có thêm cái bóng của mái tóc nằm bên cạnh một dáng mờ của cây trâm.

Văn cảm ơn, cầm lên cái bao nhựa đựng bức tranh. Trong trạng thái bàng hoàng, anh kéo bức tranh ra khỏi bao, ngắm nghía. Dưới mắt Văn, cũng cùng một bối cảnh thân thuộc, nhưng bóng cô gái chải tóc lại không thấy đâu. Trên bàn trang điểm, cạnh bình hoa cúc trắng tươi, vẫn là hai kỷ vật thân yêu nhất của cô họa sĩ.

Anh thẫn thờ, xem xét mặt phải, mặt trái của bức tranh. Nằm trong một góc, một cái nhãn giấy quen thuộc với số thứ tự L.010, số ấy là số thứ tự của bức tranh tuyệt tác mà Trang đã triển lãm ở thành phố L. trong tuần lễ về văn hóa tổ chức vào mùa xuân vừa qua.

Tim Văn nhói lên như vừa có ai bóp mạnh. Anh chợt hiểu bức tranh mà Trang đã tặng anh là một tác phẩm mới đã được vẽ chồng lên bức tuyệt tác.

Bức tranh ấy, Trang có nói chỉ tặng cho người tri âm, tri kỷ.

Anh nhìn kỹ bức tranh mới, bên bình hoa cúc lẻ loi, mờ ảo, mái tóc dài mới cắt, dưới ánh nắng hạ từ ngoài sân bay, xuyên qua cửa kính của phòng đợi, trở nên đen nhánh, lóng lánh và mời mọc.

Mái tóc ấy, không gì khác hơn, là mái tóc tặng anh.

 Lyon - 1994

Bùi Đại Nghĩa

Ngày đăng: 30/09/2012
Người đăng: Quản Phương Thanh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
Thất Dạ Tuyết
 

Gã thật hy vọng mình vẫn là chàng thiếu niên hào hoa mạnh mẽ của tám năm trước, cố chấp và không quan tâm tới tất cả; gã cũng từng tin rằng cả đời mình sẽ giữ mãi tình yêu cuồng nhiệt mà vô vọng ấy…

nhưng, tất cả mọi thứ, rốt cuộc vẫn dần nhạt nhòa đi với thời gian. Lạ một điều là, gã không hề cảm thấy khó chịu trước sự tan dần của tình cảm này, cũng không áy náy vì mình đã bỏ cuộc.

Thì ra, cho dù là tình cảm sâu sắc nhất trong đời, chung quy cũng không chống lại nổi thời gian.

Thất Da Tuyết - Thương Nguyệt

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage